Điểm Báo Pháp Quốc ngày 24-12-2015
- Thứ Năm, 24 tháng Mười Hai năm 2015 19:51
- Tác Giả: Minh Anh
Hóa thân, cuộc chiến ngầm giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh
Ảnh lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
AFP PHOTO / BENJAMIN HAAS
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, Trung Quốc mời một nhóm phóng viên nước ngoài thường trú tại Bắc Kinh đến tham quan Tây Tạng.
Một chuyến lữ hành được tổ chức dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền.
Xung đột về sự hóa thân tương lai của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay đang ngầm diễn ra giữa chính quyền Bắc Kinh và lãnh tụ tinh thần Tây Tạng hiện đang sống lưu vong.
Những thổ lộ về chủ đề này chỉ được các phóng viên thu nhặt một cách kín đáo hay chỉ thấy được qua ánh mắt của các nhà sư Tây Tạng.
Đây là chủ đề chính trong bài phóng sự đề tựa « Tại một Tây Tạng như mơ ước của Đảng » trên Le Figaro số ra ngày 24/12/2015.
Theo tường thuật của thông tín viên Patrick Saint-Paul, Trung Quốc mời một nhóm nhỏ phóng viên nước ngoài thường trú tại Bắc Kinh đến xem « diện mạo mới » của Tây Tạng.
Một « thực tế » mà các nhà báo ngoại quốc không được tự do nhìn thấy bằng chính con mắt của họ : bởi vì, không như nhiều vùng khác, để vào được Tây Tạng người ta vẫn phải cần được Bắc Kinh cấp giấy phép đặc biệt.
Đi du ngoạn được « hộ tống »
Đoàn tham quan được 5-6 nhân viên an ninh hộ tống. Mỗi người được phân nhiệm vụ theo dõi sát sao từng nhóm nhỏ, bám sát các phóng viên từng ly một, hòng tránh mọi sự « vượt rào ».
Các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa phóng viên và các nhà sư hay người dân Tây Tạng đều bị hạn chế.
Hầu hết các cuộc trao đổi bị chặn lại ngay sau vài câu hỏi liên quan đến cuộc sống thường nhật trong tu viện, giờ niệm kinh Phật và giờ ăn.
Phóng viên Saint-Paul cho biết chương trình tham quan dày đặc, giống như là đi « hành quân », để tránh mọi cơ hội tiếp xúc cũng như là những trao đổi có thể xảy ra.
Theo quan sát của phóng viên Le Figaro, một cuộc chiến ngầm đang diễn ra giữa Bắc Kinh và lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong.
Bắc Kinh cho đến giờ vẫn cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là « con sói đội lốt cừu », một thành phần ly khai « nguy hiểm », dẫu rằng Ngài đã từ bỏ việc đòi độc lập, chỉ thỉnh cầu một nền « tự trị thật sự ».
Cũng Trung Quốc quan niệm là Đức Đạt Lại Lạt Ma cho đến ngày này chẳng làm gì được cho Tây Tạng, nên chắc chắn Ngài sẽ không được yên nghỉ tại Potala, cùng với các vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây, theo như giải thích của một người hướng dẫn.
Nhưng vấn đề gai góc nhất hiện nay gây nhiều tranh cãi : Đó là sự hóa thân của Ngài trong tương lai. Để có thể nói chuyện với phóng viên Le Figaro, một tu sĩ đã phải kín đáo thổ lộ quan điểm của mình về chủ đề này.
Theo ông, người dân Tây Tạng ai cũng tin vào sự hóa kiếp. Đó chính là vòng luân hồi. Nếu như chúng ta những người bình thường không thể tự chọn cho mình kiếp sau là gì, đối với các Đạt Lai Lạt Ma, chính cái nghiệp của họ sẽ quyết định, chứ không phải ai khác.
Trên thực tế, vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng gần đây có khẳng định là ông có thể sẽ chọn hóa thân kiếp sau thành phụ nữ, hay là một ai đó ngoài Tây Tạng, hoặc cũng có thể là không hóa kiếp, trở thành người nối dõi sau cùng. Lời tuyên bố của ông đã khiến Bắc Kinh giận dữ.
Nếu như các tu sĩ Tây Tạng vẫn khẳng định rằng « Không ai có thể thay cái nghiệp của Ngài để chọn sự hóa thân tiếp theo ».
Nói rõ ra là Bắc Kinh sẽ không chỉ định vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15. Thế nhưng, theo nhận định của phóng viên Le Figaro, chính quyền Trung Quốc không có ý định bỏ lỡ cơ hội nào để chọn ra người có thể đảm nhiệm cả vị trí lãnh đạo tinh thần lẫn chính trị đối với người Tây Tạng, dù rằng Tenzin Gyatso, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hiện nay đã từ bỏ vai trò này.
Bắc Kinh vừa dọa, vừa xoa Tây Tạng
Một điểm khác cũng đáng lưu ý trong chuyến đi này là hình ảnh cũng như các bài thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma hầu như bị cấm đoán.
Các học viên chỉ được quyền tham khảo các sách cổ xưa có giá trị từ ngàn năm nay.
Ngay tại thiền viện Séra, nằm cách trung tâm Lhassa 5 km, một trong những địa điểm nhạy cảm nhất, phóng viên báo Le Figaro Saint-Paul ghi nhận điểm thú vị là rất nhiều tác phẩm của Chu Ân Lai, Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc khác chiếm một vị trí khá quan trọng trong các tủ sách tại đây.
Theo giải thích của một vị quản lý tu viện, đó là những tác phẩm « rất phổ biến không chỉ tại Tây Tạng, mà trên toàn cả nước ».
Phóng viên nhật báo còn cho biết là để mua chuộc các sư sãi tại Tây Tạng, Bắc Kinh đã sử dụng công cụ 'cây gậy và củ cà rốt'.
Một mặt, chính quyền trung ương buộc các sư sãi phải tham gia các khóa học « giáo dục lòng yêu nước », học các quy định về luật và Hiến Pháp, các « chiến dịch chống chủ nghĩa ly khai ».
Mặt khác, Bắc Kinh sử dụng đến « chiếc phong bì » để thu phục giới tu sĩ tại đây như chu cấp cho các thầy đến tuổi về hưu mỗi tháng 500 nhân dân tệ, và chịu hết các phí tổn về y tế.
Pháp : « Tước quốc tịch », một hồ sơ nhạy cảm
Tổng thống Pháp François Hollande cuối cùng vẫn giữ nguyên việc tước quốc tịch những người song tịch kể cả những người sinh ra tại Pháp và bị kết án vì tội khủng bố trong dự thảo cải cách Hiến Pháp. Quyết định trên của ông Hollande là chủ đề gây tranh cãi sôi nổi trên các báo Pháp ngày hôm nay.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro vui mừng chạy tít : « Tổng thống vẫn kiên định và rất đáng hoan nghênh ».
Đây cũng là tờ báo duy nhất tỏ ra đồng tình về thái độ « bất ngờ của vị nguyên thủ ». Đây cũng chính là cụm từ tờ thiên tả Libération sử dụng.
Nhìn chung, đa số các tờ báo Pháp không chút nhẹ lời với vị lãnh đạo Pháp. Bởi vì, ông đã từ bỏ « một lý tưởng của nước Pháp » như hàng tít lớn trên tờ báo cộng sản L’Humanité. Một « sự đầu hàng trước tư tưởng an ninh ».
Tờ báo lấy làm tiếc cho đấy là « một thất bại cho nền dân chủ ».
Đối với Libération, đó còn là một « sự tước đoạt tính tín nhiệm ».
Quyết định « bất ngờ » của ông Hollande đã làm cho cánh tả cảm thấy khó chịu.
Các đại biểu đảng Xã hội không biết phải làm thế nào bảo vệ sự đổi hướng đột ngột của vị Tổng thống, và nhất là phe tả trong cánh tả cảm thấy như đang bị bóp nghẹt.
Về phần mình, cánh hữu cũng bị lúng túng, giờ thì khó mà có thể biện minh cho việc không bỏ phiếu thông qua dự thảo luật cải cách Hiến Pháp, như quan sát của tờ Les Echos.
Đây quả là « một món quà cồng kềnh » mà Tổng thống Pháp dành cho cánh hữu, như nhận xét của Libération.
Tuy nhiên, dù tả hay hữu, các báo đều có chung nhận định cho rằng vụ việc này đang làm lung lay vị thế của Bộ trưởng Tư pháp, bà Christian Taubira. Người cho đến giờ phản đối quyết liệt việc đưa hồ sơ tước quốc tịch vào trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Daech : Cụt vòi bên này, vươn vòi bên kia
« Năm 2015, Daech đã mất lãnh thổ tại Irak và Syria nhưng đang nhắm đến nhiều vùng lãnh thổ khác », là hàng tựa cảnh báo trên Les Echos.
Theo nhật báo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã bị mất đến 12.800 km² lãnh thổ. Nhưng đổi lại, Liban và Libya nằm trong tầm ngắm của tổ chức này.
Với sự hỗ trợ của không quân liên quân quốc tế, chính phủ Irak sắp lấy lại được thành phố Ramadi, sau tám tháng dưới quyền kiểm soát của quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Một thắng lợi mang tính biểu tượng, do sự việc đánh dấu chấm hết sự bành trướng của IS tại Irak và Syria.
Theo nghiên cứu mới nhất của IHS Jane, một cơ quan chuyên về quốc phòng, lãnh thổ do IS kiểm soát đã bị thu hẹp mất 12.800 km², xuống còn 78.000 km², tức mất đến 14% diện tích lãnh thổ.
Thế nhưng, thiệt hại về quân sự và tài chính do các trận không kích của liên quân (chủ yếu nhắm vào nguồn dầu hỏa) đã buộc tổ chức khủng bố này mở rộng địa bàn sang những vùng lãnh thổ khác.
Gần thì có Li-băng, xa hơn thì có Libya và Afghanistan, theo như phân tích của ông FirasAbi Ali, chuyên gia của IHS :
« Libya là kế hoạch B của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhóm khủng bố này có thể tìm được ở đó một điểm thay thế về tài chính. Và đó cũng là điểm đến cuối cùng của mọi băng đảng buôn lậu đến từ Châu Phi. Daech cũng có nhiều thứ để cung cấp cho các nhóm khác trong khu vực trên phương diện tổ chức ».
Pháp : Tiêu thụ giảm không chỉ do khủng bố
Mùa lễ Giáng sinh là dịp các cửa hàng tăng nhanh doanh số. Nhưng năm nay vụ khủng bố hồi trung tuần tháng 11/2015 tại Paris làm 130 người thiệt và hơn 350 người bị thương đã làm cho người dân Pháp xa lánh những nơi tụ tập đông người, khiến các cửa hàng ế ẩm.
Với tấm ảnh người lớn và trẻ em đứng xem những con rối nhảy múa trong các tủ kính trang trí Noel tại khu thương xá Printemps, Libération trong mục Góc ảnh ghi nhận :
« Bất chấp lễ Noel, các thương xá lớn tại Paris như là ngủ đông ».
Còn có vài giờ nữa là lễ Giáng sinh, nhưng tại các cửa hàng lớn ở Paris khách hàng vẫn thưa thớt, không đông đúc như những năm trước.
Ngay sau tuần lễ khủng bố 13/11, lượng khách hàng lui tới tại hai khu mua sắm sang trọng Le Printemps và La Fayette đã sụt giảm lần lượt là 30% và 50%.
Nhưng đối với nhật báo kinh tế Les Echos, đó chưa phải là nguyên nhân duy nhất. « Nhiệt độ ấm hơn đang làm đảo lộn thói quen tiêu thụ », như hàng tít nhỏ trên trang nhất của tờ báo.
Nhiệt độ mùa đông cao hơn mức bình thường kể từ đầu tháng 11/2015 đã có những tác động rõ nét lên tiêu thụ của người dân Pháp.
Nhiều khoản chi tiêu giảm mạnh như năng lượng, mua sắm quần áo đông… Les Echos dự báo các cửa hàng có nguy cơ phải hạ giá bán tống bán tháo các loại áo măng-tô và áo lót bông vào tháng Giêng năm 2016.
Tương tự, lượng tiêu thụ các loại thực phẩm như súp, phô-mai dùng nóng và các loại nước chè cũng có nguy cơ sụt giảm mạnh.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-012-2015 - 26/12/2015 03:24
- Noel trầm lắng tại nơi Chúa Giêsu giáng sinh - 26/12/2015 03:03
- Người Thiên chúa giáo Syria và nỗi sợ thánh chiến Hồi giáo - 26/12/2015 02:55
- Giáo hoàng ủng hộ những nỗ lực của Liên hiệp quốc về Syria và Lybia - 26/12/2015 02:47
- Noel buồn tại Philippines sau thiên tai - 25/12/2015 18:37
- Tấn công mạng gia tăng ở Hồng Kông - 25/12/2015 00:59
- Bắc Kinh vất vả đối phó với các Hội thánh Cơ Đốc Giáo - 25/12/2015 00:32
- Hàng ngàn người Việt đổ ra đường mừng đón Giáng Sinh - 25/12/2015 00:16
- Chính phủ Mỹ mở chiến dịch trục xuất, đối phó nạn nhập cảnh lậu - 24/12/2015 21:59
- Trung Quốc : Kiều dân phương Tây được kêu gọi cảnh giác - 24/12/2015 20:00
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 23-12-2015 - 23/12/2015 20:03
- Trung Quốc thương lượng với Mỹ dẫn độ 5 quan tham - 23/12/2015 18:36
- Nguồn gốc của tập tục « trao quà » ngày lễ Giáng sinh - 23/12/2015 02:31
- Mỹ : Lần đầu tiên một hỏa tiễn từ quỹ đạo quay về được Trái Đất - 23/12/2015 02:17
- Sắp mở đại học Công giáo ở Việt Nam - 22/12/2015 21:33
- Tổng kết kinh tế 2015 : « Cải cách » chìa khóa cho sự thành công đối với Việt Nam - 22/12/2015 19:15
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 22-12-2015 - 22/12/2015 18:33
- Úc : Tổ chức Nhà nước Hồi giáo muốn cắm rễ tại Indonesia - 22/12/2015 18:10
- Châu Á : Interpol bắt 7 triệu đô la dược phẩm giả - 22/12/2015 16:52
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 21-12-2015 - 22/12/2015 01:14