Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-03-2013
- Thứ Hai, 25 tháng Ba năm 2013 19:52
- Tác Giả: RFI
Chiến tranh « du kích dân sự » tại Nga
Biểu tình phản kháng chính quyền Nga hồi cuối năm 2012.
REUTERS/Sergei Karpukhin/Files
Một năm sau khi tổng thống Nga Putin trở lại điện Kremlin, một phong trào phản kháng dưới nhiều hình thức khác nhau nổ ra tại các thành phố lớn.
Đây là biện pháp mà giới trẻ dùng để đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm pháp luật.Tuy còn rất mong manh, nhưng các phong trào này góp phần làm lung lay thế độc quyền chính trị của tổng thống Putin.
Đề cập đến vấn đề này, báo Le Monde trong mục Địa-chính trị có bài viết mang tựa đề : «Nga-thế hệ nói "Không"».
Từ sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12 năm 2011, chưa bao giờ người dân thức tỉnh như lúc này.
Họ thể hiện sự phản kháng trên đường phố và trên mạng. Mặc dù ông Putin trở lại trên cương vị tổng thống và sự đàn áp đã dịu đi, các hình thức phản kháng mới vẫn nổ ra nhằm lên án sự lạm quyền.
Lực lượng tham gia phản đối hầu hết là giớ trẻ thành thị, có học thức, không mang tính cách mạng như các quan chức địa phương, luật sư hay dân biểu.
Một thế hệ cương quyết đấu tranh ôn hòa nhằm phản đối các gian lận trong bầu cử quốc hội và tổng thống.
Phong trào này không chỉ được đo lường qua số người biểu tình, mà còn qua hàng nghìn sáng kiến ở địa phương và thậm chí là của từng cá nhân.
Thông điệp mà họ muốn phát đi chính là xóa bỏ thể độc quyền của Putin. Chẳng có ứng cử viên nào khác cho chiếc ghế tổng thống ngoài Putin.
Một nhà báo mỉa mai : « Từ muời năm trở lại đây, vấn đề chính của Nga không còn là nhà lãnh đạo của họ, nạn tham nhũng hay dầu hỏa mà chính thái độ cam chịu…Một số người từ lâu đã ngủ quên, chợt tỉnh giấc khi nghe tin về các vụ gian lận và sự trở lại của Putin tại điện Kremlin Phong trào này phân tán và được thôi thúc bởi việc bảo vệ phẩm giá công dân và bởi thái độ ngờ vực đối với chính trị, bị xem là một sự dàn xếp không có hồi kết.
Trên các trang web, người ta lên án các quan chức đạo văn trong các luận án tiến sĩ hay giấu giếm bất động sản.
Trở lại điện Kremlin năm 2012, Putin đã tổ chức một bộ máy đàn áp các cuộc phản kháng.
Tổ chức phi chính phủ OVD-Infos đã thống kê 5169 trường hợp bắt giữ tùy tiện trong năm 2012.
Khoảng 20 người bị cáo buộc đã tấn công cảnh sát sau vụ biểu tình vào hôm trước khi tổng tống Poutin nhậm chức .
Dimitri Goudkov, một dân biểu đã bị khai trừ khỏi đảng đã lên án thế độc quyền chính trị tại Nga qua một phát biểu bằng tiếng Anh trong một hội nghị tại Washington và sau đó bị lên án là một kẻ « phản bội ».
Hay như ông Vladimir Ryjkov, thủ lĩnh của Đảng Cộng hòa thừa nhận : « Tôi đã ra tranh cử 5 lần và đều thắng cả 5. Những gương mặt mới không bao giờ được vào danh sách ứng cử. Tôi chúc họ gặp may mắn hơn ».
Ông lên án : « Tại Nga, nếu bạn không thông qua truyền hình, thì bạn không tồn tại. Ở Nga, người ta chỉ biết đến hai gương mặt là Putin và Medvedev. »
Trung Quốc và Châu Phi : tuần trăng mật đã chấm dứt.
Liên quan đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Mục Địa-Chính trị của báo Le Monde có bài viết mang tựa đề khá sâu sắc : « Trung Quốc và Châu Phi : tuần trăng mật đã chấm dứt ».
Bị lôi cuốn bởi lượng nguyên vật liệu phong phú của châu Phi, Trung Quốc giờ đây trở thành nhà tài trợ chính trên châu lục này.
Một số quốc gia châu Phi lo ngại vì sự lệ thuộc vào đế chế Trung Hoa, sợ rằng đây là một kiểu « đô hộ mới ».
Mới vừa nhận chức, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được chờ đợi tại châu Phi. Sau chuyến công du tại Nga, các quốc gia châu Phi là điểm đến của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tiến trình ngoại giao bởi vì từ lâu, châu Phi được Trung Quốc xem như một ưu tiên.
Đâu là nguồn gốc của sự lựa chọn ?
Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc cũng như Đài Loan tranh nhau trên mặt trận ngoại giao nhằm nhận được sự công nhận từ thế giới.
Từ năm 1970, sau các cuộc cải cách, Trung Quốc chuyển sang chủ nghĩa tư bản, kinh tế, thương mại và nhu cầu về tài nguyên là trên hết.
Năm 2006, Trung Quốc gây bất ngờ bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với châu Phi.
Từ đó, các chuyến công du của các quan chức Trung Quốc ngày càng tăng, các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cũng tăng theo.
Vì sao Trung Quốc lại được sủng ái hơn các nước khác ?
Trong khi các thực dân cũ và Hoa Kỳ nhấn mạnh đến một sự lãnh đạo tốt hơn trên châu lục này, thì Trung Quốc đề nghị giúp đỡ không điều kiện đồng thời không can thiệp vào nội bộ các nước. Một giọng điệu làm hài lòng hầu hết các quốc gia châu Phi.
Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc biết ơn các quốc gia châu Phi vì nhờ họ, Bắc Kinh đã giành một ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từ tay Đài Loan vào năm 1970.
Trong « Sách trắng về các chính sách với châu Phi » được xuất bản năm 2006, Trung Quốc nhấn mạnh rằng : « Tiếp tục xây dựng và phát triển một mô hình hợp tác chiến lược thị trường mới trên sự công bằng và sự tin cậy lẫn nhau, một sự hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi ».
Ngày nay, trọng lượng của Trung Quốc trên châu lục này ra sao ?
Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một và là nhà tài trợ chính.
Bằng cách thu mua các nguyên vật liệu và cung cấp cho châu lục này các nhu yếu phẩm với giá thành thấp, Trung Quốc đã tạo điều kiện cho châu lục này tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi mậu dịch của hai bên đã tăng từ 10 tỉ đô-la vào năm 2000 sang gần 200 tỉ vào năm 2012.
Theo thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc, tính đến cuối năm 2012, các công ty Trung Quốc đầu tư hơn 15,3 tỉ đô-la chủ yếu trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc còn đầu tư cả tại các nước mà phương Tây cho là rủi ro cao như Sudan hay Zimbabwe.
800 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đóng tại châu lục này. Các nước phương Tây lo ngại chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không một biện pháp nào có thể ngăn chận được.
Tư tưởng bài Hoa và nguy cơ một kiểu đô hộ mới
Hiện nay, gần một triệu người Hoa sống tại châu Phi. Luồn di cư lao động và các công ty Trung Quốc gần đây đã gây xích mích giữa các dân tộc.
Tại một số nước như Algeri, Angola, Mozambic, Niger, báo chí địa phương đã không ngại lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau theo từng địa phương.
Đáng chú ý là vụ một viên quản lý mỏ than tại Zimbia bị các công nhân đình công đòi tăng lương giết chết hồi tháng 8 năm 2012 vừa qua.
Trong một vụ xung đột trước đó hồi năm 2011, hai viên quản lý đã lôi đi và làm trọng thương khoảng một chục công nhân mỏ.
Cũng trong năm đó, tổ chức nhân quyền đã lên án thái độ của các công ty hầm mỏ Trung Quốc vẫn tiếp tục coi thường luật lao động và không chấp hành an toàn lao động.
Các công ty Trung Quốc áp đặt một điều kiện làm việc nặng hơn nhiều các công ty phương Tây.
Một nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề quốc tế của Nam Phi lên tiếng : « Thay vì chĩa mũi dùi vào các công ty Trung Quốc, lẽ ra các quốc gia châu Phi phải áp dụng các qui định lao động nhằm chống lại sự hoành hành của các công ty trên».
Căng thẳng lại càng dâng cao khi Trung Quốc ồ ạt đưa hàng với giá rẻ mạt vào châu lục này, ví dụ như quần áo may sẵn hay sản phẩm điện tử.
Hàng hoá Trung Quốc phần nào giúp người dân cải thiện cuộc sống, nhưng cũng gây sóng gió cho không ít các thương nhân địa phương, không đủ trang bị để lao vào cuộc cạnh tranh.
Nhà nghiên cứu Anna Alve nhận xét : « Châu Phi và Trung Quốc đã thực sống một thiên tình sử từ một thập kỷ qua. Nhưng tuần trăng mật từ nay đã chấm dứt». Bà đánh giá : « Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, các nước châu Phi ý thức về nguy cơ của một kiểu đô hộ mới ».
Năm 2012, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Bắc Kinh đã cám ơn Trung Quốc đã đối xử công bằng với các nước châu Phi, nhưng ông cũng đề phòng các nguy cơ về một mối quan hệ thương mại thiếu cân bằng và « không bền vững về lâu ».
Ngày nay, châu Phi là nguồn cung cấp hàng đầu các nguyên liệu : « Kinh nghiệm kinh tế trước đâu giữa châu Phi và châu Âu làm cho họ phải thận trọng. »
Một số nước như Angola đã quyết định giảm lệ thuộc với Trung Quốc bằng cách lựa chọn các đối tác khác đa dạng hơn như Brazil, Ấn Độ và duy trì quan hệ với các nước phương Tây.
Một số khác thì đặt điều kiện trong các hợp đồng như chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Nhưng trước sức mạnh của Trung Quốc, sự thoả thuận luôn luôn bị giới hạn.
Pháp : Dự luật cho phép kết hôn đồng tính có được rút lại ?
Liên quan đến tình hình xã hội, các báo Pháp hôm nay đã đề cập nhiều đến kết quả của cuộc biểu tình chống hôn nhân đồng tính diễn ra hôm qua.
Báo Le Figaro chạy tựa : « Một thành công mới cho những người chống hôn nhân đồng tính ».
Theo tin từ tờ báo, các nhà tổ chức thông báo có đến 1 triệu 400 ngàn người đã xuống đường biểu tình đề nghị Nghị viện Pháp rút lại dự luật cho phép kết hôn đồng tính còn sở cảnh sát Paris thì ước lượng có khoảng 300 000 người.
Số lượng người biểu tình lần này tăng hơn hẳn lần trước hồi 13/01 vừa qua.
Họ từ khắp nơi đổ về, từ tỉnh lẻ và có cả các gia đình với xe nôi em bé trong dòng người biểu tình.
Lần này, họ không còn sợ bị chụp hình, không lo bị công luận đánh giá thấp mình. Băng rôn, biểu ngữ được giăng đầy đường như : « Chúng tôi cần việc làm chứ không phải là hôn nhân đồng tính. » Một ông bố bình luận : « Chúng tôi không ở đây để thả bong bóng hay nhảy nhót trên vỉa hè.
Lần này, chính phủ cần ý thức được tính phi lý của dự luật này. »
Báo Công giáo La Croix lại chú trọng miêu tả lực lượng biểu tình hùng hậu và tính cương quyết trong lần biểu tình này.
Bài viết chạy tựa : « Tiếng nói « không » vang dội trên khắp các con phố phản đối hôn nhân đồng tính ».
Sau chuyến tàu hay xe đêm, nhiều người đã đến nơi biểu tình rất sớm khi còn chưa có cảnh sát.
Nhà triết học Elisabeth Roche nhận xét : « Người ta tạo cảm tưởng là tất cả mọi người đồng tình với dự luật trên, nhưng trên thực tế thì đa số phản đối như chúng tôi. »
Do đó, nhóm biểu tình đòi hỏi một cuộc trưng cầu ý dân. Họ quyết tâm đấu tranh tới cùng, thậm chí là sẵn sàng các cuộc biểu tình sắp tới nếu cần.
Bên cạnh đó, báo Libération thì tập trung miêu tả sự tham gia của các gương mặt chính trị trong cuộc biểu tình như Jean-François Copé, chủ tịch Đảng UMP, hay một số dân biểu khác.
Theo bài báo, cảnh sát đã dùng hơi cay xịt vào nhóm biểu tình khi họ cố gắng đẩy các rào cản để tiến đến đại lộ Champs-Elysées.
Theo những người chống đối được báo Cộng sản L’Humanité miêu tả « chuyện đồng tính là sự trụy lạc, trái với tự nhiên ».
Tờ báo đặc biệt tập trung miêu tả phản ứng của người già. Họ phẫn nộ và từ chối trả lời phỏng vấn. « Các vị thừa biết chúng tôi tụ tập ở đây để làm gì, cho nên xin mời các vị đi phỏng vấn chỗ khác » : một người biểu tình lên tiếng.
Họ lên án tổng thống Hollande muốn đưa ra đạo luật này nhằm tạo hình tượng cho mình, nhưng việc tạo công ăn việc làm cho người dân còn quan trọng hơn.
Pháp : bộ trưởng bộ nội vụ Manuel Valls chuẩn bị gì để đón tiếp sinh viên nước ngoài ?
Liên quan đến giáo dục, báo Les Echos có bài viết nói đến những chính sách đón tiếp sinh viên nước ngoài mà bộ trưởng bộ nội vụ dự định đưa ra.
Hình tượng của nước Pháp đã bị xấu đi dưới con mắt của sinh viên nước ngoài sau đạo luật Guéant hồi tháng 5 vừa qua nhằm hạn chế cấp giấy tờ cho một số sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp muốn ở lại Pháp làm việc.
Chính phủ hiện thời muốn đón tiếp lượng sinh viên nước ngoài một cách tốt hơn và chọn lọc hơn nữa.
Hiện nay, sinh viên nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc gia hạn thẻ cư trú.
Do đó, chính phủ đang suy nghĩ về một dự luật nhập cư hợp pháp sẽ được đưa ra trước mùa hè.
Theo văn phòng bộ nội vụ, có nhiều phuơng hướng khác nhau, ví dụ như cấp thẻ cư trú nhiều năm.
Đây chủ yếu cấp cho thành phần sinh viên có một hồ sơ tốt. Một hướng khác là « đơn giản hóa » việc cấp thẻ cư trú cho sinh viên « cho phép họ được làm việc tại Pháp ».
Vậy dựa trên tiêu chí nào để chọn lựa thành phần này ?
Theo một tài liệu của bộ nội vụ : các tiêu chuẩn chủ yếu dựa vào « đầu ra của ngành học và một số nhu cầu của nền kinh tế Pháp hiện nay và đồng thời quản bá pháp ngữ cũng như lợi điểm quốc tế của các công ty Pháp ».
Chi phí mà nhà nước đầu tư đào tạo một sinh viên tại Pháp là khá cao.
Đồng thời, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp lên đến 10% thì mở ra một cuộc tranh luận lúc này về chính sách nhập cư lao động không phải là điều dễ dàng.
Related news items:
Tin mới
- Hoa Kỳ chú ý đến hải tặc ở duyên hải Tây Phi Châu - 27/03/2013 01:12
- Saudi Arabia: 18 gián điệp bị bắt nhận tiền từ Iran - 27/03/2013 01:05
- Mỹ lần đầu tiên có nữ giám đốc Cơ Quan Mật Vụ - 27/03/2013 00:53
- Mỹ bỏ tù người TQ tiết lộ bí mật quân sự - 27/03/2013 00:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-03-2013 - 26/03/2013 23:42
- Bắc Triều Tiên lớn tiếng đe dọa tấn công Hoa Kỳ - 26/03/2013 23:29
- Trung Phi : Lãnh đạo phe nổi dậy tự phong tổng thống - 26/03/2013 23:18
- Đài Loan : kế hoạch tập trận bắn đạn thật - 26/03/2013 16:54
- Miến Điện : Xung đột tôn giáo có nguy cơ lan rộng - 26/03/2013 16:41
- Lãnh đạo đối lập Syria Khatib tuyên bố từ chức - 25/03/2013 20:25
Các tin khác
- Indonesia : Trận địa mới giữa Airbus và Boeing - 25/03/2013 19:27
- Hàn Quốc hoan nghênh Mỹ trợ giúp quân sự trước đe dọa của Bình Nhưỡng - 25/03/2013 16:47
- Tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa - 25/03/2013 16:41
- Tham vọng - 25/03/2013 16:32
- Tín đồ Kytô khắp thế giới cử hành Lễ Lá - 25/03/2013 02:58
- Cái chết 'bí ẩn' của tỷ phú Nga Berezovski tại Anh - 24/03/2013 22:40
- Cộng Hòa Trung Phi : phiến quân tiến vào thủ đô, tổng thống bỏ chạy - 24/03/2013 22:32
- Hôn nhân đồng tính: phe phản đối lại xuống đường biểu tình tại Paris - 24/03/2013 22:09
- Tin tặc : Một đại học Trung Quốc nổi tiếng bị tố cáo hợp tác với quân đội - 24/03/2013 21:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-03-2013 - 24/03/2013 21:12