Vệ tinh Mỹ : Bình Nhưỡng ráo riết phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
- Thứ Bảy, 18 tháng Mười Một năm 2017 06:23
- Tác Giả: Trọng Thành
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một tên lửa liên lục địa Hwasong-14. Ảnh do KCNA công bố ngày 05/07/2017.
KCNA/via REUTERS
Theo Reuters ngày 17/11/2017, hình ảnh vệ tinh Mỹ cho thấy Bắc Triều Tiên đang nỗ lực xây dựng một loại tàu ngầm thế hệ mới mang tên lửa đạn đạo.
Thông tin được đưa ra đúng vào lúc đặc phái viên Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên. Chuyến đi được Nhà Trắng hoan nghênh như « một động tác quan trọng » nhằm hạ nhiệt khủng hoảng.
Theo Viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên mang tên 38 North, có trụ sở tại Washington, các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 05/11, cho thấy nhiều hoạt động đang diễn ra tại xưởng đóng tàu chiến Nam Sinpo của Bắc Triều Tiên.
Báo cáo của 38 North nhận xét là những vật thể được quan sát thấy trông rất giống với « các bộ phận của vỏ chịu lực của một loại tầu ngầm mới, có thể thuộc tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp SINPO-C (còn gọi là lớp Gorae) ».
Vỏ chịu lực của lớp tầu ngầm loại mới này lớn hơn loại tầu ngầm tấn công lớp ROMEO của Liên Xô trước đây, mà Bắc Triều Tiên thừa kế.
Báo cáo của Viện 38 North cũng nói thêm là trong suốt năm 2017, có nhiều vận chuyển vào ra tại hai phân xưởng của căn cứ đóng tàu nói trên.
Thông tin được Viện 38 North đưa ra vào lúc tình hình trong hai tháng vừa qua có vẻ như tương đối êm dịu, Bình Nhưỡng không thử thêm hỏa tiễn kể từ sau vụ bắn thử tên lửa bay qua không phận Nhật Bản ngày 15/09.
Theo các chuyên gia, việc Bắc Triều Tiên phát triển tầu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo nằm trong chiến lược phát triển hỏa tiễn hạt nhân liên lục địa có khả năng tấn công Hoa Kỳ.
Hồi đầu năm 2016, tầu ngầm Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa từ tầu ngầm tại biển Nhật Bản, nhưng thất bại.
Trước tham vọng sở hữu hạt nhân của Bình Nhưỡng, Hội Đồng Bảo An ra nhiều nghị quyết trừng phạt, đặc biệt là nghị quyết đầu tháng 9/2017, cấm vận dầu mỏ với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Triều Tiên thay đổi chiến lược.
Phỏng đoán xung quanh chuyến công du của đặc phái viên Trung Quốc
Ngày 17/11/2017, một đặc phái viên của Trung Quốc được cử đến Bắc Triều Tiên.
Về mặt chính thức ông Tống Đào (Song Tao) - trưởng ban đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc - là người có nhiệm vụ thông báo kết luận của Đại hội Đảng Trung Quốc cho đồng minh Bắc Triều Tiên, thế nhưng, những người trong cuộc đều hiểu rằng hồ sơ hạt nhân là một trong các chủ đề trọng tâm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về sau vòng công du châu Á, đưa ra nhận xét ngày 16/11 trên mạng Twitter :
« Trung Quốc cử đặc phái viên và một phái đoàn sang Bắc Triều Tiên. Đây là một cử chỉ quan trọng, chúng ta sẽ xem điều gì sẽ đến ».
Về vấn đề này, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên người Pháp, bà Juliette Morillot, nhận xét về chiến lược của Bắc Kinh :
« Chiến lược thường thấy của Trung Quốc là thường xuyên gây ấn tượng ngay từ đầu, tỏ ra đồng điệu với quốc tế, cụ thể trong trường hợp này là với tổng thống Mỹ, hoặc bỏ phiếu thông qua các trừng phạt trước đó.
Tuy nhiên sau đó, Bắc Kinh sẽ lại trở lui một chút… Đây là lập trường của Trung Quốc hiện nay…. Đặc phái viên Trung Quốc sẽ nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Chúng ta không biết rằng ông ta có gặp Kim Jong Un hay không, nhưng dù gì đi chăng nữa, Bình Nhưỡng cũng không chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, bởi hai nước vốn ngờ vực nhau ».
Còn theo một chuyên gia đại học Sydney, trả lời AFP, đặc phái viên Trung Quốc chắc chắn sẽ « bảo đảm với Kim Jong Un là nếu ông ta ứng xử một cách hợp lý, Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ », và điều chủ yếu mà Bắc Kinh muốn là Bình Nhưỡng không tiếp tục hành động « một cách cực đoan ».
Vẫn liên quan đến khủng hoảng Bắc Triều Tiên, ngày 17/11, trong một cuộc hội kiến tại đảo Jeju, Hàn Quốc, đặc phái viên về an ninh và hòa bình Hàn Quốc Lee Do Hoon, và đồng nhiệm Mỹ Joseph Yun, khẳng định lãnh đạo hai nước đều mong muốn tìm giải pháp hòa bình.
Trong lúc đó, người phát ngôn Nhà Trắng cảnh báo đầu tuần tới, Donald Trump sẽ ra quyết định có đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách đen « của các quốc gia ủng hộ khủng bố » hay không.
Tin mới
- Afghanistan : Mỹ đổi chiến lược triệt nguồn thu của Taliban - 21/11/2017 22:34
- Xe hơi diesel hết thời ? - 21/11/2017 17:22
- Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách « khủng bố » - 21/11/2017 16:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20 -11-2017 - 21/11/2017 01:28
- Nợ công của Việt Nam vẫn tăng nhanh - 20/11/2017 23:32
- Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe - 20/11/2017 18:17
- Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay gần Đài Loan - 19/11/2017 20:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2017 - 19/11/2017 01:33
- Trung Quốc dùng lá bài du lịch Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền - 19/11/2017 01:10
- Bắc Kinh muốn siết chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, bất chấp hồ sơ nguyên tử - 19/11/2017 00:57
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-11-2017 - 18/11/2017 00:18
- Việt Nam được gì từ APEC ? - 17/11/2017 22:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2017 - 17/11/2017 04:54
- Thế giới trong mắt Donald Trump một năm sau ngày đắc cử TT Mỹ - 16/11/2017 21:51
- Biển Đông : ASEAN kêu gọi ‘‘phi quân sự hóa’’, nhưng tránh chỉ trích Bắc Kinh - 16/11/2017 21:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2017 - 15/11/2017 22:10
- Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út - 15/11/2017 17:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2017 - 15/11/2017 00:00
- Freedom House : Lo ngại mạng xã hội bị thao túng - 14/11/2017 19:39
- Ý vắng bóng Cúp bóng đá thế giới 2018 - 14/11/2017 19:31