Syria : Thổ, Nga, Pháp và Đức kêu gọi duy trì ngừng bắn tại Idlib
- Chúa Nhật, 28 tháng Mười năm 2018 19:18
- Tác Giả: Trọng Thành
Từ trái sang phải: Lãnh đạo bốn nước Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tại buổi họp báo chung ở Istanbul, thứ Bảy ngày 27/10/2018.
REUTERS/Murad Sezer
Tại thượng đỉnh bốn bên về Syria được tổ chức vào ngày 27/10/2018 tại Istanbul, các bên đã ra một thông cáo chung kêu gọi duy trì ngừng bắn tại tỉnh Idlib, hiện do quân nổi dậy kiểm soát, mà chính quyền Damas muốn chiếm lại bằng vũ lực.
Tuyên bố chung Thổ Nhĩ Kỳ - Nga – Pháp – Đức cũng kêu gọi thảo ra một bản Hiến pháp mới « trước cuối năm nay », để mở đường cho một chuyển tiếp chính trị tại Syria.
Trong bản tuyên bố chung, được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đọc, sau khi hội nghị kết thúc, có đoạn : Thượng đỉnh « nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì ngừng bắn (tại Idlib), cũng như tính cần thiết của việc tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ».
Tham gia thượng đỉnh về Syria, còn có tổng thống Nga Vladimir Poutine, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel.
Để thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, mọi con mắt đều hướng về Matxcơva.
Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh, tổng thống Pháp tuyên bố : « Chúng tôi đặt niềm tin vào nước Nga, trong việc có một sức ép rõ ràng đối với Damas, chế độ nằm dưới sự bảo trợ Nga ».
Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và lập vùng đệm, cho phép tránh một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhắm vào Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, trong đó có nhiều lực lượng được Ankara hậu thuẫn, tuy nhiên, một số đụng độ trong những ngày gần đây gây lo ngại là ngừng bắn sẽ không kéo dài.
Cũng trong bản tuyên bố chung, lãnh đạo bốn nước cùng kêu gọi thiết lập « trước cuối năm nay », một ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria.
Dự án Hiến pháp Syria mới là sáng kiến của bộ ba Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đưa ra hồi đầu năm nay, được coi là cơ sở cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, giúp Syria thoát khỏi cuộc xung đột huynh đệ tương tàn.
Tuyên bố chung Istanbul cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Syria, cũng như việc tạo điều kiện cho người tị nạn trở về bản quán.
Riêng về tổng thống Syria Bachar al-Assad, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố : số phận của lãnh đạo Syria sẽ do chính nhân dân nước này, ở trong và ngoài nước, quyết định.
Vai trò gia tăng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Trong cuộc khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vốn có một vai trò đặc biệt.
Thượng đỉnh vừa qua tại Istanbul cho thấy một đồng thuận quốc tế về tương lai Syria ắt hẳn không thể thiếu phần đóng góp của ông Erdogan, đặc biệt trong bối cảnh những tuần gần đây, hình ảnh Ankara đột ngột được cải thiện với cách xử lý được đánh giá là « khôn khéo » trong vụ án nhà báo Ả Rập Xê Út bị sát hại.
Đặc phái viên Anissa el Jabri từ Istanbul cho biết thêm :
« Ông Erdogan có mặt trên khắp các màn ảnh truyền hình trong vòng nhiều giờ là chuyện bình thường tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng, lần này, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện bên cạnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, và tổng thống Nga Vladimir Putin, hình ảnh chưa từng có này đã tràn ngập các kênh truyền thông hôm thứ Bảy.
Khi một nhà báo đặt câu hỏi về vụ Khashoggi trong buổi họp báo, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng rất hài lòng, đã dành nhiều phút để trả lời chi tiết.
Cuộc thượng đỉnh về Syria, với thành phần tham dự chưa từng có này, ông Erdogan đã mong muốn tổ chức từ hồi tháng Chín.
Cuộc hẹn của bộ tứ cuối cùng đã diễn ra sau ba tuần tâm điểm tranh luận quốc tế tập trung xung quanh vụ giết hại nhà báo Ả Rập Xê Út.
Một câu chuyện dài nhiều tập, mà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng nên các diễn biến hàng ngày, với những tiết lộ được khéo léo tung ra từ từ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã làm suy yếu đối thủ khu vực Riyad, thuyết phục được Matxcơva là Ankara có thể điều khiển được các lực lượng nổi dậy ở tỉnh Idlib, và mời được châu Âu - từng hờn dỗi với Thổ Nhĩ Kỳ - quay lại.
Đây quả là một sự phục thù đối với một tổng thống, mà mới mùa hè vừa qua, vẫn còn bị chỉ trích về tính cách độc đoán. Một lợi thế quý giá đối với lãnh đạo một quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế ».
Tin mới
- SACOM báo cáo: Học sinh Trung Quốc bị buộc làm việc trong xưởng Apple Wacth - 29/10/2018 21:35
- Bolsonaro : Chính khách Brazil nhiều tai tiếng - 29/10/2018 17:03
- Đức : Cử tri lại trừng phạt đại liên minh - 29/10/2018 16:26
- Vụ xả súng vào nhà thờ Do Thái : lễ tưởng niệm nạn nhân diễn ra khắp nước Mỹ - 29/10/2018 16:16
- Việt Nam : Các cựu thành viên IDS lên tiếng về vụ Chu Hảo - 29/10/2018 15:55
- Thành phố Canada "chìm" trong núi tiền khổng lồ từ Trung Quốc - 29/10/2018 01:19
- Khủng hoảng chính trị Sri Lanka: Thủ tướng bị cách chức không rời vị trí - 28/10/2018 20:27
- Thủ tướng Ấn công du Nhật : Abe thân mật đón Modi tại nhà riêng - 28/10/2018 20:19
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trưởng đoàn đàm phán Mỹ tham khảo với Seoul. - 28/10/2018 20:12
- Đức : Liên minh cầm quyền Merkel có nguy cơ tan rã, nếu SPD thua nặng tại Hessen - 28/10/2018 19:43
Các tin khác
- Syria : Daech bất ngờ phản công, FDS tổn thất nặng - 28/10/2018 19:10
- Sri Lanka : Tổng thống bất ngờ bổ nhiệm cựu đối thủ làm thủ tướng - 28/10/2018 00:32
- Pháp, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ họp bàn về khủng hoảng Syria - 27/10/2018 15:33
- Bỉ chi 1,5 tỉ euro mua 442 xe bọc thép của Pháp - 27/10/2018 15:27
- Thủ tướng Abe : Quan hệ Nhật-Trung đạt bước ngoặt lịch sử - 26/10/2018 19:52
- Giới tuyến Liên Triều : Thỏa thuận dỡ bỏ 22 đồn biên phòng - 26/10/2018 19:35
- Miến Điện : Ba nhà báo tố cáo thống đốc Rangoon được tại ngoại hầu tra - 26/10/2018 19:11
- Di dân : Macron tìm ủng hộ của Slovakia và CH Séc - 26/10/2018 18:33
- Sau vụ Khashoggi, « MBS » lọt vào vòng kim cô của Donald Trump - 26/10/2018 18:25
- Vụ bưu kiện gài chất nổ ở Mỹ : FBI điều tra một bưu điện ở Florida - 26/10/2018 16:32