Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Gió thoảng Tây Hồ

GioThoangTayHo
Tôi lom khom trong lòng phi cơ, tìm hàng ghế của mình. 21B đây rồi, không tệ lắm, ngồi ghế ngoài đứng lên đi lại dễ dàng, đường bay 14 tiếng chắc cũng phải đi toilet vài lần, tôi nghĩ thầm. Mà không biết người bạn đồng hành nào ngồi bên cạnh đây. Một anh bụng bự, ra vào vướng víu, thì kể ra cũng phiền.

Khi tôi còn đang loay hoay với giây lưng an toàn thì cô ta làm tôi giật mình. “Excuse me”. Tôi ngước mắt nhìn. ‘Con nhỏ’ chỉ vào chiếc ghế bên cạnh, không nói thêm một lời. Tôi đứng lên: “Sure”, chắc là em về Ðài Loan, mẹ kiếp, San Francisco này thiếu gì Tàu. Ví sách tay, backpack trên lưng, lại còn cả laptop nữa. Cũng chẳng còn trẻ lắm mà áo ngắn lòi cả rốn. Trông dễ thương đấy nhưng máy bay lên cao, lạnh chết ‘cái nị’ cho coi!

Cô nàng oằn người tháo chiếc backpack trao cho tôi và chỉ lên chỗ chứa hành lý: “Would you mind?” Tôi lắc đầu, con gái Á Châu bé tí, với không tới, thôi thì giúp nó một tay. Cái ‘name tag’ đong đưa, tên gì thế này, à Jackie. Jackie gì chứ, Jackie Wong hay Jackie Fan, mà thôi thắc mắc làm cái quái gì.
“Thanks”. Con bé hà tiện cả tiếng nói, mới ngồi xuống mà đã như muốn ngủ.
“You Chinese?”, tôi hỏi. “Nope”. Thế thì lạ nhỉ? “Mít?”, tôi hỏi thêm.
Tiếng cười ròn tan: “Cũng tưởng anh là Ba Tàu. Ðang buồn vì sợ không có người tán gẫu suốt chuyến bay. Vâng, Mít đặc”.
Tôi lắc đầu: “No way! Tên là Jackie thì Mít đặc sao được”.
Cô bé nhe răng cười trừ. Khi máy bay bình phi thì chúng tôi đã thành bạn. Tôi kể cho Jackie nghe về chuyến đi V.N. năm ngoái, về những xúc động bồi hồi khi trở về thăm làng xưa, trường học cũ, và những ước mơ thời thanh xuân.
“Lần này trở về VN dạy học tôi đã gác bỏ nhiều những lời can gián của bạn bè và gia-đình, nhất là những băn khoăn về chính thể. Tôi đã đi và sống ở nhiều nơi, nhưng dù nơi nào đi nữa tôi vẫn thấy như thiếu một cái gì. Có lẽ là ‘hồn sông núi’, chữ nghĩa chúng ta học và hiểu từ ngày còn thơ nhưng bây giờ mới cảm được bằng tấm lòng thiết tha.”
Jackie mỉm cười:
“Anh nói như là viết văn. Anh về đó dạy gì? English?”
Tôi lắc đầu:
“Ðiện toán. Nghề của chàng!”
“Ở đâu?”
“Sài Gòn hoặc Ðà-Lạt. Trường của người bạn có cơ sở ở một vài thành phố”.
“Cùng nghề với Jackie.”
“Em cũng về dạy học à?”
Chợt thấy lối xưng hô có phần quá thân mật của mình, tôi đổi giọng:
“Xin lỗi. Jackie dạy môn gì?”
“Jackie nói cùng nghề là nghề điện-toán, chứ không phải nghề dạy học. Mà anh gọi Jackie là em cũng đưọc, cần gì phải xin lỗi.”
Nhìn mái tóc muối tiêu của tôi, Jackie nheo mắt nói tiếp:
“Gọi bằng cháu cũng được nữa là em”.
Tôi cười trừ. Một đều. Mình chê cái tên Mỹ của nó, còn nó chê mình già. Không ngờ con bé lém vậy. Thế thì vui rồi. Tha hồ mà ‘shop talk’, cùng nghề mà.
“Jackie này, em làm cho hãng nào?”
“KPMG International. Họ mới được một hợp đồng với thành phố HCM, à quên, Sài-Gòn, thành lập một hệ-thống điện toán kiểm tra dân số. Jackie nhờ nói được cả hai thứ tiếng nên được chỉ-định làm project manager, liên lạc lạc giữa VN và công-ty ở Mountain View. Ði lại như con thoi, mệt muốn chết. May mà cũng gần xong.”
Con bé liến thoắng kể tiếp:
“Em bắt đầu sợ đi xa. Có lần ngồi cạnh một bà, nghe bà ta khoe nhà, khoe con cái mà phát mệt. Mấy anh ‘da đỏ’ cũng chẳng tử tế gì. Mắt trước mắt sau là gạ gẫm. Nhưng khổ nhất là gặp phải một ông Ba Tàu, miệng hôi mà còn hay lắp bắp broken English”.
Tôi đưa tay bịt miệng, quay ra phía khác. Jackie huých vào vai tôi:
“Not you. Don’t make me feel guilty.”
Tôi pha trò:
“Ði xa hoài như vậy thì chồng con ai trông. Coi chừng… mất chồng”.
Jackie giơ bàn tay trái, ngón tay đeo nhẫn lờ mờ một vòng trắng:
“Mất rồi anh, và không phải chỉ một mà… dăm ba cuộc tình.”
Tôi ngỡ ngàng:
“Xin lỗi, tôi không ngờ”, nghĩ thầm mình cà chớn, vô ý quá, chắc làm con bé buồn. Tôi thở dài:
“Bạn bè tôi cũng nhiều người gặp cảnh ngang trái lắm”.
Tôi nghĩ tới Trọng, tới Vĩnh, tới những người bạn thân, tình duyên trắc trở một đời mà xót thương.
Jackie hình như không mấy quan tâm:
“It’s OK. Còn anh? Sao chị ấy lại để anh về VN một mình? Bộ không nghe chuyện dài về VN lấy vợ nhỏ hay sao?”
“Nhà tôi là dược-sĩ, có cửa tiệm riêng nên rất bận với công việc, hai cháu đã trưởng thành và đi học xa. Nhà tôi tin tưởng tôi, vả lại, em nhìn xem, tuổi tôi cũng đã xế chiều.”
Jackie không trả lời, ánh mắt tinh nghịch như có chút gì không tin. Tôi cũng ngồi yên, suy nghĩ vẩn vơ. Tội nghiệp con bé xinh xắn mà tình duyên long đong! Biết đâu cái vẻ bề ngoài ngổ ngáo và bất cần đời ấy chả che giấu một nỗi buồn.
Bên ngoài trời đã tối, máy bay êm ru. Jackie ngả ghế, kéo chăn đắp ngang ngực: “Jackie ngủ đây”. Ừ ngủ đi, mà cười gì nữa đây.
“Nếu Jackie có dựa đầu vào vai anh, anh để yên nhé. Bao giờ đến lượt anh ngủ, anh cũng có thể dựa đầu vào vai Jackie. Vai không thôi, not lower.”
“Deal”. Vú bằng quả cau thế này, dựa vào đâu, tôi nghĩ thầm. “Good night, Jackie.”

oOo

Ðêm Cali bây giờ cũng đã khuya, giờ này chắc Trinh cũng đã ngủ yên, tháng Ba trời còn lạnh, không có mình kéo chăn đắp cho lúc về sáng chắc lại co người như con tôm. Ngủ dậy kêu đau cổ, ai bóp vai cho bây giờ. Mới đi có nửa đoạn đường mà đã nhớ. Mình muốn về đóng góp một chút gì cho quê hương, cho tuổi trẻ và cho giấc mơ thời niên thiếu nên đành phải hy-sinh một chút tình riêng. Thôi ngủ đi, đã quyết định thì đừng buồn.

Jackie đã ngủ, tay khoanh trước ngực, đầu tựa vào vai tôi, hơi thở nhẹ tưởng chừng như không có. Trinh cũng thường dựa đầu vào vai tôi mà ngủ trên máy bay. Lại còn ôm chặt cánh tay nữa chứ. Như thế mới yên tâm. Trong bóng tối lờ mờ tôi thấy Jackie phảng phất như Trinh. Không, giống Jennie con gái tôi hơn. Tôi muốn hôn lên trán con bé, nhưng mà thôi, để cho em ngủ yên.

Tới Ðài Loan chúng tôi phải đổi máy bay để về Sài-Gòn. Jackie qua lại phi trường này nhiều lần nên biết hết đường đi. Cô bé kéo tôi đi phăng phăng qua những hành lang hun hút, đến chỗ ngồi chờ. “Giá anh ngồi xe lăn Jackie đẩy còn nhanh hơn”. Lại đía rồi, nếu leo dốc là biết nhau ngay. Giầy cao gót 5 inches thế này thì đi thế ‘đếch’ nào được.

Tôi chỉ mỉm cười:
“Sao Jackie giống Trinh quá vậy. Mà cũng tốt thôi. Bây giờ em chỉ đâu tôi ngồi đó”.
“Ngồi đây. Mà Trinh là ai?”
“My house! Nhà tôi.”
Jackie nhìn vào mắt tôi. Cô bé cười khúc khích:
“Well. Bây giờ thì Jackie biết tên vợ anh là gì rồi, nhưng mà Jackie vẫn chưa biết tên anh!”
“Bond, James Bond.”
Jackie bật cười: “You wish!”
Tôi phân trần:
“Nhiều năm trước đây ở Ngũ Giác Ðài người ta gọi tôi là ‘Commander Trần’. Bà nội tôi gọi tôi là ‘thằng Ðài’, có lẽ hồi nhỏ tại tôi kén ăn. Bạn bè gọi tôi là ‘Duy còm’ để phân biệt với ‘Duy lù’. Bây giờ Jackie biết hết đời tư của tôi rồi đó. How about yours? Dăm ba cuộc tình có gì vui buồn?”
Jackie nhìn tôi, như có chút đắn đo.
“Không được cười nhé… Nói anh nghe, em gặp và yêu Lâm ở Pulau Bidong. Hai đứa côi cút trở thành vợ chồng khi tới Cali. Em bán Mc Donald ban ngày và đi học buổi tối. Lâm đi bỏ báo khi trời còn khuya trước khi tới trường. Căn apartment một phòng ngủ trên đường số 4 là thiên đường của riêng chúng em. Em học dốt lắm. Lâm thường phải làm home-work cho em, may mà cả hai đều tốt nghiệp sau 5 năm, và vui hơn cả là cả hai đều có việc làm ngay sau khi ra trường. Lâm làm Programmer cho City of San Jose, còn em may mắn hơn được KPMG tuyển dụng.”
Tôi ngắt lời:
“Như thế là nhất trên cõi đời ô trọc này rồi còn gì!”
Jackie thở dài:
“Vâng, nhưng chỉ được vài năm. Trong khi Lâm cặm cụi với mấy cái servers và databases ở trung-tâm điện toán thì em được huấn luyện thành consultant, đi đây đi đó tiếp xúc với khách hàng. New York, Washington D.C., Âu Châu và cả Nam Mỹ, nơi nào em cũng đã đi qua. Lâm ghen, nhất là khi thấy em đi công tác xa với các nam đồng nghiệp. Lâm muốn em có con. Em không chịu vì không muốn trở ngại trên con đường sự nghiệp. Thế là tan vỡ. Lâm đã có gia đình khác, có con để yêu thương, còn em có dăm ba cuộc tình nhưng cũng chẳng ra cái gì.”
Gịong Jackie có chút buồn. Tôi quàng tay, vỗ nhẹ bờ vai cô bé, nói như dỗ dành:
“Cái đó là duyên phận. Em còn trẻ. Một ngày nào, vâng biết đâu một ngày nào...”.
Tôi nghĩ tới một số bạn bè tình duyên thiếu may mắn, và thấy bùi ngùi.
Jackie tìm trong túi xách bao thuốc lá, em ra dấu mời tôi. Tôi lắc đầu:
“Tôi bỏ thuốc lá lâu rồi. Jackie cũng nên cẩn thận. Dễ bị ung-thư phổi lắm”.
Và bỗng dưng tôi thiết tha:
“Em đau rồi ai chăm sóc em!”
Jackie ngước mắt nhìn tôi. Ðôi mắt long lanh như mờ sương, em vân vê chiếc hộp quẹt gas trên tay nhưng không châm lửa điếu thuốc gắn hờ hững trên đôi môi nhạt son hồng.
Chúng tôi không nói gì thêm với nhau cho khi về đến Sài-Gòn.
“Jackie ở khách sạn Continental. Anh về đâu?”
Tôi bông đùa:
“20 năm trước đây thì tôi đã theo em về. Tiếc là bây giờ chân đã mỏi. Tôi ở khách sạn Palace ít lâu, làm thủ tục giấy tờ dạy học rồi sẽ lên Ðà-Lạt. Gia-đình tôi còn một căn nhà cổ gần chùa Trại Hầm. Sẽ tìm em đi ăn trưa trước khi rời Sài-Gòn.”
“Nhớ nhé!”
Tôi nắm bàn tay Jackie:
“Nhớ. See you soon.”
Có người đứng chờ ngoài hành lang sân bay, giơ cao tấm bảng carton viết chữ ‘Ms Jackie Nuwens’. Em rút bàn tay nhỏ và mềm khỏi tay tôi: “Bye anh”, mắt em long lanh, như muốn gửi gấm điều gì trước khi hoà mình vào đám đông.

oOo

Một tuần sau tôi mới gặp lại Jackie. Thủ tục giấy tờ phiền phức làm tôi bực bội, hơn thế nữa thời tiết tháng ba Sài-Gòn vẫn nóng như thiêu, tôi không muốn ra khỏi phòng nếu không có việc cần. Với lại tôi không thích Continental. Nơi đó ‘Tây’ quá, mà tôi lại không thích Tây từ bé, nên vẫn nhìn nơi sang trọng đó với con mắt mặc cảm ngại ngùng. Sáng thứ Bảy khi tôi bước vào hành lang nhà hàng tôi đã thấy Jackie ngồi với một người đàn ông còn trẻ. Tôi chọn một bàn xa xa nhưng Jackie cũng đã nhìn thấy tôi. Em chạy vù lại:
“Hi anh Duy. Chờ anh mãi.”
“Hi Jackie” - Tôi hất hàm về phía bàn của em - “Bồ nhí hả?”
Jackie lắc đầu, ghé tai tôi thì thầm:
“Client. Không thể làm mất lòng. Thằng chả dai như đỉa đói, cứ đòi đưa em đi ‘tham-quan’ cái biệt-thự mới xây. Anh lại đó, em giới thiệu là… chú ruột, tới đón em về nhà ăn giỗ ông nội. OK?”
Khi chúng tôi ra khỏi Continental, Jackie đi sát vào tôi hơn và hỏi nhỏ: “Ði đâu anh”?
Tôi nói: “Không biết. Chỉ muốn gặp ‘cháu’ thôi”.
Jackie đập vào vai tôi. Con mắt liếc xéo, có đuôi. Chúng tôi đi về hướng bờ sông. Jackie mặc chemise vàng và váy nâu. Tôi hỏi: “Áo T-shirt ngắn em mặc trên máy bay đâu?”
“Trong phòng khách sạn. Something wrong?”
“Không. Chỉ muốn thấy cái rốn bé xíu. Cute!”
Jackie nghiêng đầu nhìn tôi, giơ cao nắm tay như đe dọa. Tôi mỉm cười, nắm bàn tay Jackie và chúng tôi đi sát vào nhau dưới hàng me. Buổi trưa nhà hàng nổi vắng người. Chúng tôi chọn một bàn kề mé sông. Tôi chỉ cho Jackie những con tàu, nói miên man với em về một đoạn đời cũ. Jackie chống đũa nhìn tôi, nghe say xưa.
“Em ăn đi, đừng sợ mập…” Bỗng tôi giật mình, không nói hết câu “Lỡ rồi, có mập đi nữa anh cũng vẫn yêu em”. Tôi vẫn thường nói đùa với vợ tôi như thế. Bữa cơm tối nào Trinh chẳng xới cho tôi một bát đầy trong lúc Trinh chỉ đơm một dúm nhỏ vào bát mình. Có gì như vướng mắc nơi cổ họng làm tôi buông đũa, mắt nhìn bâng quơ.
Trên đường trở về, cơn mưa trái mùa bỗng đổ xuống ào ào. Tôi kéo Jackie đứng nép vào một hàng hiên. Bụi nước thấm ướt vai, và Jackie bắt đầu hắt hơi. Tôi lo ngại:
"Jackie, em cảm rồi. Hay là mình chạy nhanh về khách-sạn?”
Jackie ôm cánh tay tôi:
“Không, em muốn đứng đây một lát nữa.”
Tôi xoay nghiêng người, kéo Jackie lại gần:
“Em đứng sát vào tôi cho bớt gió.”
Jackie ngước mắt nhìn tôi tin cậy trước khi giấu mặt trên vai tôi; và chúng tôi đứng như vậy cho đến khi ngớt cơn mưa. Jackie run rẩy, còn tôi thì thầm: “Ðể anh đưa em về”, và chợt bàng hoàng khi thấy mình vừa đổi cách xưng hô.
Tôi đưa Jackie tới cửa phòng khách sạn.
“Em tắm nước nóng rồi lên giường nằm nghỉ. Ðể anh đi mua thuốc cho em. Ðừng khóa cửa nhé”.
Jackie gật đầu, bóp nhẹ bàn tay tôi.

Khi tôi trở lại Jackie đã nằm yên trên giường, môi em đỏ hồng vì cơn sốt và đôi mắt em mở lớn, nhìn xa xôi. Trông Jackie bé bỏng đến tội nghiệp. Tôi đưa cho Jackie ly nước và giúp em uống hai viên thuốc. Jackie ra dấu cho tôi ngồi xuống bên em. Tôi kéo ghế lại gần. Jackie nắm chặt bàn tay tôi, mắt em nhắm nghiền, và em không nói một lời. Khi thuốc đã ngấm, Jackie rơi vào giấc ngủ, tôi gỡ nhẹ bàn tay em, và lặng lẽ ra về. Sau cơn mưa đường xá còn vắng người, tôi cúi đầu đếm bước và không biết mình suy nghĩ gì.

Chuông điện thoại reo vang khi tôi đã lơ mơ ngủ. Giọng Jackie nghe như gió thoảng:
“Em bớt rồi. Anh ngủ chưa?”
Tôi chợt thấy vui:
“Chưa em. Uống thêm hai viên thuốc nữa đi, rồi mai anh sang xem sao”.
Rất lâu, không có tiếng trả lời.
“Em còn nghe anh không?”
Có tiếng nấc nhỏ, giọng Jakie như nghẹn ngào:
“Em không uống thuốc nữa đâu. Em không muốn ngủ đêm nay”.
Tôi dỗ dành: “Em nghe anh, khỏi rồi mai chủ-nhật anh đưa em đi chơi Vũng Tàu”.

Ngày còn bé Jennie cũng thường năn nỉ tôi: “Daddy, con khỏi rồi. Ðừng bắt con uống thuốc nữa.”, và tôi cũng thường dỗ dành: “Con uống đi, khỏi hẳn rồi bố đưa con đi Disney Land”. Tôi chợt hoang mang, không hiểu là mình đang đối xử với Jackie như thế nào. Một cô bé dễ thương côi cút trên đường đời cần một bàn tay nâng đỡ, hay một chút cảm tình lãng mạn, mong manh?

Tưởng chừng như lâu lắm mới thấy Jackie nói thêm, nghe xa vắng và ngoan hiền:
“Em ngủ đây. Good night anh.”
Tôi thẫn thờ buông điện thoại. Hàng đêm ở Cali Trinh cũng thì thầm: “Em ngủ đây. Good night anh.”

oOo

Jackie đến tìm tôi khi tôi còn nằm dài trên giường, suy nghĩ vẩn vơ. Mắt Jackie như có quầng. Tôi thấy nao nao:
“Còn đau không? Trông em yếu lắm.”
Jackie lắc đâu “Em gần như khỏi hẳn rồi.”u
Tôi nắm tay Jackie “Ðêm qua em khóc phải không? Sao vậy em?”
Jackie nhìn tôi đăm đăm trước khi cúi đầu nói rất nhẹ:
“Tại em không thấy anh khi thức dậy. Em nhớ tới anh, và tủi thân.”
Tôi nghe tim đập mạnh trong lồng ngực, và một chút bối rối, nhưng cố làm như thản nhiên:
“Để anh đưa em đi Vũng Tàu. Gió biển, và biết đâu có anh Vọi nào đó đang chờ, sẽ làm em vui.”
Jackie lắc đầu:
“Em không đi Vũng Tàu được. Chiều nay em phải ra Hà-Nội. Có một ít giấy tờ cần được Trung-Ương duyệt xét thứ Hai này. Nếu em không ra họ sẽ không ký.”
Tôi lo lắng:
“Em còn yếu lắm, không nên đi xa. Đau nữa rồi ai săn sóc em”.
Và bỗng nhiên lời nói như từ trong tiềm thức:
“Hay là để anh đi với em.”
Jackie khóc oà. Em ôm lấy tôi, gục mặt trên vai:
“Em muốn anh đi với em lắm mà không dám mở lời. Chỉ sợ anh coi em chẳng ra gì.”
Nước mắt Jackie thấm qua làn áo mỏng. Tôi vuốt tóc Jackie, ngậm ngùi:
“It’s all right, it’s all right …”. Tôi không biết là tôi nói với Jackie hay là nói với chính mình.
Jackie hôn nhẹ lên môi tôi:
“Để em lo vé máy bay cho anh rồi chúng mình đi ăn sáng với nhau. Em chưa ăn gì từ trưa hôm qua. Chiều mình ra phi-trường.”
Tôi tìm ly nước uống để cố giữ cho lòng bình thản. Jackie bây giờ khác hẳn, em dịu dàng và trìu mến, không còn ngổ ngáo, bất cần đời như khi tôi mới gặp em trên phi cơ. Tiếng Jackie trong veo:
“Thu ơi, Jackie đây. Em lấy cho chị một chỗ trên chuyến bay ra Hà Nội chiều nay… đúng rồi, cùng một chuyến em đã dành chỗ cho chị … tên hả, Trần Quang Duy… đừng dùng account của company, charge vào account riêng của chị… không, không cần phòng khách sạn, anh ấy sẽ ở với người thân.”
Jackie bỏ điện thọai, vòng tay ôm lấy tôi. Tôi hôn nhẹ bờ môi Jackie, thì thầm:
“Bây giờ mình ra phố nhé”.
Tiếng Jackie còn nhỏ hơn: “Yes, dear.”

oOo

Hà-Nội bây giờ mới là mùa xuân. Trời không còn lạnh lắm và cơn gió từ Hồ Tây chỉ như vuốt ve da thịt người. Phòng ăn của khách-sạn Sheraton ở trên cao, từ đó chúng tôi có thể nhìn thấy những ngọn đèn mờ ảo của những con thuyền nhỏ trên hồ. Cảnh đẹp như một bức tranh nhưng Jackie không nhìn ra ngoài, em cũng không ăn, dù tôi nhắc nhở em nhiều lần mà chỉ nhìn tôi rồi lại cúi xuống mỉm cười vu-vơ.
Tôi hỏi Jackie:
“Bộ anh trông lạ lùng lắm sao?”
Jackie lắc đầu:
“Tóc anh có nhiều sợi bạc lắm rồi. Tối nay em nhổ tóc sâu cho anh.”
Tôi cười:
“Không phải tóc sâu đâu. Mà em có nhổ cả đời cũng không hết.”
Bàn tay Jackie run lên, tiếng em trầm xuống không còn rõ ràng:
“Vâng, cả đời. Ước gì cả đời.”

Tôi chợt hiểu, và lòng tôi xót xa. Tôi muốn ôm lấy Jackie mà dỗ dành, muốn hôn lên đôi mắt u-buồn đó, nhưng chỉ ngồi bất động nhìn em tha thiết. Chúng tôi rất gần mà như cũng rất xa. Tình cảm này rồi sẽ ra sao, thoảng như gió Tây Hồ hay ấm nồng như ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi cuối phòng ăn? Tôi không biết, và tôi cũng không muốn nghĩ xa hơn.

Tôi hỏi Jackie:
“Chúng mình đi dạo một vòng nhé?”
Jackie lắc đầu:
“Không, anh đưa em về phòng. Em muốn, em muốn…”
Jackie nghẹn lời. Tôi đứng lên, kéo ghế cho Jackie, và em lả người trong tay tôi. Tôi dìu Jackie, vừa đi vừa hôn nhẹ lên mái tóc em. Tôi cũng nghẹn lời. Và dù có nói gì cũng bằng thừa.
Ánh đèn trong căn phòng khách sạn sang trọng mờ ảo, đủ để thấy Jackie đẹp như gái liêu-trai. Jackie bắt tôi ngồi xuống ghế và em qùy xuống cởi giầy cho tôi.
“Cho em giúp anh một lần, dù chỉ một lần.”
Hình như Jackie khóc. Tôi cũng thấy xót xa bồi hồi. Jackie hôn tôi:
“Anh lên giường trước đi. Chờ em tắm chút nhé.”
Khi Jackie bước ra khỏi phòng tắm em hoàn toàn không có mảnh vải che thân. Jackie chui vào chăn ôm chặt lấy tôi, gục đầu vào cổ tôi mà hít những hơi dài. Tôi vuốt ve bờ vai em:
“Jackie, anh thấy mình như trẻ lại. Cám ơn em.”
Jackie thì thào: “Em yêu anh.”
Tôi gục mặt xuống vùng núi đồi. Hơi Jackie thở nặng nề hơn, và trong cơn mê đắm chúng tôi gọi tên nhau nhiều lần.
Khi hơi thở đã trở lại bình thường, Jackie nằm nghiêng, gối đầu trên cánh tay, vân vê vành tai tôi:
“Anh.”
“Yes?”
“Tên em là Thùy-Trâm. Nguyễn Vũ Thùy Trâm. Từ nay đừng gọi em là Jackie nữa. Tên đó là để cho mọi người. Thùy Trâm là của riêng anh. Nhớ chưa?”
Tôi hôn Jackie:
“Nhớ rồi. Thùy Trâm, tên đẹp quá. Cám ơn em.”
Và tôi hát nho nhỏ: “Ngủ đi giấc mộng bình thường… Anh ru Trâm ngủ nhé”.
Tôi nghe tiếng Jackie mơ hồ:
“Cám ơn anh, cám ơn anh nhiều lắm”, và chỉ trong giây phút tôi chìm vào giấc mơ.

oOo

Khi tôi thức dậy Jackie không còn trên giường. Dấu vết tình yêu hãy còn phảng phất đâu đây. Chắc là Jackie ở trong phòng tắm. Nhưng tôi chợt thấy chiếc hộp quẹt gas của Jackie dằn trên mấy tờ giấy viết tay trên bàn ngủ. Bỗng dưng tôi hồi hộp, linh cảm như là có việc gì trọng đại đã xảy ra. Giờ này chưa có cơ quan nào mở cửa. Jackie đâu rồi?

“Anh yêu dấu,

Khi anh đọc thư này thì Trâm đã trên đường ra khỏi V.N. Xin anh tha lỗi cho em. Trâm không thể nào đánh thức anh dậy để nói lời giã từ, vì em biết như thế em sẽ không còn cam đảm xa anh. Anh biết là Trâm yêu anh đến như thế nào rồi. Dù chỉ biết nhau vài ngày mà em thấy đã như từ tiền kiếp. Trâm yêu anh vì ánh mắt nụ cười, vì những lời anh nói khiến em vui, nhưng nhất là vì tấm lòng bao dung và nhân hậu của anh.

Anh nhớ không, khi chúng mình ngồi chờ máy bay ở phi trường Đài Bắc, em đã muốn khóc khi nghe anh dỗ dành: “Nếu em đau rồi ai săn sóc em”.

Ước gì ngày xưa Lâm cũng nói được với em như vậy thay vì dằn vặt em mỗi lần em chuẩn bị đi xa. Vâng, chỉ một lời nói chí tình như vậy thôi là em đã bỏ hết ‘sự nghiệp’, để có một gia đình yên ấm như anh với chị Trinh. Nhưng thôi, với Lâm thì đã trễ, và với anh thì đã quá muộn màng.

Em nhìn anh ngủ và lặng lẽ khóc suốt đêm qua. Em biết anh thương xót em, và biết đâu nếu có cơ hội, chúng mình sẽ chẳng có với nhau một mối tình. Trong cơn ngủ say em nghe anh gọi tên chị, như đang vỗ về. Dù đã biết là em không thể nào có anh cho riêng mình mà sao em vẫn thấy xót xa.

Thực ra thì em đã quyết định xa anh từ lúc chúng mình trên đường ra Hà Nội. Em chỉ muốn sống với anh một đêm, trả anh một chút ân tình, chăm sóc anh, yêu chiều anh một lần, một lần không bao giờ quên. Uớc gì Trâm còn trong trắng để mà dùng chữ ‘hiến-dâng’. Em không mong mỏi gì cả, nhưng anh biết không, chỉ vì anh quá ân cần, chỉ vì lúc nào anh cũng chỉ biết lo cho người khác mà thân xác em đã có phút giây xúc động đến bàng hoàng. Chưa bao giờ em sung sướng như đêm qua.

Anh ơi, Trâm long đong ‘dăm ba cuộc tình’, nhưng ngoài Lâm ra em không yêu ai, cho đến lúc này. Khi chia tay với Lâm em chỉ thấy buồn phiền, chia tay với anh em đau đớn vô vàn. Em biết là em không thể nào sống gần anh. Hôm qua ở Sài-Gòn, khi anh ở trong phòng tắm chuẩn bị cho chuyến bay ra Hà-Nội, em đã lục tìm trong ví anh, mong có được một tấm hình để nhớ thương. Anh tha lỗi cho em. Em đã vô tình đọc được mấy dòng chị Trinh viết cho anh dặn dò: “Anh nhớ uống thuốc cao máu hàng ngày, ống thuốc mầu vàng trong túi nhỏ bên trái suitcase. Nhớ ăn uống cẩn thận. Nhỡ nổi ngứa rồi ở xa thế làm sao em xoa lưng cho anh”. Trâm cũng thấy hình anh và Jimmy khi còn nhỏ. Jimmy ngồi trên lòng anh, cố giành ống pipe của anh, trong lúc anh giơ cao lon bia, cười bằng mắt. Gia đình anh êm ấm như thế, làm sao Trâm có chỗ chen chân, mà Trâm làm thế sao đành.

Anh nói “Một ngày nào, vâng biết đâu một ngày nào...”. Trâm biết là anh muốn an ủi em. ‘Dăm ba cuộc tình’, rồi biết đâu chẳng có một ngày nào. Ngày nào đó đã đến rồi anh, vừa êm đềm, vừa xót xa. Nếu anh thương em, xin anh đừng đi xa nữa. Nơi xa không phải là chỗ cho anh. Lòng anh bao la như thế, trước sau gì rồi anh cũng sẽ lại ‘đong đưa cuộc tình’. Chữ nghĩa của anh đó, không phải Trâm ghen đâu. Em yêu anh, và dù em chưa gặp, nhưng em cũng thương chị Trinh như em thương mình.

Thôi Trâm đi đây. Em trở về Cali nhưng không về lại KPMG. Em sẽ giã từ nếp sống này, sẽ tìm một nơi yên tĩnh, giữ cho em một mảnh đời. Em sẽ không hút thuốc nữa đâu, và dù biết anh cũng đã bỏ hút thuốc lâu ngày, em vẫn để lại cho anh chiếc hộp quẹt gas, một chút kỷ niệm để anh lâu lâu nhớ tới em, thoảng như gió Tây Hồ vuốt ve chúng mình đêm qua. Anh cũng đừng uống bia nhiều nữa, trời ơi em viết thế nào đây, ‘anh say rồi ai chăm sóc anh’. Trâm bắt chước những gì anh nói rồi đó. Em nhớ anh. Em lại khóc nữa đây này.

Yêu anh và hôn anh, my dear, my love.
Thùy-Trâm.”

Những trang giấy có nhiều chỗ nhạt nhoà, chữ viết xiêu vẹo, không rõ nét. Có lẽ Trâm vừa viết vừa khóc. “Khổ thân em tôi”. Mắt tôi mờ đi. “Làm thế nào bây giờ?”

Tôi đọc lại lá thư thêm một lần, ngồi bất động nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời trong và xanh. Một chiếc phi cơ bay ngang trên cao. Tôi nghĩ thầm, biết đâu chẳng có Trâm trên đó. Có bờ vai nào cho Trâm nương tựa không hay là em co mình trên ghế, khóc thầm cho số phận mình? Bỗng dưng tôi quyết định là phải đi tìm Trâm. Tôi không biết tìm Trâm để làm gì, nhưng ăn thua gì, mấy ngày nay tôi có suy nghĩ gì đâu.

Làm thủ tục check-out một cách vội vàng, tôi gọi taxi ra phi trường Nội Bài dù biết rằng còn lâu mới tới giờ chuyến bay của tôi trở về Sài-Gòn. Phi trường thưa thớt người, tôi đi loanh quanh tìm Trâm. Trâm không còn đó. Trâm đã đi thật rồi. Tôi tìm một chỗ khuất, lấy lá thư đã nhầu nát đọc thêm lần nữa. Trâm đã đi thật rồi. Nước mắt tôi dưng dưng. Hà-Nội, buồn ơi chào mi! Năm ngoái tôi về, nhớ kỷ niệm thời thơ-ấu, buồn đến nghẹn ngào. Năm nay tôi trở lại, mang chút đam mê để rồi buồn đến xót xa. Tôi nghĩ thầm có lẽ là không bao giờ tôi trở lại nơi này. Hà-Nội ơi, giã từ. Thùy Trâm ơi, vĩnh biệt. Một thời đã qua.

Switch mode views: