Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ : Căng thẳng kinh tế tác hại đến hợp tác quốc phòng

USA Turkey

Ảnh minh họa : Máy bay quân sự Mỹ tại căn cứ Incirlik , Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh 10/08/2015.
REUTERS/Murad Sezer

Quan hệ Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ ngày xấu đi rõ rệt, xuống đến mức thấp nhất từ mấy chục năm qua.

 Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu bị điêu đứng, nhưng điều đáng ngại hơn, theo phân tích của hãng tin Pháp AFP ngày 14/08/2018, là nguy cơ quan hệ quân sự xấu đi giữa hai thành viên quan trọng trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Khi loan báo tăng gấp đôi mức thuế đánh trên nhôm thép nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/08/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định « quan hệ với Ankara hiện không tốt ».

 Bốn hôm sau, ngày 14/08, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã « ăn miếng trả miếng », kêu gọi tẩy chay hàng điện tử Mỹ, và ban hành quyết định áp thuế quan cực nặng trên hàng loạt sản phẩm nhập từ Mỹ, với 140% trên rượu, 120% trên xe du lịch hay 60% đối với lá thuốc lá ; gạo, than đá cũng bị tăng thuế mạnh.

Trước mắt, trừng phạt kinh tế của Mỹ đã làm đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ mất giá đáng kể, tác động nặng nề đến kinh tế và đời sống người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, quan hệ xấu đi này sẽ không chỉ tác hại đến kinh tế, thương mại, mà giới quan sát còn lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực trên quan hệ quân sự, quốc phòng giữa hai đồng minh NATO, với những hậu quả địa lý chính trị khó lường.

Ngay hôm 10/08, trên tờ báo Mỹ The New York Times, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo là nếu Washington không từ bỏ các hành vi đơn phương và thái độ thiếu tôn trọng thì Ankara bị buộc phải tìm kiếm « bạn bè và đồng minh mới ».

Theo AFP, lời cảnh báo trên được đưa ra sau một cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa ông Erdogan và tổng thống Nga Vladimir Putin về kinh tế và thương mại cũng như về tình hình Syria.

Các yếu tố bất đồng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ càng lúc càng nhiều

Quan hệ quân sự song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây đã gặp nhiều khúc mắc trên một loạt hồ sơ.
Trước hết là trong hồ sơ Syria. Washington đã hỗ trợ cho lực lượng Kurdistan YPG ở Syria chống lại lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ lại xem YPG là tay chân của đảng Kurdistan PKK, bị Ankara liệt vào diện lực lượng khủng bố cần tiêu diệt.

Căng thẳng Ankara-Washington lại càng lên cao sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, lại ký thỏa thuận sơ bộ để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, một đối thủ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Ngoài yếu tố kỹ thuật - hệ thống phòng không S-400 hoàn toàn không thích ứng với hệ thống phòng thủ của NATO - thương vụ này lại là một sự vi phạm trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Một nhân tố khác phản ánh đà xấu thêm trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 13/08, đã ký ban hành luật mới về ngân sách quốc phòng Mỹ, trong đó có điều khoản cấm cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tiếp tục bàn thảo việc mua S-400 của Nga.

Quan hệ ngày càng tốt đẹp lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gây lo ngại cho cả Mỹ lẫn châu Âu.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại với Nga đã khiến một số người hoài nghi về tính đáng tin cậy của Ankara trong tư cách một thành viên NATO, và nêu lên câu hỏi là có nên để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ở trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hay không.

Nhưng chuyên gia Joshua Landis, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Đông, trả lời AFP, đã đánh giá là việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO sẽ là một thảm họa, vì điều đó chỉ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tay của Nga mà thôi.
Riêng đô đốc hồi hưu James Stavridis, cựu tư lệnh lực lượng NATO, thì đã thúc giục Washington và Ankara là phải làm tất cả những gì có thể làm để cải thiện quan hệ.

Trả lời hãng truyền thông Mỹ MSNBC hôm 13/08, ông nói : « Để mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một sai lầm khủng khiếp về địa chính trị, và may mắn thay là chúng ta có thể hy vọng đẩy lùi việc này, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phải đi bước đầu tiên ».

Tuyên bố của đô đốc Stavridis được đưa ra đúng vào hôm ông John Bolton, cố vấn an ninh của ông Trump, gặp đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề Ankara bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson - ngòi nổ làm dấy lên cuộc khủng hoảng hiện nay - và tình hình quan hệ song phương.

Vấn đề căn cứ quân sự Incirlik

Các chuyên gia cũng nhìn một cách lo ngại về số phận của Incirlik, căn cứ quân sự Mỹ nằm vùng phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới với Syria khoảng 70 cây số.
Đây cũng là một đầu mối gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong mấy thập niên qua.

Incirlik là một căn cứ mà Mỹ đã xây dựng vào năm 1951 ở vùng Cận Đông, biến nó thành một cơ sở chiến lược đối với quân đội Mỹ và NATO, và cho đến nay, các máy bay tham gia chiến dịch tấn công lực lượng thánh chiến ở Irak và Syria đều xuất phát từ căn cứ này.
Đây cũng là nơi Mỹ tồn trữ 50 quả bom nguyên tử.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ này cũng quan trọng khi mà họ được quân đội Mỹ cung cấp thông tin tình báo và drone quan sát ở vùng biên giới, giúp Ankara theo dõi động tĩnh của đảng Kurdistan PKK.

Tuy nhiên căn cứ Incirlik thường xuyên bị Ankara dọa đóng cửa.
Vào năm ngoái, Muharrem Ince, đại diện phe đối lập tranh cử tổng thống, đã dọa đóng cửa căn cứ nếu Washington không cho dẫn độ giáo sĩ Fethulla Gulen bị nghi là xúi giục đảo chính năm 2016.

Ông Ince đã thất cử. Nhưng Incirlik tiếp tục nằm trong vòng xoáy.
 Sau vụ đảo chính hụt, viên chỉ huy người Thổ Nhĩ Kỳ của căn cứ Incirlik đã bị bắt vì bị tình nghi có dính đến vụ đảo chính.

Theo báo Thổ Nhĩ Kỳ Cumhuriyet, một số luật sư thân cận với tổng thống Erdogan đã đâm đơn kiện yêu cầu bắt giữ lính Mỹ ở căn cứ này vì họ cũng bị nghi ngờ dính líu đến vụ đảo chính.

Ai sẽ thắng trong cuộc đọ sức Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới chuyên gia, trong cuộc đọ sức này đương nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ bị thua thiệt lớn, vì là một nước nhỏ.
Chuyên gia Mỹ Joshua Landis ví von : « Thổ Nhĩ Kỳ yếu thế hơn trong khi Hoa Kỳ là một con voi to lớn ».

Trước mắt, căng thẳng ngoại giao với Hoa Kỳ sẽ tác động đến thỏa thuận mà Ankara đã ký với Pakistan, trị giá khoảng 1,5 tỷ đô la để bán súng trang bị cho trực thăng mà Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

 Nhưng thiết bị của Thổ Nhĩ Kỳ lại có sử dụng những linh kiện của Mỹ, do đó cần phải có sự đồng ý của Mỹ để xuất khẩu.
Việc mua bán được dự báo là sẽ rất gay go trong bối cảnh hiện nay.
Dù biết mình yếu thế trong cuộc đọ sức, nhưng có những điểm mà Ankara khó thể chấp nhận, và vẫn sẽ là những cái gai trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Hồ sơ lớn đối với Ankara liên quan đến giáo sĩ Gulen, hiện lưu vong ở Mỹ.
Ankara liên tục đòi Washington đòi cho dẫn độ, nhưng cho đến nay đòi hỏi này không được Mỹ đáp ứng.

Ankara cũng vẫn tức giận trước sự kiện là vào tháng 5/2018, ông Hakan Atilia, cựu phó tổng giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước Thổ Nhĩ Kỳ Halkbank, đã bị một tòa án Mỹ kết án 32 tháng tù về tội gian lận ngân hàng trong một vụ liên quan đến hàng tỷ đô la.

 Ông Hakan Atilia đã kháng cáo, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực phản đối bản án.
Khả năng ngân hàng Halkbank có thể bị phạt một khoản tiền lớn gây lo ngại cho Ankara.

Về phía Mỹ thì Washington không thể chấp nhận việc công dân của mình bị bắt giam, như trường hợp mục sư Andrew Brunson, bị bắt giam một năm rưỡi và tiếp theo là quản thúc tại gia, khiến tổng thống Trump tức giận và trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Switch mode views: