Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-09-2014

 Ukraina : Ba kịch bản xâm lược của Putin

Ukraine-Russia

Nhiều người Nga hiện nay muốn khôi phục lại phần lãnh thổ "Nước Nga mới", vùng lãnh thổ mà đế quốc Nga lấy lại từ đế chế Ottoman cuối thế kỷ XIX.
Ảnh Wikipedia


Hồ sơ xung đột Ukraina của Libération vạch ra một số kịch bản mà Matxcơva dự định nhằm kiểm soát Ukraina.
Theo kịch bản tối đa, Nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất nằm lọt giữa Ukraina và Moldavia.

Nếu như thời sự trong nước với bình luận về các tuyên bố mới của các thành viên trong chính phủ, gây chấn động công luận, là tâm điểm trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay 03/09/2014, thì cuộc khủng hoảng Ukraina, đặt Phương Tây và Nga vào thế đối đầu trực tiếp, là đề tài ám ảnh.

« Ukraina : Cuộc chiến tranh chống lại Châu Âu » là tựa lớn của Libération, với nhận định : « Cuộc phản công của Nga tại Ukraina và các lời lẽ khiêu khích của Vladimir Putin làm lộ ra những ý định thực sự của ông ta và sức ì của Phương Tây ».

Xã luận Libération nhấn mạnh « chiến tranh tại một nước Châu Âu chỉ cách thủ đô nước Pháp ba giờ bay… Nước Nga khai chiến với Ukraina », tương phản với « sự hung bạo của Nga » là « những trừng phạt kinh tế cho đến giờ không có hiệu quả của Châu Âu ».

Libération phàn nàn là Châu Âu đã « không ý thức được cựu thành viên khối G8 giờ đây đã trở thành đối thủ », « không ai ở Châu Âu sẵn sàng chết vì Donetsk….

Để kháng cự lại cuộc xâm lược của Nga, người Ukraina cần vũ khí – bài xã luận chất vấn – Độ tin cậy của Châu Âu phụ thuộc vào việc Liên hiệp Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp, lựa chọn trang bị vũ khí cho hải quân Nga » hay giúp đỡ người Ukraina.

Cũng về chủ đề khủng hoảng Ukraina, trang quốc tế báo Le Figaro có bài « Liên Hiệp Châu Âu bên bờ cắt đứt với Nga », như lời cảnh báo của cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Herman Van Rompuy, một người vốn thường có một phong thái bình tĩnh.

Cựu lãnh đạo Châu Âu lưu ý Liên Hiệp Châu Âu cần phải tìm các biện pháp khác với Nga, ngoài giải pháp quân sự mà không ai muốn, bởi cho đến nay, thực tế cho thấy rõ Matxcơva « không có một quyết tâm chính trị nào, để giải quyết xung đột qua con đường thương thuyết ».

Cũng Le Figaro đưa thông tin Nga sẽ “thích nghi” học thuyết quân sự của mình để đối đầu với việc NATO gia tăng lực lượng tại các vùng biên giới.

Phe thân Nga chọn ngày Độc lập của Ukraina để phản công

Hồ sơ xung đột Ukraina của Libération vạch ra các kịch bản mà Matxcơva dự định nhằm kiểm soát Ukraina.

Bài « Những lá bài của cuộc xâm lược Nga » mở đầu với câu nói mà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu thuật lại sau cuộc hội kiến với Tổng thống Nga, theo đó, rất có thể ông Putin đã tuyên bố « Nếu tôi muốn, tôi sẽ lấy Kiev trong hai tuần ».

Theo Libération, mưu đồ của Nga tại Ukraina được thể hiện qua nhiều kịch bản can thiệp, tất cả đều nhằm chứng minh cho Kiev rằng « chủ quyền của Ukraina đang và sẽ có giới hạn ».

Không phải ngẫu nhiên mà phe nổi dậy chọn đúng ngày 24/08, khi Kiev mừng ngày độc lập lần thứ 23, làm ngày mở cuộc phản công ở miền Đông.

Cũng vào ngày này, phe nổi dậy thân Nga cho ra mắt các thủ lãnh tương lai của Nước Nga mới (tiếng Nga : Novorossiya).
Theo kịch bản tối đa, Nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, cho đến thành phố cảng Odessa, cũng như Crimée (bị sáp nhập hồi tháng 3), xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất với đa số cư dân là người Nga, nằm lọt giữa Ukraina và Moldavia.

Theo kịch bản tối thiểu, vùng đất mới chỉ bao gồm hai nước « cộng hòa » Donetsk và Lugansk.

Ngoài ra, còn rất nhiều kịch bản trung gian khác có khả năng sẽ được thực hiện tùy theo điều kiện cụ thể, trong đó phải kể đến kịch bản trung gian là hình thành một đường hàng lang sát bờ biển kéo dài từ thành phố Rostov trên sông Đông (của Nga) đến bán đảo Crimée, để giải phóng khu vực này khỏi tình trạng cô lập hiện nay.

Libération nhắc lại trong hiện tại, phe thân Nga vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn hai vùng Donetsk và Lugansk, nhưng mùa đông – « bạn đồng minh tốt nhất của Matxcơva » – sắp đến.

Bài « Từ chiến tranh che đậy đến cuộc chiến công khai » trên Le Figaro vạch rõ chiến thuật « chiến tranh kiềm chế », được áp dụng từ khởi đầu xung đột tại Ukraina, cho phép Putin không trực tiếp đối đầu với một can thiệp cứng rắn từ Phương Tây.

Tuy nhiên, từ ít ngày nay, chiến thuật này dường như đang dần thay đổi, kể từ giờ các hoạt động quân sự của Nga diễn ra công khai, với việc di chuyển quân đội Nga được hình ảnh vệ tinh của NATO ghi nhận.

Một nhà ngoại giao bình luận, với ông Putin, « mọi kịch bản đều có thể ».

Nếu Phương Tây gia tăng trừng phạt, có thể có đảo chính tại Nga

Hồ sơ Ukraina của Libération có bài phỏng vấn đáng chú ý nhà đối lập và nhà phân tích chính trị Nga Andrei Piontkovski, từ Matxcơva mang tựa đề « Vladimir Putin muốn thống trị Ukraina, hoặc giải thể quốc gia này ».

Theo nhà phân tích, mục tiêu của Tổng thống Nga không phải là Donetsk hay Lugansk, mà chính là Kiev, ông ta muốn sử dụng các khu vực bất ổn bên trong Ukraina để thao túng quốc gia này, giống như đã từng làm với Moldavia và Gruzia.

Cũng theo nhà phân tích, Putin sẽ chỉ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xung đột bùng phát tại Estonia, vì tại đây các đơn vị vũ trang quy ước của NATO mạnh hơn nhiều so với quân Nga.

Nhà đối lập Nga tin tưởng, nếu Phương Tây gia tăng trừng phạt, tại Nga có thể nổ ra cuộc đảo chính lật đổ Putin.

Ngược lại, trong bài nhận định của thông tín viên Libération gửi về từ Matxcơva, mặc dù trừng phạt đã bắt đầu có những hệ quả rõ ràng đối với nền kinh tế Nga (chính quyền thông báo hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 1%, thay vì 2% GDP.

Giá cả thực phẩm dự kiến sẽ tăng vọt vào khoảng tháng 2/2015), nhưng trong bối cảnh « chủ nghĩa yêu nước hy sinh được thổi bùng lên hiện nay, không chắc chắn rằng người Nga sẽ đòi ông Putin phải trả giá ».

Pháp : Tuyên bố gây chấn động của các bộ trưởng cánh tả

Tuyên bố của các bộ trưởng trong chính phủ Valls II hôm qua gây chấn động cả cánh tả, lẫn cánh hữu.

« Thất nghiệp, nhập cư : Các bộ trưởng phá tan những cấm kỵ của cánh tả » là tựa đề chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro, với nội dung chính được tóm tắt như sau : « Bộ trưởng Lao động François Rabesman muốn kiểm soát những người thất nghiệp lừa đảo.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve muốn giới hạn số lượng người nhập cư. Phẫn nộ trong đảng Xã hội và các nghiệp đoàn ».

Le Figaro có bài xã luận mang tựa đề « Vừa là người cánh tả, vừa có lương tri, có được hay không ? ».

Nhân câu nói ca ngợi « lương tri » của tân Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, Le Figaro khẳng định cánh tả cầm quyền cho đến nay thường nghi ngờ từ « lương tri », cho rằng đây là một quan niệm thiên hữu.

Tờ báo thiên hữu phê phán cánh tả cầm quyền chỉ nói mà không thực sự tấn công vào một loạt các vấn nạn nghiêm trọng của đất nước như nợ nần, hệ thống cứng nhắc, tài chính thâm hụt…

Le Figaro có một loạt bài ca ngợi những chủ trương mới của các bộ trưởng cánh tả : « Cú nhập cuộc không kiêng dè của chính phủ », « Kiểm soát người thất nghiệp, một cuộc cách mạng của cánh tả », « Nhập cư : Bộ trưởng Nội vụ lên án một cánh tả lý tưởng hóa ».

Cũng về chủ đề này, báo cánh tả Libération có bài « Thất nghiệp : François Rebsamen khai màn năm mới với nhiều chấn động ».

Libération nhắc lại việc chỉ trích thái độ tiêu cực của người thất nghiệp trong quá trình tìm việc làm mới đã từng là một nét tiêu biểu trong thái độ của cựu Tổng thống Sarkozy. Thái độ này bị ứng cử viên Tổng thống cánh tả François Hollande lên án hồi 2012 : « mưu toan sử dụng tình trạng suy kiệt » của người tìm việc làm « để ra một đòn chính trị thấp hèn ».

Oái ăm thay đây lại chính là lập trường xã hội-tự do của Bộ trưởng Lao động đảng Xã hội, công bố hôm qua trên kênh truyền hình i-Tele.

Phát biểu của vị Bộ trưởng trên bị chính lãnh đạo đảng Xã hội Cambadélis phàn nàn là đã làm « lu mờ thông điệp của Tổng thống » về một chương trình tin học hóa lớn cho nhà trường.

Tuy nhiên, Libération cũng ghi nhận một thực tế là, kể từ khi chính phủ Valls II thành lập, một loạt tín hiệu cho thấy chính phủ đang ngả về bên hữu.

Libération cũng dẫn ra hai con số. 116.000 là số việc làm được thông báo nhưng không có ứng cử viên năm 2013 và 50.000 là số người bị gạt ra khỏi danh sách đăng ký thất nghiệp vào tháng 6/2014.

Nhà nước Hồi giáo có thể tiêu vong nếu không được người dân ủng hộ

Trở lại với thời sự quốc tế, những hành vi man rợ mới của Nhà nước Hồi giáo tại Trung Cận Đông là chủ đề lớn khác.
Trang nhất tờ La Croix dành để nói về « Những người trốn chạy Nhà nước Hồi giáo ».

Đặc phái viên La Croix có mặt tại vùng tự trị Kurdistan, thuộc Irak, để mô tả tình cảnh khốn cùng của người Thiên chúa giáo, người thuộc sắc tộc Yezidi.

Bị sốc trước bạo lực của lực lượng thánh chiến Hồi giáo, nhưng đồng thời của cả những dân cư Hồi giáo địa phương ủng hộ phe thánh chiến, những người tỵ nạn không còn hy vọng trong tương lai có thể chung sống với đạo Hồi.

Cho đến nay, khoảng 700.000 người không theo Hồi giáo đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn tại Kurdistan. Rất nhiều người không tin có thể trở về nhà, một số vẫn còn hy vọng can thiệp quân sự quốc tế mới cho phép lập lại « một nền hòa bình bền vững ».

Liên quan đến các hành động man rợ của phe thánh chiến, Le Figaro cho biết « Nhà nước Hồi giáo cắt cổ một người Mỹ thứ hai », nhà báo Steven Sotloff. Hiện tại, Nhà Trắng nhận định đây là một hành động « ghê tởm », nhưng cho biết chưa thẩm định tính xác thực của thông tin này.

Đối diện với sự bất lực tương đối của cộng đồng quốc tế trước đà bành trướng của Nhà nước Hồi giáo, bài nhận định « Chiến thắng của Nhà nước Hồi giáo hoàn toàn có thể đảo ngược » của ông Jean-Luc Marret, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương của đại học Johns Hopkins (Maryland) trên Le Monde, cho thấy thế mạnh hay yếu của lực lượng Hồi giáo vũ trang này thực chất nằm ở sự ủng hộ của dân chúng.

Bí mật của sự thắng lợi của lực lượng này cho đến nay nằm ở chỗ có được sự ủng hộ của các mạng lưới chiến binh hay cựu quân nhân người Sunni.

Theo nhà nghiên cứu, nếu lực lượng Nhà nước Hồi giáo ổn định được sự cai trị của mình trong một vùng đất nhất định, lực lượng này có thể được trang bị nhiều tiềm năng về công nghệ và khoa học, khiến nó trở thành một sức mạnh rất đáng sợ.

« Con dao » và « Xa với con người » : 2 bộ phim đáng chú ý tại Liên hoan Venise

Về liên hoan phim Venise lần thứ 71 đang diễn ra (sẽ kết thúc ngày 7/9), Libération ghi nhận Liên hoan Mostra hiện kém sức ảnh hưởng, rất ít phim đáng chú ý, và một lịch trình tổ chức không phù hợp càng khiến liên hoan phim quốc tế của Ý khó thu hút công chúng.

Tuy nhiên, Libération cũng dành phần « Sổ tay » giữa số báo cho liên hoan, và đặc biệt lưu ý hai bộ phim không thể bỏ qua : phim Đức « The Cut » (Con Dao) của đạo diễn Fatih Akin và bộ phim Pháp « Loin des hommes » (tạm dịch là « Xa cách với con người ») của đạo diễn David Oelhoffen, cả hai đều nói đến các bi kịch trong xung đột cộng đồng.

Phim Xa với con người lấy bối cảnh là các xung đột tại Algeri sau năm 1954, còn phim « The Cut » của đạo diễn gốc Thổ Nhĩ Kỳ (từng đoạt giải Gấu vàng năm 2004 với bộ phim « Head On », rồi giải thưởng lớn của ban giám khảo tại liên hoan Venise 2009 với « Soul Kitchen ») lấy đề tài cuộc diệt chủng Armenia 1915-1917. Bộ phim hoành tráng này có sự tham gia của khoảng 12 quốc gia.

Chiến tranh, bạo lực và tội ác là những ám ảnh thường trực của nhân loại.

Như chúng ta biết, cho đến nay, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng bác bỏ khái niệm diệt chủng liên quan đến các cuộc thảm sát người Armenia trong thời gian Thế chiến thứ nhất dưới thời đế chế Ottoman.


Switch mode views: