Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thổ Nhĩ Kỳ : Bí ẩn sau cú đảo chính hụt

turquie coup etatok

Ảnh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trên thành xe tăng bên cạnh nhà Quốc Hội, Ankara, ngày 16/07/2016REUTERS/Baz Ratner

   Đảo chính hụt đêm 15/07/2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là chủ đề ám ảnh công luận. Quân đội - định chế đầy uy quyền chi phối đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ - tỏ ra hết sức chia rẽ.

Chính quyền Erdogan ngay lập tức thanh trừng rộng khắp, kể cả trong giới thẩm phán, giảng viên (1).
Không ít người đặt câu hỏi : Đảo chính có phải do tổng thống Erdogan thúc đẩy, hoặc biết trước khả năng đảo chính, ông Erdogan vẫn làm như không hay, để lấy cớ gia tăng đàn áp, hầu kiểm soát toàn bộ chính quyền ?

Hôm 17/07, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz nêu khả năng cuộc đàn áp quy mô lớn có thể đã được chính quyền Erdogan lên kế hoạch từ trước :
« Chỉ trong vòng 72 giờ sau vụ đảo chính, 13 nghìn công chức bị đình chỉ chức vụ, 6.000 quân nhân bị bắt. Đàn áp rất nặng nề.

Chiến dịch đàn áp có thể nói rõ ràng đã được chuẩn bị từ trước. Tôi hoài nghi về khả năng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong vòng hai ngày, có thể xác định được những ai đã hợp tác với phe đảo chính. Như vậy, cần phải đặt câu hỏi về vấn đề này ».

Nhiều phương tiện truyền thông tại khu vực Trung Cận Đông và trên thế giới nhấn mạnh đến giả thuyết : chính quyền Erdogan đã sẵn sàng với âm mưu đảo chính.
Theo trang mạng Tunisia Kapitalist.com, ông Erdogan đúng là « hậu duệ của Machiavel » - chính trị gia thế kỷ XV, người cổ vũ cho các mưu đồ chính trị xảo trá, tàn khốc với mục đích cao nhất là tiêu diệt đối thủ, thâu tóm quyền lực.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến phản biện bác bỏ « thuyết âm mưu », khi cho rằng kế hoạch đảo chính đầy bất trắc và không thể tiên liệu được phản ứng trong bộ phận còn lại của giới quân nhân (bài tổng hợp của Le Courrier International).

Bài tổng thuật « Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan đằng sau cú đảo chính (hụt) ? » của Tuần báo Le Nouvel Observateur cân nhắc kỹ nhiều luận điểm ủng hộ cho giả thuyết có bàn tay của Erdogan (và cũng để góp phần giải mã cuộc đảo chính bí ẩn này).

 Theo Le Nouvel Observateur, cho dù khả năng này là không cao, các hiểu biết hiện tại chưa cho phép loại trừ hoàn toàn một giả thuyết dường như cuộc đảo chính không được chuẩn bị kỹ và tổng thống Erdogan đã khai thác rất tốt tình thế hậu đảo chính.

Phong trào Gulen, đối thủ chính của Erdogan

Ngay sau khi đảo chính nổ ra, tổng thống Erdogan đã cáo buộc giáo sĩ Gulen, một trí thức Hồi giáo nổi tiếng, là chủ mưu.
Ông Fethullah Gullen (2), hiện lưu vong tại Hoa Kỳ, là lãnh đạo phong trào xã hội - tôn giáo Hizmet (tạm dịch là « Phụng sự ») với hàng triệu thành viên trên khắp thế giới, có ảnh hưởng lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, ông Gulen cực lực lên án vụ đảo chính và yêu cầu quốc tế điều tra. Nhà địa chính trị Alexandre del Valle (3) nhận xét :
« Tổ chức của giáo sĩ Gulen là một trong những lực lượng làm nên thành công của Erdogan. Tuy nhiên, để tiếp tục nắm quyền, và bởi vì là một người cơ hội chủ nghĩa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã liên minh với cánh cực hữu và một bộ phận dân tộc chủ nghĩa cứng rắn nhất, đặc biệt là những người chống dân Kurdistan.

 Để thuyết phục các thành phần dân tộc chủ nghĩa bỏ phiếu nhiều hơn cho mình, Erdogan đã hy sinh giáo sĩ Gulen, bị coi như một phần tử Hồi giáo “mềm yếu’’….
Bởi ông Gulen, tác giả của một phong trào Hồi giáo rất ôn hòa và dân chủ, vốn là kẻ thù của những thành phần dân tộc chủ nghĩa cứng rắn.

Trong một bộ phận công luận, ông Gulen bị nghi ngờ là lãnh đạo một nhóm hội kín Hồi giáo chính trị thuộc hạng thượng lưu, mưu đồ len lỏi vào đỉnh cao quyền lực Nhà nước… » (trang mạng Atlantico, 16/07).

Không khí mơ hồ bao trùm

Tuy nhiên, một phân tích trên Le Monde ngày 19/07 cho rằng rất khó khẳng định vai trò của phong trào Gulen trong cuộc đảo chính :
« Trong số hai sĩ quan cao cấp bị tình nghi là đầu não của cú đảo chính, có một cựu lãnh đạo không quân và một cố vấn pháp lý của Bộ Tổng Tham Mưu.
Người thứ hai bị nghi ngờ có quan hệ từ lâu với cộng đoàn Hồi giáo của ông Gulen.

 Tuy nhiên, liệu có thể nói những người theo Gulen là các đầu não duy nhất của cuộc đảo chính ?

Theo các chuyên gia, những người này không thực sự thâm nhập được vào giới chóp bu quân đội hiện nay.
 Dựa trên những gì mà chúng ta biết được về các quân nhân đảo chính, qua hàng nghìn vụ bắt bớ vừa qua sau cuộc đảo chính hụt, bức tranh không hề rõ ràng.

Tổng thống Erdogan đã có một thời gian dài xung đột công khai với quân đội, định chế quyền lực duy nhất còn nằm ngoài sự thao túng của ông ta.
Nhưng từ năm 2013, Erdogan đã cải thiện quan hệ với quân đội, sau khi cắt đứt với cộng đoàn Gulen.

Tòa án Tối cao đã bác bỏ việc kết án hàng chục tướng lĩnh và quan chức cao cấp, bị kết án trước đó, vì bị tình nghi nổi loạn trong những năm 2000.
Tòa án Tối cao viện lý do là ngành tư pháp và cảnh sát lúc đó bị tay chân của phe Gulen thao túng.

Cựu tư lệnh quân đội Ilker Bambung, người bị kết án chung thân và sau đó được trả tự do trong vụ này, đã không lưỡng lự lên án phe đảo chính vừa qua là ‘‘khủng bố’’ ».

Erdogan – « Quỷ dữ »

Một thỏa thuận hòa giải đã được thiết lập giữa quân đội và chính phủ kể từ năm 2013, tuy nhiên, theo nhà chính học Jean Marcou, một chuyên gia về Trung Cận Đông, « một nhóm hạt nhân trong quân đội không chấp nhận tình trạng nhân nhượng lẫn nhau nói trên », đặc biệt nhân danh chế độ thế tục cứng rắn.
Nhà báo Anthony Bellanger, đài France Inter, nhận định :
« Rất đơn giản, bởi vì quân đội rất ghét Erdogan. Và tình cảm này không chỉ mới đây. Erdogan là lãnh đạo của một đảng Hồi giáo dân chủ, đảng AKP.

Xin nhắc lại là, lần can thiệp trước của quân đội, cách đây 20 năm, tức vào năm 1997, cũng là để giải tán một đảng Hồi giáo, tiền thân của đảng AKP.
Khi Erdogan lên nắm quyền, sau một loạt chiến thắng qua bầu cử từ năm 2000, quân đội rất muốn lật đổ nhân vật này, nhưng lực bất tòng tâm…

Bởi cần nhấn mạnh là, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ một chế độ Cộng Hòa chuyên chính và thế tục, lấy quân đội, một thiểu số rất nhỏ thẩm phán và chính trị gia làm hạt nhân. Vì lẽ đó, Erdogan bị coi là một thứ quỷ dữ ».

Theo nhà báo Anthony Bellanger, bên cạnh việc rất căm ông Erdogan, trong thời gian gần đây quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn liên tiếp bị tổng thống Erdogan hạ nhục (đặc biệt với việc xin lỗi Nga về vụ máy bay bị bắn hạ), do vậy một bộ phận quân đội đã quyết định nổi dậy.

Áp lực thanh trừng

Theo nhà chính trị Jean Marcou, một động cơ khác có thể giải thích vụ đảo chính này và cách thức mà đảo chính dường như đã được tiến hành vội vã, đó là « có tin đồn về một vụ án đang chuẩn bị được tiến hành, nhắm vào một số quân nhân, bị qui tội đã tố cáo một số quân nhân khác trong vụ án Ergenekon. Những người này cũng có thể bị cáo buộc đã cộng tác với giáo sĩ Gulen » (Le Monde, 19/07).

Jean-François Pérouse (4), một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, sống và làm việc tại Istanbul, cũng đưa ra hai giải thích đáng chú ý về thời điểm xảy ra vụ đảo chính :« Có hai khoảng thời gian cần được xem xét. Thứ nhất là thời gian tương đối dài, tính theo tuần, theo tháng.

 Vụ đảo chính đã diễn ra trước cuộc thanh trừng mới, đã dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8, thông tin được đưa ra sau cuộc họp của Hội Đồng Quân Sự Tối Cao.
 Nhiều quân nhân tin rằng tham gia đảo chính sẽ giúp họ không bị thanh trừng.

 Chúng ta cũng biết là trong số các quân nhân đảo chính, có nhiều người từng tham gia vào các chiến dịch ‘‘tiễu phạt’’ tại miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực của người Kurdistan, nơi tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây.

Khoảng thời gian thứ hai cần chú ý là thời gian ngắn hạn. Cú đảo chính đã được tiến hành vội vã, vì thông tin về chuyện này đã bị tràn ra ngoài và các lực lượng an ninh đã nắm bắt được » (bài "Cú đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ không được kiểm soát ngay từ đầu", trang mạng Mediapart.fr, 19/07).

Biết trước, nhưng vẫn để cho đảo chính ?

Về xác suất thành công của cuộc đảo chính 15/07, Le Nouvel Observateur dẫn lời nhà chính trị học Jay Ulfelder, được coi là một chuyên gia hàng đầu về các đảo chính quân sự trên thế giới.
Theo ông, nếu so sánh với các trường hợp khác, khả năng thành công của cuộc đảo chính này chỉ là 1/40. Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng, ông Erdogan không có nhiều lo ngại khi để cho cuộc đảo chính xảy ra.

Nhà địa chính trị Alexandre del Valle nhận định :
« Mục tiêu cuối cùng của Erdogan là tiêu diệt chủ nghĩa Kemal, trụ cột tư tưởng của chế độ cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tôi, cũng cần đặt câu hỏi : Liệu có sự đồng lõa trong nội bộ chính quyền và của chính bản thân tổng thống Erdogan, trong việc để cú đảo chính chắc chắn là thất bại này diễn ra, và lợi dụng cơ hội đó để tự coi mình như một nạn nhân, nhưng rốt cục là người chiến thắng.
Và dựa vào đó để gia tăng hơn nữa các đàn áp chống lại các quân nhân nào có lập trường chống đảng AKP.
Mục tiêu của Erdogan là tiêu diệt hết các đối thủ, để trở thành lãnh đạo tối cao sau khi thay đổi Hiến Pháp ».

Tuy nhiên, giả thiết được đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Theo nhiều giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, được The Guardian dẫn lại, cú đảo chính đã « được tổ chức rất tốt » và chỉ thiếu chút ít cơ may là có thể thành công.
 Các quân nhân đảo chính đã bắt làm con tin tổng tham mưu trưởng quân đội, giết lãnh đạo cơ quan chống khủng bố và nếu nhanh hơn ít phút đã có thể bắt được ông Erdogan.
Xác suất thành công tuy nhỏ, nhưng một số tình tiết cho thấy phe đảo chính đã có phần chủ động.

Nguy cơ bục vỡ chế độ

Sự thật về cuộc đảo chính ngày 15/07/2016 ắt hẳn không dễ sáng tỏ trong thời gian trước mắt.
 Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của đảo chính. Nhưng dù có hay không có bàn tay của tổng thống Erdogan, cú đảo chính hụt vừa qua cũng cho thấy tình trạng căng thẳng, phân hóa và bế tắc cao độ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù là người chiến thắng sau biến cố này, ông Erdogan cũng là người chịu nhiều tổn thất, đặc biệt với cái chết của bạn thân, của con trai…

Tham vọng độc chiếm toàn bộ quyền lực của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ « có thể khiến chế độ bục vỡ từ bên trong, mà cuộc đảo chính vừa qua chỉ là một biểu hiện » (theo nhà quan sát Jean François Colosimo, báo Le Figaro, 18/07/2016).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù bị thanh trừng, bị chính quyền Erdogan khống chế, tiếp tục là một ẩn số.
 Các đảng phái chính trị đối lập trong ngắn hạn dường như không đủ sức để tạo thành đối trọng đáng kể trước thế thượng phong của liên minh cầm quyền AKP.
Trong khi đó, ít người tin tưởng vào khả năng cải cách theo hướng tự dân chủ hóa của đảng AKP, dưới quyền lãnh đạo của ông Erdogan (5).

Sau cú đảo chính hụt ngày 15/7 và đợt thanh trừng lớn của tổng thống Erdogan, lý giải về những cội nguồn khiến xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang dần dần ngả sang độc tài của học giả Ahmet Insel (tác giả cuốn « Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới của Erdogan ») rất đáng được suy ngẫm.

----------------------------------

(1) Theo sơ kết của AFP 21/07, khoảng 10.000 người bị bắt, 55.000 bị đình chỉ hoạt động, hoặc bị câu lưu, truy tố. Còn theo France Info, riêng trong ngành giáo dục, 15.200 người bị cấm hành nghề, 21.000 người làm việc trong lĩnh vực giáo dục tư bị mất giấy phép.
 Về phía giới quân sự, khoảng 100 trên tổng số 360 tướng lĩnh bị truy tố. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố xem xét khôi phục án tử hình (xem thêm : "Thổ Nhĩ Kỳ : Thanh trừng mở rộng sang giáo dục và truyền thông").

(2) Ông Fethullah Gullen được tạp chí Time năm 2013 bình chọn là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới. Xem thêm "Turquie : Fethullah Gülen, l'ancien allié d'Erdogan devenu ennemi public numéro un", France 24, 20/07.

(3) Ông Alexandre Del Valle là một nhà địa chính trị học người Pháp, gốc Ý, tác giả nhiều nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo chính trị, khủng bố, những điểm yếu của xã hội dân chủ.

(4) Theo Jean-François Pétrouse, « cú đảo chính giống như một hành động tự sát, các quân nhân bị mất hướng rất nhanh. Họ hoàn toàn bị mất liên lạc với các chuyển biến của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, họ tin tưởng rằng quân đội sẽ phản ứng một cách đoàn kết và ủng hộ họ. Sai lầm nghiêm trọng trong nhận định về thực tế đã khiến những người đảo chính hành động gần như tuyệt vọng ».

(5) Một số người lạc quan hy vọng, sau đảo chính, Erdogan « không còn cần phải độc tài nữa, bởi ông đã được rất đông đảo dân chúng ủng hộ trở lại ». Và đây là cơ hội cho một đột phá chính trị trong nội bộ đảng AKP (Jean-François Pétrouse).

Switch mode views: