Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Pháp "dị ứng" với hiệp định tự do mậu dịch

chong CETA

Biểu tình chống hiệp định CETA trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg ngày 15/02/2017.FREDERICK FLORIN / AFP

 

Hai năm sau khi chính thức có hiệu lực, hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Canada CETA vẫn gây tranh cãi.
Thủ tục vẫn chưa hoàn tất để văn bản này có thể được áp dụng toàn phần.

Quốc Hội Pháp phải dời ngày biểu quyết CETA trong bối cảnh Liên Âu vừa đạt đồng thuận với bốn nước châu Mỹ Latinh thành lập một khu vực tự do mậu dịch với khối Mercosur.

Từ tháng 2/2019, Nghị Viện Châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định về thương mại (EUSFTA) và đầu tư (EUSIPA) với Singapore.
 Cuối tháng 6/2019 Bruxelles và Hà Nội đã đặt bút ký vào hiệp định EVFTA, nhưng văn bản này còn phải vượt qua cửa ải của Nghị Viện Châu Âu sắp tới.

Thỏa thuận với Singapore chưa chính thức có hiệu lực, với Việt Nam hành trình còn dài hơn.
Giới lãnh đạo trông thấy ở hai hiệp định với Singapore và Việt Nam những "cơ hội to lớn mở ra thị trường châu Á".

Còn CETA là cánh cổng đưa hàng châu Âu vào Bắc Mỹ. Nhưng dường như công luận Pháp và châu Âu không còn còn hồ hởi trước viễn cảnh đẩy mạnh xuất khẩu sang những chân trời mới.

Điển hình là Quốc Hội Pháp không vội vã thông qua hiệp định CETA cho phép hàng hóa của châu Âu - mà Paris là một trong những bên xuất siêu với Ottawa, chinh phục bắc Mỹ.

Không mặn mà với một thỏa thuận đã có hiệu lực từ hai năm qua thì chớ, mà thay vào đó là mối hoài nghi về hiệp định đã ký với Canada. Đâu là nguyên nhân giải thích nghịch lý này ?

Vào lúc một phần lớn dân Pháp đã bắt đầu nghỉ hè, các đại biểu Quốc Hội được kêu gọi biểu quyết về hiệp định tự do mậu dịch mà Liên Hiệp Châu Âu đã ký kết với Canada từ năm 2017 và đã có hiệu lực từ 2 năm qua.

Nhưng để được áp dụng toàn phần, văn bản này cần phải được khoảng 40 nghị viện cả ở cấp quốc gia lẫn cấp vùng trong Liên Âu thông qua.
Trong số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ có 13 nước đã hoàn tất thủ tục. Trong số đó có Tây Ban Nha và Anh Quốc.

Tại Pháp, tất cả còn tùy thuộc vào lá phiếu của 577 dân biểu Quốc Hội.
Số này được kêu gọi bỏ phiếu về văn bản nói trên trong ngày 23/07/2019, chưa biết kết quả ra sao.

Lẽ ra văn bản này phải được Quốc Hội Pháp thông qua từ tuần trước, nhưng hiệp định CETA gây bất đồng sâu rộng trong hàng ngũ chính giới Pháp, bất luận tả hữu.
Sau 7 năm đàm phán, hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada CETA đã được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn từ tháng 2/2017 và bắt đầu có hiệu lực.

Trong hai năm qua, 28 nước châu Âu khi mua hàng của Canada đã tiết kiệm được một khoản thuế nhập khẩu không nhỏ.
Ngược lại 35 triệu dân tại Canada cũng đã dùng hàng của châu Âu với giá rẻ hơn.

Riêng đối với Pháp, thống kê của bộ Thương Mại cho thấy, nhờ có CETA, tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang Canada tăng 6,6 % năm ngoái so với 2017.
Nông phẩm của Pháp bán sang thị trường Bắc Mỹ này tăng 19 %.
Thặng dư thương mại của Pháp với Canada đang từ 50 triệu euro năm 2017 đã tăng lên thành 450 triệu vào năm ngoái.

Vậy tại sao CETA chưa chinh phục được công luận Pháp ?

Ba yếu tố cho phép trả lời câu hỏi trên.
Thứ nhất là lo ngại về các chuẩn mực an toàn thực phẩm của Canada.
Về điểm này, trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, một đại diện nghiệp đoàn Nông Gia Pháp, ông Thierry Jacquot cho biết :

"Chúng ta có thể hiểu được nhu cầu mua vào nhiều hơn những sản phẩm mà Pháp hay châu Âu không làm ra, hoặc không trồng ra được.
Thí dụ như nhập khẩu nhiều hơn mật cây phong, đặc sản của Canada. Nhưng cũng cần dừng lại các hiệp định tự do mậu dịch, bởi vì chúng thường đem lại nhiều phiền toái, hủy hoại môi trường thiên nhiên và là nguyên nhân dẫn đến không biết bao nhiêu xáo trộn trong xã hội".

Dân biểu Pierre Henri Dumont, thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), nói rõ hơn về lo ngại cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà chăn nuôi châu Âu và Canada, đặc biệt là đối với thịt bò, thịt lợn nhập từ Canada :

"Họ chăn nuôi gia súc bằng bột động vật, hay dùng thuốc kháng sinh để kích thích cho bò, lợn mau lớn.
Điều khiến tôi lo ngại là với hiệp định CETA, thịt bò, thịt heo này có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Chúng ta không thể chấp nhận rằng châu Âu cấm dùng bột động vật và thuốc kháng sinh trong ngành chăn nuôi, nhưng lại bằng lòng để tiêu thụ thịt từ Canada bán sang".

Về lo ngại thịt từ Canada tràn sang châu Âu, tới nay thống kê của Liên Hiệp Châu Âu cho thấy, Canada mới chỉ đủ sức cung cấp 2 % quota thịt bò có thể bán sang Liên Âu. Lý do, hãy còn "rất ít các nông trại Canada đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Bruxelles".
Cụ thể hơn, trên 70.000 trại chăn nuôi, mới chỉ có 36 đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu thịt bò sang châu Âu.
Nói cách khác, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi của các nhà sản xuất Canada còn rất thấp.

Một lý do thứ nhì khiến hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Âu và Canada kém hấp dẫn là công luận Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, ngày càng quan tâm đến các chuẩn mực về môi trường.
 Gia tăng sản xuất hay chăn nuôi để xuất khẩu sang Canada trong khuôn khổ hiệp định CETA, với châu Á hay với 4 nước châu Mỹ Latinh sau này một khi thỏa thuật mậu dịch giữa Liên Âu và khối Mercosur đi vào hoạt động, sẽ làm tăng lượng thải khí carbone của châu Âu.

Về điểm này, Samuel Leré, thuộc quỹ bảo vệ môi trường Nicolas Hulot, giải thích vì sao giới bảo vệ sinh thái chống hiệp định CETA và tất cả những thỏa thuận về mậu dịch khác :
"Trên 1.600 trang trong hiệp định CETA, chỉ có 13 trang nói về môi trường và đó cũng là những trang duy nhất trong văn bản này không mang tính ràng buộc.

Về môi trường, Canada không phải là một tấm gương sáng. Canada là một trong những quốc gia thải nhiều khí carbone nhất trong nhóm G20.
Canada là nơi duy nhất trên thế giới khai thác dầu cát. Mà chúng ta biết rằng công nghệ khai thác dầu cát này thải ra đến 48 % khí carbone nhiều hơn là khai thác các giếng dầu".

Trong hai năm qua, nhiều báo cáo về tác động của hiệp định CETA đối với ngành nông nghiệp Pháp, về tác động của hiệp định tự do mậu dịch này đối với lượng thải khí carbone hâm nóng trái đất đều xua tan cả hai mối hoài nghi vừa nêu.

Gần đây nhất, nghiên cứu của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế về Triển Vọng Kinh Tế CEPII công bố hồi tháng 6/2019 chỉ ra rằng nông nghiệp Pháp "được" nhiều hơn "thua" với CETA và việc tăng xuất khẩu sang Canada không làm tăng thêm lượng thải khí CO2 của Pháp, không góp phần tàn phá thêm môi trường.
 Tới nay các nghiên cứu này vẫn không xua tan được lo ngại của phe chống hiệp định mậu dịch châu Âu và Canada trong một phần công luận Pháp.

Thêm một yếu tố thứ ba khiến hiệp định CETA kém hấp dẫn là Quốc Hội được kêu gọi phê chuẩn văn bản này vào lúc Liên Âu vừa đạt được đồng thuận về một hiệp định tự do mậu dịch khác với bốn nước tại Châu Mỹ Latinh.
Bốn nước đó gồm Achentina, Brazil, Paraguay và Uruguay.

Một lần nữa giới chăn nuôi Pháp lại bước lên tuyến đầu phản đối một hiệp định mới phôi thai.
Lý do là văn bản này dự trù khối Mercosur mỗi năm sẽ được phép xuất khẩu 99.000 tấn thịt bò, 100.000 tấn thị gà, và 180.000 tấn đường sang châu Âu.

Như vậy là ngành sản xuất đường và chăn nuôi Pháp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh.
Có điều, như giải thích của Maxime Sbaihy, thuộc trung tâm nghiên cứu Génération Libre, ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, Pháp nói riêng, châu Âu nói chung không phải lúc nào cũng bị thiệt thòi.

 Vả lại Liên Âu đã có sẵn một các biện pháp hỗ trợ nông gia, và châu Âu là một trong nhưng nơi có chính sách nông nghiệp bảo hộ bậc nhất :
"Có những hàng rào để bảo vệ quyền lợi của nông gia châu Âu. Trong bất kỳ một thỏa thuận nào thì cũng có người được, người thua.

Bên thua gồm ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò của châu Âu, ngành sản xuất đường cát.
Nói là thua thì cũng không đúng, mà thực ra hai lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn.
Nhưng bù lại, thì châu Âu có dự trù nhiều khoản đền bù và trợ cấp cho nông gia trong ngành chăn nuôi và sản xuất đường cát.

Nhưng không phải là toàn bộ ngành nông nghiệp của châu Âu đều bị thiệt thòi. Ngành sản xuất sô cô la và trồng nho, cất rượu của châu Âu chẳng hạn sẽ xuất khẩu được nhiều hơn sang Nam Mỹ nhờ xóa bỏ được đến 90 % các hàng rào quan thuế.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, thì công nghiệp châu Âu hưởng lợi nhiều.
 Đứng đầu là công nghệ xe hơi, dệt may, chế tạo máy móc. Mercosur là thị trường với 170 triệu dân".

Denis Simonneau giám đốc trung tâm nghiên cứu Europa Nova của châu Âu nêu ra 3 lý do khiến hiệp định Mercosur là điều đáng mừng :
" Thứ nhất đây là một tín hiệu mạnh về tự do mậu dịch, về giao thương đa chiều vào thời điểm một số lãnh đạo trên thế giới chống đối điều đó.

Thứ hai là với thỏa thuận này, các hàng rào thuế quan sẽ được giảm đi đáng kể và qua đó giúp hàng công nghiệp của châu Âu dễ dàng xâm nhập thị trường bốn nước trong khối Mercosur.

Lý do thứ ba là thỏa thuận này công nhận chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên theo tinh thần của hiệp định Paris được thông qua hồi năm 2015.
Theo tôi, đây là một thắng lợi cần được nhắc tới, khi biết rằng tổng thống Brazil vốn không mặn mà với mục tiêu bảo vệ môi trường cũng đã chấp thuận về điểm này.

Liên quan tới mối lo ngại về đến các chuẩn mực vệ sinh và an toàn thực phẩm ,thì thỏa thuận với khối Mercosur tuân thủ các chuẩn mực của Liên Hiệp Châu Âu, điều đó có nghĩa là châu Âu kiểm soát được chất lượng của tất cả các lô hàng nhập từ bốn nước  Nam Mỹ này".

Tại hội thảo thường niên tổ chức tại Aix en Provence tháng 6/2016, các chủ doanh nghiệp Pháp đã bất ngờ nhận thấy rằng, qua các cuộc trao đổi với sinh viên tại các trường lớn, những thế hệ chuẩn bị lên lãnh đạo trong tương lai, điều họ quan tâm nhất là bảo vệ hành tinhcủa chúng ta, và ước mơ được sống trong một môi trường sạch.

Tăng trưởng và tự do mậu dịch bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Switch mode views: