Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2016
- Thứ Năm, 15 tháng Mười Hai năm 2016 19:18
- Tác Giả: Thùy Dương
Donald Trump và ổ kiến lửa
Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump phát biểu trong chuyến đi cảm ơn cử tri tại bang Wisconsi ngày 13/12/2016.
REUTERS/Shannon Stapleton
Donald Trump luôn có những việc làm chẳng giống ai, điều đó đã rõ, kể cả trước hay sau khi đắc cử tổng thống, kể cả trong suốt chiến dịch tranh cử hay khi chọn lựa các nhân vật chủ chốt cho chính phủ.
Trên đây là nhận xét trong bài xã luận có tiêu đề “Trump và ổ kiến lửa” của Le Figaro.
Trên trang nhất, Le Figaro chạy tựa : “Trump tập hợp một đội ngũ gây sốc” và cho biết tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã tuyển chọn vào chính phủ mới những nhân vật khác người, mà theo nhiều ý kiến, thì họ không phải là mẫu chính trị gia truyền thống điển hình.
Le Figaro quả quyết đánh giá đây không phải là một ê kíp chính trị thực sự. Cũng giống như vị tổng thống tân cử Donald Trump, những nhân vật này rất khó đoán định.
Trong đội ngũ lãnh đạo chính phủ của Donald Trump mà Le Figaro gọi là “ngoại hạng ”, có những nhân vật trung thành, có những vị tướng, và đặc biệt có nhiều doanh nhân, vì nhà tỉ phú đã luôn nói phải quản lý nước Mỹ như quản lý một doanh nghiệp.
“Ly kỳ, gây ấn tượng mạnh nhất” là việc bổ nhiệm ông Rex Tillerson, chủ tịch tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil vào vị trí ngoại trưởng.
Người ta đã luôn chờ đợi ông Donald Trump tạo ra những bước ngoặt bất ngờ.
Và việc chọn lựa nhà kinh doanh dầu lửa Rex Tillersson vốn có quan hệ thân thiết với tổng thống Nga làm ngoại trưởng đã gây nhiều tranh cãi.
Người ta chế giễu, gọi các lựa chọn của nhà tài phiệt Donald Trump là “kỳ cục”, chẳng hạn người được ông chọn làm bộ trưởng Năng lượng trước đây từng muốn xóa sổ bộ này, còn người đã từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách chống biến đổi khí hậu toàn cầu của tổng thống Obama thì được chọn làm bộ trưởng Môi trường của Donald Trump.
Đó là chưa kể tới việc ông chọn cựu lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs làm bộ trưởng ngân khố đã khiến công chúng chế nhạo là ứng viên đại diện cho tầng lớp “người da trắng thấp cổ bé họng” giờ đã biến thành tổng thống của “những người da trắng có thế lực”.
Thế nhưng, Donald Trump đâu có bận tâm đến những lời chế giễu này.
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ muốn “đá thẳng vào ổ kiến lửa”, ông ấy cần những nhân vật mới mẻ.
Theo Le Figaro, nước Mỹ lão luyện hơn nước Pháp trong việc lựa chọn những nhân vật khác thường. Và chưa bao giờ Donald Trump lại đưa ra những lựa chọn liều lĩnh đến vậy.
Thế giới đang đặt câu hỏi về đội ngũ lãnh đạo kỳ lạ này của Donald Trump. Nhưng cuối cùng thì, như nhiều người nói, các đường lối cần được thay đổi và các cách hành xử chuyên nghiệp thì ít khi làm hỏng mọi chuyện.
Với tính quả quyết, Donald Trump mới đây đã cho người Trung Quốc một bài học nhớ đời. Những nước khác, rất lo lắng, đang nhắc nhở là Hoa Kỳ có thể làm nhiều chuyện, nhưng không được phép hành xử theo kiểu nghiệp dư.
Le Figaro dự báo là Donald Trump sẽ nhanh chóng đáp trả. Một điều chắc chắn, đối với Hoa Kỳ và cả thế giới, đó là những gì Donald làm sẽ không phải là “việc thường thấy”.
Iran chuẩn bị đối mặt với đường lối cứng rắn từ Washington
Tổng thống Barack Obama vẫn chưa rời Nhà Trắng, nhưng mối quan hệ giữa Teheran và Washington đã bắt đầu trở nên căng thẳng.
Đó là bởi vì tổng thống tân cử Donald Trump, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, đã hứa sẽ chấm dứt thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran đã được ký kết tại Vienna năm 2015.
Cho dù sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã xoa dịu tình hình khi nói sẽ xem xét lại kỹ càng thỏa thuận và sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.
Nhưng, ngay từ giờ, “Iran đang chuẩn bị đối mặt với đường lối cứng rắn từ Washington” theo như tiều đề một bài viết trên nhật báo Le Monde.
Nhân dịp Quốc Hội Mỹ ngày 01/12/2016 bỏ phiếu kéo dài thêm 10 năm lệnh trừng phạt Iran, tổng thống Iran đã ra lệnh ngày 13/12 cho ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif kiện Washington vì chính phủ Hoa Kỳ đã lơ là trong việc thực thi các điều khoản và chậm trễ áp dụng thỏa thuận hạt nhân.
Và Teheran cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận khi kéo dài lệnh trừng phạt Iran.
Le Monde nhận xét là yêu cầu của tổng thống Iran Rohani gửi cho ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ Chức Năng Nượng Nguyên Tử Iran rất rõ ràng:
Phối hợp với các trung tâm khoa học và các viện nghiên cứu để chế tạo động cơ năng lượng hạt nhân phục vụ vận tải hàng hải và sản xuất nhiên liệu cho tàu biển, có nghĩa là sản xuất động cơ năng lượng hạt nhân cho cả tàu chiến Iran.
Và Tổ Chức Năng Nượng Nguyên Tử Iran có thời hạn tối đa là 3 tháng để xây dựng dự án.
Thông báo này rõ ràng là để thử phản ứng của nhóm 5+1(gồm 5 thành viên Hội Đồng Bảo An và Đức), nhóm đã ký thỏa thuận hạt nhân Vienna với Iran. Theo Le Monde, Iran đã chọn chơi trò cân sức với chính quyền của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông báo ngày 13/12 của Teheran cũng là một cách để Teheran thúc đẩy mở đối thoại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Các lệnh trừng phạt này không liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Vienna, nhưng lại ảnh hưởng tới đầu tư và giao dịch của nước ngoài với Iran.
Tranh chấp lãnh thổ - trọng tâm chuyến thăm Nhật của tổng thống Nga Vladimir Putin
Một nội dung nổi bật khác trên các trang báo Pháp hôm nay là chuyến thăm Nhật 2 ngày của tổng thống Nga Vladimir Putin, với 2 trọng tâm là hợp tác kinh tế và giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo Kuril.
Theo nhật báo Libération, ông chủ điện Kremlin có "48 tiếng để phục hồi mối quan hệ với Nhật".
Còn trong bài viết có tiêu đề “Người Nhật bị trục xuất khỏi quần đảo Kuril vẫn tin tưởng sẽ được quay trở lại nơi này”, nhật báo Le Monde nhắc lại là vào tháng 09/2016, thủ tướng Nhật Abe đã nhắc lại cam kết “giải quyết tranh chấp lãnh thổ”.
Le Monde nhận định đây là bước tiến ngoại giao quan trọng nhất trong quan hệ Nhật – Nga, kể từ năm 1945, sau khi Nga chiếm quần đảo Kuril của Nhật.
Tuy nhiên, ông Muneo Suzuki, cố vấn của thủ tướng Abe trên hồ sơ này đã nói tránh đi là “không nên quá kỳ vọng, vì tiến được đến bước giải quyết tranh chấp đã là quá tốt rồi”.
Trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang tăng, Nhật sẵn sàng nhượng bộ để củng cố quan hệ với điện Kremlin, bất chấp nguy cơ làm Hoa Kỳ phật ý.
Trên hồ sơ lãnh thổ, Tokyo có thể chấp nhận chỉ thu hồi 2 trong số 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nga, khác với những đòi hỏi từ trước tới nay.
Còn về hợp tác kinh tế, Nhật đã đề xuất đầu tư vào Nga tới 1.000 tỉ yen (8,15 tỉ đô la).
Còn về phía Nga, trong một một cuộc trao đổi với giới báo chí Nhật, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ra quan tâm tới đề xuất của Tokyo, với hy vọng tận dụng công nghệ của Nhật để phát triển vùng Viễn Đông của Nga.
Tuy nhiên, ông chủ điện Kremlin cũng cho biết là “không có quyền lạm dụng” lòng tin của người dân Nga.
Theo Le Monde, điều này hàm ý Putin sẽ không nhượng lại bất cứ phần lãnh thổ nào cho Tokyo.
Trước đó, vào tháng 11/2016, Matxcơva đã cho lắp các giàn pháo tên lửa chống hạm trên hai đảo thuộc quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật.
Trong khi đó, nhiều người dân Nhật đã từng sống thời thơ ấu trên bán đảo Kuril thì vẫn hy vọng sẽ có ngày được quay lại sống nốt những ngày còn lại trên quần đảo này, cho dù là sống chung với người Nga.
Châu Mỹ La tinh: thất nghiệp bùng nổ
Trên lĩnh vực xã hội, tờ báo Les Echos cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở châu Mỹ La tinh, đặc biệt là ở Brazil đã bùng nổ.
Hôm qua tổ chức Lao Động Quốc Tế thông báo tỉ lệ thất nghiệp ở châu Mỹ la tinh và vùng Caribê đã tăng mạnh từ 6,6% năm vào 2015 lên 8,1% vào năm 2016, cao hơn cả tỉ lệ thất nghiệp 7,3% trong giai đoạn khủng hoảng tài chính quốc tế 2008-2009. Sự bùng nổ này chủ yếu là do kinh tế Brazil suy yếu.
2016: Một năm “đen tối” của nông dân Pháp
Sản lượng giảm, giá nông sản cũng giảm, khiến nông dân Pháp thất thu.
Nhật báo La Croix cho biết, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Pháp năm nay chỉ đạt có 69,2 tỉ euro, giảm gần 7% so với năm 2015.
Ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trồng trọt. Tính trung bình, giá chỉ tăng nhẹ có 0,9%, trong khi sản lượng giảm mạnh tới 10%.
Cá biệt, thời tiết không thuận lợi đã khiến sản lượng ngũ cốc giảm 24%, còn giá ngũ cốc giảm tới 30%. Chỉ có người trồng rau quả là gặp may, vì dù thu hoạch có giảm nhẹ nhưng giá rau quả lại tăng mạnh tới 9,4%.
Trang nhất các báo Pháp
Nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm tới chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Donald Trump qua hàng tựa lớn trên trang nhất: “Trung Quốc, Nga, Iran, khí hậu: Đường lối đoạn tuyệt trong chính sách ngoại giao của Trump”.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos ca ngợi “Hệ thống định vị của châu Âu: một bước đột phá mang tính chiến lược trước Hoa Kỳ”.
Với tổng số vốn đầu tư lên tới 13 tỉ euro trích ra từ ngân sách châu Âu, và sau 17 năm triển khai dự án, hệ thống định vị toàn cầu Galileo chính thức đi vào hoạt động vào ngày hôm nay.
Hệ thống này sẽ phát huy được khả năng tối đa vào năm 2020, khi cả 30 vệ tinh cùng đi vào hoạt động.
Con số vốn 13 tỉ euro lớn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, nhưng báo kinh tế Les Echos đánh giá khoản tiền đầu tư này là xứng đáng vì với độ chính xác cao hơn cả hệ định vị toàn cầu GPS của Mỹ, phục vụ cho 500 triệu cư dân châu Âu, và sẽ tăng cường khả năng tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi đó, nhật báo Libération đặt câu hỏi “Aleppo, tại sao chúng ta lại để điều đó xảy ra?”
Còn nhật báo công giáo La Croix phân tích thất bại của Aleppo khi chơi chữ qua hàng tựa “Aleppo, mổ xẻ thất bại”.
Trận chiến ở Aleppo đã có kết quả, đó là thành công của Nga, nước cầm đầu cuộc chơi ở Syria và cả công sức đóng góp của Iran.
Tin mới
- Nhà báo Bùi Bảo Trúc qua đời, thọ 72 tuổi - 17/12/2016 23:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày17-12-2016 - 17/12/2016 17:38
- Donald Trump làm lung lay quy chế tế nhị của Đài Loan - 17/12/2016 17:26
- Nga xoay trục sang châu Á: Quá khứ và tương lai - 17/12/2016 17:13
- Trung Quốc: Chơi siêu xe, chịu siêu thuế - 17/12/2016 16:15
- Fed tăng phân lời .25%, và có thể tăng thêm 3 lần năm tới - 16/12/2016 19:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2016 - 16/12/2016 18:52
- Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ tốn bao nhiêu? - 16/12/2016 18:12
- Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay dọa Tây phương - 16/12/2016 17:45
- Aleppo thất thủ : Hồi chuông báo tử cho phong trào nổi dậy Syria - 15/12/2016 19:31
Các tin khác
- Donald Trump điện đàm với thủ tướng Việt Nam, tàu chiến Mỹ ghé cảng Cam Ranh - 15/12/2016 15:59
- Iran ký thỏa thuận mua 80 máy bay Boeing - 15/12/2016 00:51
- Ý, quả bom nổ chậm của Liên Hiệp Châu Âu ? - 15/12/2016 00:40
- Liên minh quốc tế tiêu diệt thêm ba lãnh đạo của Daech - 14/12/2016 23:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-12-2016 - 14/12/2016 23:36
- Tài phiệt bạn tổng thống Nga đứng đầu ngoại giao Mỹ - 14/12/2016 19:47
- Châu Âu đồng ý nâng trần thuế hải quan chống bán phá giá - 14/12/2016 19:18
- « Liệu Trung/Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ? » - 14/12/2016 18:05
- Nhịp Cầu Thế Giới : kết nối người Việt tại Hungary và trên thế giới - 14/12/2016 17:34
- Ngoại trưởng Mỹ, sự chọn lựa khó khăn nhất của ông Trump - 13/12/2016 22:37