Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Indonesia : Trận địa mới giữa Airbus và Boeing

AIRBUS-FRANCE-LION



Hợp đồng kỷ lục với Lion Air của Indonesia ký hôm 18/3/2013 sẽ giúp Airbus cất cánh tại thị trường châu Á?
REUTERS/Enny Nuraheni/Files


 

Khi giành được hợp đồng máy bay lớn nhất ở Indonesia, Airbus đã chọc thủng được pháo đài Boeing, và như vậy quốc gia đông dân hàng thứ tư thế giới đang trở thành một trận địa mới giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu và Mỹ.

Với 240 triệu dân, Indonesia cho tới nay vẫn là thị trường độc quyền của Boeing.
Vào tháng 11/2011, tập đoàn Mỹ đã ký tại Bali, với sự hiện diện của tổng thống Obama, hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không : 230 máy bay Boeing 737, trị giá tổng cộng 22,4 tỷ đôla, do hãng hàng không giá rẻ của Indonesia Lion Air đặt mua.

Nhưng cách đây một tuần, ngày 18/03, cũng chính hãng Lion Air đã ký tại Paris một hợp đồng lớn hơn với tập đoàn Airbus, mua thêm 234 máy bay A320 với giá tổng cộng 18,4 tỷ euro.
Lễ ký kết diễn ra tại điện Elysée, dưới sự chứng kiến của tổng thống Pháp François Hollande.

Không chỉ phá kỷ lục của Boeing, hợp đồng với Lion Air còn quan trọng đối với tập đoàn châu Âu ở chỗ đây là một trong những hãng hàng không châu Á cho tới nay chưa hề mua máy bay của Airbus.

Với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài trên một khoảng cách dài đến 5.120 km, máy bay là phương tiện di chuyển gần như là không thể thay thế được ở Indonesia và phương tiện này bây giờ không còn là xa xỉ với nhiều người nữa, vì nhờ tỷ lệ tăng trưởng cao ( trung bình hơn 6% hàng năm ), thành phần trung lưu ở nước này ngày càng đông đảo.

Hiện giờ, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á này đã là thị trường hàng không đứng hàng thứ 5 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Brazil và Nhật.
Con số hành khách ở Indonesia tăng mỗi năm gần 20% và theo dự đoán sẽ tăng từ 60 triệu người hiện nay lên tới 180 triệu người từ đây đến năm 2021.

Tiềm năng của thị trường này là vô cùng to lớn, vì cho tới nay chỉ mới có 6% dân Indonesia sử dụng máy bay, theo lời ông Tengku Burhanuddin, tổng thư ký Hiệp hội các hãng không Indonesia.

Theo dự báo của chính phủ Jakarta, trong vòng 10 năm tới, các hãng hàng không Indonesia sẽ đặt mua thêm từ 800 đến 900 máy bay.

Qua mặt Boeing tại một thị trường béo bở như vậy, dĩ nhiên là Airbus rất hài lòng, nhất là vì, theo lời ông Jean-François Laval, một lãnh đạo Airubus, Indonesia là con chủ bài quan trọng của tập đoàn châu Âu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 Theo dự kiến, trong 20 năm tới, vùng này sẽ đặt mua tổng cộng gần 10 ngàn máy bay, trị giá đến 1.200 tỷ đôla.

Gần đây, ông Tony Fernandes, chủ tịch tổng giám đốc hãng hàng không AirAsia có nêu lên một thực tế : Ba tỷ người sống ở châu Á,  trong khi chỉ có 300 triệu dân ở châu Mỹ , thế mà châu lục này lại có số máy bay nhiều gấp ba châu Á.

Như vậy, nhu cầu về máy bay ở châu Á là cực kỳ lớn và cạnh giữa các hãng sản xuất máy bay cũng rất gay gắt. Nhưng dầu sao, thị trường này có chỗ cho cả Airbus lẫn Boeing, vì riêng một tập đoàn không thể đáp ứng được hết tham vọng phát triển của những hãng hàng không như Lion Air.

Vấn đề đối với Airbus là sau hợp đồng ký với Indonesia thứ hai tuần trước, kể từ nay hãng này đang có trong tay đơn đặt hàng tổng cộng hơn 5 ngàn máy bay, liệu hãng này có thể sản xuất và giao hàng đúng hẹn hay không ?
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với Boeing, mọi chậm trễ đều sẽ gây phương hại cho Airbus.

Switch mode views: