Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 23-12-2015

Pháp chuẩn bị lập liên minh chống Daech tại Libya

Rafael-phap

Chiến đấu cơ Pháp Rafale, sắp được điều tới Libyar ?
AFP PHOTO / ECPAD

Viễn cảnh mở chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Libya, cách mạng bảo thủ kiểu Ba Lan khiến Châu Âu lo ngại, đoàn kết quốc gia chống thất nghiệp, trong bối cảnh một bộ phận người Pháp quay lưng với sổ tiết kiệm A, do lãi suất giảm mạnh : đó là các chủ đề lớn trên trang nhất các nhật báo Pháp, ngày 23/12/2015.

Sau Irak và Syria là Libya. « Daech (tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo) : Phải chăng Pháp cũng sẽ can thiệp tại Libya ?» tựa trang nhất của Le Figaro.

Tờ báo nhận định « Paris đang chuẩn bị các kế hoạch cho một cuộc can thiệp, và nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế ».

Le Figaro tiết lộ : « Bộ tổng tham mưu Pháp kín đáo về các kế hoạch đang được xúc tiến, tuy nhiên, chiến dịch sẽ phải khởi sự trong vòng sáu tháng nữa », « thậm chí trước mùa xuân ».

Theo Le Figaro, đợt trinh sát bằng không quân – kết thúc vào tháng 11/2015 – « cho thấy Daech đang bành trướng tại khu vực cách Châu Âu vài trăm cây số (đường biển) ». Khoảng 3.000 chiến binh tham gia hàng ngũ tổ chức thánh chiến Hồi giáo.

Cách thành phố Tripoli khoảng 250 km về phía nam là nhiều trại huấn luyện do Daech tổ chức. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng đã chiếm được Syrte, một thành phố lớn nằm bên bờ Địa Trung Hải. Syrte là quê hương của nhà độc tài Kadhafi, cách không xa các mỏ dầu khí chính của quốc gia Bắc Phi này.

Nước Ý chắc chắn sẽ phải có vai trò quan trọng trong liên quân chống khủng bố sắp tới, như tuyên bố của Thủ tướng Ý, ngày 29/09/2015, được Le Figaro dẫn lại qua bài báo « Ý có thể đảm nhiệm vai trò «hướng đạo». Hai lý do khiến Ý tham gia liên quân. Thứ nhất là « làn sóng nhập cư bất tận từ bên kia Địa Trung Hải » và thứ hai là để bảo vệ các cơ sở dầu khí tại Libya, chiếm 17% nhu cầu quốc gia.

Cũng Le Figaro cho hay, Anh chắc chắn sẽ góp khoảng 1.000 binh sĩ trong tổng số 6.000 quân nhân dự định triển khai, dưới quyền chỉ huy của nước Ý. Bộ Quốc phòng Pháp đang thuyết phục các nước trong khu vực như Tunisia, Algeri, Ai Cập, có thể kể cả các nước vùng Vịnh tham gia vào chiến dịch này.

Libya không chính phủ, quốc tế can thiệp thế nào?

Trong bài « Người Libya chia rẽ trước khả năng can thiệp nước ngoài », le Figaro ghi nhận : vấn đề là quốc tế chỉ có thể can thiệp quân sự nếu được chính quyền Libya yêu cầu. Tuy nhiên, theo một thông tín viên của Le Figaro có mặt tại chỗ, « chính phủ đoàn kết quốc gia » Libya, vừa được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, không có được sự ủng hộ của cả hai phe đối địch.

Theo một lãnh đạo Libya, Abderrahmane Swehli được Liên Hiện Quốc ủng hộ, can thiệp quân sự nước ngoài sẽ khiến có thêm « khá nhiều người đầu quân vào Daech để chống phương Tây », chống Daech phải là việc của người Libya.

Trong tình hình hết sức rối ren này, một chuyên gia Châu Âu đề nghị hai khả năng : « cộng đồng quốc tế trực tiếp lập chính phủ, để đến lượt chính phủ này yêu cầu quốc tế can thiệp, ngăn chặn chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo », và trong trường hợp thất bại, quốc tế sẽ phải can thiệp do tình hình « vô chính phủ » tại Libya.

Tránh để Nga thành « đồng minh tốt nhất » của Pháp

Vẫn liên quan đến hồ sơ Libya, Le Figaro có cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta, vừa nhậm chức lãnh đạo Trường quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Chính trị Paris, Sciences Po. Cựu Thủ tướng Ý hối thúc Châu Âu chung sức với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông cảnh báo : « Các nước Châu Âu không thể chỉ bằng lòng với việc hát bài quốc ca Pháp - La Marseillaise. Châu Âu phải chứng minh rằng mình tồn tại, và không thể phó thác mọi sáng kiến cho năm thành viên Hội Đồng Bảo An ».

Cựu Thủ tướng Ý nói thêm : Châu Âu cần tránh để cho Nga trở thành « đồng minh tốt nhất của Pháp. Và điều này sẽ để lại những hệ quả tồi tệ đối với tương lai của tình liên đới của khối ».

Xây dựng một Châu Âu « đoàn kết » là hướng đi duy nhất cho phép các quốc gia Châu Âu đứng vững được « trong 10, hay 15 năm nữa », đối mặt với các cường quốc. với một loạt các giải pháp mang tính phối hợp, như thành lập một cơ quan điều tra liên bang của Châu Âu, theo kiểu cơ quan an ninh Hoa Kỳ FBI.

Cách mạng bảo thủ kiểu Ba Lan : « Nỗi lo lớn của Châu Âu năm 2016 »

Không chỉ đối mặt với khủng bố, một thách thức khác với Châu Âu là xu thế lãnh đạo độc tài có xu hướng gia tăng.

« Ba lan : bước ngoặt độc tài gây lo ngại », tựa trang nhất của Le Monde, với nhận định đinh : kể từ khi lên nắm quyền ngày 16/11/2015, đảng Pháp luật và Công lý (PiS) đang nỗ lực giảm tối đa các quyền lực đối trọng tại Ba Lan.

Cụ thể là cải cách Hiến pháp, kiểm soát truyền thông. Ngày 19/12 vừa qua, 20.000 nghìn lại xuống đường tại Vacxava, theo lời kêu gọi của đối lập. Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo : chính quyền Ba Lan là một trong « những vấn đề chủ yếu » của năm 2016.

Bài « Cuộc cách mạng bảo thủ kiểu Ba Lan » của Le Monde nhận định : quốc gia Đông Âu này đang đứng trước một cuộc « khủng hoảng thể chế chưa từng có » kể từ khi chấm dứt chế độ cộng sản.

Đầu tháng 12/2015, Thủ tướng Anh có chuyến công du Ba Lan. Hai đảng bảo thủ cầm quyền khẳng định một lập trường chung, trong đó có nhiều điểm nhạy cảm như « hạn chế việc đi lại tự do của người lao động hay hạn chế các phúc lợi xã hội tại Anh ».

Nhiều nhà quan sát lo ngại, tại miền đông Châu Âu, sẽ nổi lên một nhóm quốc gia bảo thủ, bài Châu Âu, với sự tham gia của Hungary và Cộng hòa Séc, mà Ba Lan muốn đóng vai trò đầu tầu. Tuy nhiên cho đến nay, một nhóm như vậy đã không thể ra đời, do Ba Lan có lập trường đối kháng với Nga, còn Hungary lại thân Nga.

« Mô hình dân chủ tự do Châu Âu » khủng hoảng

Ảnh hưởng gia tăng của nhiều phong trào chính trị « dân túy » tại Châu Âu là nỗi lo ngại của nhà chính trị học Thierry Chopin, trong bài « Khủng hoảng của mô hình dân chủ tự do Châu Âu »  đang trên trang nhất báo kinh tế Les Echos.

Theo giám đốc nghiên cứu của Quỹ Robert Schuman, cuộc khủng hoảng này vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính chính trị. Hai trong số « các triệu chứng » của cuộc khủng hoảng được nêu ra là : thứ nhất là sự bất mãn vô cùng lớn của đông đảo công dân « trước các bê bối tài chính, cũng như tham nhũng – đây là điều nuôi dưỡng thái độ triệt để chống lại các định chế Nhà nước ».

Thứ hai là « vấn đề an ninh được nâng lên thành quyền căn bản số một, và nhân danh nó, người ta đi tới chỗ thủ tiêu các quyền tự do căn bản khác ». Nỗi lo ngại rất lớn về an ninh nói trên được nuôi dưỡng trên cơ sở cảm nhận của nhiều công dân là Châu Âu « không được bảo vệ ».

Tác giả khẳng định, cần « tái kích hoạt và tái khẳng định khẩn cấp » « các nguyên tắc làm nền tảng cho hệ thống các quyền tự do » của xã hội Châu Âu, bởi « sức mạnh của nền dân chủ tự do là một chế độ, về bản chất, dám đối diện với những khiếm khuyết và bất cập của chính mình ».

Nhà chính trị học khuyến cáo Châu Âu xây dựng một dự án chính trị và kinh tế « dài hạn », « kết hợp được tự do với đoàn kết, - các giá trị nền tảng của bản sắc chung » của Châu Âu -, và « hướng ra quốc tế, nhằm Châu Âu có được sức vượt trội trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với các mô hình văn minh và phương thức tổ chức chính trị, kinh tế khác ».

Trung Quốc phạt tù luật sư nhân quyền – người kết liễu hệ thống « lao cải »

Nhìn sang Châu Á, báo Le Monde chú ý đến phiên tòa xử một luật sư nhân quyền nổi tiếng, với tựa đề « Án tù nhẹ cho luật sư ly khai Trung Quốc Phổ Chí Cường ».
Ba năm tù treo là phán quyết của một tòa án tại Bắc Kinh. Trên thực tế, theo Le Monde, với án tù treo này, vị luật sư nhân quyền gần như sẽ « bị quản thúc tại gia ».

Nhân dịp này, tờ báo Pháp giới thiệu với công chúng những công hiến quan trọng của luật sư Phổ Chí Cường. Trong số các nhà luật sư tranh đấu cho nhân quyền hiện nay tại Trung Quốc, người luật sư bị kết án tù treo nổi bật với thái độ « chính trực » và phong cách thẳng thắn khác thường.

Ông đã cương quyết bảo vệ nhiều người dân bị đàn áp. Ông Phổ Chí Cường, với việc giúp bà Đường Tuệ (Tang Hui) đã tham gia vào việc kết liễu hệ thống trại lao cải hết sức tàn nhẫn, một chế độ nhà tù trá hình tại Trung Quốc.

Đường Tuệ là một phụ nữ đấu tranh quyết liệt để buộc những kẻ bắt cóc và cưỡng hiếp con gái của bà phải ra trước vành móng ngựa. Vì tranh đấu, bà Đường Tuệ đã bị chính quyền ra lệnh đưa vào trại cải tạo 18 tháng.

Bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của chính quyền, phiên tòa xử luật sư Phổ Chí Cường là dịp dấy lên một phong trào ủng hộ rộng lớn. Trên trang mạng cá nhân, nhiều người dùng WeChat đã thay thế hình ảnh bản thân bằng bức hình người luật sư bảo vệ nhân quyền.

Chính quyền Trung Quốc rất lo ngại phản ứng của xã hội dân sự. Trên truyền thông chính thức, mục bình luận nằm dưới tin về phiên tòa xử Phổ Chí Cường đều bị khóa lại.

Cải cách Hiến pháp chống khủng bố gây chia rẽ chính giới Pháp

Trở lại với nước Pháp, dự án cải cách Hiến pháp nhằm tăng cường chống khủng bố gây rất nhiều bất đồng trong chính giới. Vấn đề có tước quốc tịch hay không đối với một thủ phạm khủng bố sinh ra tại Pháp - trong trường hợp người này có hai quốc tịch - là chủ đề gây mâu thuẫn.

Le Monde có bài « Từ bỏ việc tước quốc tịch », theo thông tin của Bộ trưởng Tư pháp, với nhận đinh « việc Tổng thống lùi bước trong biện pháp này làm giảm đi sự ủng hộ của cánh hữu đối với cuộc cải cách Hiến pháp ».

Theo Chủ tịch nhóm các nghị sĩ thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) tại Thượng viện, ông Bruno Retailleau, Tổng thống Hollande, thuộc đảng Xã hội – đã « chọn cánh tả hơn là chọn đoàn kết quốc gia ».

Theo Le Figaro, gây bất đồng trong hàng ngũ cánh tả của Tổng thống Pháp, không chỉ có biện pháp tước quốc tịch, mà còn có việc thay đổi luật về « tình trạng khẩn cấp ».Riêng trong nội bộ cánh tả Pháp, cũng có nhiều quan điểm trái ngược về vấn đề này.

Theo một lãnh đạo đảng cánh tả (Parti de gauche) Pháp, sau khi loại bỏ dự án tước quốc tịch, cần tiến đến loại trừ việc thay đổi luật về tình trạng khẩn cấp, nghị sĩ đảng Xanh Cécile Duflot thì cho rằng việc đưa tình trạng khẩn cấp vào Hiến pháp không thay đổi được gì.

Trong khi đó, theo một nghị sĩ đảng cánh tả cấp tiến (Parti radical de gauche PRG), ngược lại « việc đưa tình trạng khẩn cấp vào Hiến pháp giúp cho các quyền tự do căn bản có thêm bảo đảm ».

Theo tin giờ chót, được các báo đồng loạt đăng tải, Tổng thống Pháp đã quyết định giữ lại đề nghị « tước quốc tịch » trong dự án sửa đổi Hiến pháp, ngược lại với thông báo của Bộ trưởng Tư pháp trước đó.

Switch mode views: