Việt Nam được gì từ APEC ?
- Thứ Sáu, 17 tháng Mười Một năm 2017 22:16
- Tác Giả: Thụy My
Lãnh đạo các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam: Hàng đầu từ trái qua: Tập Cận Bình, Trần Đại Quang, Joko Widodo. Hàng sau, từ trái qua: Rodrigo Duterte, Vladimir Putin, Donald Trump
REUTERS
Hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/11/2017 tại Đà Nẵng, và ngay sau đó đã diễn ra hai chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhận định về các sự kiện này, nhật báo The Diplomat cho rằng nước chủ nhà Việt Nam có vẻ đã tìm được một vị trí thoải mái hơn giữa hai đại cường.
Trong bài diễn văn chính tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi một thông điệp rõ ràng đến các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước tự lo cho mình bằng cách đặt lợi ích quốc gia trên hết, giống như ông luôn luôn đặt « Nước Mỹ trước hết ».
Theo tác giả Charlotte Gao, có ít nhất một quốc gia đã hành động như thông điệp của ông Trump.
Việt Nam, với tư cách nước chủ nhà APEC 2017, một lần nữa đã chứng tỏ tài ngoại giao khi « đi dây » giữa hai đại cường Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính mình.
Trong dịp hội nghị APEC, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra hai thông cáo chung quan trọng.
Một với Hoa Kỳ - do Donald Trump, vị tổng thống không thể đoán định, lãnh đạo ; và thông cáo kia với Trung Quốc - dưới uy quyền « bao trùm thiên hạ » của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong thông cáo chung Việt-Mỹ, chủ tịch nước Trần Đại Quang và tổng thống Donald Trump tái khẳng định việc tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện, thông qua xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác chặt chẽ hơn về quốc phòng, an ninh.
Để phù hợp với chính sách của Donald Trump, Việt Nam loan báo một thỏa thuận thương mại song phương trị giá 12 tỉ đô la, và thảo luận về việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, mà thật ra chẳng ảnh hưởng gì đến lợi ích cốt lõi của Hà Nội.
Đổi lại, Việt Nam đạt được điều mình muốn : Hoa Kỳ tái khẳng định việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông - đương nhiên là nhắm tới Bắc Kinh, tuy không nêu đích danh.
The Diplomat dẫn ra một đoạn của thông cáo : « Hai bên tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ và Hoa Kỳ - ASEAN trước đây (…) ; giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý (…).
Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp ».
Trong khi đó, Việt Nam cũng thực hiện được một sự đột phá tương tự với Trung Quốc, qua việc thích ứng với chương trình hành động của Tập Cận Bình.
Trong thông cáo chung với Trung Quốc, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến « Vành đai và Con đường » mà ông Tập Cận Bình tâm đắc.
Đôi bên đồng ý cải thiện hợp tác về kinh tế và thương mại, công nghiệp, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính.
Để làm vui lòng Bắc Kinh, Việt Nam không quên tái khẳng định quan điểm chỉ có « Một nước Trung Hoa », nhấn mạnh rằng Việt Nam « kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức ».
Về vấn đề nhạy cảm là Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam đạt được thỏa thuận là đôi bên « kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông ».
The Diplomat lưu ý là Việt Nam, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa cùng chia sẻ một lịch sử phức tạp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, biết rất rõ hệ thống chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thế nên, Hà Nội đặc biệt nhuần nhuyễn trong việc sử dụng từ ngữ nhằm làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ với « đảng bạn ».
Chẳng hạn thông cáo chung Việt-Trung viết : « Hai bên cho rằng, tình hữu nghị Việt-Trung do chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước.
Hai bên cần cùng nhau kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt ».
Việt Nam cũng không quên « nhiệt liệt chúc mừng » Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 « thành công tốt đẹp ».
The Diplomat kết luận, qua việc ký kết hai thông cáo chung riêng rẽ, giữ được thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam dường như đã tìm được một vị trí đáng kể trong khu vực, thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vừa rồi.
Tin mới
- Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách « khủng bố » - 21/11/2017 16:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20 -11-2017 - 21/11/2017 01:28
- Nợ công của Việt Nam vẫn tăng nhanh - 20/11/2017 23:32
- Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe - 20/11/2017 18:17
- Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay gần Đài Loan - 19/11/2017 20:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2017 - 19/11/2017 01:33
- Trung Quốc dùng lá bài du lịch Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền - 19/11/2017 01:10
- Bắc Kinh muốn siết chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, bất chấp hồ sơ nguyên tử - 19/11/2017 00:57
- Vệ tinh Mỹ : Bình Nhưỡng ráo riết phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo - 18/11/2017 06:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-11-2017 - 18/11/2017 00:18
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2017 - 17/11/2017 04:54
- Thế giới trong mắt Donald Trump một năm sau ngày đắc cử TT Mỹ - 16/11/2017 21:51
- Biển Đông : ASEAN kêu gọi ‘‘phi quân sự hóa’’, nhưng tránh chỉ trích Bắc Kinh - 16/11/2017 21:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2017 - 15/11/2017 22:10
- Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út - 15/11/2017 17:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2017 - 15/11/2017 00:00
- Freedom House : Lo ngại mạng xã hội bị thao túng - 14/11/2017 19:39
- Ý vắng bóng Cúp bóng đá thế giới 2018 - 14/11/2017 19:31
- Tổng thống Mỹ không dự Thượng đỉnh Đông Á - 14/11/2017 17:48
- Động đất 7.3 Richter tại biên giới Iran-Iraq, hơn 400 người chết - 13/11/2017 23:42