Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Con bị trầm cảm trong cách nhìn của phụ huynh


tramcam 1
(Hình minh họa: Getty Images)

WESTMINSTER, California (NV) – Gương mặt âu lo. Nụ cười gắng gượng. Ánh mắt hoang mang. Là nét chung mà ai cũng có thể nhìn thấy ở những bậc làm cha làm mẹ có con đang mang căn bệnh của thế kỷ này: bệnh trầm cảm (depression).

Ai cũng từng nghe qua chữ “trầm cảm,” nhưng để hiểu trầm cảm là gì, dấu hiệu của nó ra sao, tác hại của nó thế nào thì lại là chuyện khác. Và, hầu hết những phụ huynh đang mang đầy nỗi buồn lo trong lòng về chứng bệnh của đứa trẻ, gần như không hề biết con mình bị trầm cảm trong một khoảng thời gian khá dài, cho đến khi chúng tự nói ra hoặc bệnh đã trở nên nặng nề.

Tâm sự của những người cha, người mẹ dưới đây, hy vọng là tiếng chuông đánh thức những ai vẫn còn đang ngủ vùi trong niềm say sưa “con tôi chỉ biết tan trường về nhà, ở trong phòng, không đi chơi bời lêu lổng…”

“Mẹ ơi, chở con đi khám bệnh”

“Thoạt đầu thấy tánh tình nó thay đổi, tôi nghĩ đó là sự thất thường của tuổi ‘teen’ nên bỏ qua, không để ý. Cho đến một ngày nó đi học về và nói ‘Mẹ dẫn con đi bác sĩ, con muốn khám bệnh.’ Hỏi bệnh gì thì nó không nói. Tôi chở nó đi bác sĩ gia đình và trong đầu nghĩ chắc nó muốn gặp bác sĩ để hỏi về những chuyện sinh lý riêng tư của con gái,” chị Hằng Trần, một người mẹ ở Garden Grove, bắt đầu câu chuyện.

Tuy nhiên, sau hơn một giờ đồng hồ ngồi chờ con bên ngoài văn phòng bác sĩ, đến khi nhìn cô bé đang ở tuổi 17 bước ra với đôi mắt đỏ hoe, trái tim người mẹ bỗng thót lên những nỗi sợ mơ hồ.

Đến phiên chị được bác sĩ mời vào nói chuyện.

“Con bé bị bệnh trầm cảm.” Đó là lời thông báo của bác sĩ.

“Thoạt đầu nghe nói trầm cảm, tôi chỉ nghĩ là buồn buồn thôi chứ không có gì đặc biệt. Rồi sau khi nghe bác sĩ giải thích trầm cảm là như thế nào, tôi mới nhớ ra là có nhìn thấy những biểu hiện này ở con bé trong một thời gian dài mà có biết gì đâu,” người mẹ kể tiếp.

Tuy nhiên, sau khi về nhà đọc thêm sách báo, chị Hằng mới biết trầm cảm là chuyện nghiêm trọng chứ không phải bình thường.

“Bác sĩ đề nghị đưa nó qua bác sĩ chuyên khoa để có cách điều trị đúng hơn, tôi đồng ý ngay,” chị cho biết.

Với chị Thanh Nguyễn ở Santa Ana thì lại khác: Con chị tự đi bác sĩ để chữa trị chứng trầm cảm.

“Có lần nó đi bác sĩ, hỏi tôi có muốn đi chung với nó không. Tôi đi, nhưng cứ nghĩ là nó đi chữa chứng bệnh béo phì, vì tự dưng nó tăng cân nhiều quá, tôi lại nghĩ nó ăn đêm nên nó mập, giờ muốn giảm cân,” người mẹ kể.

Cho đến một ngày, chị Thanh nhìn thấy có những tờ “quảng cáo” liên quan đến bệnh trầm cảm nằm trong phòng con gái, hỏi ra chị mới biết con chị tự nhận ra bệnh của mình và tự đi tìm bác sĩ.

Dường như bao nhiêu điều “không bình thường” mà người mẹ đã từng nhìn thấy trước đó – những biểu hiện của người bị trầm cảm – như một cuốn phim cứ từ từ chiếu lại trong đầu chị.

“Trời ơi, tôi nghe nó nói mà lo lắng hết sức. Nhưng lo mà không biết làm sao hết. Nhiều lúc ngồi mà khóc một mình, vì cũng không biết nói với ai hết,” người mẹ nói mà giọng nghẹn ngào.

Trường hợp của con trai anh John Nguyễn, một phụ huynh ở trường trung học La Quinta, Westminster, thì lại khác.

“Tôi được nhà trường gửi giấy đề nghị là nên cho con tôi đi gặp chuyên viên tâm lý để nói về chuyện học hành, mà không cho biết tình trạng nó trong trường như thế nào. Cho đến khi nó gặp nói chuyện với ‘counselor’ thì tôi mới biết việc học hành của nó đã tuột dốc rồi. Nó hoàn toàn ‘burned-out’, kiệt sức,” anh John cho biết.

tramcam 2
Nhiều phụ huynh đến các buổi nói chuyện về trầm cảm để học hỏi cách giúp đỡ con em mình (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Những biểu hiện bị cha mẹ bỏ qua

Trầm cảm không là căn bệnh xảy ra một sớm một chiều, hay bất thình lình, đột nhiên, mà nó là sự tích tụ dồn nén lâu dài với nhiều biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh thường bỏ qua những dấu hiệu này, khi đánh đồng nó với những sinh hoạt, ứng xử bình thường hằng ngày của con cái.

Chị Thanh nói tiếp, “Khi ngồi nghĩ lại, thì thấy rõ ràng nó có những dấu hiệu của trầm cảm từ lâu. Thấy nó ít nói, suốt ngày ở trong phòng, ngủ nhiều, ban ngày ngủ li bì, đến 11-12 giờ đêm thì thức dậy, kiếm gì ăn một chút rồi chong đèn cả đêm. Tôi đi ngủ, lâu lâu mở cửa nhìn thấy nó vẫn ngồi trong phòng ôm máy vi tính. Khi đó vẫn chỉ nghĩ nó thức học bài ban đêm nên ngày mệt ngủ bù.”

Con gái chị Thanh mắc bệnh từ khi đang học đại học UCI, hiện tại đã tốt nghiệp ngành sinh vật học và đang muốn học trở thành bác sĩ, đồng thời vẫn đang trị bệnh trầm cảm.

Chị Hằng thì “khi biết những đứa bị trầm cảm có thể tìm đến cái chết mà tôi rùng mình, vì nhớ lại có lần tôi la nó vì những biểu hiện khó hiểu của nó, nó khóc rồi hỏi mẹ muốn con chết không, tôi còn la thêm và hỏi nó có dám chết không. May là nó đã không làm bậy, chỉ bỏ vô phòng đóng cửa lại, chứ không thì bây giờ tôi ân hận lắm.”

Con gái chị Hằng hiện đang học lớp 12, sắp 18 tuổi, và phát bệnh khi đang học giữa năm lớp 11.

Chị Hằng kể, “Khi nói chuyện với bác sĩ, phát hiện nó bệnh, tôi mới nhớ lại một, hai năm về trước, nó đã có những thay đổi mà mình không để ý.”

“Những thay đổi” ở con chị Hằng là từ một học sinh giỏi, nhiệt tình, xông xáo, là thành viên của đội “cheerleader,” là hội trưởng Hội Hồng Thập Tự của trường từ năm lớp 9, lớp 10 với ước mơ sẽ tạo được nhiều thành tích để có thể được nhận vào trường đại học UC Santa Barbara khi học xong lớp 12, đồng thời là một đứa con ngoan ngoãn, lễ phép, em bỗng trở nên ít nói, ngủ nhiều, dễ nổi nóng, sẵn sàng lớn tiếng với mẹ, không muốn tiếp xúc với bạn bè, và hoàn toàn buông xuôi chuyện học hành ở năm lớp 11.

“Tôi nhớ khi đó nó làm gì mà tôi la nó là nó có thể lớn tiếng nói lại, rồi nó khóc. Có khi nó nói nó bị nhiều áp lực ở trường. Nó lấy nhiều lớp AP ở năm lớp 11, rồi học không nổi, mà không nổi thì nó lại lo là không được nhận vào trường nó thích, rồi nó lại thành áp lực, nó bị khủng hoảng. Cho đến lúc nó nói tôi chở đi bác sĩ thì nó đã hoàn toàn ‘burned-out’ kiệt sức,” chị Hằng kể.

Chị nhận xét thêm, “Mà những đứa bệnh nó kỳ lắm. Nó để phòng như đống rác vậy, mà mình dọn nó cũng không cho. Nó cứ nằm ngủ lu bù, không muốn chơi, không muốn làm gì hết, bạn bè cũng không thích giao du, cứ lừ đừ. Nó vốn là một đứa hoạt bát, lanh lẹ, hăng hái, mà một khi nó bị trầm cảm thì nó rớt xuống, không muốn làm gì hết, chỉ muốn nằm.”

Cũng theo lời người mẹ này, “nó nói với bác sĩ là nó không ngủ được, thấy tầm bậy không. Những đứa nhỏ bị bệnh này luôn giấu gia đình, con tôi cũng vậy. Nó nói với bác sĩ rằng vì tôi khó nên nó không dám nói.”

Anh John, dù là tự nhận mình là một người cha luôn theo sát bên con, cũng thừa nhận đã không nhìn thấy được sự “khủng hoảng tâm lý” của con trai anh cho đến khi đưa nó đi gặp chuyên viên tâm lý để tìm hiểu xem tại sao nó không học được nữa.

Anh kể, “Con tôi may mắn không bị nặng. Nó từng học rất giỏi. Nó đi đến đâu cũng được mọi người khen. Nó đọc sách rất nhiều, là người sáng lập câu lạc bộ thư viện của trường. Từ năm lớp 10 thầy cô đã cho nó lấy nhiều lớp AP. Nhưng đến năm 11 nó ‘burned-out’ mà không nói với tôi. Dù trước đó có hỏi thăm nhưng nó luôn nói nó ‘ok.’ Cho đến ngày nó mất hết năng lượng, rồi nó tuột dốc. Nó không muốn ra ngoài nữa, nó chỉ thích ngủ, mà mình lại cứ nghĩ nó học nhiều mất sức nên cần ngủ bù.”

Bằng kinh nghiệm của người có con từng bị bệnh và dành thời gian dấn thân vào việc tìm hiểu nhằm giúp đỡ những phụ huynh khác có con rơi vào tình trạng tương tự, anh John cho biết thêm những dấu hiệu ở những đứa trẻ bị trầm cảm mà ít người để ý đến.

“Biểu hiện đầu tiên mà phụ huynh có thể thấy là đứa nhỏ bỗng nhiên trở nên rất im lặng, ít nói. Nhìn vào đôi mắt nó thấy vô hồn, không thấy trong sáng, linh hoạt như những đứa khác. Vì cuộc sống của nó không còn cảm thấy hứng khởi, thú vị nên nó cũng chẳng buồn để ý đến chuyện ăn mặc, chưng diện. Nó ít muốn tiếp xúc với người khác, nhất là ai hỏi về những điều mà nó đang gặp phải,” anh chia sẻ.

“Một điểm nữa mà phụ huynh nào cũng nhìn thấy giống nhau là đứa có dấu hiệu trầm cảm ít ra khỏi phòng, thường nhốt mình trong phòng, bởi vì nó muốn có sự im lặng, không muốn ai đụng chạm đến nó,” anh nói thêm.

Cũng theo anh John, “Một điều quan trọng nữa mà phụ huynh đôi khi không để ý là có những em cứ nói ở lại trường sinh hoạt này kia, nhưng thực ra nó ở trường là vì nó không muốn về nhà, chỉ đến tối mới phải về. Phụ huynh cần cẩn thận điều này, bởi vì không đâu tốt bằng gia đình, nhưng có những em đi quá, không muốn về nhà là nó có vấn đề.”

Phải học cách cư xử với con bị bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm có nhiều nguyên nhân, không ai giống ai, ngoài những biểu hiện chung thường thấy, thế nên, cách ứng xử, hỗ trợ của cha mẹ, người thân trong gia đình đối với việc chữa trị cũng là những điều rất riêng biệt, không thể có một công thức nhất định.

Chị Thanh kể bằng giọng buồn rười rượi, “Gia đình tôi sang Mỹ định cư cuối năm 2010. Khi đó hai vợ chồng chưa có việc làm, con gái tôi, lúc đó được 21 tuổi, phải trở thành trụ cột chính vừa đi học đại học trong khi tiếng Anh không được học nhiều lúc ở Việt Nam, lại vừa phải đi làm. Đó có thể là một áp lực lớn cho nó.”

“Rồi thời gian đầu mới qua, hai vợ chồng cứ hục hặc, gây gổ. Tôi nghĩ đó cũng là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, nó lại nuôi mộng trở thành bác sĩ, nó nói sẽ học, sẽ thi cho đến chừng nào nó đậu vào học bác sĩ thì thôi. Nghe nó nói vậy tôi rất lo, vì nó đang tự tạo áp lực cho nó,” chị Thanh từ từ kể.

Theo chị, hiện tại, dù vợ chồng chị đã có công ăn việc làm, con chị tốt nghiệp đại học và chỉ phải đi làm thêm ít giờ để tự tiêu pha, nhưng “do thời gian đầu, mình đã không là chỗ dựa cho nó, mọi thứ thay đổi, mình không biết gì để hướng dẫn nó trong chuyện học hành, thế nên giờ đây, ý kiến của tôi cũng không có giá trị.”

“Thế nên vừa lo, muốn giúp con mà không biết giúp đỡ nó như thế nào hết. Mà tôi cũng đâu dám nói với ai, cứ lo lắng trong lòng. Ngay chính tôi cũng phải lo kiếm tiền mưu sinh, thành ra thời gian cũng không có nhiều. Lúc mình có thời gian ở nhà thì nó đi học, lúc nó ở nhà thì mình đi làm, hoặc có lúc nó ở nhà mình muốn vô nói chuyện với nó thì nó lại từ chối, nó không muốn tiếp xúc với mình, nó kêu ‘con mệt lắm,’ hay ‘con mắc làm bài,’ thành ra cũng không biết làm sao để giúp nó,” chị nói, với nước mắt của người mẹ thương con, loay hoay tìm cách giúp con mà vẫn hoài bế tắc.

Giải pháp mà chị Thanh chọn thực hiện hiện nay là “Mình cố gắng đừng làm gì để nó nổi nóng, phát bệnh lên. Tánh nó nóng như Trương Phi. Mình phải kiên nhẫn, phải nhịn. Đó cũng là áp lực cho tôi, mà lâu dài vậy chắc đến phiên tôi cũng phát bệnh quá.”

Với chị Hằng Trần thì ngay khi biết con bị bệnh, chị dồn hết tâm sức vào việc theo dõi chữa trị cho con.

“Khi bác sĩ gia đình đề nghị cho nó đi gặp bác sĩ chuyên khoa, rồi bác sĩ chuyên khoa quyết định cho nó uống thuốc, tôi đồng ý. Nhưng khi uống thuốc đó thì nó vật dữ lắm, một ngày 24 tiếng, nó ngủ hết 20 tiếng, khi thức dậy người nó không khỏe mà lừ đừ. Mình phải đi bác sĩ đổi thuốc khác, mà cứ phải thử đổi hoài. Mà nhìn con như vậy, mình thương lắm,” chị Hằng chia sẻ.

Dĩ nhiên, như nhiều đứa trẻ bị trầm cảm khác, con chị Hằng cũng không thể tập trung vào chuyện học hành. Chị phải vào trường nói chuyện với nhà trường về bệnh tình của con gái chị.

“Khi đi vào trường gặp thầy phó hiệu trưởng trình bày thì tôi mới biết rằng với những trường hợp như vậy, khi có giấy chứng nhận của bác sĩ, thì các em đó được đưa vào chương trình gọi là 504. Chương trình này rất quan trọng cho những đứa như con tôi vì nó được đối xử đặc biệt hơn những đứa học sinh bình thường. Ví dụ những đứa học sinh bình thường phải làm bài trong 1 tiếng, thì những đứa có bệnh như vậy được làm trong 2-3 tiếng, nó khỏe thì đi học, không khỏe thì ở nhà, không bị trừ ngày nghỉ… Nghĩa là họ tạo điều kiện để đứa nhỏ không cảm thấy bị áp lực nặng nề của chuyện học hành nữa,” chị Hằng cho biết.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân, chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, giải thích thêm về chương trình này: “504 là chương trình trợ giúp đặc biệt, gọi là tạm thời cho những học sinh có nhu cần đặc biệt để giúp các em trong vấn đề học vấn, như khi bất ngờ các em bị bệnh tật, đau yếu nặng, có phế tật tạm thời, bị khủng hoảng gia đình cá nhân, y khoa, thậm chí tự tử,… Mục tiêu là giúp các thầy cô hiểu tình trạng của các em và giúp đỡ các em tạm thời trong lớp học cho việc học của các em hiệu quả hơn. Chương trình đó tạm thời một tháng, vài tháng, một học kỳ rồi sẽ coi lại xem có cần nữa không hay chấm dứt. ‘Plan 504’ khác với ‘Special Aid’ dành cho học sinh khuyết tật, tuy nhiên cũng cùng mục tiêu giúp các em học hiệu quả hơn.”

Tuy nhiên, Luật Sư Lân nói thêm, “Nhà trường có chương trình giúp các em nhưng mà ngay cả phụ huynh và bác sĩ cần phải nói cho nhà trường biết cần giúp gì. Ví dụ bác sĩ nói đứa bé này không nên tham dự những sinh hoạt này, đứa bé này bị sốc với loại hoạt động này, hay đứa bé này suy nghĩ chậm, lâu, nên cho nó thêm thời gian, hay đứa này không thể tập trung lâu được nên phải có người nhắc nó, hay nó có thể ra vô lớp như thế nào, nó cần phải nghỉ mỗi 1 tiếng, 2 tiếng gì đó, nghĩa là phải có sự đề nghị làm gì. Dĩ nhiên là nhà trường sẽ phải phỏng vấn phụ huynh trước khi đưa các em vào chương trình, và phụ huynh phải biết mình cần trường giúp gì cho các em.”

Chị Hằng tâm sự, “Tôi nghĩ khi cha mẹ thấy con mình có gì bất thường thì nhớ đừng nên la rầy nó mà nên tìm hiểu xem nó đang gặp vấn đề gì, dụ cho nó nói ra, rồi vào gặp thầy cô trong trường nói chuyện. Trường có nhiều chương trình giúp các em lắm mà mình không biết.”

Hiện giờ, con chị Hằng đang học lớp 12, không còn uống thuốc, nhưng vẫn gặp bác sĩ tâm lý trị liệu mỗi tuần một lần.

“Giờ thì tôi và ông xã luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nó mọi chuyện. Cuộc sống gia đình cũng thay đổi, vợ chồng nói gì cũng phải dè chừng nó. Làm gì cũng phải dòm chừng nó, vui theo nó, buồn theo nó. Nó rất dễ nổi nóng. Bác sĩ tâm lý cũng nhắc mình là những lúc nó nóng thì hãy để nó yên, đừng nói gì đến nó. Bác sĩ cũng dặn nó khi bực tức lên thì lấy giấy viết ra vẽ cho qua cơn,” người mẹ nói về cách “ứng phó” với đứa con trầm cảm.

“Đối với những đứa bệnh như vậy, không chỉ đứa nhỏ được trị liệu mà cả phụ huynh cũng phải được dạy để biết cách cư xử với người bệnh,” chị Hằng nói thêm.

Anh John Nguyễn, hội trưởng Hội Phụ Huynh Trung Học La Quinta, kể, “Khi biết con tôi bị tuột dốc, ‘burned-out,’ tôi nói nó đừng lo lắng gì hết, cho dù con thế nào bố cũng chấp nhận hết, cho dù là con bị điểm F cũng không sao, con rớt mấy lớp bố cũng không quan tâm, vì bố biết con đã cố gắng hết sức rồi. Khi đó nó ôm tôi khóc, nói ‘con cám ơn bố.’ Cứ thế tôi động viên nó, rồi khuyên nó lần tới đừng nên lấy nhiều lớp như vậy, hãy xem sức khỏe của mình là chính.”

“Con tôi có may mắn là tôi biết nhiều những sinh hoạt tập thể để mang nó đến, trong thiếu nhi thánh thể, trong thiếu sinh quân, nên sau một thời gian thì nó trở lại bình thường,” anh nói.

Anh chia sẻ kinh nghiệm, “Tôi học được một điều là khi đến trường đón con, nhìn thấy con không vui thì đừng bao giờ hỏi về chuyện học, chuyện của trường, vì đó chính là nơi tạo nhiều áp lực nhất cho nó, chứ không phải nơi nào khác, nhất là hỏi kết quả bài kiểm tra, vì nếu tốt thì nó đã khoe rồi. Cách tốt nhất là hãy hỏi ‘con muốn đi ăn, uống gì không?’ Cho dù nó nói nó không muốn ăn thì bố mẹ cũng nên biết món mà nó thích ăn rồi tự động chở nó đến đó, sau khi nó ăn vô uống vô thì tự động nó sẽ giảm ‘stress.’ Đó là tâm lý.”

“Sau khi cho nó ăn uống rồi, hãy từ từ hỏi con có cần bố mẹ giúp gì không. Nhớ đừng hỏi thẳng chuyện bài vở trường lớp, từ từ nó sẽ nói khi thấy thoải mái,” anh nói thêm.

Bằng kinh nghiệm của người trong cuộc, anh chia sẻ thêm, “Khi thấy con có gì thay đổi so với bình thường thì hãy tìm cách giúp đỡ nó chứ đừng có hỏi nó tại sao lại hành xử như vậy. Phần nhiều phụ huynh khi thấy con cái tự nhiên bỏ bê chuyện học hành thì hay nói ‘tại sao con học được mà không chịu học?’ hay ‘tại sao con làm được mà không chịu làm?’ Đơn giản vì nó có những vấn đề của nó, làm cha mẹ phải thấu hiểu điều đó.”

“Khi con có vấn đề là phải tập trung giải quyết liền bằng mọi cách. Đưa con đi bác sĩ, vào nhà trường đưa những đề nghị, phải yêu cầu sự giúp đỡ. Đừng đợi đến khi mọi việc quá trễ,” người cha có con từng bị trầm cảm đưa lời khuyên.

Switch mode views: