Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

California tổ chức hội nghị toàn cầu về khí hậu

khi hau-california


"Tuần hành vì khí hậu" tại San Francisco, ngày 08/09/2018.
Amy Osborne / AFP

Hôm nay, 12/09/2018, một hội nghị lớn về khí hậu toàn cầu được tổ chức tại California, theo sáng kiến của tiểu bang, nhằm đánh động với các nhà lãnh đạo trên thế giới về hiện tượng biến đổi khí hậu, thậm chí tỏ thái độ chống lại việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định khí hậu Paris.

Nhiều dân biểu, lãnh đạo địa phương, chủ doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội khắp mọi vùng trên địa cầu, từ Paris đến Bonn, từ Bắc Kinh đến Tokyo, cũng như nhiều thành phố Ấn Độ, tới tham dự hội nghị ba ngày này.

Hội nghị San Francisco - được khai mạc đúng vào lúc cơn bão lớn Florence bắt đầu đe dọa miền đông nước Mỹ - muốn chứng tỏ với thế giới là các thành phố và chính quyền khu vực có thể đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong lúc nhiều quốc gia thoái thác trách nhiệm.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

Chính quyền California muốn biến cuộc thượng đỉnh vì khí hậu này thành một hành động chống lại chính sách môi trường của tổng thống Trump và quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris, đưa ra năm 2017.

Sau khi giảm nhẹ các quy tắc chống ô nhiễm của ngành công nghiệp xe hơi, tổng thống Mỹ giờ đây muốn tạo điều kiện cho việc phát thải khí methan vào khí quyển.
Methan là một trong các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh.

« Đây là một hành động điên rồ, gần như là tội phạm. Một trong các quyết định nguy hiểm và vô trách nhiệm nhất của Donald Trump », trên đây là thông điệp Twitter của thống đốc Jerry Brown.

Ngược với chính quyền Mỹ, California, vừa bỏ phiếu hôm thứ Hai vừa qua một luật bảo đảm 100% năng lượng tái tạo từ đây đến 2045.
Cụ thể là, vào thời điểm này, toàn bộ lượng điện của California sẽ phải đến từ năng lượng tái tạo, không tạo ra bất cứ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nào.

Hôm thứ Hai vừa qua, thống đốc California cũng cam kết là tiểu bang - vốn là nền kinh tế đứng thứ năm trên hành tinh - sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris, và thậm chí sẽ còn làm hơn nữa.

Chính là để đạt được mục tiêu này, bất chấp thái độ phủ nhận của chính quyền Washington, mà hàng nghìn nhà hoạt động, dân biểu và các tổ chức phi chính phủ sẽ thảo luận trong ba ngày liền tại San Francisco về vấn đề khí hậu.

Sẽ không có một quyết định hay thỏa thuận nào được đưa ra sau hội nghị này, vì không có chính quyền các nước tham gia, nhưng hội nghị này sẽ phải giúp cho việc huy động mạnh mẽ hơn các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, điều mà thống đốc Brown coi là một mối đe dọa sống còn.

AFP dẫn một báo cáo được công bố hôm qua, của chương trình nghiên cứu mang tên Carbon Tracker, theo đó, nhờ năng lượng mặt trời và năng lượng gió tăng trưởng mạnh mẽ, tổng lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2023, chậm nhất là ít năm sau đó, có nghĩa là sẽ sớm hơn so với các dự báo trước đó.

Hôm thứ Hai, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Guterres cảnh báo là thế giới chỉ còn có hai năm để điều chỉnh hướng đi kịp thời, nếu không muốn nhân loại phải gánh chịu các thảm họa kinh hoàng, vượt tầm kiểm soát, do biến đổi khí hậu.


Switch mode views: