Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xã hội Thái Lan đang bị quân sự hóa

Ocha- thailan

Tướng Chan O-Cha, thủ tướng Thái Lan tại thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, Vientiane, Lào, ngày 08/09/2016.
REUTERS/Jorge Silva

Với cuộc đảo chính vào tháng 5/2014, quyền lực tại Vương Quốc Thái Lan nằm trong tay tập đoàn tướng lãnh, đứng đầu là thủ tướng Chan O-Cha.

Thế lực của phe nhà binh càng mạnh thêm từ khi bản Hiến Pháp, do quân đội chỉ đạo, được chấp thuận qua cuộc trưng cầu dân ý tháng 8/2016.
 Vấn đề là phe quân nhân còn muốn tiến xa hơn nữa để diệt gốc rễ dân chủ.

Tại Thái Lan, ai cũng biết phe quân nhân sẽ còn thống trị sinh hoạt chính trị trong nhiều năm nữa. Nhưng ngoài sự kiện guồng máy lãnh đạo nằm trong tay quân đội, một hiện tượng mới đang lan dần trên đất nước Thái Lan. Đó là tình trạng « quân sự hóa xã hội ».

Theo phân tích của nhà báo Arnaud Dubus, thông tín viên của RFI trong khu vực Đông Nam Á, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thái Lan nắm quyền.

 Trong quá khứ, đã xảy ra hàng chục cuộc đảo chính. Nhưng lần này, phe quân đội muốn làm biến đổi sâu rộng xã hội và đã hiện rõ trong nhiều lãnh vực. Chẳng hạn như trong ngành tư pháp, toà án quân sự được dùng để trừng phạt những người bị xem là có « hành vi phạm thượng » hay « nổi loạn ».
Toà án dân sự bị xếp vào hàng thứ yếu.

Trong hai năm qua, hơn 1000 công dân ra toà án quân sự, hơn 500 « nghi can » khác còn chờ ngày ra toà.
Quyết định « chấm dứt » biện pháp truy tố thường dân ra toà án quân sự vừa được phó thủ tướng Thái Wissanu Krea-Ngam loan báo hôm nay (13/09/2016) không phải là ngẫu nhiên mà chỉ nhằm đánh lừa công luận, theo Human Rights Watch.

 Đúng vào ngày hôm nay, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khai mạc khóa họp lần thứ 33 tại Genève.

Tình trạng hạn chế tự do và vi phạm nhân quyền tại Thái Lan đã được nêu lên cách nay ba tháng trong kỳ họp trước.
 Ngoài tư pháp, chính quyền quân sự đã làm đảo ngược chính sách tản quyền, được các chính phủ dân sự thực thi trong suốt 20 năm liên tục.
 Tập đoàn quân sự của tướng Chan O-Cha đã hủy bỏ các cuộc bầu cử địa phương.

Lãnh đạo chính quyền các cấp từ nay do chính phủ trung ương bổ nhiệm.
Trong lãnh vực kinh tế, một ủy ban, mà thành viên đều là sĩ quan quân đội, giám sát toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước.
Trong hội đồng quản trị của mỗi công ty cũng có thành viên mặc áo nhà binh.

Hiện tượng quân sự hóa xã hội hiện hữu khắp mọi ngành : trong trại giam, trong hệ thống truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình cho đến tận phim ảnh.
 Hàng ngày, màn ảnh nhỏ của Thái đưa đến khán giả những chuyện tình ướt át của người lính Thái, một hình thức tuyên truyền khéo léo đánh bóng cho quân đội.

Cũng theo phân tích của nhà báo Arnaud Dubus từ Bangkok, cho đến thời gian gần đây, quân đội Thái chỉ can thiệp vào chính trường khi có nhu cầu hoặc cảm thấy quyền lợi bị thiệt thòi hoặc vì không hài lòng cách quản lý của chính quyền dân sự.

 Giờ đây, có lẽ phe quân nhân nhận ra là đảo chính không có lợi. Sau mỗi lần đảo chính, Thái Lan đều lãnh hệ quả xấu, nhất là trên bình diện quốc tế. Do vậy, họ nghĩ là phải tạo ra một cơ chế để bám trụ lâu dài.

Bản Hiến Pháp thông qua hồi tháng 8 phục vụ tham vọng này. Quân đội có thể kiểm soát chính phủ hữu danh vô thực qua Thượng viện do quân đội chỉ định và thậm chí có thể trực tiếp lãnh đạo qua một thủ tướng xuất thân là sĩ quan cấp tướng.

Sau 10 năm sinh hoạt chính trị sôi động vì biểu tình, vì xuống đường bạo động giữa hai phe Áo Vàng, Áo Đỏ, ưu tư chính của phần đông dân chúng Thái Lan là muốn xã hội yên bình và trật tự hơn là dân chủ.
 Đây là thời cơ cho quân đội tiến hành « quân sự hóa » xã hội mà không gặp cản trở.

Switch mode views: