Deutsche Bank : thế giới lại đứng trước một thảm họa tài chính ngân hàng ?
- Thứ Tư, 12 tháng Mười năm 2016 20:47
- Tác Giả: Thanh Hà
Trụ sở Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức, ngày 26/01/2016.REUTERS/Kai Pfaffenbach
Tám năm sau vụ Lehman Brothers phá sản năm 2008, đến lượt ngân hàng số một của Đức, Deutsche Bank, đe dọa tài chính toàn cầu.
Từng là biểu tượng của sức mạnh kinh tế Đức, Deutsche Bank đang trở thành mắt xích yếu kém gây lo ngại.
Điều gì sẽ xảy ra khi Deutsche Bank bị « đánh sập » khi biết rằng ngân hàng Đức này « nặng » gấp ba lần so với Lehman Brothers ?
Được thành lập năm 1870 để hỗ trợ cho công nghiệp và xuất khẩu của nước Đức, trong hơn một trăm năm, Deutsche Bank từng bước trở thành một cột trụ trong ngành, đoạt vị trí thứ 3 trong số các tập đoàn ngân hàng châu Âu, đứng thứ 10 trên thế giới : tổng số vốn lên tới 1.600 tỷ đô la, tương đương với 12 % tổng sản phẩm của toàn khu vực đồng euro, tuyển dụng 100.000 nhân viên trên hơn 70 quốc gia.
Trong 12 tháng qua, Deutsche Bank liên tiếp phải đối mặt với những tin xấu : thua lỗ gần 7 tỷ euro trong tài khóa 2015; mức lãi của tập đoàn có trụ sở tại thành phố Frankfurt am Main này trong tháng 7/2016 giảm mất 98 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó ; nợ của Deutsche Bank bị cơ quan thẩm định tài chính SP hạ mức tín nhiệm ; trị giá chứng khoán của Deutsche Bank trong 9 tháng đầu năm bốc hơi mất 16 tỷ euro, cổ phiếu của tập đoàn ngân hàng này đang từ 100 euro trước khủng hoảng 2008, rơi xuống còn 10 euro cuối tháng 9/2016.
Không chỉ có vậy, con chim đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng Đức đang vướng mắc vào khoảng trên dưới 8.000 vụ kiện tụng vì làm ăn bất cẩn, nổi bật nhất là vụ Hoa Kỳ đòi Deutsche Bank bồi thường 14 tỷ đô la trước khi hạ mức phạt đó xuống còn hơn 5 tỷ, vì đã bán những gói « nợ thối» cho ngân hàng Mỹ, dẫn tới khủng hoảng tín dụng địa ốc supbrimes mùa hè 2007, tiền đề cho thảm họa 2008/2009.
Bên cạnh những cáo buộc cố tình bán lại nợ khó đòi cho các đối tác trong vụ khủng hoảng tín dụng địa ốc, Deutsche Bank còn bị tố cáo thao túng lãi suất ngân hàng để kiếm lời, lách luật trừng phạt quốc tế để làm ăn với các đại gia tại những quốc gia bị Âu, Mỹ xếp vào danh sách « những nước bất hảo ».
Câu hỏi đầu tiên là vì sao Deutsche Bank nên nông nỗi này ?
Sai lầm chiến lược trong quá khứ
Trong thập niên 1990, tận dụng thời điểm các hoạt động kinh tế, ngân hàng được « cởi trói » , Deutsche Bank đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau với tham vọng trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của thế giới, ngang hàng với những HSBC của Anh, JP Morgan hay Citygroup của Mỹ.
Năm 1989 Deutsche Bank mua lại ngân hàng Anh Morgan Grenfell, tham gia sàn chứng khoán New York sau khi mua lại Bankers Trust năm 1998.
Mục tiêu đề ra là trở thành một trong những cây đại thụ trong số các tập đoàn ngân hàng đầu tư.
Theo nhận định của tạp chí der Spiegel, cho tới năm 2007, tức là trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính thì các hoạt động trong lĩnh vực này đem về đến 70 % lãi cho Deutsche Bank.
Trên con đường mở rộng « địa bàn đó » Deutsche Bank dùng tiền tiêt kiệm của người dân Đức để mua vào từ nợ công của Hy Lạp tới tín dụng địa ốc của Tây Ban Nha, của Ai Len để kiếm lời.
Song song với chiến lược bành trướng trong các hoạt động đầu tư, Deutsche Bank đã không ngần ngại thâu tóm các đối thủ khác để trở thành một nhà môi giới giữa các nhà tư bản và tư nhân hay doanh nghiệp cỡ nhỏ.
Đó là lý do vì sao Deutsche Bank đã chấp nhận mua lại ngân hàng bưu điện Postbank với giá đắt.
Nhưng tính toán quá ôm đồm của Deutsche Bank vấp phải nhiều giới hạn.
Thứ nhất ngân hàng lớn nhất của Đức này chen chân bằng được vào « thị trường bán lẻ » để cho tư nhân và giới tiểu thương vay mượn mà quên mất rằng, đã có quá nhiều đối thủ lâu đời trên thị trường này, và những đối thủ đó không dễ để cho Deutsche Bank nhập cuộc.
Chậm cải tổ và lách luật tài chính quốc tế
Sai lầm thứ hai của Deutsche Bank là đã chậm cải tổ chính sách quản lý sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009.
Từ sau vụ ngân hàng Lehman Brothers vỡ nợ, Âu Mỹ đã xiết chặt luật chơi, buộc các ngân hàng phải bảo đảm có vốn ròng nhiều hơn so với trước đây.
Cụ thể là Deutsche Bank trong một thời gian dài đã dễ dàng kiếm lãi, và có thể trả tiền lời cho cổ đông hơn 10 % nhờ chỉ cần có 100 đồng vốn là có thể cho vay tới 360 đồng.
Theo quy định mới được Công ước Bâle 3 ban hành năm 2010, để có thể cấp 100 euro tín dụng, ngân hàng bắt buộc phải chứng minh nắm giữ tối thiểu 10 euro vốn ròng.
Nói cách khác, với luật chơi thời hậu Lehman Brothers, với 1.600 tỷ euro vốn, Deutsche Bank trên nguyên tắc chỉ có thể cho vay tối đa 16.000 tỷ euro – GDP của toàn nước Đức là trên dưới 4.000 tỷ euro.
Nhưng tập đoàn ngân hàng này vẫn lách luật và đang nắm giữ từ 48.000 đến 60.000 tỷ euro nợ tùy theo cách tính toán của các viện nghiên cứu và thống kê khác nhau.
Vấn đề đặt ra từ gần hai năm nay, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ liên tục đề cập tới khả năng tăng lãi suất chỉ đạo trở lại.
Một phần vốn đầu tư bằng đô la tại Deutsche Bank bị rút đi.
Thêm vào đó, các hoạt động cho vay để kiếm lời bị thua lỗ nặng khi mà lãi suất chỉ đạo của cả Mỹ lẫn châu Âu đều rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Rủi ro tập đoàn ngân hàng ở Frankfurt này thiếu thanh khoản càng gây lo ngại. Đó là chưa kể với luật tài chính ngân hàng mới của khối euro vừa có hiệu lực vào tháng Giêng 2016, trong trường hợp mất khả năng thanh toán, trước hết các cổ đông, thân chủ và chủ nợ của cơ quan tài chính đó phải bỏ tiền túi ra cứu lấy ngân hàng đó trước, rồi mới có thể cầu viện tới nhà nước.
Đó cũng là một mối lo ngại khiến cổ đông của Deutsche Bank ồ ạt rút vốn khỏi tập đoàn ngân hàng ngày, không ai muốn cho Deutsche Bank vay thêm hay ủy thác thêm tiết kiệm vào các chương mục của Deutsche Bank.
Nói cách khác, cùng lúc những gì làm nên tên tuổi và uy tín của Deutsche Bank bỗng chốc đã bị xua tan.
Theo quan điểm của giáo sư Jezabel Couppey Soubeyran, giảng dậy tại đại học Paris 1 Sorbonne, nếu như vụ tai tiếng Deutsche Bank chỉ dừng lại ở đây, không kéo theo vào vòng xoáy các tập đoàn ngân hàng khác trên thế giới, thì có lẽ đây là một cơ may để điều chỉnh lại các hoạt động trong ngành.
« Có lẽ mô hình tài chính ngân hàng từng được phát triển rất mạnh vào những năm 1990-2000 đang bước vào giai đoạn cuối.
Vào thời kỳ đó, tất cả các hoạt động ngân hàng đều xoáy vào các dịch vụ đầu tư bất cẩn và đầu cơ trên thị trường, mà ngân hàng Deutsche Bank mà một trường hợp tiêu biểu nhất.
Tôi nghĩ là đã đến lúc chúng ta cần xét lại mô hình này, và nếu như tập đoàn ngân hàng Đức vượt qua được những khó khăn lần này, điều chỉnh lại chính sách phát triển của họ, thì đó là điều tốt.
Cần phá vỡ thế độc quyền của ngành ngân hàng trên thế giới, các ngân hàng lớn cần ngưng móc ngoặc với nhau để áp đặt luật chơi, cần bỏ hẳn thói quen thao túng sổ sách, thao túng thông tin để trục lợi.
Chính vì những hoạt động bất hợp pháp đó mà giờ đây Deutsche Bank bị trừng phạt và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ».
Rủi ro Deutsche Bank kéo theo các ngân hàng khác của thế giới vào vòng xoáy
Trước mắt chưa có gì rõ ràng về số phận của Deutsche Bank.
Chính phủ Đức về mặt chính thức tuyên bố sẽ không cứu tập đoàn ngân hàng này, nhưng vẫn kín đáo đàm phán với Tư pháp Hoa Kỳ để giảm nhẹ mức phạt cho Deutsche Bank.
Ngoài Mỹ, đừng quên là Deutsche Bank còn phải đối mặt với khoảng 8.000 vụ kiện khác.
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy Berlin đang rất quan tâm tới hồ sơ nhạy cảm này, khi Cơ quan Giám sát Tài chính BaFin của Đức gần đây chỉ ''khiển trách'' chứ không trừng phạt Deutsche Bank trong nhiều vụ bao che giúp các đại gia Nga chuyển hàng chục tỷ euro ra nước ngoài trong thời gian từ năm 2011 đến 2015, kể cả khi Nga bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt vì can thiệp vào Ukraina.
Cả BaFin lẫn chính phủ Đức đều không muốn đẩy Deutsche Bank vào chân tường khi biết rằng, nếu tình trạng tài chính của Deutsche Bank xấu đi thêm thì các nhà đầu tư Á châu và Mỹ lại càng nhanh chóng rút vốn khỏi tập đoàn ngân hàng này, Deutsche Bank lại càng nhanh chóng cận kề cõi chết.
Vấn đề đặt ra là đe dọa Deutsche Bank bị vỡ nợ dấy lên vào lúc cả thế giới lẫn châu Âu chưa lấy lại cân bằng sau khủng hoảng 2008/2009 ; tăng trưởng toàn cầu dao động khoảng 3 %, các hoạt động xuất nhập khẩu đình đốn trước hàng loạt các chính sách bảo hộ ; tổng số nợ của toàn thế giới ngày nay cao hơn so với thời điểm 2008 đến 60.000 tỷ đô la; chính sách hạ lãi suất đến sàn để kích cầu của tất cả các ngân hàng trung ương đều vô hiệu.
Bản thân đầu tàu kinh tế của châu Âu là Đức bắt đầu bị đặt trước thử thách.
Điểm son duy nhất là với đe dọa Deutsche Bank bị vỡ nợ, các nhà kỹ trị ở Berlin, các giới chức tài chính của Đức có lập trường cứng rắn nhất, khắc khổ nhất trong chính sách tiền tệ đang bắt đầu phải xét lại những liều thuốc đắng mà họ đã « kê toa » cho các thành viên khác của châu Âu.
Related news items:
Tin mới
- Kinh tế Thái Lan đầy bất trắc sau khi vua Bhumibol qua đời - 14/10/2016 15:58
- Cá lại chết hàng loạt, dân Bà Rịa đổ cá ra quốc lộ biểu tình - 13/10/2016 23:41
- Tổng giám đốc Wells Fargo từ chức - 13/10/2016 21:27
- Trên truyền hình Nga, Thế Chiến III đã nổ ra - 13/10/2016 18:39
- BRICS : Dự án mậu dịch tự do của Trung Quốc gây lo ngại - 13/10/2016 18:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-10-2016 - 13/10/2016 15:58
- Quốc vương Thái Lan Bhumibol qua đời - 13/10/2016 14:26
- Bob Dylan được giải Nobel Văn học - 13/10/2016 13:36
- Nhiều phụ nữ lên tiếng tố Donald Trump xâm hại tình dục - 13/10/2016 13:29
- Chiến tranh lạnh Mỹ-Nga theo chiến lược Putin - 13/10/2016 13:21
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-10-2016 - 12/10/2016 20:18
- « Ngày đen tối cho tự do báo chí Hungary » - 12/10/2016 18:29
- Syria : Từ chối đàm phán, Nga tăng cường oanh kích Aleppo - 12/10/2016 18:17
- Hồng Kông : Nghị viện mới khai mạc trong bầu không khí chống Bắc Kinh - 12/10/2016 17:14
- Khu trục hạm Mỹ bị tấn công bằng hỏa tiễn ngoài khơi Yemen - 12/10/2016 00:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-10-2016 - 11/10/2016 21:40
- Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ký dự án đường dẫn khí đốt TurkStream - 11/10/2016 19:25
- Nhật Bản cũng tăng cường lực lượng chống tàu cá Trung Quốc - 11/10/2016 19:14
- Miến Điện : Đồn biên phòng bị tấn công, 17 người chết - 11/10/2016 19:04
- Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm - 11/10/2016 18:29