Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-10-2016
- Thứ Năm, 13 tháng Mười năm 2016 15:58
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Đại biểu dân cử trẻ tại Hồng Kông bất khuất trước Bắc Kinh
Tân đại biểu Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching), trước khi tuyên thệ tại Nghị Viện Hồng Kông ngày 12/10/2016, đã trương lá cờ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc ».
REUTERS/Bobby Yip
Trang nhất báo Pháp hôm nay đều dành cho thời sự Pháp.
Lý do rất dễ hiểu : Tối nay, các ứng viên muốn đại diện cánh hữu và cánh trung ở Pháp ra tranh cử tổng thống vào năm tới, sẽ tranh luận với nhau trên truyền hình.
Trong tình hình đó, thời sự quốc tế, đặc biệt là châu Á chỉ chiếm vị trí thứ yếu. Cho dù vậy, Le Monde là tờ báo lớn duy nhất đã gài trên trang nhất một bài viết rất lý thú, khen ngợi tinh thần bất khuất của một số tân nghị sĩ Hồng Kông : Bài viết mang tựa : « Một thế hệ mới thách thức uy quyền của Trung Quốc ».
Nói đến thế hệ mới, dĩ nhiên là nói đến giới trẻ, Le Monde đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tuổi tác rất trẻ của nhiều đại biểu mới được bầu vào Nghị Viện Hồng Kông và đã tham gia buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào hôm qua.
Theo tờ báo nếu trước đây, tuổi bình quân của các nghị sĩ Hồng Kông là 58, với người trẻ nhất cũng đã 35 tuổi, thì trong Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông – tên gọi chính thức của nghị viện Hồng Kông – khóa mới này, có ba nghị sĩ dưới 30 tuổi, trong đó người trẻ nhất – La Quán Thông (Nathan Law) – chỉ mới 23 tuổi và vẫn còn là sinh viên.
Chàng thanh niên này đã được biết đến vào cuối mùa hè năm 2014, khi sinh viên đòi dân chủ chiếm lĩnh một số đường phố tại Hồng Kông để đòi được nhiều quyền dân chủ hơn.
Đối với nhà phân tích chính trị kiêm blogger Hồng Kông Jason Y. Ng., thì rõ ràng « Đây là một nghị viện có tính đại diện cao nhất tại Hồng Kông » từ trước đến nay.
Ngọn cờ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc »
Theo Le Monde, các đại biểu mới và trẻ của nghị viện Hồng Kông đã tự đặt ra cho mình một thách thức to lớn : mang lại cho Hồng Kông quyền tự định đoạt tương lại chính trị của mình, một dự án mà Bắc Kinh không tài nào chấp nhận được với thông điệp luôn luôn được nhắc lại : Đặc khu Hồng Kông là bộ phận không thể tách rời khỏi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Theo nhật báo Pháp, trong số 28 đại biểu được bầu lần đầu tiên, có ít nhất sáu người ít nhiều ủng hộ quyền tự quyết của Hồng Kông. Và lời tuyên thệ của ba người trong số này vào hôm qua đã bị bác bỏ sau khi họ lên bục tuyên thệ với « lá cờ Hồng Kông không phải là Trung Quốc », và sử dụng diễn đàn sẵn có để nhắc lại lập trường từ chối ách khống chế của Bắc Kinh.
Một ví dụ được Le Monde nêu bật là nghị sĩ độc lập Chu Khải Di (Eddie Chu), 39 tuổi, sau khi tuyên thệ nhậm chức, đã hô to khẩu hiệu đòi quyền tự quyết dân chủ cho Hồng Kông và tiên đoán rằng bạo quyền sẽ cáo chung một ngày nào đó.
Được mệnh danh là « Vua phiều bầu », do việc ông đắc cử mà không cần hậu thuẫn của bất kỳ đảng phái nào, Chu Khải Di không ngần ngại lên án phe dân chủ truyền thống trong nghị viện Hồng Kông là đã « lãng phí » ba mươi năm gần đây.
Đối với Le Monde, dù các nghị sĩ trẻ Hồng Kông là đại biểu cho niềm hy vọng của người Hồng Kông, những điều họ muốn làm lại vượt quá quyền hạn đại biểu của họ, vì việc đề ra luật lệ lại là đặc quyền của chính quyền đặc khu.
Theo nhà phân tích Jason Y. Ng. : « Ngay cả khi các nghị sĩ đối lập đồng thuận được với nhau, họ cũng chỉ có thể tối đa là ngăn chặn các dự luật. Cứ giống như là một võ sĩ bị trói tay ».
Tuy nhiên, Chip Tsao, một nhà báo chính trị, thì lạc quan hơn : « Thế hệ (nghị sĩ trẻ) này sẽ nâng cao nhận thức của người dân Hồng Kông về những gì đang xảy ra trong Hội Đồng Lập Pháp. Các cuộc tranh luận sẽ vang vọng trong công chúng, và điều đó sẽ làm cho mọi việc phải chuyển động ».
Chu Khải Di còn tin tưởng nhiều hơn nữa. Theo ông, hiện giờ phe đối lập chỉ có 30 ghế trong tổng số 70 đại biểu, và chỉ có được quyền ngăn chặn các dự luật. Thế nhưng, nếu phe đòi dân chủ tiếp tục giành được thêm ghế nghị sĩ, vào 4 năm tới, họ có thể chiếm được đa số tuyệt đối, và áp đặt được các thay đổi quan trọng như tu chỉnh Đạo Luật Cơ Bản, tức là Hiến Pháp Hồng Kông, và dự trù tiến trình tự quyết.
Trung Quốc gia tăng sức ép lên tổng thống Đài Loan
Về châu Á, báo Le Monde cũng chú ý đến Đài Loan, và nhắc lại là trong bài diễn văn đầu tiên nhân quốc khánh Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn đã nêu lại quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh, nhưng cũng tỏ ra cởi mở, kêu gọi hai bên bờ eo biển ngồi càng nhanh càng tốt vào bàn đàm phán.
Tờ báo Pháp cũng không quên nhắc lại bà Thái Anh Văn, người nữ thổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến ngồi vào vị trí lãnh đạo tối cao này từ ngày Đài Loan dân chủ hóa những năm 1990, đã được bầu lên trong không khí bài Trung Quốc cao độ.
Từ khi bà nhậm chức Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, chẳng hạn như làm mọi cách để việc mời Đài Loan tham dự Đại Hội Đồng của tổ chức hàng không dân dụng năm 2013 không được triển hạn năm nay.
Trung Quốc cũng tiếp tục tìm cách ngăn không cho Đài Loan gia nhập những định chế của Liên Hiệp Quốc, thậm chí còn giảm lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan, ngoại trừ đến những nơi trong tay người Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
Bắc Kinh trách tân tổng thống Đài Loan là không tôn trọng thỏa ước năm 1992, giữa Quốc Dân Đảng và Bắc Kinh, cho phép ‘tan băng’ giữa hai bên. Thế nhưng đối với chính quyền mới thì thỏa ước chưa bao giờ được thông qua một cách dân chủ ở Đài Loan.
Bắc Kinh đã xem diễn văn ngày quốc khánh như dịp để tân tổng thống Đài Loan hối lỗi, nhưng theo giới quan sát, như thế là buộc bà Thái Văn đi ngược lại với cử tri của bà, điều bà không thể làm.
Giới « bênh vực » Putin tại Pháp nói sai sự thật
Về thời sự quốc tế các báo cũng rất chú ý đến các hành động mới đây của tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc biệt là quan hệ căng thẳng giữa Nga và Pháp.
Báo Libération đã phân tích các lập luận được loan truyền rộng rãi của giới bênh vực Nga tại Pháp, trong bài phân tích mang tựa « Aleppo : Thông tin sai lạc của những kẻ biện hộ cho nước Nga ».
Đối với tờ báo Pháp, giới này bao gồm cả những người bảo vệ cho ông Putin lẫn những người không thích Mỹ, xuất thân cả từ cánh tả lẫn cánh hữu. Mẫu số chung của họ là chủ trương duy trì nguyên trạng và nhất là sử dụng những lập luận đơn giản đến mức thô thiển.
Các thành phần này, theo Libération, đã ồn ào chỉ trích chuyến thăm Paris của Vladimir Putin bị hủy bỏ đã làm dấy lên một làn sóng mạnh mẽ nhắm vào chính sách ngoại giao của François Hollande.
Nhiều chính khách tả cũng như hữu đã chỉ trích thái độ « bên trọng bên khinh » của Paris, công kích Nga về các các hành vi thô bạo ở Aleppo (Syria), nhưng lại không có hành động nào chống lại tội ác chiến tranh của Ả Rập Xê Út tại Yemen. Người khác thì tố cáo Pháp theo đuôi Mỹ, hay là dung túng đối với những thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Đối với Libération tất cả những chỉ trích đó đều không có cơ sở và chỉ nhằm mưu đồ lợi ích chính trị.
Hạn chế trong chiến lược phô trương sức mạnh Nga
Riêng tờ Le Figaro thì có một bài phân tích sâu, nêu bật « Các giới hạn trong chiến lược của Nga nhằm chứng tỏ uy lực ». Đối với tờ báo Pháp, Mátxcơva đã không thành công trong việc đòi phương Tây tháo gỡ cấm vận đánh vào Nga sau vụ sáp nhập Ukraina. Việc Mátxcơva ra oai giúp đỡ đàn em Syria một ngày nào đó cũng có thể khiến Nga bị sa lầy.
Đối với Le Figaro, lẽ ra chuyến thăm Paris từng được dự trù của ông Putin phải là đỉnh cao, đánh dấu việc nước Nga trở lại vị thế hàng đầu thế giới về mặt ngoại giao, một điều mà ông Putin đã cố gắng thực hiện từ ngày lên nắm quyền cho đến nay.
Theo Le Figaro, phải nói là ông Putin đã gặt hái rất nhiều thành công : Sau thời gian lu mờ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga ngày nay đã lại trở thành một cường quốc có trọng lượng trên chính trường quốc tế, một tác nhân quan trọng trong rất nhiều cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới. Nga đã đẩy được Hoa Kỳ vào thế đối đầu như thời chiến tranh lạnh trước đây, và tại Trung Đông, Nga đã trở thành nước duy nhất có một chiến lược rõ rệt.
Để đạt được những mục tiêu kể trên, Putin đã khéo léo chơi hai lá bài : ngoại giao tài tình từng được chứng minh thời Liên Xô, và hiện đại hóa quân đội, tăng cường sức mạnh quân sự.
Chính tại Syria mà Putin đã bộc lộ rõ tham vọng quốc tế của mình. Vào tháng Tám năm 2013, kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học của Nga đã giúp chế độ Syria tránh được bom đạn của phương Tây. Sau đó, sự can thiệp quân sự của Nga đã cứu chế độ Bashar al-Assad.
Ở Syria, cũng như ở Crimée, hệ thống phòng không của Nga đã có sức răn đe đối với phương Tây.
Có điều, theo Le Figaro, chiến lược Nga có giới hạn của nó.
Nếu người ta thấy Nga mạnh, đó không phải là vì Nga mạnh hơn, mà là vì các nước khác yếu đi. Tại Syria, Putin tạo ra cảm giác là ông mạnh bằng cách dội bom ồ ạt. Nhưng ở đó, Putin vẫn chưa có một giải pháp chính trị, và cung không thành lập được "liên minh lớn" chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông cũng không gỡ được lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề Ukraina.
Ngay cả tại Syria, sự can dự của Nga bên cạnh chế độ Damas, theo một nhà ngoại giao, có thể một ngày nào đó trở thành một vũng lầy đối với Mátxcơva.
Dẫu sao, theo Le Figaro, các phương pháp Nga áp dụng ở Ukraina và ở Aleppo, các hành động khiêu khích của máy bay ném bom của Nga trên bầu trời NATO, phủ quyết chống lại nghị quyết của Hội Đồng Bảo An như đã gióng lên hồi chuông báo động tại phương Tây, đang thấy là cần phải đặt ra những giới hạn cho việc nước Nga trở lại chính trường quốc tế, ít ra là giới hạn cách thức hành động của Nga.
Vấn đề là Putin sẽ phản ứng ra sao nếu phương Tây làm như vậy !
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-10-2016 - 15/10/2016 19:53
- Thái Lan : Cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda giữ quyền nhiếp chính - 15/10/2016 14:30
- Liên Hiệp Quốc : Ông Antonio Guterres làm tổng thư ký - 14/10/2016 17:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-10-2016 - 14/10/2016 17:29
- Thái tử Thái Lan xin hoãn ngày đăng quang - 14/10/2016 16:38
- Kinh tế Thái Lan đầy bất trắc sau khi vua Bhumibol qua đời - 14/10/2016 15:58
- Cá lại chết hàng loạt, dân Bà Rịa đổ cá ra quốc lộ biểu tình - 13/10/2016 23:41
- Tổng giám đốc Wells Fargo từ chức - 13/10/2016 21:27
- Trên truyền hình Nga, Thế Chiến III đã nổ ra - 13/10/2016 18:39
- BRICS : Dự án mậu dịch tự do của Trung Quốc gây lo ngại - 13/10/2016 18:27
Các tin khác
- Quốc vương Thái Lan Bhumibol qua đời - 13/10/2016 14:26
- Bob Dylan được giải Nobel Văn học - 13/10/2016 13:36
- Nhiều phụ nữ lên tiếng tố Donald Trump xâm hại tình dục - 13/10/2016 13:29
- Chiến tranh lạnh Mỹ-Nga theo chiến lược Putin - 13/10/2016 13:21
- Deutsche Bank : thế giới lại đứng trước một thảm họa tài chính ngân hàng ? - 12/10/2016 20:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-10-2016 - 12/10/2016 20:18
- « Ngày đen tối cho tự do báo chí Hungary » - 12/10/2016 18:29
- Syria : Từ chối đàm phán, Nga tăng cường oanh kích Aleppo - 12/10/2016 18:17
- Hồng Kông : Nghị viện mới khai mạc trong bầu không khí chống Bắc Kinh - 12/10/2016 17:14
- Khu trục hạm Mỹ bị tấn công bằng hỏa tiễn ngoài khơi Yemen - 12/10/2016 00:25