Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Viễn cảnh thống nhất hai miền Triều Tiên còn xa vời

Corée-nord


Đại sứ Bắc Triều Tiên So Se Pyong bên cạnh LHQ - REUTERS


Cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt kéo dài 3 năm 1950-1953 đã chấm dứt bằng hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm, ký ngày 27/07/1953.

Sáu mươi năm đã trôi qua, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vẫn luôn sống trong không khí chiến tranh thường trực, ước vọng thống nhất đất nước của người dân hai miền ngày càng trở nên xa vời.

Hiệp định đình chiến ký ngày 27/07/1953 đã dẫn đến việc chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền với hai ý thức hệ chính trị đối lập nhau, nhưng dù sao sự kiện này cũng đã từng mang lại hy vọng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, để Nam - Bắc cùng nhau tìm một con đường đi tới thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 60 năm ngày đình chiến, trong suốt cả tuần qua, Bình Nhưỡng liên tục có các hoạt động làm sống lại không khí chiến tranh, mà họ xưng tụng như một bản anh hùng ca của tinh thần ái quốc.

Cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử diễn ra hôm nay một lần nữa cho thấy Bình Nhưỡng vẫn sẽ còn theo đuổi dài lâu con đường vũ trang, củng cố sức mạnh quân sự bằng mọi giá.

Chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng được dựng lên với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Liên Xô, đã qua 3 thế hệ lãnh đạo cha truyền con nối, từ Kim Nhật Thành đến Kim Jong-un, vẫn nung nấu con đường đi tới thống nhất đất nước bằng vũ lực chiến tranh.

Trong suốt 60 năm qua, Bắc Triều Tiên đóng cửa, tập trung nguồn lực xây dựng kho vũ khí khổng lồ, trong đó có cả chương trình hạt nhân đầy tham vọng.

Cũng từ đó đến nay, các thế hệ lãnh đạo của Bắc Triều Tiên luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo bị « xâm lược » của « kẻ thù » có ở khắp nơi, mà theo họ là Mỹ và chính những người đồng bào miền Nam.

Còn người dân Bắc Triều Tiên, bị mê muội trong hệ thống tuyên truyền sùng bái lãnh tụ đến cuồng tín, buộc phải huy động tổng lực phục vụ cho những mục tiêu đầy hiếu chiến của một chế độ độc tài chuyên chế.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, 16 triệu trên tổng số 24 triệu dân Bắc Triều Tiên đang phải sống trong cảnh thiếu ăn triền miên.

Sau khi đã xây dựng được một tiềm lực quân sự kha khá, Bình Nhưỡng luôn tìm mọi cách để biểu hiện sức mạnh của mình bằng những lời nói tuyên truyền và cả bằng những hành động khiêu khích, đẩy bán đảo Triều Tiên trở lại không khí chiến tranh, khiến cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại.

Bằng chứng là Bắc Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân, nhiều lần bắn thử các loại tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa và trực tiếp nã pháo vào các đảo của Hàn Quốc.

 Lần gần đây nhất là đợt căng thẳng quân sự lên gần như đến đỉnh điểm hồi tháng 3 năm nay, sau khi Liên Hiệp Quốc ra lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng vì những hành động phiêu lưu vũ trang.

Cũng trong thời gian 60 năm đó, ở miền nam, bên kia giới tuyến quân sự, Seoul tập trung phát triển kinh tế xã hội đất nước, để đến năm 1987, Hàn Quốc trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại, có đời sống chính trị và văn hóa sôi động.

 Về mặt kinh tế, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc công nghệ hiện đại của thế giới.

Có được tiềm năng vững vàng, miền Nam không quên hy vọng thống nhất hai miền, đem lại cơ hội đoàn tụ cho hàng nghìn gia đình ly tán bởi cuộc chiến tranh 1950-1953.

Seoul đã không ít lần tỏ thiện chí với Bình Nhưỡng bằng những việc làm cụ thể : Nào là đề nghị đàm phán, viện trợ lương thực, thuốc men hay hợp tác kinh tế, xây dựng khu công nghiệp chung… Có điều lạ là mọi nỗ lực hàn gắn của Hàn Quốc vẫn thường được Bắc Triều Tiên đón nhận và để dành như một công cụ gây sức ép trở lại khi cần thiết.

Cùng với những tham vọng vũ trang của miền Bắc, những người bà con miền Nam luôn phải sống trong đe dọa chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đến mức mà ước vọng về một đất nước Triều Tiên không còn chia cắt cứ phai nhạt dần.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc Kim Tae-Hyun, giờ đây ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc tự hỏi : « Tại sao chúng ta lại phải hy sinh để hòa đồng với một đất nước không ngớt đe dọa tiêu diệt chúng ta ? ».

Thực tế những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong suốt 60 năm qua khiến cho ngày càng có nhiều người hoài nghi về khả năng thống nhất hai miền Nam- Bắc Tiều Tiên trong hòa bình theo kiểu như nước Đức năm 2009, cho dù cuộc chiến tranh lạnh đã đi qua từ lâu.

Trung Quốc từng gửi cả trăm ngàn quân tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên và đã phải đổ không ít xương máu của dân mình cho mối liên minh với Bắc Triều Tiên, đến giờ cũng cảm thấy Bình Nhưỡng đang đi quá xa trong tham vọng.

Bắc Kinh đã nhìn thấy trong lễ kỷ niệm này những dấu hiệu « lo ngại nhiều hơn là cùng cố » cho một nền hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.

Tân Hoa Xã hôm nay nhận định hai miền Nam Bắc Triều Tiên vẫn luôn ở trong tình trạng có chiến tranh.

Hãng tin chính thức của Trung Quốc Bình luận : « Thực sự đáng tiếc là hai miền Triều Tiên vẫn còn dừng lại ở việc kỷ niệm chấm dứt xung đột đáng ra phải kỷ niệm bước khởi đầu của hòa bình ».

Nhật báo Global Times (Hoàn cầu Thời báo) kết luận « bán đảo Triều Tiên là một hóa thạch sống » còn sót lại của thời kỳ chiến tranh lạnh.


Switch mode views: