Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-05-2016

Mark Zuckerberg và Tập Cận Bình : Khi hai "hoàng đế" bắt tay nhau

facebook-ceo

Mark Zuckerberg, nhà sáng lậpFacebook, là "hoàng đế" của thời đại kỹ thuật số. Ảnh minh họa, chụp ngày 12/04/2016.
REUTERS/Stephen Lam

Trên trang « Phân tích và Thảo luận » của Le Monde số đề ngày 11/05/2016, tác giả François Bougon phân tích hình ảnh hai "hoàng đế" mới của thế giới, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook và Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

« Hãy quên Barack Obama, Hillary Clinton hay Donald Trump đi ! », đây là lời mở đầu của bài báo.
Người đàn ông quyền lực của Hoa Kỳ không ngụ ở Nhà Trắng, mà ở Palo Alto, bang California, trong thung lũng Silicon Valley.

Mark Zuckerberg, một sinh viên tài năng sáng lập mạng Facebook, là "hoàng đế" của "thời đại kỹ thuật số". Facebook mới tròn 12 tuổi, nhưng ông chủ đã trở thành huyền thoại.
Những "vùng đất mới" mà Facebook sẽ chinh phục là thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo.

Tuần báo The Economist trong một số phát hành vào tháng 04/2016 đã nhận xét : « Từ thời đế chế Roma, chưa bao giờ biểu tượng "ngón tay cái giơ cao" (Like) lại trở thành biểu tượng quyền lực lại có thế lực và phổ biến đến như vậy ».

Tập Cận Bình là vị "hoàng đế" của đất nước có hơn 1,3 tỉ dân và hơn 700 nghìn người sử dụng internet, một vương quốc mà bất kỳ tập đoàn internet nào của Mỹ cũng thèm muốn.

Tập Cận Bình củng cố vị trí "hoàng đế" theo cách riêng của mình. Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tỏ ra không bị cám dỗ trước sức hút của mạng "Lianpu" (Facebook theo tiếng Hoa).
Ông không hề quên rằng Facebook từng là công cụ huy động và đấu tranh đòi dân chủ từ khi xảy ra phong trào "Mùa Xuân Ả Rập".

Sau khi bị chặn tại Trung Quốc từ năm 2009 sau loạt bạo động ở tỉnh Tân Cương theo Hồi Giáo, Bắc Kinh tỏ ra ủng hộ các tập đoàn tin học trong nước, đặc biệt là Alibaba của tỉ phú Jack Ma, cạnh tranh với nước ngoài để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số.

Dĩ nhiên, chủ tịch họ Tập sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này, nhưng với điều kiện họ « chỉ cần tôn trọng luật pháp và quy định của Trung Quốc ».
Theo tác giả bài viết, điều đó có nghĩa là phải tôn trọng hệ thống kiểm soát và kiểm duyệt, thường được coi là "Vạn Lý Trường Thành ảo".

Google và Yahoo! đã thất bại. Mark Zuckerberg lại muốn thành công tại Trung Quốc.
Vì vậy, bất chấp mọi chỉ trích, ông chủ của Facebook không ngừng đưa ra những lời hứa với Bắc Kinh, chí ít là cũng nói chuyện bằng tiếng Hoa với chủ tịch Tập Cận Bình.

Tiếp theo là cuộc gặp với tỉ phú Trung Quốc Jack Ma và ông Lưu Vân Sơn (Liu Yun Shan) cán bộ cao cấp phụ trách tuyên truyền của nhà nước vào tháng 03/2016.
Tác giả bài phân tích đặt hàng loạt câu hỏi : Mark Zuckerberg đang chơi trò gì ?

Hay ông chủ Facebook đang bán linh hồn của mình ?
Sự hợp tác giữa hoàng đế thung lũng Silicon và ông hoàng của Trung Quốc sẽ mang đến cho chúng ta tương lai gì ?
Rất nhiều người bắt đầu lo sợ về sự xích lại gần nhau giữa nhóm GAFA (gồm Google, Apple, Facebook, Amazon) với Bắc Kinh.

Quyết định gần đây của mạng Twitter, bị chặn tại Trung Quốc từ năm 2009, bổ nhiệm Kathy Chen làm tổng phụ trách Đại Trung Hoa (gồm Trung Hoa đại lục, Đài Loan và Hồng Kông) cũng khiến các nhà ly khai và đấu tranh vì dân chủ chỉ trích do nghi ngờ Twitter có mối liên hệ với quân đội và bộ an ninh.

Bài báo kết luận, "hoàng đế Trung Hoa" Tập Cận Bình hoàn toàn hiểu rằng các mạng xã hội phương Tây chỉ mang lại lợi ích cho chiến dịch tuyên truyền của ông.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, CCTV, Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, Hoàn cầu thời báo…, đều có tài khoản trên mạng Facebook và Twitter với những thông điệp "tích cực" bằng tiếng Anh để kể lại câu chuyện thần tiên về "giấc mộng Trung Hoa".

Tân tổng thống Philippines : Giải quyết tội phạm và tham nhũng trong 6 tháng

Chiến thắng của thị trưởng Davao trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines thứ Hai, ngày 09/05/2016, vẫn là chủ đề được các nhật báo Pháp phân tích theo các khía cạnh khác nhau.

Giải quyết tình trạng tội phạm bất chấp vi phạm nhân quyền được đề cập trong hai nhật báo Le Monde với bài viết « "Trump của Philippines" trở thành tổng thống » và bài báo mang tựa « Tại Philippines, tân tổng thống muốn người ta "quên nhân quyền" » trên Libération.

Ông Rodrigo Duterte tự hào vì đã biến Davao, nơi ông giữ chức thị trưởng từ 22 năm, thành một thành phố an toàn, trong khi tại các thành phố lớn khác của Philippines, tình trạng bạo lực vẫn gia tăng.
 Theo Libération, thành phố nghèo này có khoảng 1,5 triệu dân và bị Manilla bỏ quên.

Thị trưởng Davao từng được tờ báo Times năm 2002 gọi là "người trừng trị".
Ông Rodrigo Duterte đã tiến hành một chiến dịch càn quét tội phạm và tử hình ngoài vòng pháp luật 1.700 người, theo chính những lời tuyên bố của ông.

Thị trưởng thành phố cho biết chìa khóa an ninh của Davao chính là "án tử hình". Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông phát biểu muốn triển khai chiến dịch này trên quy mô toàn quốc để triệt tiêu nạn tống tiền và buôn bán ma túy.

Ông cũng chỉ trích các cơ quan truyền thông, tầng lớp chính trị, trình trạng bất công, tệ nạn tội phạm thường nhật và cuộc chiến chống đói nghèo vẫn không có kết quả.
 Để giải quyết những bức xúc này, ông tuyên bố : « Các vị hãy quên các đạo luật về nhân quyền đi ! »

Điểm cải cách tiếp theo mà tân tổng thống Philippines muốn thực hiện, theo nhật báo Le Monde, là chấm dứt chế độ tổng thống đang hiện hành được dựa theo mô hình của Mỹ và thay thế bằng hệ thống nghị viện nằm trong Nhà nước liên bang phi tập trung nhằm cho phép các tỉnh có nhiều quyền hạn hơn.

Phát ngôn viên của ông Rodrigo Duterte còn cho biết vị tân tổng thống sẵn sàng đàm phán hòa bình với các nhóm nổi dậy tại miền nam Philippines, thay vì biện pháp sử dụng vũ lực đàn áp của chính phủ hiện sắp mãn nhiệm.

Về tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông với Trung Quốc, vẫn theo Le Monde, ông Rodrigo Duterte khẳng định muốn tiếp tục các cuộc đàm phán đa phương.
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới nhiệm kỳ của tân tổng thống Philippines trên hồ sơ phát triển kinh tế.

 Tờ báo nhận định, nếu như tân tổng thống có những ý tưởng cụ thể về cách điều hành đất nước trong cuộc chiến không thương tiếc chống tình trạng tội phạm và sửa đổi Hiến Pháp, nhưng chương trình kinh tế của đất nước lại vẫn còn rất mơ hồ.

Cho tới hiện nay, chưa có gì cho phép xác định biện pháp của Duterte sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng gần 6%.
Trong khi đó, chính sách kinh tế trong suốt 6 năm dưới thời tổng thống Benigno Aquino đã tạo ra được 4 triệu việc làm và tỉ lệ bán xe hơi kỉ lục.

Trong một buổi phỏng vấn với trang mạng Rappler, ông Rodrigo Duterte cho biết muốn tăng thị phần đầu tư của nước ngoài vào một số lĩnh vực để thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Riêng nhật báo La Croix lại chú ý đến nghịch lý tỉ lệ người Công giáo Philippines, quốc gia có nhiều người Công giáo nhất châu Á, bầu cho ông Rodrigo Duterte, trong khi đó vị tân tổng thống lại đe dọa tấn công mạnh tay vào Giáo hội và sử dụng án tử hình.

Brazil : Giờ phút cuối của tổng thống Rousseff

Trong khi Philippines có tân tổng thống, thì tổng thống đương nhiệm Brazil Dilma Rousseff lại có nguy cơ bị đình chỉ chức vụ ngày mai 12/05, do bị cáo buộc che giấu thâm hụt tài khoản công và vụ tai tiếng tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras.

Nhật báo Le Figaro đăng tin : « Những giờ phút cuối cùng của Dilma ».
Dù có nhiều phản ứng đáp trả trong những ngày gần đây, tổng thống Brazil vẫn có thể bị đình chỉ chức vụ ngay ngày thứ Năm 12/05, sau cuộc bỏ phiếu thủ tục phế truất tổng thống được tiến hành tại Thượng Viện Brazil hôm nay 11/05.

Le Monde chạy tựa : « Phế truất tổng thống thành đại nhạc hội tại Brazil », sau khi Thượng Viện bác bỏ yêu cầu hủy thủ tục phế truất tổng thống Dilma Rousseff theo đề nghị của tân chủ tịch Hạ Viện.

Cả ba tờ báo Le Figaro, Libération và La Croix đặt câu hỏi : Ai sẽ thay thế tổng thống Dilma Rousseff ?
Cái tên duy nhất được cả ba tờ báo nêu lên là phó tổng thống Michel Temer.
Nhưng nhân vật số hai trong chính phủ cũng đang bị tư pháp nhắm tới vì những cáo buộc tham nhũng liên quan tới Petrobras.

Khai mạc Liên Hoan Phim Cannes lần thứ 69

Chủ đề văn hóa chiếm trang nhất trên các nhật báo Pháp là sự kiện Liên Hoan Phim Cannes lần thứ 69 khai mạc vào tối nay, 11/05.
Trên trang nhất, nhật báo Le Parisien tỏ ra hồ hởi, chưa bao giờ có nhiều ngôi sao thế giới đến Cannes như vậy.

 Khó mà liệt kê được hết tên tuổi : Vanessa Paradis trong vai trò giám khảo với vị chủ tịch là đạo diễn George Miller.
Về phía ngôi sao quốc tế có George Clooney, Julia Roberts, Steven Spielberg tham gia tranh giải chính thức. Hay Robert De Niro, Kristen Stewart, Kirsten Dunst và đạo diễn Woody Allen với bộ phim mới "Café Society" được trình chiếu tại buổi lễ khai mạc Liên Hoan Phim.

Điện ảnh Pháp góp mặt những ngôi sao Isabelle Huppert, Marion Cotillard, Vincent Cassel, Léa Seydoux, Virginie Efira, Jean Reno, Nathalie Baye, Catherine Deneuve…

Thế nhưng, Libération đặt câu hỏi trên trang nhất : « Cannes để làm gì ? ».
Ngoài những ngôi sao và những giải thưởng, theo tờ báo, Cannes là nơi mà các nhà công công nghiệp điện ảnh và nhà phân phối thương lượng căng thẳng để giành quyền phát hành những bộ phim được trình chiếu và hơn cả là những bộ phim đoạt giải.

Cuối cùng, nhật báo công giáo La Croix nêu một vài con số, với khoảng 12.000 chuyên gia, thị trường phim Cannes là cuộc hẹn kinh tế quan trọng nhất của nền nghệ thuật thứ 7 thế giới, là cuộc chạy đua 10 ngày với khoảng 800 triệu euro doanh thu.
Giới chuyên môn có mặt hết tại đây để mua và bán phim.

Chính phủ Pháp sử dụng điều 49.3 để thông qua luật Lao động

Do thiếu đa số, chính phủ Pháp tính đến việc sử dụng điều 49.3 để thông qua luật lao động mới mang tên bộ trưởng Myriam El Khori.
Đây là chủ đề thời sự nội bộ Pháp khiến báo chí tiêu tốn khá nhiều mực trong số ra ngày hôm nay.
Các bài viết đều có cùng nhận định rằng đây là một thất bại của chính phủ và của toàn bộ cánh tả.

Switch mode views: