Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2013

Trên 70% hacker là từ Indonesia và Trung Quốc

Hacker -chaua

Vụ việc Cơ quan An ninh Hoa Kỳ (National Security Agency-NSA) theo dõi trên diện rộng các cá nhân và tập thể của đồng minh thân cận Pháp là chủ đề chính của các tờ báo Pháp hôm nay.

Nhân đó, nhật báo Les Echos đăng bài đáng chú ý cho biết, trên 70% hacker có địa chỉ IP từ Indonesia và Trung Quốc.

Bấy lâu nay, Trung Quốc được biết đến như là nơi khởi nguồn nhiều nhất của các xì căn đan hacker trên thế giới. Thế nhưng, Les Echos cho biết, theo Tập đoàn chống hacker Akamai Technologies của Hoa Kỳ thì Indonesia vừa soán ngôi Trung Quốc để dành vị trí đầu bảng.

Bản báo cáo vừa qua của tập đoàn này đưa ra số liệu như sau : trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2013, có đến 38% các cuộc tấn công hacker có địa chỉ IP tại Indonesia, trong khi đó con số này từ Trung Quốc là 33%.

Như vậy, chỉ riêng hai nước Indonesia và Trung Quốc đã chiếm hơn 70% địa chỉ IP của các hacker. Nước Mỹ đang bị thế giới chỉ trích gay gắt về việc bí mật khai thác thông tin của các nước khác, thì con số nói trên chỉ có 6,9%.

Tuy nhiên, báo cáo nói rõ, con số địa chỉ IP của các hacker không nói lên được rằng các hacker có nguồn gốc từ Indonesia và Trung Quốc. Lý do khá đơn giản, đó là bởi gì các hacker có thể sử dụng địa chỉ IP ở những nơi khác để ném đá giấu tay.

Báo cáo cũng nói thêm, các hacker thường chọn các nước có hệ thống mạng khá phát triển nhưng an ninh mạng lại không được đảm bảo. Đối với trường hợp của Indonesia, tờ báo cho rằng, các hacker chọn nước này làm nơi dụng võ, đó là bởi vì có đến 86% phần mềm được sử dụng ở Indonesia là hàng giả, không đủ chất lượng và rất có nhiều nguy cơ bị tin tặc tấn công. Con số này ở Trung Quốc là 77%, ở Ấn Độ là 63%.

Thái Lan muốn trở thành trung tâm công nghiệp khu vực

Trong hồ sơ kinh tế, Les Echos nhìn về Thái Lan với bài viết: “Thái Lan mong trở thành trung tâm công nghiệp khu vực”. Tờ báo cho biết, nền kinh tế Thái Lan đang phát triển rất tốt. Đầu tư nước ngoài vào Thái lan hồi năm ngoái đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó của nước này với mức 980 tỷ bath (23,1 tỷ euro).

Theo dự báo của cơ quan quản lý đầu tư của nước này thì mức đầu tư nước ngoài năm nay cũng sẽ không kém.

Tờ báo nêu ra một số điểm được cho là thế mạnh của Thái Lan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là việc nhà cầm quyền Thái Lan áp dụng chính sách thuế mềm dẻo với nhiều ưu đãi cho giới đầu tư. Thêm vào đó, Thái Lan có vị trí địa lý gần như ở trung tâm Đông Nam Á.

Tờ báo cũng nêu ra một số khó khăn đối với nền kinh tế Thái Lan. Lương lao động tại Thái Lan tăng liên tục trong thời gian qua. Điều đó khiến cho giá thành sản xuất tại Thái Lan cao hơn nhiều so với các nước lân cận như Miến Điện, Cam Bốt hay Việt Nam. Và vì thế, đó cũng là một yếu tố đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bỏ Thái Lan mà tìm đến nước có giá thành sản xuất mềm hơn. Bên cạnh đó, nhìn sâu vào nền công nghiệp Thái Lan, tờ báo cho hay, hầu như nước này lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài.

Pháp nổi giận vì bị đồng minh Mỹ theo dõi

Trở lại hồ sơ NSA theo dõi đồng minh Pháp, các tờ nhật báo Pháp hôm nay dành nhiều bài nhận định trong đó nét chung là bày tỏ sự phẫn nộ của Pháp và chỉ trích việc nghe lén đồng minh của Mỹ.

Các tờ báo nhắc lại việc nhật báo Le Monde của Pháp tiết lộ thông tin từ việc khai thác tài liệu của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, theo đó, từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/01/2013, NSA đã lén thu thập trên 70 triệu cuộc gọi điện thoại của phía Pháp.

Đỉnh điểm của việc nghe lén tập trung vào tháng 12, tức giai đoạn các bên đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương.

Vụ việc đã khiến dư luận Pháp phẫn nộ. Giới cầm quyền của Pháp đã có phản ứng mạnh. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls gọi đó là những tiết lộ « gây sốc ». Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu đại sứ Mỹ lên yêu cầu phía Mỹ giải thích.

Liên quan đến hồ sơ này, nhật báo cánh tả Libération đăng bài « Theo dõi giữa các đồng mình, cách thức hành động », nhật báo Le Monde cũng có bài « Phạm vi theo dõi trên thế giới của NSA ».

Cả hai bài viết đều nói rõ cách thức và phạm vi hoạt động theo dõi của NSA. Hai tờ báo nhấn mạnh đến việc Cơ quan an ninh quốc gia Anh (GCHQ) đã thông đồng cùng NSA trong việc thu thập lén thông tin và giúp Mỹ theo dõi các nước EU.

Le Monde cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh G20 năm 2009 ở Luân Đôn, máy tính của các nhà ngoại giao và các nguyên thủ, thậm chí những cuộc điện đàm của họ, cũng đã bị GCHQ theo dõi. Còn đối với NSA, thì cơ quan này tập trung nhiều sức lực theo dõi các nước EU.

Le Monde nói rõ, theo tiết lộ của Snowden, thì NSA đã ngầm đặt micro nghe lén ở cơ quan đại diện của EU tại Washington, cơ quan đại diện EU ở Liên Hiệp Quốc, thậm chí là tại trụ sở của Hội đồng Châu Âu ở Bruxelles. Tiết lộ của Snowden cho thấy, Brazil cũng nằm trong tầm theo dõi của NSA.

Thể hiện sự phẫn nộ đối với hành động theo dõi đồng minh của Mỹ, Le Monde dành tựa đáng chú ý cho bài xã luận dài hơn bình thường của mình : « Chiến đấu chống nguời bạn lớn ».

Nhật báo cánh tả Libération dẫn lời chuyên gia Pháp cho rằng, thật ra, từ bấy lâu nay, việc các đồng minh theo dõi lẫn nhau đã hiện hữu, và kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, thì các cuộc theo dõi chuyển hướng từ chính trị sang kinh tế. Chuyên gia này cho rằng, an ninh mạng là không tuyệt đối, bởi vậy cách tốt nhất là nên thiết lập bộ quy tắc ứng xử giữa các đồng minh.

Về phần mình, nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng dành nhiều bài cho hồ sơ nói trên. Tờ báo này dẫn một nguồn tin tình báo Pháp nhận định : « Quả là ngây thơ khi nghĩ rằng việc Mỹ ngừng các hoạt động nghe lén như vừa qua, bởi vì trên thực tế các đồng minh luôn bí mật theo dõi nhau ».

Pháp chống chọi trong cô đơn

Không chỉ Pháp bị Mỹ theo dõi, mà còn nhiều nước Châu Âu khác. Do đó, việc Mỹ nghe lén đã tạo làn sóng phẫn nộ trong toàn cõi Châu Âu. Thế nhưng, để các nước EU đã không thống nhất để tạo ra một sức mạnh tập thể nhằm gây sức ép đối với Mỹ.

Le Figaro cho hay, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao EU ở Bruxelles, chỉ có ngoại trưởng Đức là lên tiếng chỉ trích Mỹ và bênh vực Pháp.

Tờ báo dẫn lời một chính trị gia người Pháp cho rằng, các nước Châu Âu đa phần đều ngại đụng chạm và gây mất lòng Mỹ. Hơn nữa, các nước Châu Âu còn vấp phải nước Anh, bởi vì mật vụ Anh đã đã hỗ trợ đắc lực mật vụ Mỹ trong hồ sơ nghe lén.

Tờ báo nhắc lại, hồi tháng Sáu rồi, khi hay tin mình bị theo dõi, nhiều nước Châu Âu đã chính thức yêu cầu Mỹ giải thích. Nhưng đến giờ, như lời thừa nhận của Ngoại trưởng Pháp, thì sự việc có vẻ chìm xuồng.

Pháp quá “mê” Hoa Kỳ ?

Cũng trong hồ sơ nghe lén của NSA, báo cộng sản Pháp L’Humanité cho hay, không phải bây giờ nhà cầm quyền Pháp mới biết việc bị NSA nghe lén, mà hồi đầu tháng 9 đã biết rồi.

Thế nhưng, khi đó, do Quốc hội Anh đã bỏ phiếu phản đối việc quân đội Anh tham gia liên minh can thiệp quân sự vào Syria, nên chính phủ Pháp chỉ còn biết bám riết vào anh bạn đồng minh Mỹ để đối chọi với Nga và Trung Quốc tại Hội đồng bảo an trên hồ sơ Syria. Vì thế mà khi ấy chính phủ Pháp đã im hơi lặng tiếng về hồ sơ nghe lén.

Và giờ đây, khi Le Monde đăng tải tiết lộ của Snowden, thì chính phủ Pháp lại có phản ứng mạnh. L’Humanité chạy dòng tít lớn trên trang nhất mỉa mai: “Khi chính phủ (Pháp) làm bộ …phát hiện ra việc nghe lén của NSA”.

Tờ báo chỉ trích cách quan hệ “đối tác” của Mỹ và cũng chỉ trích các chính trị gia Pháp nào có lập trường thân Mỹ quá đáng. Tờ báo cho rằng, việc chính phủ Pháp giữ im lặng như nêu trên hồi tháng 9 là một hành động mang tính “đồng lõa” với NSA.

Pháp : Thống kê đầu tiên về nghẽn mạch phổi

Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro cho hay: “Tại Pháp, có đến 55 000 ca nghẽn mạch phổi mỗi năm”. Đó là kết quả nghiên cứu vừa được các chuyên gia Pháp công bố, theo đó, trong năm 2010 có hơn 55 000 ca nhập viện có liên quan đến bệnh nghẽn mạch phổi.

Tuy nhiên, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, con số này còn thấp hơn nhiều so với thực tế vì nó chỉ dựa vào danh sách thống kê những người nhập viện điều trị, trong khi trên thực tế có rất nhiều người không nhập viện hoặc chưa kịp nhập viện đã tử vong.

Nói về độ tuổi, nghiên cứu cho biết, tại Pháp, độ tuổi nhập viện do bệnh nghẽn mạch phổi là 67 tuổi, trong đó nữ là 69 còn nam là 65.


Switch mode views: