Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bỉ rơi vào khủng hoảng chính trị vì hiệp ước di trú quốc tế

belgium-budget

Hôm 18/12/2018, thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thông báo từ nhiệm trước Hạ Viện và đệ đơn từ chức lên nhà vua Philippe.
REUTERS/Francois Lenoir

Hiệp ước di trú quốc tế, hay còn gọi là hiệp ước Marrakech, đã được chính thức thông qua với đa số phiếu thuận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/12/2018.

 Hiệp ước này không mang tính cưỡng chế, mà chỉ tạo điều kiện để các nước tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối, quản lý tốt hơn hồ sơ di dân.

Tuy nhiên, trong những tuần qua, hiệp ước Marrakech đã làm dấy lên nhiều tranh cãi chính trị, thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Bỉ.

Sau khi chính phủ Bỉ quyết định phê chuẩn Hiệp ước Di trú quốc tế của Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước, hàng loạt bộ trưởng là thành viên đảng Liên minh Flamand mới (N-VA) chống Hiệp ước Di trú quốc tế đã rút khỏi chính phủ liên minh vì cho rằng hiệp ước Marrakech sẽ thúc đẩy làn sóng di dân ồ ạt ngoài vòng kiểm soát.

Việc đảng N-VA rời khỏi liên minh cầm quyền khiến chính phủ liên bang của Bỉ không còn đủ đa số tại Hạ Viện.
Về phía dân chúng, hôm 16/12, tại thủ đô Bruxelles, 5.500 người dân đã xuống đường biểu tình chống Hiệp ước di trú quốc tế.

Hôm 18/12, sau 4 năm lãnh đạo chính phủ, thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thông báo từ nhiệm trước Hạ Viện và đến Hoàng cung chính thức đệ đơn từ chức lên nhà vua Philippe.

 Charles Michel, 43 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất nước Bỉ tính từ năm 1840.
Quyết định từ chức của thủ tướng Michel khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng như hồi năm 2010-2011, khi tình trạng không chính phủ kéo dài suốt 541 ngày.

Cho đến hôm nay, sau khi tham vấn chủ tịch của các chính đảng, vua Philippe vẫn chưa ra quyết định chính chức phê chuẩn hay từ chối đơn từ nhiệm của thủ tướng Michel, điều đó có nghĩa là chính phủ vẫn tạm thời hoạt động.
Tuy nhiên, quyết định từ chức của thủ tướng Michel có thể đẩy chính trường Bỉ vào tình trạng bất định.

RFI trích dịch bài viết « Bỉ : 5 câu hỏi để hiểu thêm về vụ giải tán chính phủ của thủ tướng Charles Michel », đăng ngày 19/12/2018 trên trang web của kênh truyền hình Pháp FranceInfo.

Liên minh cầm quyền ở Bỉ gồm những đảng nào ?

Thủ tướng Charles Michel lãnh đạo chính phủ liên minh từ năm 2014.
Liên minh này gồm đảng của ông là đảng Phong trào cải cách (MR), đảng Liên Minh Flamand mới (N-VA), đảng Dân Chủ - Thiên Chúa Flamand và đảng Flamand tự do.

Nhưng vào ngày 09/12, năm bộ trưởng và quốc vụ khanh thuộc đảng N-VA đã xin từ chức.
Thủ tướng Charles Michel đã buộc phải công bố thành phần nội các mới, gọi là nội các « Michel 2 » không có đảng N-VA, vốn là một đảng giữ vai trò quan trọng trong chính phủ liên minh trước đó.

Những lý do nào thúc đẩy thủ tướng từ chức ?

Lý do thứ nhất là hiệp ước di trú quốc tế, còn được gọi là hiệp ước Marrakech, đã gieo rắc sự bất đồng trong liên minh cầm quyền.
Mặc dù hiệp ước không mang tính cưỡng chế, nhưng đảngLiên Minh Flamand mới (N-VA) đã bác bỏ nội dung hiệp ước, sau thời gian ủng hộ ban đầu.

Theo N-VA, hiệp ước Marrakech mở ra con đường khiến các nước tham gia hiệp ước mất quyền tự chủ về chính sách đón nhận di dân.
Mặc dù không có sự ủng hộ của đảng N-VA, Charles Michel vẫn quyết tâm tham gia hiệp ước Marrakech.

Chỉ một hôm trước ngày thủ tướng Bỉ sang Maroc ký hiệp ước, đảng N-VA quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền.
Kết quả là chính phủ không còn đủ đa số ở Hạ Viện.

Không còn đủ đa số tại Hạ Viện, nhiệm vụ thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2019 tại Hạ Viện đã trở nên rất phức tạp đối với thủ tướng Charles Michel.

Vì thế, trước đó, đảng Liên Minh Flamand mới (N-VA) do Bart De Wever, thị trưởng thành phố Anvers, lãnh đạo đã đặt ra một số điều kiện để tiếp tục ủng hộ chính phủ « Michel 2 » và thông qua dự thảo ngân sách 2019.

Lãnh đạo đảng Liên Minh Flamand mới, Bart De Wever, muốn mở lại các cuộc đàm phán để sửa đổi Hiến pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ từ bỏ việc tham gia hiệp ước di trú quốc tế.
Thủ tướng Charles Michel phản đối, coi đó là « sự dọa dẫm » và những đòi hỏi « không thể chấp nhận được ».

Vì không có đa số, hôm thứ Ba (18/12), thủ tướng Charles Michel đã muốn bắt tay hợp tác với phe đối lập tại Hạ Viện.

 Ông kêu gọi hợp tác vì « lợi ích của đất nước và các công dân ». Nhưng lời kêu gọi của ông không mang lại kết quả tích cực.

Đảng Xã hội và Môi trường đã đưa ra một kiến nghị « bất tín nhiệm » thủ tướng. Charles Michel tuyên bố từ chức và đến gặp nhà vua đệ đơntừ nhiệm.

Các kỳ bầu cử mới sẽ được tổ chức ?

Cuộc bầu cử lập pháp được dự kiến tổ chức vào tháng 05/2019.
Nhưng nếu nhà vua chấp nhận đơn xin từ chức của thủ tướng Charles Michel, thì các cuộc bầu cử trước thời hạn có thể sẽ diễn ra.

Nhà chính trị học Dave Sinardet giải thích trên đài RTL Info : « Nhà vua có thể quyết định như thế, nhưng chỉ với điều kiện đa số dân biểu cũng phải thông qua việc giải tán Hạ Viện để bầu mới.

Nhưng liệu đa số dân biểu có thực sự muốn tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn hay không ?
 Đó là sự lựa chọn của đảng N-VA, nhưng các đảng khác thuộc phe đối lập có thực sự muốn đi theo hướng này không ? Đó lại là một câu hỏi khác ».

Chính trị gia Pascal Delwit trong bài phân tích trên báo kinh tế Les Echos thì không tin vào khả năng tổ chức bầu cử trước thời hạn :
 « Nhà vua sẽ không từ chối đơn từ chức của thủ tướng Charles Michel. Và chính phủ tiếp tục điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền, cho đến tháng 05/2019. »

Tình trạng này đã từng xảy ra tại Bỉ ?

Cuộc khủng hoảng kiểu này không phải là lần đầu tiên trong lịch sử vương quốc Bỉ.
Đất nước này đã nhiều lần trong tình cảnh không có chính phủ. Giai đoạn dài nhất kéo dài đến 541 ngày trong hai năm 2010-2011.

Bỉ đã quen với việc chính phủ chỉ điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền. Đó là vào các năm 1978, 1992 và 2007.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng không ngăn cản chính phủ đưa ra các quyết định quan trọng trong trường hợp cần thiết.

 Đài RTBF của Bỉ nhấn mạnh : « Trong vòng 541 ngày chính phủ điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền, dự thảo ngân sách năm 2011 cũng được thông qua, Bỉ cũng giữ trọng trách là nước chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu. »

Phản ứng của chính giới và báo chí như thế nào ?

Mặc dù tình trạng này không phải là chưa từng xảy ra, nhưng vẫn gây ra rất nhiều phản ứng.
Phe đối lập hoan nghênh quyết định từ chức của thủ tướng. Đồng chủ tịch đảng Môi Trường, Jean-Marc Nollet phát biểu là mọi chuyện đã rõ ràng, thủ tướng không còn được tin tưởng.

 Đảng N-VA thì hy vọng giai đoạn sắp tới sẽ không phải là « 5 tháng rối ren ».Tuy nhiên, báo chí lại có cái nhìn nghiêm khắc hơn về « cuộc khủng hoảng chính trị lần thứ n » tại Bỉ. Báo Pháp Les Echos gọi đó là « chủ nghĩa siêu thực theo kiểu Bỉ ».

 Nhật báo Le Soir của Bỉ đánh giá tình hình đã lên tới « cực điểm của sự phi lý ».
 Nhật báo La Libre Belgique dự báo « các phe cực đoan, cả cực hữu lẫn cực tả sẽ phát triển mạnh » vàBỉ sẽ là « một đất nước không thể lãnh đạo được ».

Switch mode views: