Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2013

malaisie

Các hộ gia đình châu Á nợ chồng chất



Tỷ lệ vay nợ của người Malaysia là cao nhất châu Á, tương đương 196% so với thu nhập hàng năm của mỗi hộ gia đình (RFI / S. Honorine)


Báo chí Pháp ngày đầu tuần tập trung khá nhiều vào thời sự tại châu Âu, đặc biệt là vụ trục xuất cô học sinh Leonarda.

Liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa : « Châu Á, các hộ gia đình nợ chồng chất ».

Tại Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, tỷ lệ nợ của các hộ đã lên đến đỉnh điểm. Nguyên nhân theo báo Les Echos là do các hộ được vay tín dụng dễ dàng để tiêu xài và do thói quen tậu nhà cửa của người châu Á trong khi giá bất động sản thì tăng vọt.

Ý thức được điều đó, các hộ bắt đầu giảm chi tiêu, điều này lại tác động lên giá cả bất động sản. Theo tờ báo, tỷ lệ vay nợ của người Malaysia là cao nhất, tương đương 196% so với thu nhập hàng năm của mình, cao hơn cả Hàn Quốc (166%). Vào năm 2003, tỷ lệ này tại Malaysia chỉ ở mức 125%.

Có thể nói, tại Hàn Quốc, các hộ gia đình nghèo nhất cũng chính là các hộ có nguy cơ nợ nần chồng chất nặng nhất.

Một nghiên cứu của Coface cho thấy, nợ của các hộ gia đình của 20% những người nghèo nhất đạt đến 184% tổng thu nhập của họ vào năm 2012, tức là cao hơn 18 điểm so với mức trung bình của quốc gia.

Tại Singapore, các hộ gia đình chịu tác động gián tiếp của việc giá cả bất động sản tăng vọt. Tại đảo quốc nhỏ bé này, hơn 80% người dân làm chủ bất động sản. Số người vay tín dụng để mua nhà đất đã tăng lên 78% từ năm 2008 đến 2012. Tỷ lệ nợ ở Thái Lan là 112%.

Bốn quốc gia đang gặp nguy cơ này có một tình trạng giống Hoa Kỳ vào năm 2008, thời điểm mà Hoa Kỳ có một tỷ lệ nợ trung bình của các hộ là 130%. Một số biện pháp điều chỉnh sẽ rất cần thiết sắp tới, trong đó cần phải giảm tiêu thụ trong những năm tới, theo phân tích của các chuyên gia bảo hiểm-tín dụng.

Vấn đề còn lại là chính quyền các nước liên quan cần siết chặt các chính sách tiền tệ cũng như luật lệ trong ngành bất động sản. Tờ báo so sánh với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, tỷ lệ nợ rất thấp, dưới 35% vào năm 2012.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhưng không chắc chắn

Nhìn sang kinh tế tại Trung Quốc, sau một thời gian dài phát triển chậm lại, tăng trưởng kinh tế đã tăng trở lại vào quý III, đạt 7,8% nhờ vào các hoạt động hỗ trợ của chính phủ. Báo kinh tế Les Echos có bài viết phân tích đề tài này, với tựa : « Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhưng không chắc chắn ».

Tờ báo nhận định, nếu như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tốt đẹp vào mùa hè vừa qua, chính là nhờ một phần vào việc duy trì xuất khẩu, mà đặc biệt còn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các chính sách này thúc đẩy những dự án cơ sở hạ tầng đô thị hóa, giảm nhẹ thuế khóa cho các công ty.

Thế nhưng, đoạn tiếp của kịch bản cũng gây nhiều câu hỏi. Liệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động này ? Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách. Thế nhưng, lạm phát hơi tăng nhẹ, liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục thực hiện được các biện pháp kích thích tăng trưởng ?

Hơn nữa, liệu tín dụng ngân hàng có thể tiếp tục là trụ cột cho tăng trưởng ? Câu trả lời vô cùng tiêu cực bởi vì nợ công và tư đã đạt từ 120% đến gần 200% PIB trong vòng 5 năm, điều gây ra nhiều câu hỏi về sự vững chắc của nhà nước.

Malaysia hứa hẹn sản xuất một loại dầu cọ tốt

Mục kinh tế-doanh nghiệp trên báo La Croix hôm nay quan tâm đến Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ đứng thứ hai trên thế giới.

Theo tờ báo, sau khi bị các tổ chức phi chính phủ (ONG) lên án do phương thức sản xuất gây tác hại đến môi trường và vì dầu cọ chứa nhiều chất béo gây hại sức khỏe, Malaysia đang tiến hành chiến dịch trồng cọ và vực dậy lại ngành sản xuất này. Quốc gia này hứa hẹn sẽ cung cấp một loại dầu cọ tốt, đáp ứng tiêu chí về « phát triển bền vững ».

Alain Rival, một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực chế biến nông sản nhấn mạnh : Cây cọ là một nguyên liệu chứa rất nhiều lượng dầu nên cần biết tận dụng để chế biến. Ông giải thích thêm : Cùng trên một hecta, cây cọ cho ra một sản lượng cao gấp 10 lần so với một số thực vật khác, ví dụ như cây đỗ và chi phí sản xuất dầu cọ cũng thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, nguồn lợi trời cho này lại bị các tổ chức phi chính phủ (ONG) lên án, đặc biệt, là nhân tố chịu trách nhiệm cho sự phá rừng hàng loạt. Một hiệp hội mang tên « Những người bạn của Trái đất » cho biết : « Ví dụ, tại bang Sarawak, giấy phép khai thác dầu cọ được cấp mà không được thống nhất với nhau và không có sự đồng thuận của người dân địa phương », đó là chưa kể đến thành phần khai thác chui.

Nhiều mũi dùi chĩa hướng tấn công vào ngành sản xuất dầu cọ đến nỗi các cấp chính quyền phải lên tiếng phản đối. Bộ trưởng ngành trồng trọt và nguyên vật liệu Malaysia đánh giá : Dầu cọ đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế của đất nước, cho phép Malaysia thoát ra khỏi khủng hoảng và tạo việc làm cho 500 000 hộ gia đình. Không nên quên rằng 40% những người trồng cọ là những chủ trang trại nhỏ, chỉ có ít hơn 500 hecta.

Malaysia cam kết bảo tồn 50% diện tích lãnh thổ làm rừng và cần tăng năng xuất trung bình 4 tấn dầu/hecta. Tuy nhiên, Malaysia cũng không thể vượt qua mặt Indonesia đang giữ vị trí số một và đồng thời có một số đối thủ cạnh tranh châu Phi khác cũng đang tăng cường trồng cọ như Nigeria, Bờ Biển Ngà.

Malaysia nhắm đến tiêu chí chất lượng và chuẩn bị để được label RSPO vào năm tới. Loại label này chứng nhận dầu cọ không được sản xuất trên rừng nguyên sinh. Thế nhưng, giá thành để có được loại label này cũng khá đắt cho nên chỉ 15% lượng sản xuất của toàn thế giới là được gắn nhãn label RSPO.

Vụ Snowden : tiết lộ vẫn tiếp tục

US-985, đó là tựa của chương trình gián điệp NSA- Mỹ tại Pháp.

Trong lần xuất bản ra hôm nay trên mạng, báo Le Monde cho biết, cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã nắm bắt hết hàng loạt các cuộc trao đổi điện thoại của các công dân Pháp. Có tổng cộng 70 triệu lượt thu các thông tin điện thoại đã được tiến hành.

Kỹ thuật làm rất đơn giản, « khi một số các số điện thoại được sử dụng tại Pháp, các số này sẽ gây nên một tín hiệu tự động và hệ thống theo dõi ghi lại một số cuộc đàm thoại »… Theo một số tài liệu hé mở, có vẻ như mục tiêu của NSA là nhắm đến những người bị tình nghi có dính líu đến hoạt động khủng bố, hay một số vụ thâu lén khác liên quan đến giới thương gia, làm ăn hay giới chính trị.

Vụ Léonarda chia rẽ cánh tả Pháp

Việc tổng thống Pháp cho phép cô nữ sinh 15 tuổi Léonarda bị trục xuất khỏi Pháp được quay trở lại học tập nhưng không cùng gia đình gây chia rẽ nội bộ cánh tả, như tựa trên trang nhất trên tờ Libération. Ngoài ra, chủ đề này cũng thu hút sự quan tâm của các nhật báo Pháp ra hôm nay.

Nhật báo cánh tả Libération gọi hành động của tổng thống Hollande khi xuất hiện vào thứ 7 vừa qua là « điên rồ », khi ông tự bào chữa cho một trường hợp cá nhân mà không hề nói đến việc nhập cư trong bài diễn văn của mình, hay đề cập đến tính « cứng rắn của pháp luật » hay « sự an ninh », khi cho phép chỉ một mình cô nữ sinh người Kosovo được phép quay lại Pháp để tiếp tục học mà không có gia đình.

Tờ báo nhận định, không một lần Tổng thống Hollande phát biểu đến từ « hội nhập » hay « chính sách xã hội về nhập cư ». Cánh tả vẫn đang trong vòng tranh luận gay gắt về vấn đề hợp pháp hóa nhập cư và trục xuất.

Ngoài ra, tờ báo còn đăng ba bức ảnh của Tổng thống Hollande khi xuất hiện trên truyền hình vào thứ bảy vừa qua. Ta thấy được vẻ bực dọc nơi khuôn mặt Tổng thống, thậm chí trên tấm thứ 3, ta thấy gương mặt ông bị mờ vì ông đang quay lưng rời khỏi khán phòng. Hình ảnh này làm người ta có cảm giác ông đang trốn ống kính caméra ngay vừa sau lời phát biểu của mình. Tờ báo nhận định, đây là lần phát biểu trên truyền hình mà lẽ ra Tổng thống Hollande nên tránh.

Về phần mình, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng tựa ngắn gọn trên trang nhất : « Sự thất bại » nhưng tập trung sự chỉ trích lên Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls. Theo tờ báo, vụ Léonarda sắp tới sẽ chuyển thành cơn chấn động trong chính phủ.

« Thất bại chính trị » chính là tựa bài xã luận trên báo Le Figaro. Bài viết khá sâu sắc nâng quan điểm như sau : Tổng thống Hollande đã phải hạ mình và hạ thấp cả một nước Pháp để lên tiếng can thiệp trên truyền hình trực tiếp về một vụ trục xuất bình thường, xảy ra thường xuyên và bỗng dưng được dựng lên thành một vụ việc cấp nhà nước dưới lăng kính của truyền thông.

Một « cô gái » 15 tuổi, sánh ngang hàng với tổng thống nền kinh tế thứ 5 thế giới và đã dạy cho tổng thống một bài học với đầy vẻ ngạo mạng không thể tưởng. Cha mẹ cô gái người Kosovo, được Pháp cho ăn, ở, chu cấp từ 4 năm nay nhưng lại liên tục có thái độ khiêu khích đầy gay gắt như thế thì còn lâu mới có thiện chí hội nhập.

Bên cạnh đó, nhật báo Cộng sản l’Humanité cũng bày tỏ thái độ trước vụ việc này.

Tờ báo khả quan trích nhận định của Michel Billout, thượng nghị sĩ đảng Cộng sản tỉnh Seine-et-Marne cho rằng, nhập cư ở Pháp cũng chẳng là bao so với Tây Ban Nha hay Ý và cần thay đổi tư tưởng vì « nhập cư tại một đất nước công nghiệp và phát triển là một yếu tố của sự năng động kinh tế ».

Pháp : kỳ thị khi xin việc làm

Với bài báo đề tựa : « Để tìm được việc làm, nên ăn mặc chỉnh chu, người da trắng và có nơi sống tốt », báo Libération quan tâm đến nạn kỳ thị khi đi xin việc.

Theo viện nghiên cứu Ifop, 4/10 số người thất nghiệp là nạn nhân của sự kỳ thị. Bốn tiêu chuẩn mà hơn 20% người xin việc nêu lên có ảnh hưởng quan trọng khi xin việc làm. Thứ nhất là ngoại hình. Béo phì hay ăn mặc xuề xòa, quần jean, thay vì mặc quần áo công sở, complet, cravatte đều ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng.

Các tiêu chuẩn tiếp theo là thời gian thất nghiệp, giới tính hay nguồn gốc.

Về điểm cuối cùng, màu da, quốc tịch và giọng nói tiếng Pháp ảnh hưởng nhiều đến quyết định tuyển dụng. Đối với những người tìm việc sống nhưng khu vực được gọi là nhạy cảm, nghèo, thường xảy ra bạo động thì nguồn gốc sắc tộc là yếu tố kỳ thị đầu tiên (48%) trong khi chỉ có 23% so với toàn lãnh thổ.

Sự kỳ thị bắt đầu ngay từ khi sơ tuyển qua CV (sơ yếu lý lịch). Các tiêu chí về nơi ở, tuổi tác, phụ nữ có thai, béo phì, ngoại hình hay gia nhập công đoàn cũng ảnh hưởng đến quá trình xin việc làm.


Switch mode views: