Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày18-11-2013

 Đảng Cộng sản Trung Quốc phải « tùy cơ ứng biến » nếu muốn tồn tại

Mao


Chân dung Mao Trạch Đông trên đường phố Nam Kinh, Quảng Tây, 17/11/2013
REUTERS/Stringer


Nội dung chính trên các báo lớn của Pháp hôm nay 18/11/2013, tập trung vào hai sự kiện : Chuyến viếng thăm Israel của Tổng thống François Hollande và sự ra đi của giải Nobel Văn học 2007, Doris Lessing.

Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp. Tuy nhiên, báo Le Monde, trên mục Quốc tế có một bài quan tâm đến các chính sách cải cách tại Trung Quốc vừa được công bố hồi thứ Sáu tuần vừa qua (15/11/2013). Tờ báo chạy tựa « Tập Cận Bình đẩy Trung Quốc theo hướng cải cách ».

Đầu tiên, bài viết tóm tắt lại những chương trình cải cách được thông qua sau Hội nghị Trung ương 3, bế mạc hôm thứ Ba 12/11/2013.

Trên bình diện xã hội, chương trình cải cách bao gồm ba nội dung chính : Nới lỏng chính sách một con , xóa bỏ hệ thống lao cải, và cải cách dần chính sách « hộ khẩu ».

Về mặt kinh tế, các cải cách mới quy định các tập đoàn quốc doanh sẽ phải đóng góp lại cho chính phủ 30% lợi nhuận của họ, từ đây cho đến năm 2020, cho phép mở ngân hàng tư nhân và thúc đẩy nhanh hơn tự do hóa tài chính.

Thế nhưng, bài xã luận của báo Le Monde nhận thấy rằng « Bắc Kinh cải cách kinh tế, nhưng không thay đổi chính trị ». Bởi vì, theo nội dung tài liệu do Tân Hoa Xã công bố, một mặt, Tập Cận Bình cam kết sẽ giảm từ từ số các tội có thể lãnh án tử hình và mở một cơ quan khiếu kiện trên mạng.

Mặt khác, ông tuyên bố thành lập Ủy ban phụ trách ngăn chặn nạn quan liêu, gây cản trở cho tiến trình cải cách và một Ủy ban An ninh Quốc gia – theo mô hình NSA của Hoa Kỳ.

Báo Le Monde nhận định rằng việc thành lập hai cơ chế này dường như củng cố thêm quyền kiểm soát của Tập Cận Bình đối với bộ máy Nhà nước.

Điều này cho thấy, việc mở cửa kinh tế và xã hội không đồng nghĩa với việc Đảng sẽ mở cửa chính trị.

Ông hứa hẹn sẽ minh bạch hơn nữa, nhưng đồng thời, ông cũng khóa miệng giới cư dân mạng, đảm bảo nhiều quyền hơn nữa, nhưng ông để cho các kênh truyền hình phát những chương trình « cưỡng chế thú tội ».

Theo Le Monde, giới trí thức, nhất là những người ủng hộ tự do, đón nhận chương trình cải cách với thái độ khá thận trọng. Họ tỏ ra nghi ngờ khả năng thực thi các chính sách đó. « Đảng Cộng sản Trung Quốc có thói quen hứa nhiều.

Trước năm 1949, họ cũng đã từng làm như vậy. Thế mà, hiếm khi họ thực hiện. Vì hiện nay họ gặp nhiều vấn đề, nên họ lại đưa ra những lời hứa hẹn. Cần phải dè chừng. Hiến pháp qui định tự do ngôn luận, vậy mà trang blog và tài khoản Vi bác của tôi cũng đã bị kiểm duyệt vào chính ngày bế mạc », sử gia Chương Li Phản nhận xét.

Đảng cộng sản phải « tùy cơ ứng biến » nếu muốn tồn tại

Nhận định về việc nới lỏng chính sách một con và hủy bỏ hệ thống « trại cải tạo », báo le Monde có dịp trao đổi với nhà nghiên cứu Nicolas Bequelin, làm việc cho Tổ chức Quan sát Nhân quyền – Human Rights Watch. Đối với Bequelin, « nới lỏng chính sách một con » chưa phải là một sự tiến bộ về nhân quyền, đó chỉ là một sự cho phép ( có nhiều hơn một con).

Hệ thống đó vẫn còn tồn tại, nhưng họ cho phép một nhóm người nào đó quyền được sinh con thứ hai. Điều này sẽ dẫn đến những quyết định tùy tiện.

Về hệ thống trại lao cải, ông Nicolas Bequelin cho rằng tình cảnh hiện nay không như những năm 1950. Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng phải « tùy cơ ứng biến » nếu họ muốn sống sót, do bởi chế độ hiện nay đang phải trực diện với một tình trạng mong manh và bất ổn xã hội cao.

Trung Quốc bây giờ không còn nằm trong cách thức cải cách chính trị như những năm 1986-1987.

Vậy điều đó có cho thấy là Tập Cận Bình bắt đầu áp đặt dấu ấn của ông hay chưa ?

Theo Bequelin, hiện ông Tập Cận Bình đã dần dần củng cố quyền lực của mình. Bây giờ đã có chương trình hành động cho mười năm tới.

Mười năm vừa qua coi như thất bại, áp lực xã hội tăng lên và cần phải có một sự thay thế với các chính sách cải cách : Hoặc là kinh tế, hoặc là chính trị. Ở đây, chủ yếu là kinh tế. Điều này cũng chứng tỏ là Đảng phải biết thích hợp, nếu không sẽ nguy khốn. Đây là một đảng theo học thuyết Lênin và thuyết tiến hóa Darwin.

Tại Israel : François Hollande cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Iran

Vòng công du Cận Đông của Tổng thống Pháp là chủ đề thời sự nóng trên các báo Pháp. Theo các báo, sở dĩ ông Hollande được Israel đón tiếp trọng thị là do lập trường cứng rắn của Pháp trên hồ sơ hạt nhân Iran, trong khi mà mối quan hệ Washington và Tel-Aviv đang trở nên nhạt nhẽo.

« Israel, lạnh lùng với Washington, trải thảm đỏ đón ông Hollande », « Hollande trong âm hưởng của những con diều hâu Tel-Aviv », là tựa đề của các bài viết trên nhật báo Le Monde và nhật báo cộng sản L’Humanité.

Theo hai tờ báo, thái độ kiên quyết của Pháp trên hồ sơ hạt nhân Iran đã làm hài lòng các nhà lãnh đạo quốc gia Do Thái này.

Libération thì chạy tựa nhận định : « Hollande thay thế Obama trong sự đón tiếp niềm nở của Israel ».

« Tel-Aviv trải thảm đỏ đón Hollande », một sự đón tiếp ngoại lệ vốn chỉ dành cho những người bạn lớn của Israel, mà gần đây nhất là Tổng thống Mỹ Barack Obama, Libération nhận xét.

Tại Israel, những nơi nào Tổng thống Pháp sẽ ghé thăm đều thấy cờ Pháp bay phấp phới. Thậm chí một nhật báo phát miễn phí, thân chính phủ, còn đăng tít lớn trên trang nhất : « Nhiệt liệt chào đón ngài Tổng thống ».

Sự đón tiếp nồng hậu thêm phần ấm áp khi Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp đáp lại bằng tiếng Do Thái : « Tôi là một người bạn của Israel và tôi sẽ luôn là một người bạn ».

Đối với Netanyahu, đây rõ là một làn gió hữu nghị mạnh mẽ, trong lúc mà Israel đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng mới trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là trên hồ sơ Iran.

Tuy nhiên, Libération cũng lưu ý là giữa Paris và Tel-Aviv vẫn tiềm ẩn nhiều điểm bất đồng. Những điểm này có thể sẽ lại trồi lên. Bởi vì, Pháp là một trong những quốc gia khởi xướng đưa Palestine vào UNESCO và ủng hộ sự gia nhập của vùng lãnh thổ này vào Liên Hiệp Quốc với tư cách quan sát viên.

Báo Le Figaro chạy tít trên trang nhất : « Tại Jerusalem, Hollande và Nétanyahu vẫn cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Iran ».

Như vậy là « Hollande sẽ đồng hành cùng với Israel trên vấn đề Iran », là hàng tựa nhận định trên trang quốc tế. Thái độ cương quyết đó đã được ông Hollande khẳng định ngay khi vừa đặt chân đến phi trường tại Tel-Aviv.

Ông nói : « Pháp sẽ không nhượng bộ về việc phổ biến hạt nhân. Chừng nào chúng ta chưa chắc chắn rằng Iran sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, chừng ấy chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì mọi yêu cầu lẫn các lệnh trừng phạt ».

Tuy nhiên, « lập trường này của Pháp rất có thể sẽ nhanh chóng trở nên bất tiện » theo như nhận định của bài xã luận trên tờ báo. « Điều cần phải hiểu là con gà trống gaulois (biểu tượng của nước Pháp) không săn mồi giống như con diều hâu…

Một khi các cụôc thương thuyết được nối lại vào thứ Tư tới tại Geneve (cùng với phía Iran), bởi vì điều cần phải đạt được là một sự thỏa thuận cần phải tìm, dù là không hoàn hảo. Nước Pháp có nguy cơ làm thất vọng những người bạn Israel ».

Đối với nhật báo công giáo La Croix, « François Hollande đang thực thi một chính sách cân bằng tại Jerusalem ». Tờ báo nhận thấy chương trình công du của Tổng thống Pháp phản ảnh một nỗi lo khác : Hòa bình cho Cận Đông.

Ông Hollande tái khẳng định nước Pháp phản đối chính sách xây mới các khu định cư hoặc mở rộng các khu định cư này, gây hại cho tiến trình hòa bình tại đây. Trước Thủ tướng Israel, Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến sự cần thiết của các cuộc đàm phán. Cuối cùng, tờ báo cho hay hồ sơ kinh tế cũng là điều không thể thiếu trong chuyến công du lần này của ông Hollande.

Ukraina : « Giữa hai làn đạn » Nga và Châu Âu

Một bên là Matxcơva đang gây áp lực lên Kiev. Bên kia là Bruxelles, đòi hỏi phải trả tự do cho cựu Thủ tướng đang bị giam giữ Ioulia Timochenko.

Ukraina giờ đây như đang đi trên dây.

Chủ đề này được Les Echos phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Những mối đe dọa đè nặng lên thỏa thuận Ukraina-Châu Âu ».

Kể từ khi Tổng thống Ukraina đến thăm chính thức Nga, sự nghi ngờ đang bao trùm lên việc ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác giữa Kiev và Bruxelles vào ngày 28/11 sắp đến.

Một bên, Nga tiếp tục đe dọa tăng thuế hải quan và ngăn chặn xuất khẩu của Ukraina nhằm gây áp lực lên các quyết định của Ukraina. Bên kia, Châu Âu đặt điều kiện ký thỏa thuận nếu Kiev trả tự do cho bà Timochenko.

Trong khi đó, trong một phiên họp bất thường hôm thứ Tư tuần rồi, Nghị viện Ukraina không đồng tình để bà Timochenko ra nước ngoài chữa bệnh.

Không một thỏa thuận nào đã đạt được giữa đa số tại Nghị viện và phe đối lập. Thế mà, từ đây đến ngày 28/11 ít có cơ hội để thông qua vấn đề này. Liệu việc ký kết thỏa thuận hợp tác đối tác Kiev -Bruxelles có bị đe dọa ? Les Echos tự hỏi.

Theo chuyên gia Ina Kirsch, Giám đốc cơ quan tư vấn European Center for a Modern Ukrain, « Tổng thống Ukraina vẫn nghiêng về thỏa thuận với Châu Âu. Ông hoàn toàn nhận thức được rằng Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đọ sức của họ, cho dù ông đã từng đồng tình với dự án thành lập Liên minh Á-Âu do Putin đề xướng ».

Một lý do khác cũng được nữ chuyên gia trên đưa ra đó là bầu cử Tổng thống đang cận kề.

Theo bà , « Victor Ianoukovitch sẽ phải tập hợp được giới trẻ phía đông và phía nam đất nước. Để làm được điều đó, Châu Âu sẽ phải chiếm trọng tâm chiến dịch vận động ».

Tuy nhiên, Les Echos cũng nhận thấy trong vấn đề này Châu Âu cũng có điểm khó xử. Vì nếu Ukraina quay lưng lại với Nga, Matxcơva có nguy cơ khóa vòi ống dẫn khí Droujba, nối liền Châu Âu với Nga băng qua lãnh thổ Ukraina. Và như vậy, mùa đông có nguy cơ sẽ rất băng giá cho các nước Nam Âu. Do đó, vấn đề khí đốt sẽ phải được đưa ra bàn bạc ngay trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.

Trong bối cảnh đó, việc dời ký thỏa thuận hợp tác đối tác vào Thượng đỉnh lần tới, tức đầu năm 2014, là điều rất có thể.

Doris Lessing, Novel văn học 2007 vụt tắt

Một chủ đề khác cũng làm hao tốn giấy mực các báo Pháp hôm nay là sự ra đi vĩnh viễn của giải Nobel văn học 2007, nữ sĩ người Anh Doris Lessing, thọ 94 tuổi vào ngày hôm qua.

Libération chơi chữ giữa từ « Nobel » (giải Nobel) và « rebelle » (sự nổi lọan) trên tít lớn trên trang nhất : « Doris Lessing, le Nobel perd sa rebelle ». « Doris Lessing, sự ra đi của một người phụ nữ tự do », tựa trên La Croix. « Doris Lessing, một nữ tiểu thuyết gia dấn thân » nhận định của Le Figaro.

Và « Sự ra đi của một phụ nữ có tâm và trí », là bài viết của L’Humanité.

Doris Lessing tên thật Doris May Tayler, sinh năm 1919 tại Iran. Tuổi thơ của bà chủ yếu trải qua tại Zimbabwe, một cựu thuộc địa của Anh quốc tại Châu Phi. Và những năm tháng khó khăn của những gia đình người Anh đến đây lập nghiệp sau này là những nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của bà.

Phải rời trường học lúc 15 tuổi, bà đã sớm tự lập. Nhưng bà lại có một niềm đam mê mãnh liệt với văn học.

Bà cũng từng tham gia đảng Cộng sản, nhưng cũng sớm từ bỏ tổ chức này.

Sau khi trở về Anh quốc vào năm 1949, bà quyết tâm dấn thân vào sự nghiệp văn chương.

Châu Phi, nạn phân biệt chủng tộc và thân phận phụ nữ là những chủ đề chủ đạo trong các tác phẩm của bà. Trong đó, tác phẩm « Quyển sổ vàng » đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2007. Đối với Libé ration, cho đến cuối đời, Doris Lessing vẫn luôn là một người kể truyện truyền cảm, với giọng văn sắc bén và hiện thực về những ao ước của người phụ nữ.

Minh Anh
tags: Cải cách - Châu Á - Chính trị - Trung Quốc - đảng Cộng sản - Điểm báo

Switch mode views: