Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-04-2018
- Thứ Tư, 11 tháng Tư năm 2018 18:28
- Tác Giả: Anh Vũ
Kim Jong Un chuẩn bị ngoại giao trước cuộc đọ sức với Donald Trump
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫy tay chào khi tàu rời nhà ga Trung Quốc Đan Đông (Dandong). Ảnh do KRT công bố ngày 29/03/2018
KRT/via REUTERS
Phương Tây trước thách thức tấn công quân sự trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đề cập đến chiến lược ngoại giao với kẻ thù, Facebook khủng hoảng ngày thêm nghiêm trọng.
Đó là những sự kiện quốc tế chính được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm.
Trước hết xin được đến với hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Một tháng sau khi bất ngờ đưa lời mời gặp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump, hôm qua (10/04), « lãnh đạo tối cao » Bắc Triều Tiên lần đầu tiên trong một cuộc họp Đảng công khai đề cập đến « viễn cảnh đối thoại » với Washington, kẻ thù không đội trời chung với Bình Nhưỡng từ hơn nửa thế kỷ qua.
Sự kiện được nhật báo Le Figaro đề cập qua bài viết : « Kim thắt chặt các liên minh quốc tế trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump ».
Tờ báo ghi nhận lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang liên tục tìm kiếm chỗ dựa ngoại giao trước cuộc đọ sức với tổng thống Mỹ.
Việc Kim Jong Un công khai nói đến chiến lược xích lại gần kẻ thù là dấu hiệu khẳng định cuộc gặp lịch sử này đang được chuẩn bị.
Hôm thứ Hai, ông Trump đã khẳng định dự tính gặp Kim trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Theo Nhà Trắng thì Bình Nhưỡng đã trực tiếp tỏ cho Hoa Kỳ thấy quyết tâm đặt hồ sơ hạt nhân lên bàn đàm phán.
Le Figaro trích dẫn bà Sue Mi Terry, chuyên gia thuộc Center For Strategic & International Studies - CSIS, từng là cựu nhân viên CIA cho biết :
« đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan tình báo » hai bên. Kênh liên lạc bí mật này đã được Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA vừa được bổ nhiệm ngoại trưởng Mỹ, khởi xướng và chủ yếu để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tới.
Một nhà ngoại giao Mỹ tháng trước đã có các cuộc trao đổi với các quan chức Bình Nhưỡng tại Phần Lan còn khẳng định với le Figaro rằng lần này thì « Bắc Triều Tiên rất nghiêm túc xem xét sự việc ».
Hội nhập quốc tế trong tư thế cường quốc hạt nhân
Nhật báo Pháp nhắc lại là sau khi có hồi âm nhanh chóng nhận lời của tổng thống Mỹ, Kim cũng đã không chậm trễ tạo vị thế ngoại giao.
Theo chuyên gia chính trị Abraham Denmark thuộc trung tâm Wilson Centre, « Kim có sáng kiến. Ông ta mở ra một giai đoạn mới trong thời kỳ trị vì của mình nhằm tái hòa nhập Bắc Triều Tiên với quốc tế, nhưng trong tư thế là cường quốc hạt nhân ».
Để chuẩn bị cho cuộc gặp Kim-Trump, những ngày qua, Bình Nhưỡng liên tục có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với nhiều nước, cử ngoại trưởng tới Nga, còn với Trung Quốc Kim Jong Un trực tiếp tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình.
Le Figaro nhận định, cuộc phản công ngoại giao nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn trước khi lên « võ đài » đấu với Trump, người vẫn luôn đe dọa dùng giải pháp quân sự trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại.
Việc bổ nhiệm nhân vật có tiếng là diều hâu John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia sẽ co hẹp phạm vi hành động của các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên.
Bởi vì theo Le Figaro, chính nhân vật này dưới thời tổng thống Bush đã làm cho quan hệ với Bình Nhưỡng trở nên tồi tệ hơn khi đặt Bắc Triều Tiên vào « trục tội ác » để rồi Bình Nhưỡng đáp lại bằng đẩy mạnh chạy đua vũ khí hạt nhân.
Thậm chí ở Mỹ, có ý kiến ví von rằng « kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên hiện nay là con đẻ của Bolton ».
Đàm phán nhưng không từ bỏ bom hạt nhân
Có một điều mà các chuyên gia khẳng định, dù sẵn sàng đàm phán nhưng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ bom hạt nhân.
Từ thời Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vẫn gắn vấn đề ngừng chương trình hạt nhân với một hiệp ước hòa bình ký với Washington, một sự bảo đảm cho chế độ tồn tại.
Theo Le Figaro, Bắc Triều Tiên đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thương đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh.
Mặc dù khu phi quân sự hai miền Triều Tiên DMZ có thể là địa điểm mang tính biểu tượng cao, nhưng Washington dường như lại thích chọn một nước thứ 3 để khỏi mang tiếng lệ thuộc vào người « môi giới » Hàn Quốc.
Tờ báo cho biết, Thụy Điển, Thụy Sĩ đã sẵn sàng cho mượn địa điểm. Tuy nhiên, một vị trí gần với bán đảo Triều Tiên chẳng hạn như Oulan Bator của Mông Cổ hay Vladivostok (Nga) có thể tiện hơn cho việc di chuyển bằng xe lửa của Kim Jong Un.
Biết đâu ông Trump, một người vốn tính khí khó lường lại một lần nữa làm sai lệch mọi dự đoán khi chấp nhận đến Bình Nhưỡng thì sao ?
Mỹ-Trung : Tranh chấp thương mại triền miên
Một chủ đề khác liên quan đến châu Á được nhật báo kinh tế Les Echos chú ý. Đó là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tờ báo ghi nhận : « Đối mặt với Donald Trump, Tập Cận Bình chơi bài mở cửa nhưng hạn chế nhượng bộ ».
Trong bối cảnh những đe dọa trả đũa nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong làm ăn kinh tế tiếp tục leo thang, tại diễn đàn kinh tế Bát Ngao Trung Quốc ngày hôm qua, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài diễn văn dài nhằm đáp lại chủ trương bảo hộ mậu dịch của người đồng nhiệm Mỹ.
Ông Tập hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên ông không tuyên bố một biện pháp cụ thể nào.
Vẫn liên quan đến thương mại Mỹ -Trung, Les Echos có bài viết nhắc lại 16 năm tranh chấp thương mại Mỹ- Trung ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (OMC).
Tờ báo cho biết, từ khi Trung Quốc gia nhập OMC năm 2001, Mỹ và Trung Quốc đã kiện nhau ra tổ chức này 38 vụ.
Gần nhất là ngày hôm qua (10/03/2018) Trung Quốc lại chính thức kiện Mỹ về vụ áp mức thuế với mặt hàng nhôm 10% và thép 25% nhập vào Mỹ.
Theo tờ báo thì hầu hết các vụ kiện trên đều không được giải quyết thỏa đáng và các tranh chấp thương mại giữa hai bên vẫn như những đợt sóng ngầm, có điều kiện lại nổi lên.
Tấn công Syria : Phương Tây tiến thoái lưỡng nan
Trở lại với sự kiện quốc tế nóng nhất của báo chí Pháp : Phương Tây lại bị đặt trước tình thế thách thức nan giải tấn công trừng phạt Syria vì những cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Douma, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy hôm 07/04 vừa qua.
Pháp và Mỹ đã hứa đáp trả cứng rắn vụ tấn công hóa học được cho là do quân đội của Assad tiến hành.
Nhật báo Le Monde chạy tựa xã luận : « Syria : Đòn đáp trả tất yếu của phương Tây ».
Theo Le Monde thì đây là lần thứ 2 cộng đồng quốc tế lại đối mặt với thách thức chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại chính dân mình.
Xã luận Le Monde tỏ phẫn nộ : « Trừng phạt thế nào với những thủ phạm của hành động mà theo luật pháp quốc tế gọi là tội ác chiến tranh ? »
Lần trước cách đây gần 5 năm, chế độ Damas cũng đã vượt qua « làn ranh đỏ » dùng vũ khí hóa học làm hàng trăm thường dân Syria thiệt mạng.
Nhưng lần đó kế hoạch tấn công quân sự đã bị chính quyền Obama bỏ rơi sát giờ khai hỏa, ngày 31/08/2013, khiến Pháp chưng hửng đành phải thu quân.
Lần này, sau vụ thảm sát ở Douma, tổng thống Donald Trump và Emmanuel Macron trong hai ngày đã gọi nhau hai lần và đồng thuận là nhất thiết phải « có phản ứng cứng rắn của cộng đồng quốc tế ».
Theo Le Monde : « Như vậy, một sự đáp trả là tất yếu …..
Vấn đề không còn là có phải đáp trả hay không ? mà là đáp trả thế nào ? ».
Xã luận bài báo phân tích, « trên bình diện ngoại giao, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga, người bảo vệ Bachar al-Assad đồng thời là ông chủ của bầu trời Syria phủ quyết mọi ý định trừng phạt Damas.
Một khi con đường ngoại giao đã bị đóng, Pháp và Mỹ sẽ phải hành động theo ý riêng của mình, có thể với sự hỗ trợ của Anh ».
Xã luận Le Monde kêu gọi : « Mỹ và Pháp cần phải nghĩ xa hơn, không hấp tấp, càng có nhiều đồng minh càng tốt, không coi thường hệ lụy của chiến dịch trong một môi trường dễ bùng nổ bởi sự có mặt của các tác nhân như Nga, Iran và Israel cũng như là Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiếm khi nào Trung Đông lại ở trong tình thế nguy hiểm như thế này ».
Facebok chưa hết lao đao vì vụ rò rỉ thông tin cá nhân
Thời sự thế giới được Libération quan tâm nhiều là vụ Facebook đang đối mặt với một khủng hoảng lớn để rò rỉ thông tin cá nhân người sử dụng mạng xã hội.
Người sáng lập mạng xã hội này hôm qua phải ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ, liên quan đến vụ Facebook để công ty Cambridge Analytica khai thác bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội.
Bài phân tích của Liberation chạy tựa lớn « Facebook : Với Zuckerberg, những phiền toái đang hiện rõ ».
Từ những ngày qua, người sáng lập ra mạng xã hội hàng đầu thế giới cùng với các giám đốc bộ phận phải đôn đáo ngược xuôi khắp nơi để giải trình, phân trần và xin lỗi.
Theo Libération, « vụ Scandal Cambridge Analytica đang kéo Facebook vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, sức ép của các nhà chính trị và của dư luận mạnh chưa từng thấy ».
Libération khẳng định đây là một vụ bê bối 2 trong 1 : Một là vai trò của Cambridge Analytica, một công ty « tiếp thị » thương mại và chính trị đã sử dụng bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng chục triệu người để phục vụ mục đích chính trị là chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về Brexit.
Mặt khác đó là chuyện Facebook, nắm giữ một khối lượng khổng lồ thông tin cá nhân người sử dụng và chuyển cho bên thứ 3 để sử dụng.
Vấn đề không còn là uy tín hay khả năng bảo mật của Facebook mà đó là cách làm ăn của Facebook.
Trong khi lãnh đạo của Facebook đang tìm cách dập đám cháy thì các cáo buộc, chỉ trích mạng xã hội số 1 thế giới này ngày thêm nhiều về tính năng cũng như mô hình hoạt động của nó.
Tài sản của Facebook từ xếp hạng 7 thế giới đang bốc hơi và tụt xuống 2 bậc kể từ khi nổ ra vụ bê bối.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-04-2018 - 14/04/2018 19:19
- Mỹ-Anh-Pháp tấn công trừng phạt Syria sử dụng vũ khí hóa học - 14/04/2018 14:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-04-2018 - 13/04/2018 18:25
- Ứng viên ngoại trưởng Mỹ đòi Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân vĩnh viễn. - 13/04/2018 17:47
- John Bolton, một « diều hâu » trở thành cánh tay mặt cho Donald Trump - 13/04/2018 16:14
- Tập Cận Bình bất ngờ ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh hải quân - 13/04/2018 15:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-04-2018 - 12/04/2018 22:54
- Giáo hoàng thừa nhận đánh giá “sai lầm” về nạn ấu dâm ở Chilê - 12/04/2018 14:40
- Trump dọa tấn công Syria, nhưng chưa có dấu hiệu cụ thể - 12/04/2018 14:16
- Lại vượt lằn ranh đỏ, Assad gánh lấy nguy cơ bị phương Tây tấn công. - 11/04/2018 18:56
Các tin khác
- Biển Đông: Tàu sân bay Mỹ phô trương uy lực trên đường đến Manila - 11/04/2018 16:31
- Biển Đông : Bắc Kinh đã lắp đặt hệ thống gây nhiễu ra-đa ở Trường Sa - 10/04/2018 21:53
- Trung Quốc muốn lập căn cứ quân sự thường trực tại Vanuatu ? - 10/04/2018 20:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-04-2018 - 10/04/2018 19:13
- Tại sao Djibouti trở thành « doanh trại quân đội của thế giới » ? - 10/04/2018 18:48
- Kim Jong Un lần đầu tiên công khai nói đến “đối thoại” với Mỹ - 10/04/2018 15:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2018 - 09/04/2018 22:07
- Syria : Sân bay quân sự T4 bị tên lửa tấn công, Nga và Syria cáo buộc Israel là thủ phạm. - 09/04/2018 21:51
- Syria: Quân đội chính phủ lại bị tố cáo sử dụng bom hóa học - 08/04/2018 19:44
- Afghanistan: Không lực Mỹ tiêu diệt một thủ lãnh khủng bố Daech - 08/04/2018 19:06