Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc: Chơi siêu xe, chịu siêu thuế

autoshow-beijing-peugeot1


Triển lãm Xe Hơi tại Bắc Kinh, ngày 25/04/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon

 Tại Trung Quốc, muốn khoe giàu thì phải tốn tiền. Đây là thông điệp mới của chính phủ Trung Quốc gửi tới các “đại gia” có thú chơi siêu xe.

Từ ngày 01/12/2016, các xe hơi hạng sang có giá trên 1,3 triệu nhân dân tệ (177.000 euro) sẽ bị đánh thuế đặc biệt lên tới 10%.
Quyết định này nhằm kêu gọi người dân “khiêm tốn” hơn khi mua sắm xe hơi, đồng thời để hạn chế các loại xe hơi tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Đối với các hãng xe hơi Ferrari, Aston Martin, Lamborghini, Bentley hay Rolls-Royce, Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và cũng là “thiên đường siêu xe”, nên quyết định này của Bắc Kinh quả là một “tin xấu”.

Tuy nhiên, đây không phải là quyết định đáng ngạc nhiên vì nó đã nằm trong chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình nhắm vào các quan chức cấp cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Biện pháp này cũng nhằm hạn chế người giàu phô trương tài sản lộ liễu, quá đà trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, các đại gia Trung Quốc thường là quan chức cấp cao hoặc người làm ăn trong lĩnh vực tư nhân. Họ có thú chơi xe “siêu sang”, và thường là xe nhập từ châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc tìm cách hạn chế nhập xe hơi cao cấp. Trước đây, các siêu xe bị đánh thuế nhập khẩu lên tới 35%, chưa kể thuế giá trị gia tăng và thuế phát thải khí CO2.

Với biện pháp này, Trung Quốc đã từng là một trong những quốc gia mà các siêu xe Ferrari và Bentley có giá cao nhất thế giới.
 Thế nhưng, điều đó cũng không kìm hãm được nhu cầu chơi siêu xe của những người Trung Quốc “lắm tiền, nhiều của”.

Từ năm 2013 đến năm 2015, số siêu xe Roll-Royce tiêu thụ ở Trung Quốc đã giảm từ 946 xuống còn 517 xe.
 Nhưng gần đây, các hãng xe hơi lại bán được rất nhiều xe hơi đắt tiền, đặc biệt số xe Ferrari bán ra đã tăng 26% trong quý hai năm nay.

Không chỉ đánh “siêu thuế” với các loại “siêu xe”, Bắc Kinh sẽ mạnh tay áp quota xe hơi “siêu sạch” trong những năm tới để hạn chế ô nhiễm không khí tại những nơi đông dân.

Mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đặt ra là đến năm 2018, 8% số xe hơi bán ra là xe điện hoặc xe chạy bằng xăng điện.
Con số này sẽ phải tăng lên thành 12% vào năm 2020 và đến năm 2025, Trung Quốc sẽ phải đạt mục tiêu bán được 3 triệu xe sạch, tức là nhiều gấp 3 lần so với hiện nay.
 Kế hoạch này của chính phủ Trung Quốc khiến các hãng xe hơi Mỹ đặc biệt lo ngại, vì họ vẫn đi sau châu Âu và Nhật trong việc chế tạo xe hơi tiêu thụ ít nhiên liệu.

Pháp: Thanh thiếu niên bắt đầu uống rượu, hút thuốc lá và cần sa muộn hơn trước đây

Trong một báo cáo, Đài Quan Sát Chất Gây Nghiện Và Chứng Nghiện Hút của Pháp cho biết giới trẻ bắt đầu uống rượu, hút thuốc lá và cần sa ở độ tuổi muộn hơn so với 11 năm trước.

Cơ quan này trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy thiếu niên Pháp bắt đầu uống rượu khi được 15 tuổi 2 tháng, bắt đầu hút thuốc vào tuổi 14 và bắt đầu hút cần sa khi được 15 tuổi 3 tháng.
 Tính trung bình, thanh thiếu niên Pháp bắt đầu hút thuốc muộn hơn 8 tháng và hút cần sa muộn hơn 4 tháng so với con số thống kê vào năm 2005.

Xu hướng này có thể được giải thích bằng việc giới trẻ dành nhiều thời gian xem TV và lướt net hơn trước đây.
Nếu vào năm 2003, chỉ có 23% giới trẻ lướt nét mỗi ngày thì vào năm 2015, con số này là 83%.
Thêm vào đó, các bậc phụ huynh, thường là hình mẫu trong mắt con trẻ cho tới khi các em 12-13 tuổi, cũng hút thuốc và uống rượu ít hơn so với trước đây, điều này cũng ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới lối sống của các em.

 Và cuối cùng, theo Đài Quan Sát Chất Gây Nghiện Và Chứng Nghiện Hút, đó là nhờ có chính sách phòng ngừa của nhà nước.
Chẳng hạn, vào những năm 1990, hút thuốc ở các nơi công cộng khép kín được coi là chuyện hết sức bình thường, thì giờ đây, chẳng còn ai làm thế nữa.

Không chỉ bắt đầu hút thuốc, uống rượu muộn hơn trước đây mà tỉ lệ giới trẻ hút thuốc, uống rượu thường xuyên cũng đã giảm, duy chỉ có tỉ lệ thanh thiếu niên hút cần sa thường xuyên là vẫn giữ nguyên.

Đỉnh cao ô nhiễm môi trường khiến Pháp phải trả giá đắt về kinh tế

Đỉnh cao ô nhiễm môi trường đã khiến nhà chức trách Pháp phải triển khai biện pháp xe hơi lưu thông luân phiên theo biển số chẵn - lẻ ở Paris và các vùng phụ cận, đồng thời miễn phí giao thông công cộng cho người dân. Đây là lần thứ 4 trong vòng 20 năm, Pháp áp dụng biện pháp này để hạn chế ô nhiễm không khí trong những ngày ô nhiễm lên mức đỉnh điểm.

Chỉ tính riêng ở Paris và các vùng phụ cận, trong những ngày này, ngành đường sắt thiệt hại tới 4 triệu euro/ngày.
Còn lưu thông xe hơi luân phiên theo biển số chẵn - lẻ đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, tính trung bình, mỗi ngày các công ty này thất thu tới 90 triệu euro.

Nhìn rộng hơn, theo một báo cáo của ủy ban điều tra của Thượng Viện, ô nhiễm không khí nói chung tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế, khiến nước Pháp thiệt hại tới hơn 100 tỉ euro/năm, tương đương với hơn 30% thiếu hụt ngân sách quốc gia, không chỉ do các chi phí chăm sóc sức khỏe tăng mà còn do năng suất lao động giảm, số ngày người lao động nghỉ làm vì phải nhập viện điều tri bệnh tăng cao, thêm vào đó là thiệt hại về hệ sinh thái và nông nghiệp.

 Theo báo cáo này, số ngày nghỉ của người lao động do ô nhiễm môi trường lên tới 650 000 ngày/năm.
Còn về sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm không khí đã khiến sản lượng lúa mì ở vùng phụ cận Paris giảm 10% so với các khu vực không bị ô nhiễm.

Quả chà là, « cứu tinh » của nền kinh tế Tunisia

Tại Tunisia, trồng trọt, chế biến, xuất khẩu quả chà là là một trong những ngành năng động nhất của nền sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, xuất khẩu chà là đã đạt mức kỷ lục về số lượng, chỉ sau xuất khẩu dầu ô liu và mang về cho Tunisia 465 triệu đina đồng ngoại tệ (189 triệu euro).
Về giá trị, Tunisia là nước xuất khẩu chà là đứng đầu thế giới.

Quả chà là được trồng quanh năm ở miền Nam Tunisia và nuôi sống khoảng 50-60.000 hộ gia đình.
Theo con số chính thức của bộ Nông Nghiệp Tunisia, quả chà là chỉ chiếm 6% sản xuất nông nghiệp nhưng lại chiếm tới 19% giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Tunisia.

Anh Ali, một người dân tỉnh Douz, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực du lịch, giờ du lịch thất thu sau các vụ khủng bố năm 2015, giống nhiều người khác trong vùng, anh Ali chuyển sang kinh doanh chà là.

Anh chia sẻ là trồng chà là là nghề xương sống ở vùng Douz, thu hút rất nhiều nhân công. Có những người chỉ làm việc có 2-3 tháng/năm, vào mùa thu hoạch chà là.
Vào mùa này, đâu đâu người ta cũng nghe nói tới quả chà là. Nếu được mùa, giá tốt, ai cũng cười vui. Người dân chỉ đợi mùa thu hoạch để có tiền lo các việc lớn, như cưới xin, sửa sang nhà cửa.
 Còn nếu chẳng may mất mùa, thì chẳng có gì hết, không cưới xin, không xây dựng nhà cửa, nói tóm lại là không có gì hết.

Hươu cao cổ rơi vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng

Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế mới đây đã xếp hươu cao cổ vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Hươu cao cổ là một trong những loài vật lớn nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê năm ngoái, trên toàn thế giới chỉ còn có 100.000 con hươu cao cổ, giảm 40% so với cách đây 30 năm.

Nạn săn bắn trộm, việc diện tích sinh sống tự nhiên của loài hươu cao cổ bị thu hẹp do các hoạt động nông nghiệp và khai thác mỏ đã khiến loài động vật vốn được coi là biểu tượng của châu Phi ngày càng bị đe dọa.

Theo một nghiên cứu gần đây, 3/4 các loài động vật và thực vật bị buôn bán bất hợp pháp, bị sử dụng vì mục đích giải trí hay sinh kế.
 Diện tích rừng bị thu hẹp nhường chỗ cho diện tích chăn nuôi và trồng trọt khiến cho 1/2 các loài động thực vật mất nơi sinh tồn tự nhiên.

Thêm vào đó, thay đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới 1/10 các loài động thực vật. Nhiều loại động, thực vật đã tuyệt chủng và với tốc độ nhanh gấp 10.000 lần so với thế kỷ 19.

Switch mode views: