Ông Lão Bên Cầu
- Thứ Tư, 13 tháng Năm năm 2015 18:20
- Tác Giả: Ernest Hemingway, Trương Mỹ-Vân dịch
Lời giới thiệu: Ernest Hemingway (1899-1961) là văn sĩ Mỹ sinh ở ngoại ô thành phố Chicago, tiểu bang Illinois. Ông biểu lộ năng khiếu văn chương lúc còn trẻ và cộng tác với tờ báo của trường thời còn đi học. Trong Thế Chiến thứ nhất, ông lái xe cứu thương cho hội Hồng Thập Tự và sau khi bị thương, ông trở về Mỹ tiếp tục viết văn. Năm 1921, ông sang Âu Châu hành nghề ký giả và đi khắp các quốc gia vùng Cận Đông. Tác phẩm đầu tay của ông "Three Stories and Six Poems" ra đời năm 1923 và liên tiếp sau đó là các tác phẩm nổi tiếng như "The Sun Also Rises" (1926), "A Farewell to Arms" (1929), "For Whom the Bell Tolls" (1940), và "The Old Man and the Sea" (1952). Ông được giải Nobel văn chương năm 1954.
Hemingway là người khởi xướng loại truyện-thật-ngắn hiện đại và chịu nhiều ảnh hưởng của Sherwood Anderson (1867-1941), một văn sĩ Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn của Hemingway không có cốt truyện rõ rệt và ông không dùng tình cảm để gây xúc động mạnh. Tuy nhiên với văn phong giản dị nhưng điêu luyện, từ ngữ chọn lọc và óc nhận xét tinh tế, ông thường chia tình tiết câu chuyện thành từng đoạn từng hồi rõ rệt.
Truyện "Ông Lão Bên Cầu" được dịch từ nguyên tác "Old Man at the Bridge", trong đó người thuật chuyện chứng kiến số phận hẩm hiu của ông lão già nua, vì thời cuộc đã trở thành nạn nhân không may của thảm cảnh chiến tranh trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939). Ở đây, Hemingway chỉ ghi nhận sự tàn bạo phi lý của chiến tranh mà không hề biểu lộ xúc động nào.
Một ông lão già nua mang đôi kính gọng thép, áo quần đầy bụi đang ngồi bên vệ đường. Trước mặt ông, đoàn xe vận tải, xe kéo và đám đàn ông, đàn bà, trẻ con lũ lượt kéo nhau băng qua chiếc cầu nổi bắc ngang dòng sông. Những chiếc xe chở hàng hai bánh do đàn lừa kéo đang lảo đảo leo lên con dốc cao vòi vọi dưới chân cầu, với toán binh sĩ đang thi nhau hì hục đẩy. Đoàn xe vận tải nặng nề dẫn đầu, theo sau là những người dân quê lầm lũi bước trong đám bụi mịt mù. Duy chỉ một mình ông lão già nua vẫn ngồi yên, bất động vì quá mệt mỏi và không thể tiến thêm bước nào nữa.
Tôi có bổn phận đi qua bên kia cầu quan sát điểm tiến quân của địch và khi xong phận sự, tôi trở về. Lúc này đám người di tản cùng đoàn xe vận tải đã thưa thớt, chỉ còn lại năm ba người bộ hành, nhưng ông lão già nua vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi hỏi ông:
- Cụ từ đâu đến?
Ông lão mỉm cười:
- Từ San Carlos.
Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của ông nên ông mỉm cười hãnh diện khi nhắc đến thành phố này. Ông giải thích:
- Tôi chăn súc vật ở đó.
Tôi vẫn không hiểu ý ông ta:
- Vậy à?
- Vâng. Ông biết không, tôi nấn ná ở lại chỉ vì để giữ đám súc vật đó. Tôi là người cuối cùng rời thành phố San Carlos.
Trông ông lão không có vẻ gì là người chăn chiên hay người giữ súc vật nên tôi quan sát kỹ bộ quần áo đầy bụi và khuôn mặt sạm nắng với cặp kính gọng thép rồi hỏi tiếp:
- Cụ chăn súc vật gì?
Ông lão lắc đầu:
- Đủ các loại, nhưng tôi phải bỏ chúng mà đi.
Tôi quan sát chiếc cầu trên châu thổ sông Elbro, dòng sông dài nhất phía bắc Tây Ban Nha chảy vào biển Địa Trung Hải, rồi tự hỏi còn bao lâu nữa quân địch sẽ tiến đến vùng này và lắng tai nghe ngóng những tiếng động bí mật đầu tiên báo hiệu sự xuất hiện của địch.
Trong lúc đó, ông lão vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi hỏi lại:
- Cụ chăn loại súc vật gì?
Ông lão giải thích:
- Tôi có tất cả ba con vật: hai con dê và một con mèo, ngoài ra còn thêm bốn cặp bồ câu nữa.
- Thế cụ phải bỏ chúng ở lại sao?
- Vâng, vì pháo kích. Viên trung úy ở đó bảo tôi phải đi ngay vì pháo kích.
- Cụ không có thân nhân sao?
Tôi vừa hỏi ông vừa chăm chú quan sát cuối chân cầu, nơi vài chiếc xe cuối cùng đang vội vàng leo xuống con dốc cạnh bờ sông. Ông lão đáp:
- Không. Như tôi đã bảo, tôi chỉ có bầy súc vật đó thôi. Con mèo có lẽ sẽ không sao vì nó có thể tự lo cho nó được. Nhưng không biết số phận những con kia sẽ ra sao.
- Cụ biết gì về thời cuộc không? Cụ theo phe nào?
- Tôi hoàn toàn không biết gì về thời cuộc và cũng không theo phe nào cả. Năm nay tôi đã bảy mươi sáu tuổi. Tôi đi bộ mười hai cây số đến đây và bây giờ tôi không thể đi thêm một bước nào nữa.
Tôi bảo ông lão:
- Chỗ này không phải là nơi cho cụ dừng chân. Nếu cụ có thể tiếp tục đi đến ngã rẽ đằng kia, sẽ có xe vận tải đưa cụ đến Tortosa.
- Vâng. Tôi nghỉ chốc lát rồi sẽ đi. Ông bảo mấy chiếc xe vận tải đó đi đâu?
- Về phía Tortosa.
- Tôi không quen ai ở đó cả, nhưng cám ơn ông nhiều lắm.
Ông lão nhìn tôi với ánh mắt sững sờ, mệt mỏi; rồi dường như muốn chia sẻ với tôi nỗi lo âu của ông, ông nói tiếp:
- Con mèo sẽ không sao. Không cần phải lo cho nó, nhưng số phận đám súc vật kia sẽ ra sao?
- Ồ, chúng sẽ không sao đâu.
- Ông nghĩ vậy sao?
- Tại sao lại không?
Tôi đáp lời ông lão, vừa quan sát phía đầu cầu lúc này không còn bóng xe vận tải nào nữa.
- Nhưng nếu có pháo kích, bầy súc vật sẽ ra sao vì chính tôi còn phải di tản để tránh pháo kích nữa mà?
- Trước khi đi, cụ có mở cửa chuồng bồ câu không?
- Có.
- Vậy thì chúng sẽ bay đi.
- Vâng, dĩ nhiên là bồ câu có thể bay thoát, nhưng còn những con kia sẽ ra sao? Thôi, tốt hơn hết là không nên nghĩ đến chúng nữa.
Tôi giục ông lão:
- Nếu cụ đã lại sức, cụ nên gắng đi ngay.
- Cám ơn ông.
Nói rồi, ông lão đứng dậy, lảo đảo được vài bước rồi ngồi bệt xuống vệ đường đầy bụi.
Lúc này ông lẩm bẩm như nói với chính mình chứ không còn nói với tôi nữa:
- Tôi ở đó để chăn đám súc vật của tôi. Tôi chỉ biết lo cho đám súc vật đó thôi.
Không ai có thể làm gì giúp ông lão lúc này được. Hôm đó nhằm ngày chủ nhật, đúng dịp lễ Phục Sinh và đoàn quân Phát-Xít Ý đang tiến về châu thổ sông Elbro. Vì hôm đó trời u ám, nhiều mây đen nên máy bay địch không oanh tạc được. Chỉ có điều đó cọng thêm việc con mèo sẽ tự lo lấy thân là hai điều may mắn duy nhất ông lão còn hưởng được.
Related news items:
Tin mới
- Mắt Đêm - 01/06/2015 14:37
- Tiếng Hát Bên Đời - 01/06/2015 14:32
- Về một ánh sao - 01/06/2015 14:19
- Chuyện Vợ "Ông Nhà Thơ" - 25/05/2015 14:02
- Rựa Cùn Dễ Băm - 25/05/2015 13:51
- Ngôi mộ gió - 18/05/2015 14:47
- 40 Năm Nhớ Về... - 18/05/2015 14:41
- Một bài văn của một nữ sinh lớp 12 - 18/05/2015 14:11
- Như một giấc mơ - 11/05/2015 14:45
- Chuyện người đàn bà khi cuộc chiến tàn - 11/05/2015 14:34
Các tin khác
- Ngậm ngùi - 11/05/2015 14:17
- Chuyện về ông Đại úy - 04/05/2015 14:35
- Chút tình để lại Hawaii - 04/05/2015 14:30
- Đi Tìm Tương Lai & Trở Về... - 04/05/2015 14:17
- Điệp khúc tháng Tư - 27/04/2015 14:39
- Tôi không chết đâu - 27/04/2015 14:36
- Sau 30/4/1975, tôi đi thăm nuôi chồng! - 27/04/2015 14:17
- Ngào ngạt hương đời - 20/04/2015 14:22
- Chuyện của một ngôi trường - 20/04/2015 14:18
- Cây Mai rừng của người Lính Trận - 13/04/2015 14:25