Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ tấn công Syria có tác động ra sao cho hồ sơ Bắc Triều Tiên?

kim bachar

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong (T), tổng thống Syria Bachar Al Assad. Ảnh ghép minh họa
REUTERS / montage RFI Viet

Sáng sớm ngày 14/04/2018, liên minh ba nước Anh, Pháp và Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công nhắm vào các cơ sở nghiên cứu và chế tạo vũ khí hóa học của Syria.

Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh luận về tác động của chiến dịch quân sự này đối với tiến trình giải quyết hồ sơ hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng, vào lúc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị có hai cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng, với tổng thống Hàn Quốc, ngày 27/04/2018 và có thể với nguyên thủ Hoa Kỳ, vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu tới.

Vụ tấn công Syria ngày 14/04 gây chia rẽ trong giới quan sát.
Phe ủng hộ cho rằng chiến dịch quân sự của liên minh ba nước đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo cả Damas lẫn Bình Nhưỡng.

Ông Van Jackson, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và từng là cựu cố vấn của bộ Quốc Phòng Mỹ, được Thời Báo Nhật Bản (Japan Times) trích dẫn, nhận định, qua vụ tấn công này, chính quyền Washington muốn khẳng định « Hoa Kỳ sẽ thực hiện những gì đã cam kết ».
Một lằn ranh đỏ đã được vạch ra trong việc sử dụng vũ khí hóa học và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ lằn ranh đó.

Bắc Triều Tiên là đồng minh lâu đời của Syria. Do vậy, trừng phạt nhắm vào Syria cũng là cảnh cáo đối với Bắc Triều Tiên.
Cả hai nước này đều bị phương Tây cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Vụ ám sát Kim Jong Nam tại Malaysia năm 2017 bằng chất độc thần kinh VX là một ví dụ điển hình.

Syria và Bắc Triều Tiên có quan hệ hợp tác chặt chẽ về mặt quân sự.

AFP nhắc lại một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ghi nhận có nhiều tình tiết cho thấy Bình Nhưỡng cũng có tham gia vào chương trình phát triển vũ khí hóa học của chế độ Damas.
Theo đó, trung tâm nghiên cứu hóa học ở Damas, được thành lập từ năm 1970 đã tiếp nhận không dưới 40 chuyến hàng đến từ Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, một số nhà phân tích không tán đồng hành động quân sự ngày 14/04 của liên minh ba nước Mỹ, Anh, Pháp.
Thậm chí, có chuyên gia Pháp cho đó là màn hài kịch, chẳng làm thay đổi được gì trong hồ sơ Syria; theo họ, đợt đánh Syria vừa qua của phương Tây rất có thể sẽ làm cho Bắc Triều Tiên củng cố hơn nữa lập trường « cần phải có vũ khí nguyên tử » để tự bảo vệ mình chống lại Hoa Kỳ.

Vẫn theo phe « chống », vụ việc càng làm cho Bắc Triều Tiên nhớ lại số phận bi thảm dành cho Saddam Hussein ở Irak và Mouamar Kadhafi ở Libya.
Người thứ nhất bị Hoa Kỳ George W. Bush xếp vào « trục tội ác » và đã bị treo cổ sau khi đất nước bị liên quân do Mỹ đứng đầu xâm chiếm.
 Còn người thứ hai bị lật đổ sau một cuộc nổi dậy và bị giết chết một cách nhục nhã chỉ vì đã tình nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Koh Yu-hwan, chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, trường đại học Dongguk, nhấn mạnh:
 « Theo quan điểm của Bắc Triều Tiên, chính quyền Washington lúc nào cũng có thể tấn công nếu như có điều gì đó không làm cho họ hài lòng.
 Vì vậy, điều hợp lý nhất đối với Bình Nhưỡng là trước hết cần phản đối giải trừ hạt nhân ».

Trong khi chờ đợi kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều và có thể thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục

Switch mode views: