Trời Buồn Tháng Hạ
- Thứ Hai, 14 tháng Tám năm 2017 12:42
- Tác Giả: Vi Vân
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương… Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm?”*
Bài hát của cô ca sĩ trên Ti Vi gợi nhớ những mùa hè thuở học trò nghe sao quen thuộc và mến thương quá. Mắt tôi chợt ướt, tim tôi chợt quặn đau, niềm ưu tư, chua xót bỗng tràn về xâu xé tâm hồn.Tôi mơ màng nhìn vào khoảng không trống vắng, tôi như bắt gặp một cái gì đó thật xa, xa lắm, bàng bạc, chập chờn như mộng ảo nhưng đậm nét thương đau. Hình ảnh những mùa hè năm xưa, dòng sông quê mẹ, những con đường nằm im ngủ, những bước chân lang thang, những đêm trong phòng trà ở Sàigòn hoa lệ, những lời tình buồn của bài ca hôm nào cùng hình ảnh người trai kiêu bạc phong sương đã một thời ghi khắc sâu đậm trong tim tôi lại hiện về rõ ràng, lồng lộng…
Ngày đó tôi đã gặp anh như là định mệnh. Mùa hè năm ấy tôi và hầu hết đám bạn thân đều đậu Tú Tài 2 sau một năm vất vả miệt mài học tập. Có một ngày tôi và Thu Thảo lang thang ra phố tìm mua vài xấp vải. Khi cảm thấy chân mỏi rã rời hai đứa ghé vào một quán giải khát. Thảo đang kể lể chuyện tình của cô cho tôi nghe thì có tiếng nói trầm ấm bên tai:
– Xin phép hai cô, có thể cho tôi ngồi chung bàn được không vì đã hết chỗ rồi.
Tôi và Thảo nhìn lên, thì ra là một thanh niên chừng 25, 26 tuổi. Thảo nhìn quanh, quả thật đã đầy kín khách nên gật đầu:
– Dạ được không sao, anh cứ tự nhiên.
– Cám ơn hai cô.
Làm sao còn tự nhiên được nữa. Câu chuyện tâm tình của Thảo không thể tiếp tục nên cô chuyển sang đề tài khác:
– Lan Anh nầy, mình đã thoát khỏi môn Triết học của thầy Nguyễn Hải Bằng tao mừng quá trời. Không hiểu sao một người trẻ tuổi, đẹp trai như thầy Hải Bằng lại là giáo sư dạy Triết chứ. Môn học gì khô khan thấy mồ.
Người thanh niên ngồi bên bỗng lên tiếng:
– Ồ! Hai cô là học trò của Nguyễn Hải Bằng à? Hắn là bạn tôi đó.
Hai đứa tôi cùng quay lại nhìn, thì ra anh ta cũng trạc tuổi thầy Bằng. Thu Thảo nhanh miệng gọi ngay anh bằng thầy:
– Thầy là bạn của thầy Bằng sao? Thầy dạy ở trường nào? Môn gì?
Người thanh niên mỉm cười, lắc đầu:
– Không, tôi không phải là thầy giáo, tôi là lính.
Thảo mở to mắt và kêu lên:
– Cái gì, thầy là…lính à?
– Vâng, lính thì có gì lạ mà cô ngạc nhiên thế? Thời buổi nầy cô không thấy nơi nào cũng có lính sao? Không có lính ai bảo vệ cho các cô được ngồi đây học hành, vui chơi, bát phố…
Thảo cụt hứng quay sang tôi nói nhỏ:
– Lại bị “ lên lớp” rồi. Xui xẻo thật! Tao thấy anh ta đâu giống lính.
Tôi cười nói với Thảo:
– Ai bảo mầy lanh mồm, lanh miệng quá làm chi.
Sau đó hai đứa cúi đầu im lặng ăn kem tiếp. Anh lính kia uống hết ly nước trái cây rất nhanh rồi đứng dậy:
– Xin phép hai cô tôi đi trước.
Anh ta vừa bước ra cửa chợt quay lại và đưa cho tôi một tấm danh thiếp:
– Hy vọng có ngày gặp lại hai cô.
Tôi chưa kịp nói gì thì anh ta đã bỏ đi mất.
Cầm tấm danh thiếp trên tay tôi hết sức ngạc nhiên vì trên danh thiếp chỉ có tên anh: Nguyễn Cao An Bình và địa chỉ nhà ở Sàigòn số… đường Trương Tấn Bửu-Phú Nhuận mà thôi. Tôi nói với Thảo:
– Mầy nhìn xem, danh thiếp gì mà không có chỗ làm, không ghi chức vụ, chỉ có địa chỉ nhà ở Saigòn. Anh ta là lính có bao giờ ở nhà đâu, có phải anh muốn gạt mọi người không? Ai muốn liên lạc với anh ta thì làm sao?
Thu Thảo lầm bầm:
– Ý anh ta là chỉ cần cho biết tên mình. Đúng là một người gàn, xui xẻo thật. Thôi mình cũng về đi Lan Anh, hôm nay chả vui tí nào.
Tôi phải đành chìu ý Thảo.
Hai hôm sau tôi và Thu Thảo được Bảo Trân – cô bạn cùng lớp – mời dự buổi dạ tiệc do ba cô tổ chức để mừng cô thi đậu. Ba của Bảo Trân là một sĩ quan cấp Tá đang phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 nên khách mời ngoài đám bạn của con gái mình còn có nhiều sĩ quan trẻ tham dự. Không biết có phải ông cố ý giúp đám người trẻ có cơ hội gặp gỡ và quen nhau không nhưng hầu hết các chàng thì độc thân, còn bạn của Bảo Trân là những người đang chuẩn bị vào Đại Học, lứa tuổi đẹp nhất của con gái, lứa tuổi đang mơ mộng hoàng tử của lòng mình. Căn biệt thự của Bảo Trân hôm ấy được trang hoàng tuyệt đẹp, rực rỡ chóa mắt, khách khứa khá đông, toàn những khuôn mặt trẻ trung rạng rỡ. Tôi và Thu Thảo ngồi ở một bàn gần sân khấu.
Sau màn giới thiệu của Bảo Trân và Ba cô thì ông nắm tay con gái ra khai mạc buổi dạ tiệc bằng một bản Paso doble làm ai cũng ngưỡng mộ tình cha con của ông. Kế tiếp một người thanh niên bước lên sân khấu, anh ngồi xuống chiếc đàn dương cầm vừa đàn vừa hát một bản nhạc Pháp. Đầu anh ta cúi xuống nên chúng tôi không nhìn rõ mặt nhưng giọng anh trầm ấm và buồn mang mang, lời của bài ca nức nở như nỗi lòng của kẻ ra đi làm tôi muốn khóc:
“ Je suis partie sans un adieu. Il valait mieux pour tous les deux. Laisse moi te dire: je t’aimes bien.
Cette chanson, je l’ai chantée en criant ton nom. Elle est pour toi. Ne pleure pas.
Je suis partie sans oublier…C’est ma chanson, c’est ta chanson”.**
Tiếng vỗ tay chấm dứt, người thanh niên đứng lên rời chỗ, tôi bỗng giật mình.Thảo thảng thốt:
– Lan Anh, mầy còn nhớ anh chàng nầy không? Hôm mình gặp y ở quán kem đó.
Tôi cũng vừa nhận ra anh chàng có cái tên đẹp và tấm danh thiếp kỳ lạ: Nguyễn Cao An Bình.
– Ừ, tao nhớ rồi, làm gì mà mầy mừng dữ vậy?
Thảo cười tinh nghịch:
– Tao sẽ làm quen chàng, không để con cá nầy lọt lưới, uổng lắm.
Tôi chỉ vào mặt Thảo:
– Vừa phải thôi chứ cô. Định ăn lựu đạn hay sao mà đòi bắt cá hai tay vậy? Còn anh chàng Thủy Quân Lục Chiến của mầy để đâu?
– Ở xa mà, ảnh đâu biết. Người đó là chánh, anh nầy để… sơ cua thôi.
Tôi đưa tay cú đầu Thảo, lúc rút tay lại chạm phải một người vừa đi tới, tôi giật mình xin lỗi và cũng kịp nhận ra là An Bình. Anh cười vui vẻ:
– Chào hai cô, hai cô còn nhớ tôi không? Thật vui mừng vì được gặp lại hai cô. Lần trước quên hỏi tên hai cô, lần nầy xin mạn phép nhé!
Thảo cười thật tươi:
– Anh khách sáo rồi. Bây giờ là thế kỷ thứ mấy chứ, chúng tôi không ngại cho anh biết tên đâu. Tôi tên Thu Thảo, bạn tôi là Lan Anh. À! Anh đàn giỏi quá và hát cũng hay nữa.
Bình mỉm cười:
– Cầm súng lâu ngày tay đã chai cứng nên đàn cũng dở rồi cô ạ! Ngày xưa khi còn đi học tôi chơi đàn khá lắm, giờ ít có dịp ngồi trước cây đàn. Còn ca thì… cho vui vậy thôi.
Tôi xen vào:
– Anh Bình hát hay thật đó, giọng anh thật ấm, lời ca buồn, cảm động làm tôi suýt khóc.
An Bình quay sang tôi:
– Chào Lan Anh. Cám ơn cô còn nhớ đến tôi. Chắc nhờ tấm danh thiếp của tôi mà cô biết tên tôi phải không?
Đối diện với anh bỗng dưng tôi hơi hồi hộp nên ấp úng:
– Dạ phải.
An Bình kéo ghế ngồi xuống gần tôi rất tự nhiên. Tôi quay nhìn lại thì Thu Thảo đã biến đâu mất, thì ra cô đang lả lướt ngoài sàn nhảy cùng một anh. An Bình hỏi tôi:
– Tôi có thể mời Lan Anh nhảy một bản không?
– Tôi… không thích nhảy.
Anh cười:
– Thôi cũng được, nói chuyện với nhau hay hơn. Lan Anh nghĩ sao về tôi?
– Tôi không nghĩ gì cả vì tôi đâu phải người quen của anh.
– Cô xa lạ quá.Thì bắt đầu từ hôm nay chúng ta là người quen, cô không thể coi tôi là bạn được sao?
Tôi nghĩ mình không thể dễ dãi quá nên đáp:
– Anh cho tôi suy nghĩ lại chuyện đó.
Anh cười nhẹ và nói như chỉ để cho tôi nghe thôi:
– Người gì mà khó thế.
Tôi giả vờ không nghe, ngước mắt nhìn lên sân khấu, lại một anh lính khác đang trải tâm sự bằng một tình khúc chinh chiến buồn. Trên sàn nhảy từng cặp, từng cặp dìu nhau trong điệu nhạc du dương dưới ánh đèn mờ ảo…
Sau buổi tiệc An Bình đưa tôi và Thảo về nhà bằng xe jeep nhà binh mượn của ba Bảo Trân. Ngồi trên xe anh luôn tìm cách gợi chuyện với tôi mà quên mất Thu Thảo ngồi bên. Thảo quay sang nói nhỏ với tôi:
– Coi bộ anh chàng thích mầy rồi. Thôi tao nhường cho mầy đó, dù gì tao cũng chỉ muốn để… sơ cua thôi.
– Đừng đùa với lửa, bỏ ý nghĩ đó đi cô. Mầy phải chung thủy với người yêu chứ.
An Bình quay sang hỏi:
– Các cô đang nói xấu tôi à?
Thảo cong môi:
– Bộ anh xấu lắm sao mà sợ?
– Có chứ! Tôi đâu phải là thần thánh. Người trần tục thì điểm xấu nhiều vô kể.
– Tôi thật nhìn lầm anh rồi! Thảo xiên xỏ.
An Bình cười lớn, không nói gì thêm nữa. Đến nhà Thảo xuống trước, trên xe chỉ còn Bình và tôi. Tôi bỗng thấy hồi hộp, căng thẳng quá, chỉ mong sao sớm đến nhà mình.
Tôi ngước nhìn lên, sao đêm lấp lánh cả một vùng trời rộng bao la, vài chiếc chiến đấu cơ bay xa xa đang gầm thét, âm vang rờn rợn như mang nỗi phẫn uất, thương đau, chua xót vọng về, nhắc nhở người thành phố rằng ngoài kia cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Trong giờ phút nầy có bao kẻ đang ôm súng đối mặt kẻ thù, đang lặn lội trong rừng sâu đen tối hay giữa cánh đồng sình lầy để bảo vệ quê hương, tổ quốc. Tôi chợt thấy buồn, chợt bâng khuâng trong dạ. Tôi quay sang hỏi Bình:
– Anh đi lính chắc cực khổ lắm hả? Anh có thường đi hành quân không?
Bình nghiêm nét mặt:
– Tôi là lính thì làm sao không đi hành quân, đánh giặc? Cô tưởng ai cũng sung sướng như các cô, an nhiên tung tăng dạo phố. Cô có muốn nghe tôi kể đời lính phong sương gian khổ thế nào không?
– Vâng, tôi muốn nghe lắm, anh kể đi.
Anh nhìn tôi giây lát rồi lắc đầu:
– Bây giờ đã trễ rồi, để tôi đưa Lan Anh về nhà trước kẻo khuya quá cô sẽ bị mẹ mắng. Vậy ngày mai mình gặp nhau được không? Lúc đó có nhiều thì giờ tôi sẽ kể cho cô nghe.
– Ngày mai chắc… tôi không đi được.
– Tại sao? Cô đừng từ chối tôi mà! Tôi sắp sửa phải đi rồi. Cô biết ba Bảo Trân là chú tôi nên lâu lắm tôi mới có dịp xuống đây. Lan Anh đừng làm khó tôi nữa, được không?
Nhìn nét mặt khẩn khoản, tha thiết của anh tôi bỗng mềm lòng nên đáp nhỏ:
– Thôi cũng được. Mai gặp anh ở đâu?
An Bình cười rạng rỡ:
– Buổi sáng tôi còn công vụ, vậy chiều mai mình gặp nhau trước cửa nhà hàng Quốc Tế lúc 4 giờ nhé!
Khi tôi đến nhà Bình còn nhắc lại:
– Lan Anh nhớ đó, ngày mai lúc 4 giờ chiều.
Không chờ tôi trả lời, An Bình quay xe chạy mất.Tôi đứng nhìn theo lòng chợt thấy một chút xuyến xao khó tả.
Buổi chiều hôm ấy, lần đầu tiên tôi gặp mặt riêng An Bình, anh chờ tôi trước cửa nhà hàng Quốc Tế bên bờ sông. Hôm ấy tôi mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt phối hợp thật hài hòa với màu áo xanh sậm của An Bình nên trông hai đứa như đôi tình nhân đã từng hẹn hò có sự chuẩn bị, sắp xếp từ trước. Trước mặt nhà hàng là bến Ninh Kiều dập dìu nam thanh nữ tú và du khách dạo quanh. Ngoài kia dòng sông Hậu êm đềm gợn sóng đưa con nước chảy xuôi mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng bát ngát mênh mông hay những vườn cây thênh thang, bạt ngàn trĩu quả.
Xa xa thấp thoáng bóng con đò đưa rước khách sang sông với cô lái tóc thề buông lơi trong chiều nắng Hạ.
Thấy tôi An Bình mừng rỡ:
– Lan Anh chịu đến tôi vui lắm, thôi mình vào đi.
Tôi theo anh vào trong. Nhà hàng trang trí ấm cúng, thanh lịch, không khí mát mẻ dễ chịu, nhạc êm êm, nhẹ nhàng, thiết tha truyền cảm. An Bình đưa thực đơn cho tôi chọn thức ăn.Tôi nói:
– Anh chọn gì cho Lan Anh cũng được.
Anh chọn hai phần Omelet, một ly nước ngọt, một ly rượu vang. Nhìn những ngón tay có màu vàng của An Bình tôi hỏi:
– Anh Bình hút thuốc lá nhiều lắm sao mà đầu ngón tay của anh vàng cả vậy?
An Bình có vẻ ngượng:
– Cô đừng cười nhé! Thuốc lá đối với tôi chẳng những để giải sầu mà còn rất đặc biệt, Lan Anh có muốn nghe một câu chuyện gần như huyền thoại của tôi không?
– Vâng! Anh kể đi, tôi muốn nghe lắm.
Bình ngước nhìn lên trần nhà thở nhẹ, hình như có một chút xúc động, anh bắt đầu kể:
– Sau khi tôi mãn khóa ở trường Võ Bị Đà Lạt thì được bổ nhiệm về Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tôi phục vụ cho Trung Đoàn 10. Từ đó tôi lặn lội khắp những vùng nổi tiếng nguy hiểm thuộc phạm vi trách nhiệm của Sư Đoàn 7 như: Kiến Hòa, Gò Công, Mỹ Tho… Có một lần Tiểu Đoàn tôi bị bao vây ở quận Mỏ Cày thuộc tỉnh Kiến Hòa. Tỉnh nầy có biệt danh là “xứ dừa” vì đâu đâu cũng thấy dừa, cả rừng dừa bạt ngàn, mênh mông. Những cây dừa được trồng xen kẽ với những con kinh để khi hái trái người ta sẽ ném dừa xuống đó cho tiện vớt lên.
Chỗ Tiểu Đoàn tôi bị bao vây là một nơi rậm rạp, cỏ tranh dày đặc và cao. Hỏa lực bên kia rất mạnh, phải là cấp Trung Đoàn. Có lẽ phía họ cũng không nắm chắc lực lượng của ta nên không dám xông lên tấn công, cả hai bên cùng nằm yên cố thủ. Chúng tôi nằm dưới một con kinh giữa hai hàng dừa, nước ngập gần tới ngực, lạnh cóng, tê buốt, mệt nhoài. Trong thời gian chờ tiếp viện tôi không chịu nổi lạnh nên lấy điếu thuốc hút cho ấm lại một chút dù tôi biết nổi lửa lúc đang lâm trận là điều tối kỵ. Khi tôi dùng hộp quẹt zippo để mồi lửa, tôi phải cúi đầu thấp xuống và lấy tay che gió cho lửa đừng tắt thì một tràng AK bay đến tạt ngang đỉnh nón sắt của tôi làm tôi kinh hồn bạt vía. Nếu không có điếu thuốc, nếu tôi không cúi xuống mồi lửa thì tràng AK đó đã phang ngay mặt hoặc cổ họng tôi rồi. Giờ nhớ lại còn giật mình, cái chết của lính thật mong manh trong đường tơ kẽ tóc. Từ ngày đó tôi coi thuốc lá như ân nhân cứu mạng, như nhân tình của tôi vậy…
Tôi đang hồi hộp theo dõi câu chuyện của anh đến đọan cuối không khỏi bật cười vì lối nói khôi hài của anh.Tôi thấy thương và thông cảm cho cuộc đời gian khổ, hiểm nguy của những người lính trận như anh:
– Tôi cũng hiểu được ít nhiều cuộc đời lính chiến. Trường hợp của anh quả là một phép lạ nhưng cũng là định mệnh vì số phần anh chưa tận.
An Bình nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng:
– Phải, tôi nghĩ đó là định mệnh của tôi. Định mệnh khiến xui tôi chưa chết ngày ấy để giờ nầy được gặp Lan Anh ở đây, được quen một cô bạn dễ thương, hiền lành như Lan Anh vậy.
Tôi ngước nhìn anh và nghĩ thầm “anh chàng đang bắt đầu tấn công mình đây”, trong lòng hơi mất bình tĩnh nên lặng yên không nói câu nào. An Bình nói tiếp:
– Lan Anh à, cô là học trò của bạn tôi và tuổi cũng nhỏ hơn tôi nhiều nên cho phép tôi gọi cô bằng em được không? Cứ dùng chữ “tôi” hoài nghe xa lạ quá.
Không hiểu sao lời anh như có một mãnh lực khiến tôi xiêu lòng và trả lời ngay:
– Dạ được chớ anh, Lan Anh chỉ đáng tuổi làm em gái của anh thôi.
Bình cười thật tươi:
– Như vậy thì tốt quá rồi, từ nay anh nói gì em không được cãi lại nhé!
Tự nhiên tôi nghe nóng bừng lên má. Tôi len lén nhìn anh bỗng dưng thấy lòng lâng lâng xúc động. Đôi mắt anh khi nhìn tôi tuy ấm áp dịu dàng nhưng gợn chút u buồn, mênh mông xa vắng. Nhìn nét kiêu dũng phong sương của Bình tôi thấy hồn mình chợt luyến lưu người trai của sông núi bạt ngàn, của trường sa máu lửa. Tôi biết rằng mình đang bắt đầu vào một cuộc phiêu lưu đầy cam go sóng gió.
Chỉ qua một bữa ăn tối, tình cảm giữa tôi và Bình đã thân mật thêm nhiều. Hai đứa đi lang thang giữa phố đêm đèn vàng ngập lối. Trên bầu trời từng ánh hỏa châu bùng lên xa xa, chợt sáng, chợt tắt, chợt dồn dập… tôi thấy nao nao buồn và hỏi Bình:
– Có phải ngoài kia, nơi có ánh hoả châu đó đang diễn ra cuộc chiến không anh?
Bình gật đầu:
– Đúng vậy, họ đang đánh nhau đó em. Đối với tụi anh bất cứ lúc nào cũng có thể được lệnh ra đi, sẵn sàng lao vào trận đánh, rồi khi tàn cuộc trở về không biết ai còn ai mất. Mới hai tháng trước đây chú lính mang máy truyền tin của anh đã lãnh nguyên một tràng AK nát đầu, văng óc ra ngoài chết liền tại chỗ, mỗi khi nhớ đến anh thật đau lòng. Những đóm hoả châu kia, những tiếng đạn bay súng nổ, máu lửa, xác bạn, xác thù và quang cảnh điêu tàn xơ xác sau cuộc giao tranh đã là những hình ảnh quen thuộc với anh.
Bước chân chúng tôi khua đều trên đường phố, con đường về nhà tôi dài lê thê hun hút, hai hàng cây cúi mặt gục đầu, vòm lá trên cao xạt xào, rì rào như đang tỉ tê tâm sự cùng nhau. Đêm u buồn sâu thẳm, một cánh chim lạc loài vừa chợt bay ngang buông tiếng kêu rã rời não nuột.
An Bình dừng lại và nắm tay tôi:
– Tiếc quá, thời gian chúng ta quen biết thật ngắn ngủi. Sáng mai anh phải đi rồi, anh sẽ viết thư cho Lan Anh.
Tôi không biết nói gì nên trả lời thật nhỏ:
– Dạ, Lan Anh sẽ cầu nguyện cho anh luôn luôn được bình yên.
Anh gật đầu cám ơn rồi quay bước. Nhìn theo bóng anh cô đơn xa dần tôi thấy bâng khuâng trong dạ và biết rằng mình sắp sửa bước vào cuộc điêu linh.
oOo
Mùa hè năm đó với tôi thật đầy ý nghĩa vì tôi đã gặp và quen biết An Bình.Thỉnh thoảng tôi nhận được thư anh viết vội vã, viết sau những lần đánh trận trở về buồn bã, mệt nhọc, cô đơn, đau xót vì có những đồng đội vừa hy sinh. Tôi đã hoà nỗi vui buồn của mình vào tâm tình của người lính trẻ. Ngày tháng dần trôi, anh và tôi đã mến thương nhau tha thiết dù chỉ qua những cánh thư xanh.Tôi chấp nhận làm người yêu của lính, chấp nhận nhớ nhung xa cách, chấp nhận hồi hộp lo lắng ngóng chờ.Tôi luôn theo dõi trên báo chí, trên các đài phát thanh tin tức về những cuộc hành quân của Sư Đoàn 7 Bộ Binh vì biết rằng có anh trong đó.
Rồi một mùa hè nữa lại đến. Tuy không được gặp nhau nhưng tình yêu chúng tôi qua những trang thư tha thiết đậm đà đã làm tôi nhớ nhung An Bình da diết. Chàng phiêu bạt khắp vùng 4 chiến thuật, ngoài những khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 7, đôi khi anh được tăng viện cho Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở những vùng khác, những lá thư chàng gửi về với nhiều địa danh xa lạ. Tôi không tưởng tượng được người yêu của mình gian lao, nguy hiểm thế nào nên chỉ biết cầu nguyện cho anh luôn bình yên nơi trận tuyến, cầu mong anh luôn được như tên: AN BÌNH.
Mùa hè năm thứ ba chúng tôi yêu nhau, An Bình đi phép về thăm bố mẹ vì hai cụ rất nhớ anh nên anh hẹn tôi gặp nhau ở Sàigòn. Tôi cũng sẵn dịp lên thăm dì ruột của mình. Khoảng thời gian ấy tôi và An Bình nắm tay nhau thênh thang trong vùng trời hạnh phúc. Đó là đoạn tình diễm lệ nhất đời tôi, chàng đưa tôi đi khắp mọi nơi, mọi nẻo. Có những đêm vào phòng trà Mỹ Phụng, Olympia hay Maxim nghe nhạc, trong vòng tay ấm áp của chàng, trong những điệu nhạc chập chùng vây bủa với những bài tình ca buồn đã ru tình yêu chúng tôi vào giấc ngủ thần tiên. Đôi khi chúng tôi đi Long Thành hay Lái Thiêu hái trái cây, hòa niềm vui cùng thiên nhiên, cùng mây trời phiêu lãng. Có lúc chúng tôi ra tận Phú Lâm vào các quán cóc ăn những món bình dân quen thuộc. Chúng tôi như hai cánh chim trời bay khắp đó đây không cần biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy đến. Rồi chia tay nhau, tôi về nối tiếp học hành, Bình trở lại đơn vị với bạn bè đồng ngũ, với ngày nắng đêm sương, dãi dầu gian khổ.
Một ngày đầu năm 1975 tôi nhận được hung tin: anh mất tích khi tăng viện cho Sư Đoàn 9 ở Cao Lãnh tỉnh Kiến Phong. Bạn bè trong đơn vị không thể tìm thấy dấu vết hay tin tức gì về anh cả. Cha mẹ anh đau khổ vật vã khóc than, tôi tan nát con tim, bẽ bàng số phận, mộng ước của đời tôi đã tan tành sụp đổ. Từ lúc yêu anh tôi đã chấp nhận tất cả những gì xấu nhất có thể xảy ra nhưng tôi không thể nào chôn giấu niềm đau khi xa rời anh được.Từng đêm kỷ niệm hiện về giết chết tuổi đôi mươi hoa mộng của tôi, vắng anh rồi tôi chỉ còn là một thể xác không hồn mất hết sinh lực, không còn sức sống.Tuy vậy, tôi vẫn nuôi hy vọng anh còn sống sót và một ngày nào đó anh sẽ trở về, sẽ xuất hiện trước mặt tôi, nhưng tôi mãi chờ mong mà ngày đó chưa bao giờ đến.
oOo
Rồi tháng Tư đen 1975 chụp xuống, quê hương đất nước điêu tàn xơ xác. Những người thân quen kẻ còn người mất, kẻ ở lại nghèo khổ đắng cay, người ra đi ngậm ngùi chua xót. Cuộc thế đã đổi thay và lòng người cũng thay đổi. Dù chỉ có ba năm yêu nhau nhưng tôi không quên được An Bình nên không thể chấp nhận hình bóng một nam nhân nào khác. Cứ thế cuộc đời tôi âm thầm trôi qua theo ngày tháng buồn tênh.
Mười năm sau tôi đến được bến bờ Tự Do và định cư ở miền Nam California nước Mỹ. Vào ngày cộng đồng Người Việt Hải Ngoại tổ chức lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30/4 tôi đến đó để tham dự. Trong buổi lễ khi tôi đang chăm chú nghe vị Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn thì ở hàng ghế phía sau tôi có tiếng nói:
– Mầy thấy mệt sao? Thôi để tao đưa mầy về nhé!
Một giọng nói yếu ớt trả lời:
– Ừ, tao mệt rồi. Mầy đưa tao về giùm đi.
Tôi quay nhìn xem ai đã nói những lời đó. Mắt tôi dừng lại trên gương mặt xanh xao của người đàn ông, ánh mắt sao quen thuộc quá. Tôi buột miệng kêu lên:
– Trời ơi! Anh… anh là An Bình phải không?
Người đàn ông thoáng chút ngỡ ngàng rồi reo lên:
– Ồ! Lan Anh. Đúng là em rồi, anh không lầm đâu.
– Dạ, là em đây anh.Nhưng anh sao vậy, anh bệnh à?
Tôi đứng lên cùng người bạn của Bình dìu anh ra khỏi hàng ghế. An Bình nhìn tôi lộ niềm vui trong mắt:
– Gặp lại em anh mừng quá, như trong mơ, tạ ơn trời đất. Bây giờ anh đang mệt lắm không nói nhiều với em được, chờ vài ngày sau anh khỏe lại sẽ gặp em nhé! Em cho anh địa chỉ của em đi.
Lúc bấy giờ anh Tuấn, người bạn của Bình lên tiếng:
– An Bình bị ung thư gan vừa mới vô hóa chất nên còn mệt lắm, vậy mà vẫn muốn đi đến đây. Nếu cô là bạn của Bình thì hôm nào ghé qua nhà thăm nó, giờ tôi phải đưa Bình về.
Tôi xin địa chỉ và số điện thoại nhà Bình rồi chia tay hai anh.Tôi rất muốn theo đưa anh về nhà nhưng ngại vợ con anh phiền nên đành im lặng. Đêm đó về nhà tôi không thể nào ngủ được.Tôi rất vui mừng vì Bình còn sống sót và tôi đã gặp lại anh, nhưng sao anh chỉ đi với bạn, còn vợ con anh đâu? Chẳng lẽ anh vẫn còn độc thân? Bao nhiêu thắc mắc trong lòng, tôi chỉ mong trời mau sáng để tôi đến nhà thăm anh.
Đêm về yên tĩnh vắng lặng, tôi ngồi cô đơn nhìn những vì sao lấp lánh trên trời chợt nhớ đến những đêm xưa khi cùng anh hò hẹn. Hai đứa lang thang dưới trời khuya đếm từng vì sao và kể chuyện nhau nghe. Những ngày tháng êm đềm đó, những lời thề nguyền hẹn ước còn in đậm trong trái tim tôi, trong ký ức tôi chưa bao giờ nhạt nhòa, phai lãng. Hôm nay trên đất khách tôi bỗng gặp lại người xưa như trong cơn mơ khiến tôi bồi hồi xúc động và lo sợ, tôi lo sợ sẽ mất anh một lần nữa trong đời.
Ngày hôm sau tôi đến nhà anh thật sớm. Căn nhà nhỏ xinh xinh nhưng vắng lạnh vì chỉ có anh nằm trên giường và Tuấn bạn anh đang có mặt. Tôi cũng được biết Bình vẫn sống đời cô đơn buồn tẻ. An Bình ngạc nhiên và mừng lắm, anh ngồi trên giường tiếp chuyện với tôi:
– Xin lỗi em, anh vừa mới làm Chemo nên hơi mệt. Em không ngại ngồi đây nói chuyện với anh chứ?
– Sao anh khách sáo với em vậy? Anh hãy lo chữa bịnh đi. À, em muốn biết vì sao anh đến nước Mỹ được. Ngày ấy em đã khóc rất nhiều khi anh mất tích, em tưởng không bao giờ còn gặp anh nữa. Chuyện ngày đó như thế nào vậy anh?
– Chuyện ấy dài dòng lắm, anh Tuấn sẽ kể cho em nghe vì anh không kể nổi. Tuấn là bạn thân của anh, hết lòng lo lắng cho anh nhất là lúc nầy.
Tôi thấy Bình có vẻ mệt nhiều nên đỡ anh nằm xuống giường và nói:
– Anh nghỉ ngơi đi, em ra ngoài nói chuyện với anh Tuấn.
Tôi trở ra ngồi đối diện với Tuấn. Tôi ngỏ lời cám ơn anh đã vì bạn bè mà chăm sóc Bình lúc nầy. Tuấn cười nói:
– Tôi chỉ có một đứa con đi học xa, hai vợ chồng ở nhà cũng buồn tẻ. Tôi đã nhận An Bình làm em nên chăm sóc Bình cũng nên lắm, cả vợ tôi cũng đồng ý. Tháng nầy tôi xin nghỉ phép thường niên và ở luôn đây lo cho Bình.Tội nghiệp An Bình, một thân cô độc không chịu lấy vợ cứ chờ đợi một người đã hơn 10 năm cách biệt, không ngờ người đó là cô. Gặp được cô đây tôi mừng lắm nhưng Bình thì…
Anh Tuấn bỏ dở câu nói, tôi hiểu anh định nói gì và lòng tôi cũng đau đớn vô vàn. Tuấn kể cho tôi nghe câu chuyện của Bình ngày ấy:
– Hôm đó An Bình đi hành quân ở Kiến Phong và bị thương nặng ngất xỉu, thất lạc đơn vị. Anh may mắn được một gia đình nông dân cứu sống nhưng lại bị Việt Cộng phát hiện và bắt giam anh trong một nhà dân chung với một vị Linh Mục, hai thầy giáo và một nữ công chức. Những người dân đó rất tử tế, cho các anh ăn uống đầy đủ, nếu để các anh trốn họ sẽ bị Việt Cộng xử tội nên các anh không nỡ bỏ trốn. Vào thời điểm đó Việt Cộng đang tập trung lực lượng để tấn công về các thành phố lớn mà quên mất vùng nông thôn. Một hôm vị Linh Mục nói với Bình:
– Con nên trốn đi vì con là lính. Cha và mấy thầy giáo họ chỉ dụ quy hàng thôi nên không có gì nguy hiểm.
Thế là Bình trốn thoát khỏi nơi đó. Anh không về đơn vị ngay mà về nhà trước. Đến Sàigòn thì tình hình vô cùng hỗn loạn, dân chúng hoang mang, hoảng sợ lo tìm đường chạy ra nước ngoài. Đạn pháo Việt Cộng nhắm vào phi trường Tân Sơn Nhất hàng loạt nhằm chận đứng lối thoát của Đồng Minh và dân, quân ta. Hai ngày sau Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Thế là hết! Đơn vị anh còn đâu nữa mà về? Tất cả hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ. An Bình ngước mặt nhìn lên trời cao cắn chặt môi mình đến rướm máu mà không hay. Qua phút đau thương anh đành tìm đường chạy thoát. Anh đã ra được Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ và định cư ở miền Nam California sau đó..”
Qua lời anh Tuấn tôi đã biết được vì sao Bình còn sống sót. Tôi mừng anh đã qua khỏi hiểm nguy ngày đó nhưng bây giờ anh đang mang bệnh nan y. Ôi! Thượng Đế hỡi, Ngài đã thương sao không thương cho trót, sao để chúng tôi gặp lại nhau trong hoàn cảnh thế nầy?
Những ngày kế tiếp tôi vẫn ghé nhà An Bình thường xuyên chăm sóc giúp đỡ anh. Bịnh tình anh càng ngày càng trầm trọng, anh Tuấn đã hết phép nên không đến ở với anh được nữa. Tôi phải xin nghỉ phép dài hạn, không lương để lo cho anh. Nơi quê người xứ lạ, hai kẻ yêu thương nhau và còn độc thân thì ngại gì tai tiếng nên tôi bàn với Bình tôi sẽ dọn đến ở luôn nhà anh để tiện bề trông nom, săn sóc anh. Tuy rất ái ngại cho tôi nhưng cuối cùng anh cũng chấp nhận.
Một ngày kia An Bình mệt nhiều, tôi định đưa anh vào bịnh viện nhưng Bình bảo tôi đưa anh ra trước nhà để anh được nhìn mây trời của những ngày tháng Hạ. Anh yêu nhất là mùa Hạ vì đó là những mùa Hạ anh đã quen tôi, yêu tôi và cũng… xa tôi.
Tôi dìu An Bình ra trước nhà, anh ngồi trên băng ghế dài nhìn hoa phượng tím nở rực suốt con đường quen thuộc.Thời tiết California mùa nầy tuyệt đẹp nhưng với thân xác rã rời bịnh hoạn của anh làm sao An Bình không bi quan, chán nản? Anh bảo tôi ngồi bên anh:
– Em là người thân mà anh tin cậy nhất nên hãy hứa với anh một việc được không?
Tôi nhìn anh lo lắng:
– Anh muốn nói gì? Để em đưa anh vào bịnh viện nhé! Trông anh yếu lắm rồi.
– Thôi để mai đi em. Anh muốn ở nhà gần em thêm một ngày nữa. Vào bịnh viện thì có thay đổi được gì đâu. Anh nhờ em sau khi anh chết em đem tro cốt anh ra bờ biển Huntington Beach hoặc Redondo Beach rải xuống giùm anh. Như vậy linh hồn anh sẽ xuyên qua Thái Bình Dương mà về Việt Nam. Anh sẽ về thăm lại những nơi anh từng hành quân giáp trận; về quê em thăm lại nơi chúng mình gặp gỡ; về Sàigòn thăm lại những con đường xưa lối cũ… Anh nhớ lắm những ngày còn đi học, những lần dẫn em đi phòng trà nghe nhạc, những lần hai đứa lang thang dạo phố. Anh nhớ mãi một buổi tối anh dẫn em ra Chợ Cũ nhìn em nước mắt dàn dụa khi ăn chén bò viên với tương ớt thật cay mà em vẫn thích ăn… và còn biết bao kỷ niệm khác.
Tôi thấy Bình đã quá mệt nên ngăn lại:
– Thôi anh, đừng nói nữa. Chờ anh khỏe lại anh nói thật nhiều cho em nghe.
– Không, anh sợ sẽ không còn dịp để nói với em nữa vì anh biết sức mình đã cạn. Anh cám ơn Thượng Đế đã đối xử tốt với anh, đã cho anh còn gặp lại em và được gần em trong những ngày tháng cuối đời anh, anh không còn mơ ước gì hơn. Anh xin lỗi vì không thể mang hạnh phúc đến cho em, không cùng em sống tới ngày răng long tóc bạc, hẹn em kiếp sau Lan Anh nhé!
Tôi nghe đau xót tột cùng, tim tôi như bị xé tan thành muôn mảnh, sao đời tôi quá đớn đau, bất hạnh như vậy? Tuy nhiên, tôi cố an ủi anh:
– Anh sẽ khỏe lại mà. Khoa học bây giờ tân tiến lắm, chúng ta còn nhiều ngày tháng bên nhau anh ạ!
An Bình thở dài yếu ớt, nhìn tôi rồi bảo:
– Em ôm anh đi, ôm thật chặt. Anh muốn mang hơi ấm của em theo anh. Bây giờ anh cảm thấy nhớ Sàigòn quá. Em có thể hát cho anh nghe một khúc nhạc nào nói về Sàigòn của mình được không?
Tôi gật đầu ôm anh vào lòng, anh nắm chặt tay tôi và tựa đầu vào tôi. Tôi cất tiếng hát nho nhỏ chỉ đủ để anh nghe:
“ Anh còn nhớ hay anh đã quên? Nhớ Sàigòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức sáng cho anh vòm lá me xanh…
Anh còn nhớ hay anh đã quên? Nhớ đường dài qua cầu lại nối, nhớ những con sông nối bao dòng kinh, nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng…” ***
Trước mắt tôi cảnh vật mờ dần, hình như tôi đang nhạt nhòa nước mắt.Tim tôi nghẹt cứng, đớn đau, tan nát vì bàn tay An Bình vừa buông xuống, vừa rời khỏi tay tôi, bơ vơ lạc lõng…
Trên cao mây trắng vẫn bồng bềnh trôi ngang hờ hững.Trời đang mùa nắng Hạ sao tôi nghe như có một luồng băng giá vừa ập đến trong hồn. Đầu óc tôi điên đảo quay cuồng, tôi nghe như sóng trùng dương đang ào ạt đổ về, bão tố từ đâu tràn ngập, cuốn trôi hết rồi lẽ sống của đời tôi. Ngoài kia hoa phượng tím rơi rơi bay tản mạn trong gió như đang nhỏ lệ xót xa, thương cảm, ngậm ngùi tiễn biệt một người vừa ra đi…
--------------------------------------------------
*Nỗi Buồn Hoa Phượng – Thanh Sơn
**Je suis partie – Christophe
***Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên – Trịnh Công Sơn
Related news items:
Tin mới
- Chọn vợ hiền - 02/09/2017 14:50
- Viên Ngọc Bali - 02/09/2017 14:46
- Đêm mưa - 02/09/2017 14:41
- Bà Ngoại - 27/08/2017 01:33
- Cái lon guigoz - 27/08/2017 01:29
- Mùi Hương Trên Ðồi - 27/08/2017 01:25
- Tình yêu cổ điển - 19/08/2017 04:06
- Lý Lẽ Của Trái Tim - 19/08/2017 03:58
- Việt Kiều - 12/08/2017 15:04
- Laid off - 12/08/2017 14:50
Các tin khác
- Chứng nhân không biết nói - 05/08/2017 15:22
- Duyên phận và Mệnh số - 05/08/2017 15:18
- Ba ngày ở bể bơi - 05/08/2017 14:31
- Lời hứa - 29/07/2017 22:54
- Trả nợ ân tình - 29/07/2017 22:47
- Giọt mưa trên tóc - 29/07/2017 22:44
- Vĩnh biệt Phây-búc! - 23/07/2017 14:10
- Đợi chờ - 23/07/2017 14:05
- Người Việt gốc Mỹ - 23/07/2017 13:56
- Có chuyến bay - 16/07/2017 01:41