Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria : ngoại trưởng Mỹ thú nhận bất lực

Syria - Alep

Quân đội Syria kiểm soát khu vực Suleiman al-Halabi, đông bắc Alep. Ảnh ngày 30/09/2016.
GEORGES OURFALIAN / AFP

Vì sao khủng hoảng Syria kéo dài đã hơn 5 năm và ngày càng khốc liệt ?.

Những ai theo dõi cuộc chiến này đều biết là do Hoa Kỳ bất lực không can thiệp quân sự.
Thế nhưng, đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thú nhận nội tình nước Mỹ chia rẽ làm Washington bị « trói tay ».

Từ một tháng nay, quân đội Damas, không quân Nga, lực lượng tình nguyện Iran, Hezbollah-Liban, Shi-a Irak dồn dập tấn công vào Aleppo.

Theo kêu cứu của người đứng đầu chiến dịch nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Stephen O’Brien, khu phố do phe nổi dậy kiểm sóat cùng với 250.000 dân biến thành « địa ngục trần gian », và phải khẩn cấp chấm dứt tình trạng này, tức là phải ngưng bắn.

Thế nhưng, từ chính miệng ngoại trưởng Mỹ, mọi cố gắng vận động ngoại giao của ông hầu mang lại hoà bình cho Syria đều thất bại vì « không có hoạt động quân sự » đi kèm.

Trong một cuộc trao đổi với các tổ chức xã hội công dân Syria tại NewYork, hồi tuần qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết vô cùng thất vọng vì ông đề xuất phải sử dụng vũ lực chống chế độ độc tài Damas, nhưng không được lắng nghe.
Cuộn băng ghi lại cuộc thảo luận này được New York Times phổ biến hôm 30/09.

Vào năm 2013, tổng thống Barack Obama đã « ấn định làn ranh đỏ » đe dọa sẽ tấn công quân sự nếu Bachar al-Assad dùng vũ khí hóa học trấn áp dân chúng.
Thế nhưng, chủ nhân Nhà Trắng thay đổi ý kiến vào giờ chót trong khi hải quân và không quân của đồng minh Pháp ở Địa Trung Hải đã sẵn sàng chờ bật đèn xanh để cùng can thiệp với Mỹ.

Gần đây nhất, ngoại trưởng Mỹ đạt được một thỏa thuận trao đổi thông tin giữa Washington và Matxcơva để cùng oanh kích chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng tan vỡ vì bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter không đồng ý.

Putin nắm hết các lá chủ bài

Ngoại trưởng John Kerry nhìn nhận hành pháp của siêu cường bị trói tay mà trách nhiệm lớn nhất là Quốc hội. Trong khi ở phe bên kia, không có gì cản trở nước Nga của Vladimir Putin can thiệp vào Syria.

Washington « không có cơ sở pháp lý » để hành động, trong khi Matxcơva có lời yêu cầu của Damas làm bình phong.
Putin bất chấp « luật quốc tế » miễn là củng cố chế độ Bachar al Assad và giúp Damas tái chiếm Aleppo.

Theo giới phân tích, khi sử dụng mưa bom áp đảo, mục tiêu của Nga là buộc phe nổi dậy phải hợp tác với Daech để chiến đấu.
Như thế, Matxcơva sẽ có cớ để củng cố lập luận « đối lập với khủng bố là một » và biện minh cho sự hiện diện của Nga tại Syria.

Thứ Bảy 01/10, bệnh viện lớn nhất trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát bị oanh kích bằng hai thùng « phuy » chất nổ mà tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon gọi là « tội ác chiến tranh ».

Theo hai quan chức cao cấp của Mỹ, trước đối phương đông hàng chục ngàn quân gồm quân đội Damas, Iran, Hezbollah và lính đánh thuê từ Irak và Afghanistan có không quân Nga yểm trợ, lực lượng nổi dậy ở Aleppo không thể chống cự lâu dài.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhận định : Aleppo sẽ thất thủ trong nay mai.

Nhật báo New York Times chua chát nhận định : Sát hại thường dân ở Aleppo có thể xem là phạm tội ác chiến tranh.
Nhưng những kẻ ra tay có nhiều cơ may đạt được mục tiêu chính trị của họ.

Switch mode views: