Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quan hệ Việt Nam-Vatican có 'triển vọng tốt đẹp'


HÀ NỘI (NV) - Ðó là nhận định của ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam khi tiếp Hồng Y Fernando Filoni, bộ trưởng Truyền Giáo Tòa Thánh Vatican khi ngài đến thăm và hoạt động mục vụ tại Việt Nam.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì tham dự cuộc gặp gỡ vừa kể còn có Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trực của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam và đại diện Ban Thường Trực Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

nhatho-DakJak

Nhà thờ của giáo xứ Dak Jak tọa lạc tại huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum, bị chính quyền địa phương thúc ép phải tháo dỡ vì đó là chỉ đạo từ cấp trên. (Hình: Giáo phận Kon Tum)

Ông Dũng giải thích quan hệ Việt Nam-Vatican có “triển vọng tốt đẹp” vì hàng năm, hai bên vẫn duy trì đàm phán, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và gần đây, kết quả của những cuộc tiếp xúc cao cấp đã mở ra triển vọng đưa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican lên một mức cao hơn.

Ông Dũng đề nghị hai bên tiếp tục đối thoại bằng sự chân thành, thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt.

Cũng theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì Hồng Y Fernando Filoni khẳng định, Tòa Thánh Vatican sẽ thể hiện sự chân thành và tôn trọng Việt Nam, đồng thời mong muốn của hai bên về việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ thành hiện thực.

Quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam từng bị gián đoạn từ giữa năm 1975. Năm 2007, hai bên dự trù thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai năm sau (2009), nhóm công tác hỗn hợp Vatican-Việt Nam được thành lập và bắt đầu đàm phán nhằm đề ra những biện pháp để thiết lập quan hệ ngoai giao toàn diện giữa hai bên, trong đó có việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.

Năm 2011, tuy Việt Nam chấp nhận việc Tòa Thánh Vatican cử Giám Mục Leopoldo Girelli đến Việt Nam làm đại diện không thường trực, song tự do tín ngưỡng tại Việt Nam nói chung và sinh hoạt của người Công Giáo tại Việt Nam nói riêng vẫn chưa được chính quyền Việt Nam tôn trọng đúng mức cần thiết.

Sự kiện gần nhất cho thấy chính quyền Việt Nam thiếu “sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt,” không giống như ông Dũng vừa bày tỏ với Hồng Y Fernando Filoni là vụ chính quyền tỉnh Kon Tum ra tối hậu thư, buộc giáo dân giáo xứ Dak Jak, tọa lạc tại huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum, phải tháo dỡ ngôi nhà thờ của họ, bởi việc dựng nhà thờ chưa được chính quyền cho phép.

Ngôi nhà thờ của giáo xứ Dak Jak được dựng lên cách nay vài năm và vừa là nơi thờ phượng, vừa là nơi sinh hoạt của khoảng 6,000 giáo dân.

Trò chuyện với Ðài Á Châu Tự Do, Giám Mục Hoàng Ðức Oanh, vị giám mục đang phụ trách giáo phận Kon Tum, cho biết: “Cán bộ địa phương rất thương chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của chúng tôi nhưng ở trong một chế độ như thế này, với thể chế như thế này thì họ không thể làm khác được.”

Vị giám mục này kể thêm rằng, khi trò chuyện với ngài, những cán bộ cao cấp cũng tỏ ra thông hiểu nhưng họ không rút lại yêu cầu tháo dỡ nhà thờ. Theo Giám Mục Hoàng Ðức Oanh, những cán bộ cao cấp trò chuyện với ngài đều đề nghị thông cảm bởi họ không thể làm khác do đã có chỉ đạo từ trên xuống.

Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, trong thông cáo về kết quả cuộc đàm phán lần thứ năm của nhóm công tác hỗn hợp Vatican-Việt Nam, diễn ra hồi thượng tuần tháng 9, tại Hà Nội, Phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican cho biết, Ðức Giáo Hoàng Francis quan tâm tới thiết lập bang giao với Việt Nam.

Theo đó, Tòa Thánh Vatican vẫn cố gắng đạt tới mục tiêu là thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Vatican muốn cùng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đóng góp tích cực hơn trong việc phát triển trong các lĩnh vực vốn là điểm mạnh của Giáo Hội Công Giáo như: y tế, giáo dục, các hoạt động nhân đạo và từ thiện. (G.Ð)

Switch mode views: