Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-06-2013
- Thứ Hai, 17 tháng Sáu năm 2013 23:22
- Tác Giả: Thanh Hà
Cảnh sát quây bắt gái mại dâm tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 12/09/2012
REUTERS/ Stringers
Thượng đỉnh G8, « tổng thống Obama trong thế yếu ». Bầu cử Iran, thắng lợi bất ngờ của ứng cử viên ôn hòa Hassan Rohani : « Hy vọng và thách thức ». 665 000 học sinh Pháp thi tú tài, môn triết mở đầu mùa thi 2013.
Ngành công nghệ hàng không châu Âu lên như diều gặp gió. Trên đây là những chủ đề lớn được các tờ báo Paris ngày đầu tuần dành cho rất nhiều trang.
Nhưng trước tiên xin điểm qua một bài báo trên tờ Le Monde nói về thành phố Đông Quản, nơi đã trở thành « kinh đô sex » của Trung Quốc.
« Thủ đô sex » của Trung Quốc
Nợ nần chồng chất, tỷ lệ tội phạm cao, môi trường bị phá hủy, nhiều nhà máy nối đuôi nhau đóng cửa : đó là thực trạng mà Đông Quản, một thành phố với 8 triệu dân, phải đối mặt từ nhiều năm qua.
Nằm trên dòng Châu giang, đấy chỉ là một thành phố không hồn. Bộ mặt Đông Quản đã nhiều lần đổi thay theo nhịp độ của các chương trình phát triển công nghiệp để phục vụ cho lợi ích tăng trưởng của Trung Quốc.
Theo lời tác giả, ở đây, người ta đã dựng lên biết bao nhiêu khu nhà tập thể san sát nhau để cho công nhân tá túc, rồi những nhà máy kế bên.
Ba phần tư dân cư tại chỗ là người lao động nhập cư từ nông thôn lên thành phố kiếm sống. Trong nhiều năm trời, họ cắm cúi làm ăn mà không hề biết ngày mai ra sao. Thế rồi mô hình kinh tế đó đã sụp đổ khi thế giới lâm vào khủng hoảng, hàng của Trung Quốc khó bán sang các thị trường Âu Mỹ hơn.
Lương công nhân Trung Quốc cùng với giá đồng nhân dân tệ tăng lên. Các ông chủ tập đoàn người Hồng Kông hay Đài Loan đã nhanh chóng di dời cơ sở sản xuất đến những vùng kém phát triển hơn ngay trên lãnh thổ Trung Quốc hoặc là chuyển hẳn sang những nước Đông Nam Á có nhân công còn rẻ mạt hơn so với đồng lương vốn đã thấp ở Trung Quốc.
Hậu quả trực tiếp là chính quyền tỉnh Quảng Đông và thành phố Đông Quản cùng khánh tận. Đông Quản đứng bên bờ vực thẳm.
Các dịch vụ công cộng bị thu hẹp lại dần, từ giao thông đến y tế, giáo dục …
Duy chỉ có các dịch vụ « sex » thì vẫn ăn nên làm ra.
Chỉ trong vài năm trời, Đông Quản đã được mệnh danh là « kinh đô của sự khoái lạc » : 10 % dân số tức là khoảng 800 000 người làm việc tại các phòng « mát –xa », tắm hơi, bia ôm, quán ôm hay nói chung là những nơi mà « mua bán tình dục đều đều có giá hẳn hoi ».
Tệ nạn này tràn lan đến nỗi mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, vừa qua đã phải tung ra một chiến dịch quảng cáo cho những nét đẹp văn hóa cổ truyền của Đông Quản, cho những khu công viên xanh đẹp hay những công trình cơ sở hạ tầng hiện đại của thành phố.
G8 : uy tín đang bị sứt mẻ của ông Obama
Trở lại với phần thời sự quốc tế nổi bật trong ngày là thượng đỉnh nhóm G8 mở ra trong hai ngày 17 và 18/06/2013 tại một khách sạn sang trọng có sân golf và spa ở Lough Erne, Bắc Ai Len, cách thủ phủ Belfast hơn 160 cây số về phía tây.
Phụ trang kinh tế của Le Figaro dưới hàng tựa « Thượng đỉnh G8 tấn công vào các thiên đường thuế khóa » cho rằng thượng đỉnh lần này đã đặt ra mục tiêu quá tham vọng.
Libération nhấn mạnh đến sự kiện, thủ tướng Anh vừa đạt được một thắng lợi lớn trong lĩnh vực chống lại các thiên đường thuế khóa.
Cụ thể là cách nay hai ngày ông David Cameron đã thuyết phục được các vùng đất hải ngoại của vương quốc phải tôn trọng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này. Như vậy ở cương vị chủ nhà, chiều nay thủ tướng Anh khai mạc hội nghị trong thế tương đối « thoải mái ».
Tổng thống Mỹ, Barack Obama không may mắn bằng do hình ảnh ông trong mắt các đối tác G8 đang bị xấu sau tiết lộ về chương trình PRISM theo dõi theo dõi hoạt động của một số công dân. « Ông Obama đến Châu Âu trong thế yếu » tựa lớn của tờ Le Monde.
Thông tín viên của tờ báo từ Washington nhận định về vòng công du châu Âu của tổng thống Hoa Kỳ lần này như sau : có hai hình ảnh mà mọi người chờ đợi lần này đó là cái bắt tay giữa của ông Barack Obama với tổng thống Vladimir Putin.
Quan hệ giữa hai nhân vật này vốn đã nguội lạnh từ lâu. Do đứng về phía tổng thống Bachar Al Assad, ông Putin trong mắt Hoa Kỳ gây trở ngại cho các vòng hòa đàm nhằm đưa Syria ra khỏi bế tắc. Hình ảnh thứ nhì của ông Obama được mọi chú ý sẽ là khi ông đọc bài diễn văn ở cổng thành Brandebourg vào ngày 19/06/2013.
Đây là nơi cách nay đúng nửa thế kỷ tổng thống JK. Kennedy đã đọc một bài diễn văn để đời, thách thức Liên Xô với tuyên bố « Ich bin ein Berliner ».
Lần này, tại cổng thành Brandebourg, Barack Obama sẽ nhấn mạnh đến « tinh thần và truyền thống hợp tác ở hai bên bờ Đại Tây Dương, đến thế giới tự do »… Nhưng theo nhận định của tác giả bài viết, chắc chắn là diễn văn sắp tới đây của tổng thống Mỹ không có được tiếng vang như phát biểu của ông Kennedy vào năm 1963.
Người dân Đức cũng sẽ không dành cho ông nhiều cảm tình như đợt ông đến Berlin vào mùa hè năm 2008, khi mà Barack Obama mới chỉ là ứng cử viên tổng thống.
Hào quang của ông Obama không còn nữa. « Hình ảnh của một ông Kennedy da đen » bị hoen ố.
Châu Âu thất vọng khi thấy chính sách chống khủng bố của Barack Obama chỉ là sự tiếp nối so với những gì người tiền nhiệm là George W. Bush đã làm - từ các cách đối xử với tù nhân Guantanamo đến những vụ tai tiếng theo dõi phóng viên, và nhất là những tiết lộ gần đây của cựu nhân viên tình báo CIA, Edward Snowden.
Phải chăng là yếu tố khiến tờ báo uy tín của Đức, Der Speigel chạy tựa lớn khi nói về lãnh đạo Hoa Kỳ : « Obama, người bạn mà chúng ta đã đánh mất » ?.
Le Monde nói rõ những tiết lộ về chương trình theo dõi đời sống cá nhân của Hoa Kỳ có tên gọi là PRISM đặt chủ nhân Nhà Trắng trong thế khó xử bởi vì chương trình này không chỉ theo dõi hay « lượm nhặt » thông tin cá nhân của các công dân Mỹ mà nó còn liên quan cả đến đời sống riêng tư của nhiều công dân châu Âu và trên toàn thế giới khi họ tham gia mạng xã hội Facebook hay truy cập vào Google.
Tác giả bài báo nêu lên một chi tiết nhỏ cho thấy tổng thống Mỹ đã lúng túng trước khi lên đường công du châu Âu : thông thường, trước mỗi chuyến công du đến một nước nào đó, tổng thống Hoa Kỳ luôn dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo chí nơi ông sắp đến.
Lần này thì không. Phải chăng ông Obama cần thời gian để chuẩn bị, để mài rũa những câu trả lời trước khi bị các phóng viên quốc tế chất vấn ?
An ninh hay các quyền tự do ? Một bài toán nan giải
Les Echos khoan nhượng hơn với chủ nhân Nhà Trắng trong bài báo mang tựa đề « Chọn lựa giữa bảo đảm an ninh và tôn trọng các quyền tự do : khả năng hành động chật hẹp của Obama ».
Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Pháp thuộc viện IFRI Dominique Moisi nêu lên câu hỏi : dư luận sẽ nghĩ gì và đánh giá thế nào nếu như chính quyền Obama sơ sót để lại xảy ra một đợt tấn công nhắm vào quyền lợi của Hoa Kỳ như biến cố 11 tháng 9/2001 ?
Để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ, Washington đã bắt buộc phải theo dõi hành vi của một số những đối tượng khả nghi, phải nghe lén điện thoại, thâm nhập máy chủ … để thu thập thông tin cá nhân.
Chương trình PRISM một lần nữa phơi bày ra ánh sáng sự chọn lựa giữa « các quyền tự do và an ninh » quốc gia.
Đành rằng ở vào thế kỷ thứ 18, tổng thống Mỹ Benjamin Franklin đã từng ghi nhận rằng nếu « hy sinh tự do để được sống an toàn hơn một chút thì người ta sẽ đánh mất cả tự do lẫn an ninh ».
Thế nhưng thời thế đã đổi thay. Chuyên gia chiến lược Pháp lưu ý độc giả rằng, nhân loại đã có một công cụ mới là internet.
Tiến hành một cuộc tấn công tin học có khác gì so với với việc dàn trải chiến sa chiếm đóng một vùng đất mới ?
Chắc chắn một điều là « Chỉ có người Mỹ, nước Mỹ mới thay đổi chính sách của Mỹ. Áp lực của châu Âu dù lớn đến đâu cũng không làm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ trên vấn đề này ».
Iran, hy vọng
Cũng liên quan đến thời sự quốc tế, Libération dành nguyên hồ sơ lớn cho cuộc bầu cử tổng thống Iran.
Trên trang nhất là hình ảnh một công dân trẻ của Iran tươi cười bên trên là hàng tựa nổi « Iran, hy vọng ».
Ở trang trong tờ báo nhận định : thắng lợi của ông Hassan Rohani ngay ở vòng 1 là « sự phục thù của phe cải cách ». Tuy vậy tờ báo Pháp cũng thận trọng nhắc với độc giả rằng tổng thống Iran tân cử không hẳn là một nhà cải tổ mà cũng không hẳn là một chính trị gia bảo thủ.
Dù sao thì quyền lực của ông cũng có những giới hạn : khi mà các hồ sơ tế nhị như quan hệ với Israel, Syria hay hồ sơ nguyên tử đều nằm cả trong tay giáo chủ Ali Khamenei.
Le Figaro nhấn mạnh nhiều hơn đến những « thách thức to lớn » chờ đợi tổng thống vừa được bầu lên của Iran.
Thứ nhất việc 18,6 triệu cử tri chọn đưa ông Rohani để thay thế tổng thống Ahmedinejad ngay ở vòng đầu cuộc bầu cử cho thấy là người dân Iran đang khát khao tự do.
Họ cũng đã quá chán ngán với chính sách liên tục đối đầu của chính quyền mãn nhiệm Téhéran với phương Tây, đẩy kinh tế vào ngõ cụt. Nhưng liệu Hassan Rohani có đáp ứng được những nguyện vọng đó hay không ?
Thách thức thứ nhì chờ đợi ông Rohani là phải làm thế nào để tìm được một thế cân bằng trên bàn cờ chính trị Téhéran, tránh trực tiếp đương đầu với cánh bảo thủ.
Theo nhận định của Le Figaro thì tổng thống tân cử Iran trong quá khứ luôn duy trì quan hệ tốt với giáo chủ Ali Khamenei, với những gương mặt nổi bật nhất trong hàng ngũ của phe bảo thủ.
Nhưng mặt khác, nhiều thanh niên từng đấu tranh xuống đường phản đối thắng lợi của tổng thống Ahmedinjad năm 2009 vẫn còn bị cầm tù, hai nhà ly khai nổi tiếng là các ông Moussavi và Karoubi vẫn còn bị quản túc tại gia.
Le Figaro nhận thấy là sớm muộn gì tổng thống Iran trong tương lai Hassan Rohani cũng phải tính đến chuyện trả tự do cho họ tô điểm lại hình ảnh của Iran. Vấn đề còn lại là phe bảo thủ ở Téhéran có nhường một ít sân chơi cho ông Rohani hay không.
Thách thức khi tăng trưởng quá tốt đẹp
Cuối cùng tin kinh tế quan trọng nhất trong ngày đối với nước Pháp là hội chợ hàng không Le Bourget khai mạc.
Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu chiếm thế thượng phong. « Ngành hàng không trước thách thức khi tăng trưởng quá mạnh ». Tựa bài báo trên tờ La Croix.
Vào lúc hơn 3,2 triệu người Pháp không có việc làm thì Airbus và Safran khổ sở trong việc tuyển dụng nhân viên và các chuyên gia về ngành hàng không, từ ông kỹ sư đến anh thợ hàn cùng rất « khan hiếm ».
Tờ báo nêu lên một vài con số : doanh thu của ngành hàng không tại Pháp năm ngoái lên tới 42,5 tỷ euro, tăng 16 % so với năm 2011. Airbus nhận được đơn đặt hàng trị giá gần 50 tỷ euro.
Chỉ riêng năm 2012, Airbus và các đối tác trực tiếp (như Safran, Thales …) tuyển thêm 15 000 nhân viên, tạo thêm 8 000 chỗ làm. 170 000 người tại Pháp làm việc tại các tập đoàn chế tạo máy bay và các hãng gia công.
Mỹ ngày càng ít người da trắng
Trong lĩnh vực xã hội, bài báo mang tựa đề « Ở Mỹ, dân số càng ít trắng » trên tờ Les Echos đưa ra nhận xét.
Vào thập niên 1990, có đến 80 % dân số Hoa Kỳ là người da trắng. Tỷ lệ đó rơi xuống còn 63 % hiện nay. Đáng nói hơn nữa là lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ, số người da trắng tử vong hàng năm cao hơn so với số trẻ em da trắng chào đời.
Với đà này, từ nay đến năm 2020, lớp thanh niên dưới 18 tuổi trong cộng đồng da trắng sẽ chỉ còn là thiểu số.
Kết quả đợt kiểm kê dân số gần đây nhất ở Mỹ được công bố vào tuần trước còn cho biết tỷ lệ sinh để trong cộng đồng người Mỹ da trắng tính từ năm 2007 tới 2012 đã giảm sụt 13 % và theo giải thích của các nhà dân số học Kenneth Johnson thuộc đại học New Hampshire, khủng hoảng tài chính và kinh tế gần đây khiến nhiều phụ nữ Mỹ da trắng dời lại dự án sinh con.
Nhưng trước mắt cộng đồng người da trắng sinh sống trên đất Hoa Kỳ vẫn không giảm sụt nhờ các làn sóng di dân của đến từ Canada, Đức hay Nga.
Dân số ở Mỹ gốc Á châu tăng nhanh nhưng nhìn chung cộng đồng có tỷ lệ tăng trưởng lớn mạnh nhất là nhóm những người sử dụng tiếng Tây Ban Nha.
Cả hai cộng đồng Á châu và người sử dụng tiếng Tây Ban Nha đều trẻ hơn so với cộng đồng người Mỹ da trắng.
Tin mới
- Tại Berlin, Tổng thống Obama kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân - 19/06/2013 22:58
- Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đối thoại về hồ sơ hạt nhân - 19/06/2013 21:47
- Biển Đông : Bắc Kinh sẽ tăng sức ép trên Việt Nam nhân chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang - 19/06/2013 17:36
- G-8 đồng thuận giải quyết vấn đề Syria bằng chính trị - 19/06/2013 05:09
- Tổng Thống Obama: NSA thu thập dữ kiện ‘minh bạch’ - 19/06/2013 04:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-06-2013 - 18/06/2013 17:33
- Bất đồng về Syria, G8 tìm đồng thuận về chống trốn thuế - 18/06/2013 17:21
- Chính phủ Afghanistan chính thức kiểm soát an ninh - 18/06/2013 17:14
- Hàn Quốc gọi thầu cung cấp máy bay chiến đấu - 18/06/2013 16:40
- Các tổ chức phi chính phủ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng cho luật sư Lê Quốc Quân - 18/06/2013 16:09
Các tin khác
- Vụ Snowden : Anh Quốc cũng dính vào các vụ nghe trộm điện thoại ? - 17/06/2013 22:42
- CH Séc : Thủ tướng từ chức do các vụ tham nhũng - 17/06/2013 22:30
- Thổ Nhĩ Kỳ : Công đoàn kêu gọi tổng đình công - 17/06/2013 22:13
- Khai mạc triển lãm hàng không Bourget: Aibus giành nhiều hợp đồng - 17/06/2013 21:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-06-2013 - 17/06/2013 21:47
- Rohani chiến thắng, phe cải tổ Iran hồi sinh - 17/06/2013 21:26
- Vụ Snowden thử thách quan hệ Trung Quốc - Hồng Kông - 17/06/2013 21:03
- Syria, chủ đề nóng của G8 ngay từ ngày khai mạc - 17/06/2013 18:22
- Iran có tổng thống tân cử ôn hòa - 16/06/2013 04:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-06-2013 - 16/06/2013 03:26