Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lần đầu tiên Hàn Quốc và Iran họp thượng đỉnh

iran-southkorea

Tổng thống Iran, Hassan Rohani (P) tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Park Geun Hye tại Teheran, ngày 02/05/2016.
President.ir/Handout via REUTERS

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hôm nay 02/05/2016 bắt đầu chuyến viếng thăm Iran bốn ngày.

Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, nguyên thủ Hàn Quốc chính thức thăm Teheran, và Seoul hy vọng chuyến công du này sẽ góp phần giúp cho nền kinh tế khởi sắc.

Chuyến công du này là đặc biệt vì nhiều lý do. Trước hết, vì đây là lần đầu tiên có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước, 54 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

 Dự định gặp gỡ đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước năm 1979 đã bất thành, vì rơi vào thời điểm tệ hại nhất.
Đó là năm mà quốc vương Iran bị lật đổ, và tổng thống Park Chung Hee – cha của nữ tổng thống Hàn Quốc hiện nay – bị ám sát.

Hàn Quốc trông đợi nhiều vào cuộc gặp thượng đỉnh này, bằng chứng là có một đoàn doanh nhân đông đảo tháp tùng tổng thống.
 Có đến 240 lãnh đạo các doanh nghiệp như Samsung hay Huyndai có mặt tại Iran để cố gắng ký kết một loạt các hợp đồng, tiếp sức cho một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Trước sự cạnh tranh dữ dội từ khi thị trường Iran mở cửa, Seoul hy vọng Teheran sẽ nhớ đến sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, kể cả trong nhiều thập kỷ bị phương Tây trừng phạt.

Bà Park Geun Hye còn mong muốn tăng cường trao đổi song phương, mà theo một số dự báo có thể lên đến 10 tỉ đô la.

Iran thông qua luật tăng cường hỏa tiễn đạn đạo

Còn tại Teheran, Quốc Hội sắp mãn nhiệm chủ yếu gồm phe bảo thủ đã thông qua luật mới cho phép tăng cường năng lực sản xuất hỏa tiễn đạn đạo của Iran.
Đạo luật này được thông qua chỉ hai ngày sau thắng lợi của các đồng minh tổng thống Hassan Rohani có chủ trương ôn hòa, trong cuộc bầu cử Quốc Hội.

Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran bị Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức chỉ trích, và hồi tháng Giêng Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới sau khi Iran bắn thử hỏa tiễn.
Sau đó Teheran tuyên bố ý định tăng cường năng lực hỏa tiễn đạn đạo nhằm răn đe, bị phương Tây cho là khiêu khích.

Mặc dù đã ký kết hiệp định nguyên tử, Iran vẫn không muốn nhượng bộ về chương trình hỏa tiễn đạn đạo và lên án phương Tây bán hàng tỉ đô la vũ khí cho các nước trong khu vực, nhất là Ả Rập Xê Út.

Switch mode views: