Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thành quản, cái nghề bị ghét nhất ở Trung Quốc

TQ-NgheThanhquan



Những người bán hàng rong thường bị các viên "thành quản" bắt nạt, trấn lột (Getty Images /Eightfish)

 

Từ gần hai tuần qua, hình ảnh một người đàn ông nằm sõng soài trên mặt đường, đầu bị trọng thương gây rất nhiều xôn xao trong dư luận Trung Quốc, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Nạn nhân là một người bán dưa hấu rong, 56 tuổi, bị nhân viên quản lý đô thị của huyện Lâm Võ, thị trấn Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đánh chết.

Hành vi tàn bạo của các nhân viên giữ gìn trật tự quản lý đô thị ở Hồ Nam càng làm xấu đi hình ảnh của những viên « thành quản » Trung Quốc và họ đang bị người dân nhìn với một đôi mắt căm thù.

Tất cả bắt đầu vào một buổi sáng ngày 17/07/2013 khi một nhóm chừng bảy, tám cán bộ quản lý đô thị yêu cầu hai vợ chồng người bán dưa hấu Đặng Chính Gia rời xe bán hàng rong của họ đi nơi khác. Thế rồi lời qua tiếng lại và xô xát xảy ra.

Tưởng rằng mọi chuyện êm thắm khi người dân tại chỗ trông thấy toán cán bộ thành phố bỏ đi. Nhưng chỉ nửa tiếng sau đó những nhân viên giữ gìn trật tự quản lý đô thị Sâm Châu đã quay trở lại. Theo lời gia đình nạn nhân, lần này vợ ông bán hàng rong bị cảnh sát toan bắt đi.

Ông Đặng Chính Gia can thiệp. Theo lời các nhân chứng tại chỗ thì cán bộ ở Hồ Nam đã dùng quả cân đánh vào đầu nạn nhân.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã bác bỏ tin này trước khi có kết quả giảo nghiệm tử thi. Thậm chí các tờ báo Trung Quốc còn được chỉ thị không đề cập tới đề tài này. Trên các trang mạng internet cụm từ « người bán dưa hấu » bị kiểm duyệt.

Các cán bộ Trung Quốc ở cấp huyện, cấp tỉnh đều bác bỏ lời chứng của gia đình ông Đặng Chính Gia. Theo nhận xét của thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh trong hầu hết những vụ tai tiếng đánh chết người như vậy chính quyền địa phương luôn dập tắt các đám cháy bằng cách bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Chỉ ba ngày sau khi ông bán hàng rong xấu số bị đánh chết tờ Bắc Kinh Nhật Báo số đề ngày 20/07/2013 đưa tin « Tang lễ ông bán dưa hấu đã hoàn tất. Gia đình cảm ơn chính quyền huyện Lâm Võ ».

 Tân Hoa Xã thì cho hay là « gia đình ông Đặng Chính Gia được bồi thường ». Con trai nạn nhân cho biết số tiền bồi thường là 897000 nhân dân tệ.

Cuộc xét nghiệm tử thi ông bán hàng hàng rong cho thấy ông này đã bị chấn thương sọ và có thể là đã bị đánh vào đầu trước khi chết. Trong khi đó, nhân viên trật tự địa phương chỉ nhìn nhận là đã tịch thu bốn quả dưa hấu của hai ông bà Đặng mà thôi.

Gần như cùng lúc với vụ ông bán hàng rong ở Hồ Nam bị đánh chết, tờ báo South China Morning Post ấn bản đề ngày 22/07/2013 cho biết một người bán hàng rong khác ở Cáp Nhĩ Tân miền bắc Trung Quốc cũng bị các nhân viên lực lượng trật tự đô thị đả thương.

 Hình ảnh nạn nhân máu me bê bết lại cũng được truyền tải rất nhanh trên các trang mạng ở Trung Quốc.

Thế rồi ngày 20/07/2013, một vụ nổ ngay tại sân bay Bắc Kinh như đã thức tỉnh dư luận : tác giả vụ nổ là một người đàn ông ngồi xe lăn. Năm 2005 khi còn là một tài xế tắc xi chui, ông này đã bị sa lưới nhân viên trật tự thành phố và bị đánh đập tàn nhẫn. Chung cuộc, ông bị bại hai chân.

Như nhiều trường hợp từng xảy ra, khi người dân thấp cổ bé miệng đâm đơn kiện lại chính quyền Trung Quốc. Đơn kiện của ông tài xế tắc xi này không hề được cứu xét. Để rồi phải sống trong nỗi tuyệt vọng, ông đã muốn biến thân mình thành thuốc nổ.

Cư dân mạng đã động lòng trước hoàn cảnh của ông tài xế tắc xi nói trên, căm phẫn đối với những nhân viên trật tự đô thị lại càng lớn.

 Dư luận đòi xét lại quyền hạn của các viên « thành quản ». tại một quốc gia đang trên đà đô thị hóa như Trung Quốc, đòi hỏi của dân cư mạng không dễ được thỏa mãn.

Vào mùa hè năm 2011, hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc mang thai bị nhân viên trật tự đô thị đánh đập dã man đã cũng đã được truyền tải rộng rãi trên mạng internet.
 Tất cả những hình ảnh đó khó có thể hàn gắn rạn nứt giữa người dân và các cán bộ địa phương của xứ này.

Chính báo chí Trung Quốc nhìn nhận những thông tin được tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch công bố, theo đó từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2012 đã có 150 vụ lạm dụng quyền lực của các cán bộ quản lý đô thị Trung Quốc.

Nhân viên quản lý đô thị Trung Quốc còn được gọi là các viên « thành quản » đang bị dự luận Trung Quốc chán ghét qua các vụ tai tiếng được báo chí đưa ra ánh sáng. Bên cạnh những hành vi thô bạo đối với dân, các hành vi tham ô moi tiền của những người bán hàng rong càng khiến những cán bộ này trở thành mục tiêu tấn công của giới dân cư mạng Trung Quốc.

Nhiều nhà trí thức Trung Quốc kêu gọi các lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm đến hồ sơ này.
Như lời một nhà báo kiêm nhà văn Trung Quốc « khi ông Tập Cận Bình không thể bảo vệ được một người bán dưa hấu, thì làm sao ông có thể thực hiện được Giấc mơ Trung hoa ? »


Switch mode views: