Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Laid off

laid off

Tư Chuột bị lay off !

Bước ra khỏi phòng ông Manager mà anh còn ngẩn ngơ. Mấy tháng nay nghe tin hãng sẽ lay off một số người, Tư Chuột không tin là mình trong số ấy, vì anh làm thâm niên, tay nghề cao, có lay off chăng là những công nhân mới vô làm mà thôi.

Ai ngờ, họ chủ trương lay off những người lâu năm, đồng lương cao, thời buổi này tuyển thợ mới dễ dàng, lương start thấp sẽ giảm được chi phí ngân sách. Đau thật !

Tư Chuột đau vì phải đối diện với cuộc sống thì ít nhưng với vợ thì nhiều, có chật vật khó khăn thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn rồi anh sẽ tìm được job khác, nhưng cái gương mặt chắc chắn sẽ tiêu điều của vợ mới giày vò anh nhiều.

Anh rời hãng, chẳng muốn về nhà trong lúc này, anh vào một quán cà phê trong khu chợ Việt Nam, để nhâm nhi nỗi buồn và tìm cách lựa lời để thông báo với vợ cái tin ” lay off ” này.

Gọi tách cà phê xong mà đầu óc anh vẫn rối tung lên, không biết mình đang nghĩ gì nữa, thì nghe thấy giọng nói quen quen phía sau:

– Tư Chuột! Sao lang thang cà phê giờ này?

Tư Chuột quay lại, nhận ra thằng bạn cùng làm một hãng trước kia:

– Vinh hả, lâu lắm mới gặp mày. Từ ngày đổi qua hãng khác, thế nào?

Vinh cười thoải mái:

– Ngon lành, tao đi uống ly cà phê cho tỉnh táo, tao làm ca chiều. Còn mày, bộ đang lấy vacation nên tà tà cà phê cà pháo hả?

Tư Chuột lắc đầu, chán nản nói gọn lỏn:

– Lay off !

– Hồi nào?

– Hồi nãy. Tao từ hãng ghé vào đây luôn.

– Vậy mà tao tưởng mày ra đây để mộng mơ chứ, vì đây là quán “Mộng Mơ” mà.

Tư Chuột thở dài:

– Đáng lẽ phải có quán cà phê “Mộng Tàn” cho những người thất tình và thất nghiệp như tao bây giờ.

Vinh sáng mắt lên:

– Tao có ý kiến cho mày bớt chán đời. Nhân dịp này về Việt Nam chơi một chuyến đi, ở xứ Mỹ, bị lay off cũng là dịp để nghỉ ngơi, trong khi chờ đợi xin công việc khác.

– Nghe mày nói tao biết ngay tới giờ này mày cũng chưa có vợ, mày có biết về Việt Nam là đồng nghĩa với ăn chơi không? Đã không làm ra tiền lại còn về Việt Nam ăn chơi, có chăng là con vợ nó khùng, nó mới cho đi.

Vinh gọi một tách cà phê và vui vẻ nói chuyện với bạn:

– Đúng là tao chưa có vợ, nhưng cũng sắp sửa. Hồi nào tới giờ tao vẫn ở chung với mẹ, bà già bao tao ăn ở, chỉ việc để dành tiền năm nay cưới vợ.

Tư Chuột nhìn bạn, thấy tội cho nó quá mà không nỡ nói ra, vì ngày xưa anh cũng như thế, cũng hí hửng để dành tiền cưới vợ, để rước một mụ đàn bà về, dâng hiến cho nó tất cả sự tự do, tình yêu và tiền bạc. Và nó lên làm “boss” của mình lúc nào không hay.

Chuyện trò một lúc Vinh đứng dậy ra về, để lại cho Tư Chuột một câu hứa hẹn:

– Tao sẽ hỏi hãng tao và giới thiệu mày, cho tao số phone, có gì tao gọi lại ngay.

Tư Chuột về đến nhà, tính ngủ một giấc mà không sao ngủ được, vậy mà lúc sáng sớm thức dậy đi làm, anh thèm được ngủ, chỉ muốn nằm thêm một chút nữa.

Vợ anh làm nghề Nail, 9 giờ sáng rời khỏi nhà và 9 giờ tối mới về. Nó chăm chỉ, miệt mài làm việc để thực hiện giấc mơ: Mua một căn nhà to đẹp, rộng 3,000 sqf. trở lên, sân sau có hồ bơi và sân trước có hai chiếc xe BMW mới tinh cho xứng với căn nhà.

Giấc mơ của vợ, chỉ liên quan tới anh một điều là phải làm ra tiền cho vợ hài lòng, chứ anh chẳng dính dáng gì tới sở thích nhà to, xe đẹp ấy cả. Nợ một đống chưa chắc gì sung sướng, thà cứ sống bình dân, bụi đời một tí mà thoải mái, đỡ lo.

Tư Chuột đã từng giải thích với vợ rằng nhà mình chỉ có 3 người, ở làm gì hết căn nhà rộng đến thế? Cái hồ bơi lại càng lãng phí, em làm từ sáng đến tối, một tuần chỉ nghỉ một ngày, anh cũng vất vả làm việc, mấy khi rảnh mà bơi với lội ! Còn thằng cu Tí mới hơn một tuổi thì lại càng không thể bơi, nhưng có thể rớt xuống hồ bất cứ lúc nào nếu ta sơ ý. Hàng tháng phải thuê người tới clean up cho nước hồ sạch trong. Rồi tới mùa Thu, mùa Đông phải căng lưới ra, che lá, che rác khỏi rơi xuống hồ làm úng nước, làm nhiễm trùng nước? Bao nhiêu thứ gian nan, liệu em có thì giờ chăm sóc không??

Nhưng vợ đã gân cổ lên mà cãi:

– Anh chẳng hiểu gì cả, dù mình xài hay không, nhưng cuộc sống cứ phải đầy đủ tiện nghi cho bạn bè… nể phục, và nhất là để em… chụp hình, quay video gởi về Việt Nam cho cha mẹ em, gia đình em… hãnh diện !

Cãi đi cãi lại nhiều lần, lần nào Tư Chuột cũng là người thua cuộc, anh chỉ có nước trông chờ mai này thằng cu Tí lớn lên, lấy vợ, lúc ấy vợ anh -bà Tư Chuột- sẽ sáng mắt ra, mới biết thương con, thương chồng, biết xót xa cho thân phận thằng đàn ông khi nhìn thấy con bị vợ nó hiếp đáp.

Mệt mỏi, căng thẳng,Tư Chuột ngủ thiếp đi, khi anh tỉnh dậy thì đã nghe léo nhéo tiếng vợ, tiếng con trong nhà:

– Hôm nay anh làm việc mệt lắm sao mà ngủ tới giờ này mới dậy? Anh đã đặt nồi cơm cho em chưa?

Tư Chuột bối rối:

– À… quên… để bây giờ anh làm.

Anh lấy gạo vào nồi, cắm điện xong xuôi rồi ra chơi với con, đợi vợ tắm xong, ra nấu cơm tối như thường lệ. Chị Tư Chuột hớn hở khoe:

– Hôm nay em gặp bà khách sộp cho tiền típ hậu hĩ. Giá người nào cũng như bà ta thì em làm giàu mấy hồi.

Thấy vợ đang vui, anh chớp ngay thời cơ, thông báo cho nó xong sự đời:

– Anh mới bị lay off sáng nay!

Tức thì mặt vợ anh sa sầm xuống, bất ngờ và nhanh chóng như những đám mây kéo tới báo hiệu một cơn mưa giông:

– Trời ơi, thời buổi này mà lay off thì chết người ta, cái hãng của anh sao mà cà chớn quá vậy?

– Cách đây vài tháng anh được lên lương và lãnh tiền bonus, em đã khen hãng anh tử tế, biết điều. Vậy mà…

Vợ không để anh nói hết ý, quay ra oán trách mọi tình huống:

– Cũng tại bọn khủng bố, tại nước Mỹ từ ngày mang quân đánh nhau với Iraq, làm kinh tế Mỹ lao đao, làm anh bị thất nghiệp.

Anh an ủi vợ:

– Nhưng mà thôi, anh có tay nghề thợ tiện cũng dễ xin việc mà em.

– Người thất nghiệp một đống kia kìa, mà hãng xưởng có mở thêm ra đâu. Vợ anh não nề thở dài.

– Từ từ rồi cũng tìm được việc, thiên hạ bị lay off đã có ai chết đâu?

– Nhưng sẽ cản trở bao nhiêu thứ, anh biết không?

Mắt vợ anh chợt sáng lên:

– À, hay là anh học Nail đi, tay nghề mà khá còn chắc ăn hơn hãng xưởng, chán làm tiệm này thì đi làm tiệm khác, tha hồ bay nhảy.

– Các bà làm nail cứ bay nhẩy như vậy cũng khổ cho chủ, không biết đâu mà tính, hèn gì trên báo, mục rao vặt la liệt “Cần thợ Nail” tưởng như đang thiếu thợ Nail trầm trọng. Người Việt Nam làm ăn với nhau nhiều khi chẳng hợp đồng gì cả, chủ tiệm Nail hay chủ nhà hàng, cứ thuê mướn thợ… bằng miệng. Anh đầu bếp đòi lên lương không được, lựa giờ cao điểm, ngày cuối tuần khách đông là… xin nghỉ bệnh ở nhà, chủ mà không có tay nghề hay thuê mướn người khác kịp thời thì chỉ có nước dẹp tiệm. Bởi vậy chủ Nail hay chủ nhà hàng lúc nào cũng thấp thỏm lo đề phòng và… đối phó với đám thợ.

– Anh đừng có lan man sang chuyện của người khác, hãy đi vào vấn đề, anh có học Nail không thì bảo? Vợ anh sốt ruột gắt lên.

Anh khẳng định:

– Anh làm thợ tiện, tay cầm sắt, thép quen rồi, cầm tay đàn bà mà làm việc thì chết người ta, và chết… cả anh nữa vì… bối rối và cảm động.

– Thôi đừng có đùa, mục đích của mình là kiếm tiền mà?

– Nghề Nail cũng như bất cứ nghề lương thiện nào cũng đều đáng quý em ạ, em làm tiền không thua gì anh, anh đâu dám chê nghề Nail của em, anh chỉ muốn làm công việc đúng tay nghề, sở thích.

Vợ anh vẫn chưa hài lòng:

– Được rồi, em chờ đấy! Nhưng trong thời gian chưa có việc làm thì anh hãy nghe đây: Bắt đầu từ ngày mai thằng cu Tí sẽ ở nhà với anh để tiết kiệm tiền baby sit, và anh kiêm luôn phần bếp núc, dọn dẹp nhà cửa để tiết kiệm thời gian cho em đỡ mệt.

Anh Tư Chuột đồng ý, còn hơn là ngồi không, nó… ngứa mắt, bắt anh đi học Nail.

Cái chuyện nhà tưởng đơn giản thế mà Tư Chuột đã làm quần quật cả ngày, nội việc trông thằng cu Tí cũng đủ điên ruột, cho nó ăn, cho nó ngủ, thay tã lót, áo quần, rồi nấu cơm theo những bài bản mà vợ đã đưa ra. Màn dọn dẹp nhà cửa mới đáng sợ, Tư Chuột dọn tới đâu thì cu Tí bày ra tới đó.

Nhưng dù bận rộn tới đâu Tư Chuột vẫn không quên mỗi ngày đọc báo, mở computer để tìm việc. Tiền trợ cấp thất nghiệp đã làm thu nhập nhà này thấp đi, mà lại chỉ cho giới hạn có 6 tháng, thời gian cứ vùn vụt trôi qua làm Tư Chuột lo âu thật sự, job thợ tiện người ta vẫn cần nhưng có nơi trả lương quá thấp so với khả năng của anh, hoặc nơi thì xa nhà, không thuận tiện. Đi làm là một hành trình mỗi ngày và lâu dài, không ai muốn tiêu phí thời gian dài trên đường đi đường về cả.

Buồn tình và thất vọng Tư Chuột quay ra mua vé số, ông thần tài Mỹ đã gõ cửa mấy người Việt Nam rồi, biết đâu sẽ có ngày tới phiên Tư Chuột?

Nồi canh đang sôi lên sùng sục, Tư Chuột chưa kịp nêm mắm muối, thì thằng cu Tí thức dậy gào khóc inh ỏi, có lẽ nó đói và tã ướt cần thay, toàn là những việc cấp bách làm Tư Chuột bối rối không biết nên làm việc nào trước. Đang lúc tình huống hoả mù như thế, cái điện thoại không biết điều lại reo lên ầm ĩ, không phải hai ba lần rồi thôi, mà liên tục như hối hả, thúc giục anh phải nhấc lên nghe nó mới chịu.

Đó là Vinh, thằng bạn mà anh đã gặp ở quán cà phê cách đây mấy tháng, may quá, tí nữa thì anh vọt miệng… chửi thề vì tưởng mấy thằng quảng cáo.

– Tư Chuột ơi, có tin vui đây. Tao đã giới thiệu mày cho boss của tao, nay họ cần và mời mày đến phỏng vấn, sáng mai đến hãng tao nhé.

Mặc cho con khóc bò lăn lóc trên sàn nhà, mặc nồi canh đang sôi, anh hí hoáy ghi địa chỉ và số phone của hãng. Hãng này gần nhà, đúng như điều anh mơ ước.

Sáng hôm sau đợi vợ rời khỏi nhà, Tư Chuột mang cu Tí đến nhà bà Baby sit cũ. Người Việt Nam với nhau dễ lắm, giờ giấc, thời gian uyển chuyển, muốn thôi lúc nào cũng được, và muốn gởi lại thì cứ mang tới, chẳng phải giấy tờ luật lệ gì cả.

Thật ra ở đời cái gì cũng có qua có lại, dễ người dễ ta, rất công bằng, có những lần cu Tí bị ngã sưng môi, mẻ trán, vợ chồng anh xót xa nhưng có làm khó dễ gì bà Baby sit đâu. Chẳng những thế mà thỉnh thoảng còn biếu bà ít quà cho vui.

Có lần anh đến đón cu Tí về sớm để đi bác sĩ, thấy bà ấy đang nằm khểnh ở ghế sofa coi phim Hồng Kông hay Hàn Quốc gì đó, chắc đang đến hồi gây cấn, mắt bà còn rưng rưng lệ, mặc cho vài ba đứa trẻ chơi đùa với nhau, nên chuyện chảy máu, sưng môi chắc không phải chỉ riêng thằng cu Tí.

Tư Chuột đến hãng với một tờ resume đầy đủ quá trình kinh nghiệm, tay nghề. Cuộc phỏng vấn thông qua dễ dàng, họ nhận anh vào làm với mức lương anh đòi hỏi tương đương mức lương nơi hãng cũ. Tư Chuột thấy lòng thơ thới hân hoan.

Không cần phải trúng số độc đắc, trong cuộc sống vẫn có những lúc “trúng số” nho nhỏ như thế này cũng đủ vui sướng rồi, mà tại sao người ta cứ khao khát chờ đợi những giấc mơ “Độc đắc” xa vời, hầu như không bao giờ đến nhỉ?

Rời khỏi hãng,Tư Chuột không đi đón con, không về nhà ngay. Anh ghé vào quán cà phê hôm nọ, quán Mộng Mở đây mà.

Hôm nay thì anh tha hồ mộng mơ. Ôi, có những chuyện đời thường, bỗng trở thành những giấc mơ thèm khát, giấc mơ ấy là anh sẽ trả công việc bếp núc lại cho vợ, và trả thằng cu Tí lại cho… bà baby sit. Anh chán làm cái công việc nội trợ lắm rồi! Anh sẽ trở về vị trí một anh thợ tiện khéo tay, giỏi việc tại hãng xưởng.

Tối nay khi vợ về, anh sẽ hiên ngang nói vào mặt vợ mà không cần phải đợi thời cơ lúc nó vui như hôm anh bị lay off nữa:

– Anh có việc rồi, tuần tới đi làm.

Chắc rằng mặt vợ anh sẽ tươi tỉnh lên, như sau cơn mưa trời lại sáng, sẽ khen cái hãng vừa mướn anh là tử tế, dễ thương, và bà Tư Chuột lại có quyền tiếp nối giấc mơ: một ngôi nhà rộng 3,000 sqf trở lên, có hồ bơi và hai cái xe BMW lộng lẫy đậu trước cửa cho mọi người… nhìn thấy.

Switch mode views: