Tái chế rác thải nhựa : Pháp « chậm tiến » bậc nhất châu Âu
- Thứ Sáu, 14 tháng Chín năm 2018 16:05
- Tác Giả: Thùy Dương
Trên tổng số 30 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Na Uy, Thụy Sỹ, Pháp đứng thứ 29 về tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng, chỉ trước Phần Lan.AFP/Thomas Samson
Theo một báo cáo thường niên do tổ chức Plastics Europe - đại diện cho các nhà sản xuất nhựa tại châu Âu - công bố hồi giữa tháng 08/2018, tỉ lệ tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng tại Pháp chỉ đạt 26,2% vào năm 2016, so với tỉ lệ trung bình 40,8% ở châu Âu.
Điều này có nghĩa là Pháp chỉ mới đáp ứng chỉ tiêu do châu Âu đề ra, theo đó 22,5% bao bì nhựa đã qua sử dụng phải được tái chế.
Tại Pháp, 3.725 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhựa sử dụng 108.280 người lao động, với tổng doanh thu 33,3 tỉ đô la/năm.
Tuy nhiên, trên tổng số 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Na Uy và Thụy Sỹ, Pháp đứng thứ 29 về tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng, chỉ trước Phần Lan.
Tại sao ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa của Pháp lại « chậm tiến », « cá biệt » so với nhiều nước châu Âu như vậy ?
Trả lời phỏng vấn trên tuần báo L’Express ngày 13/08/2018, ông Nicolas Garnier, đại diện của hiệp hội AMORCE giải thích :
« Trước tiên, nhiều nước láng giềng châu Âu đã triển khai việc thu gom rác thải nhựa trước Pháp rất lâu.
Nước Pháp mới chỉ có Eco-emballage (nay là Citeo) thu gom và tái chế nhựa từ 26 năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, loại nhựa duy nhất được tái chế là các chai nhựa.
Tiếp theo, Pháp vẫn thiếu dây chuyền tái chế nhiều loại nhựa.
Ví dụ, ngoài vài cơ sở thử nghiệm, Pháp vẫn chưa tái chế được các hộp đựng sữa chua hay là các hộp nhựa (đựng rau quả, thực phẩm tươi và đông lạnh …).
Một lý do rất đơn giản : nhu cầu dùng nhựa tái chế trong công nghiệp vô cùng thấp, và chính phủ Pháp cũng chưa bao giờ khuyến khích ngành công nghiệp sử dụng nhựa tái chế. »
Trong bối cảnh sản xuất nhựa tăng mạnh, trong khi lĩnh vực tái chế rác thải bao bì nhựa lại gần như kém phát triển nhất châu Âu, để thúc đẩy mở rộng tái chế rác thải nhựa, khuyến khích người dân Pháp tiêu thụ các sản phẩm làm từ nhựa tái chế.
Hồi giữa tháng 08/2018, trả lời phỏng vấn của báo Journal du Dimanche, bộ trưởng đặc trách Chuyển đổi năng lượng Pháp Brune Poirson thông báo chính phủ dự định áp dụng từ năm 2019 hệ thống « malus-bonus », chẳng hạn theo bà Poirson, « giữa một cái chai làm từ nhựa tái chế và một cái chai làm từ nhựa nguyên sinh, cái chai làm từ nhựa tái chế sẽ rẻ hơn », mức độ chênh lệch giá sẽ vào khoảng 10% giá thành sản phẩm.
Hiện nay, màu sắc thùng rác cho từng loại rác thải ở các thành phố không giống nhau.
Theo bộ trưởng Brune Poirson, chính phủ Pháp tới đây cũng sẽ đơn giản hóa việc phân loại rác và thống nhất trên khắp cả nước màu sắc thùng rác cho từng loại, và tới năm 2020 sẽ áp dụng quy định, theo đó trên nhãn hàng sẽ có logo chỉ dẫn rõ liệu sản phẩm đó có được làm từ nhựa tái chế hay không hoặc có thể tái chế được hay không.
Về điều này, chuyên gia Nicolas Garnier, đại diện hiệp hội AMORCE hoàn toàn đồng tình, bởi ông cho rằng khi nhìn bao bì, nhãn mác như hiện nay, rất khó phân biệt loại bao bì nào có thể tái chế, loại nào không thể tái chế để người tiêu dùng phân loại đúng bao bì nhựa đã qua sử dụng.
Trên thực tế, tại các khu dân cư ở Pháp hiện nay, có ba loại thùng rác chính, chẳng hạn ở Paris và vùng phụ cận, thùng rác nâu dành cho rác thải sinh hoạt, thùng xanh dành cho chai lọ thủy tinh. Thùng vàng dành cho một số loại bao bì làm từ giấy và nhựa.
Rất nhiều người Pháp nghĩ rằng cứ là giấy và nhựa là có thể được tái chế.
Nhưng họ đã nhầm, chỉ có một số rác giấy, nhựa là được quy định cho vào thùng rác vàng để tái chế : báo, tạp chí ; bìa các-tông ; chai - lọ bằng nhựa, hộp - lọ bằng kim loại.
Còn túi ni-lông, túi một mặt là giấy một mặt là ni-lông và các hộp nhựa đựng thực phẩm chế biến sẵn, vỏ hộp sữa chua … thì không tái chế được mà phải vứt vào thùng rác sinh hoạt, tức là sẽ được chôn lấp hoặc thiêu hủy.
Trong một phóng sự, giải thích với phóng viên truyền hình France 24, trước một quầy hàng thực phẩm tươi đóng gói và được giữ trong ngăn mát tủ lạnh, ông Nicolas Garnier, đại diện hiệp hội AMORCE cho biết tất cả các loại bao bì sản phẩm ở quầy hàng này đều không thể tái chế được.
Chính việc phân loại rác phức tạp đó khiến người dân nhiều khi phân loại không đúng, khiến công việc ở các nhà máy thu gom, tái chế bao bì nhựa trở nên phức tạp hơn và thiếu hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng người dân phân loại nhầm các loại rác nhựa tái chế và không tái chế, hoặc vì không biết phân loại mà đổ lẫn các loại rác với nhau, khiến công tác tái chế nhựa thiếu hiệu quả, Pháp đang cho thử nghiệm phương pháp phân loại rác nhựa mới đơn giản hơn rất nhiều : tất cả các loại bao bì nhựa, không phân biệt, đều được đổ chung vào một thùng rác.
Sau đó, công tác phân loại rác nhựa sẽ được công nhân thực hiện tại các nhà máy phân loại, tái chế.
Việc phân loại chuyên nghiệp như vậy sẽ cho phép các nhà máy thu được nhiều rác nhựa có thể tái chế được hơn.
Bà Emilie Lacroix, giám đốc công ty phân loại rác thải nhựa Paprec Trivalo, chi nhánh Ile de France, cho biết về hiệu quả của phương pháp mới :
« Chúng tôi thu gom lại được nhiều nhựa hơn trước đây, chẳng hạn như những chiếc hộp nhựa kiểu này, trước đây chúng tôi không hề thu gom được.
Một tác dụng khác là chúng tôi gom được nhiều chai lọ nhựa hơn. Trước đây, chúng thường hay bị vứt lẫn vào thùng rác sinh hoạt ».
Hiện mới có 15.000 người tham gia thử nghiệm, nhưng theo dự tính, từ nay đến năm 2022, chính phủ Pháp sẽ cho áp dụng rộng rãi biện pháp này trên khắp cả nước.
Một lý do khác khiến cho bao bì nhựa ở Pháp chỉ được tái chế với tỉ lệ thấp là hiện Pháp vẫn thiếu các cơ sở phân loại, tái chế rác nhựa.
Cả nước Pháp chỉ có 39 nhà máy phân loại, làm sạch và nghiền rác nhựa phục vụ tái chế, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu trong cả nước.
Còn về việc tái chế hay không tái chế được rác thải nhựa, trên lý thuyết, theo các chuyên gia, hầu như tất cả các loại nhựa đều có thể được tái chế, vấn đề là nguồn tài chính.
Có nhiều loại nhựa hoàn toàn tái chế được trong các phòng thí nghiệm, nhưng triển khai trên thực tế thì quá đắt đỏ, không hiệu quả về kinh tế.
Ông Sebastien Petithuguenin, tổng giám đốc công ty tái chế PAPREC giải thích :
« Người ta làm ra nhiều sản phẩm có nhiều lớp, việc cố gắng tái chế tất cả không có nghĩa lý gì vì đòi hỏi chi phí rất cao.
Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi hoàn toàn làm được, nhưng về mặt kinh tế thì không mang lại ý nghĩa gì. »
Hiện nay, theo báo cáo của tổ chức Plastics Europe, đứng đầu bảng xếp hạng về tái chế nhựa đã qua sử dụng là Cộng hòa Séc (51,2%) và Đức (50,2%). Đây cũng là 2 nước châu Âu duy nhất có tỉ lệ tái chế bao bì nhựa trên 50%.
Nhiều người Pháp tự hỏi tại sao Pháp không học theo kinh nghiệm của các nước khác, chẳng hạn nước láng giềng Đức ?
RFI Việt ngữ đã trao đổi với thông tín viên Trung Khoa, tại Berlin, để tìm hiểu thêm về thành công của nước Đức trong lĩnh vực này.
« Vâng, tại Đức thì vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa có từ rất lâu rồi và chính phủ Đức đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Hiện nay, Đức gần như đứng đầu châu Âu về tái chế chất nhựa.
Họ dùng rất ít nhựa nguyên sinh. Đó là những chất chế từ các hạt nhựa thành phẩm của dầu mỏ và được dùng lần đầu.
Gần đây, chính phủ Đức đưa ra những thông tin và yêu cầu các siêu thị là phải cung cấp các loại túi khác thân thiện với môi trường hơn, ví dụ như túi giấy, hoặc khi khách hàng yêu cầu có túi ni-lông họ phải trả tiền thay vì được miễn phí như trước đây.
Chính điều đó giảm thiểu lượng túi ni-lông sử dụng ở các siêu thị. Người dân đã sử dụng túi dùng nhiều lần hoặc mang túi vải đi mua hàng để khỏi phải trả tiền. Đây là điều rất thành công ở nước Đức.
Bên cạnh đó, Đức cũng có chính sách rất tốt và đồng bộ đối với việc sử dụng vật liệu đóng gói và chai nhựa được tái chế và được sử dụng nhiều lần.
Đức đưa ra chế độ khi người ta mua một đồ uống đựng trong chai nhựa thì họ phải trả thêm tiền chai nhựa để khuyến khích khách hàng sau khi sử dụng thành phẩm trong chai thì có động lực đem trả lại cho siêu thị cái chai đó để lấy lại tiền, 8-15-25 centime tùy từng loại.
Hiện nay Đức đang cố gắng phấn đấu là 98% số chai đựng chất lỏng bán trong các siêu thị sẽ được tái chế sử dụng. »
Học hỏi nước khác, áp dụng các biện pháp mới, cải tiến các quy định về thu gom, phân loại rác nhựa, mở rộng các nhà máy và phát triển công nghệ tái chế …, nước Pháp vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu chính phủ muốn đạt được mục tiêu đến năm 2025, 100% rác thải nhựa sẽ được tái chế, theo như lời hứa của ông Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017.
Related news items:
Tin mới
- Vostok-18: Chiến hạm Nga tập trận trên Biển Nhật Bản - 15/09/2018 14:59
- Venezuela: Tổ chức các nước châu Mỹ không loại trừ can thiệp quân sự - 15/09/2018 14:50
- Việt Nam yêu cầu Facebook ‘hợp tác chặt chẽ’ với chính quyền - 15/09/2018 01:53
- California: 7.5 triệu người sống trong tình trạng nghèo - 15/09/2018 01:25
- Bão Florence vào đất liền, làm 4 người chết, 640 ngàn căn nhà mất điện - 15/09/2018 01:18
- Giáo sư đại học tự bắn trong trường để phản đối TT Trump, bị truy tố - 15/09/2018 01:08
- Việt Nam : Chủ tịch Quốc Hội đề nghị xem lại thông tư cho dùng đồng yuan ở biên giới - 15/09/2018 01:01
- Pháp nhìn nhận tội ác thời chiến tranh Algeri - 15/09/2018 00:47
- Nhật-Nga : Shinzo Abe bác đề nghị ký hòa ước vô điều kiện của Putin - 14/09/2018 23:40
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Washington vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược - 14/09/2018 22:47
Các tin khác
- Việt - Nhật kêu gọi Trump tham gia TPP - 14/09/2018 04:14
- Seoul nhấn mạnh cần có kết quả nếu họp thượng đỉnh Trump-Kim mới - 14/09/2018 04:06
- Đài Loan : Trung Quốc và Vatican sắp đạt được thỏa thuận lịch sử - 14/09/2018 03:56
- Trại cải tạo : Bắc Kinh chỉ « giáo dục » người Duy Ngô Nhĩ - 14/09/2018 03:48
- Giáo Hội Đức « xấu hổ » vì các vụ xâm hại tình dục - 14/09/2018 03:39
- Xây dựng mái nhà chung với Tây Âu, giấc mộng không thành của Nga - 13/09/2018 16:09
- Bão Florence đe dọa bờ đông nước Mỹ - 13/09/2018 15:53
- « Xe lửa tự hành » : Tham vọng của ngành đường sắt Pháp - 13/09/2018 15:45
- Miến Điện : Aung San Suu Kyi biện minh cho việc bỏ tù nhà báo Reuters - 13/09/2018 14:30
- Tòa phạt Iran bồi thường nạn nhân Mỹ $104.7 triệu do nổ bom ở Saudi Arabia năm 1996 - 12/09/2018 20:40