Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bà Hillary Lột Xác

Hillary-lotxac

Hillary sẽ chỉ còn một cách duy nhất để hy vọng về lại Tòa Bạch Ốc: là lại lột xác thêm một lần nữa,..

Người ta nói chính trị gia giống như mấy con tắc kè, có khả năng đổi màu da dễ dàng.
Nằm trên cát, nó vàng khè giống cát. Nằm trên cành cây, nó màu xanh lá cây.

Con tắc kè đổi màu da của nó để hoà mình vào môi trường, chính trị gia đổi quan điểm để hoà mình vào khối cử tri.

Tuy nhiên giữa con tắc kè với chính trị gia có sự khác biệt lớn. Con tắc kè đổi mầu để … biến mất, không ai thấy, không bị hại.

Chính trị gia đổi quan điểm để người ta thấy mình rõ hơn, hợp thời thế hơn, và bỏ phiếu cho mình.

Một hình ảnh khá rõ nét: bà Hillary Clinton.

Mới đây, sau khi “âm thầm đóng cửa”, trốn đi tỵ nạn đâu đó một thời gian để tránh né hàng loạt xì-căng-đan, bà đã xuất hiện lại, và… “tưng bừng khai trương” lại lần thứ hai!
Xuất hiện trước cử tri tại Nữu Ước với một bài diễn văn hùng hồn, tóm lược lại chủ đề mới của cuộc tranh cử tổng thống lần thứ hai của bà.

Việc bà “khai trương” cửa tiệm lần thứ hai được coi là cần thiết vì lần khai trương đầu đã thất bại hoàn toàn.
Khi đó bà ra mắt trong một bài diễn văn mà cả thế giới thấy chán hơn cơm nếp nát vì chẳng nói lên được điểm nào, chẳng có gì mới lạ, chẳng giải thích tại sao bà ra tranh cử và tại sao thiên hạ phải bầu cho bà.

Bà bị chỉ trích là hơi quá tự tin, coi như đương nhiên đảng Dân Chủ phải bầu cho bà nên không cần dài dòng lôi thôi, chỉ cần nói chuyện chung chung để khỏi bị hố là được rồi.
Kết quả đã là một thảm hoạ cho bà, bị một cụ già thiên tả cực đoan đánh tả tơi.

Nếu không biết bà Hillary là ai, lần đầu tiên nghe bà nói chuyện qua bài diễn văn mới đây, thì ta có cảm tưởng như bà này là một bà thuộc giới dân lao động đang cổ võ cho một chế độ … xã hội chủ nghiã, tranh đấu sống chết cho dân lao động đang bị trấn lột, bần cố nông đang đói khát, da đen đang bị cô lập trong những khu phố xập xệ, da nâu đang bị bố ráp đuổi ra khỏi biên giới.
Đây là những khối cử tri mà bà Hillary coi là đối tượng hàng đầu.

Thật ra, bà không đích danh nêu những nhóm này như vậy, nhưng bà với tay qua những “dân lao động đứng mỏi giò cả ngày”, “mấy bác tài lái xe tải hàng giờ”, “những y tá phải làm ca đêm”. “những nông dân cầy cuốc để nuôi chúng ta”,…

Bà bắt đầu bằng việc nhắc nhở bị bố mẹ bỏ rơi, làm như bà là một đứa trẻ mồ côi đáng thương. Rồi bà kể khổ, 14 tuổi phải đi làm đầy tớ.

Cuộc sống của bà từ bé đến lớn là một chuỗi gian lao, khổ cực nghiến răng phấn đấu.
Bà không nhắc đến chuyện bà đã theo học tại những trường nổi tiếng nhất, học phí đắt nhất, từ Wellesley College cho tới Yale, rồi đi làm luật sư, rồi Đệ Nhất Phu Nhân Arkansas, rồi Đệ Nhất Phu Nhân Đại Cường Cờ Hoa.

Tuy nhiên, rút tiả bài học mới đây, bà đã không nói đến chuyện bà gần phải khai phá sản sau khi rời Nhà Trắng, khiến cả hai vợ chồng sau đó phải làm việc rất vất vả, đi đọc diễn văn rất nhiều nơi, khổ cực kiếm bạc trăm triệu để trả tiền nhà cửa, điện nước, chợ buá, nuôi con ăn học.

Công bằng mà nói, bà Hillary không phải là người duy nhất bi thảm hoá thời thơ ấu của mình.
Cựu thống đốc Texas, Rick Perry cũng kể lể lớn lên trong một nông trại không có nước máy, phải đi ra giếng múc nước mỗi ngày mấy lần.

Thống đốc Scott Walker phải đi nướng thịt cho McDonald.
Chuyện bình thường. Chẳng lẽ lại khoe tôi là con ông cháu cha thứ thiệt, giàu xụ? Cái màn này, chắc chỉ có ông tỷ phú mát giây Donald Trump mới làm thôi.

Thông điệp mở màn lần thứ hai của bà Hillary là một thông điệp thiên tả rõ nét nhất từ trước đến nay. Chưa bao giờ người ta được chứng kiến một Hillary thiên tả như vậy.

Hiển nhiên là bà Hillary đã lột xác. Quẹo qua bên trái … 90 độ. Biến đổi từ một chính khách tương đối trung dung, có quan điểm ôn hoà tuy hơi thiên tả một chút qua một loại chuyên gia xách động quần chúng làm cách mạng lật đổ thế giới hiện hữu.

Người ta còn nhớ bà là người trước đây đã rất tích cực đi cổ võ cho những chính sách tương đối ôn hoà của ông chồng TT Clinton.

 Bà đã từng công khai xác nhận hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông với một người đàn bà. Bà cũng hoan nghênh chủ trương của TT Clinton chấm dứt chế độ Nhà Nước vú em vĩ đại, vỗ tay hoan hô khi ông chồng tuyên bố “thời kỳ của Nhà Nước vĩ đại đã cáo chung”.

 Bà cũng nhiệt liệt hưởng ứng các hiệp ước thương mại như hiệp ước mậu dịch bắc Mỹ NAFTA do ông chồng bà ký.

Trong cuộc vận động tranh cử hiện nay, bà đã lật ngược quan điểm hoàn toàn, bây giờ quay qua ủng hộ hôn nhân đồng tính, cổ võ trợ cấp, chống luôn hiệp ước Liên Thái Bình Dương TPP do TT Obama đề xướng.

Điều trớ trêu là khi TT Obama mới đưa ra đề nghị về TPP thì bà Hillary còn làm ngoại trưởng và nhiệt liệt ủng hộ ý kiến đó. Tắc kè đổi màu từ hồng nhạt qua đỏ xẫm là vậy.
Chỉ là một bài toán cộng trừ rất giản dị. Bây giờ, khynh hướng thời thượng là hoan nghênh đồng tính, coi như họ là những thần tượng khai phá một hướng đi cởi mở mới cho nhân loại.
Ngày nay ai dám mở miệng chống đồng tính thì sẽ bị thiên hạ nhìn chằm chặp như nhìn khủng long tái sinh.

Về chuyện trợ cấp thì bà Hillary đã nhìn thấy rõ thành quả của chính sách của TT Obama: hiện nay số người nhận trợ cấp đã leo lên mức cao nhất lịch sử Mỹ: hơn một phần ba dân hay 110 triệu người, biết bao nhiêu là phiếu!

Và chuyện TPP thì quá hiển nhiên, tất cả các nghiệp đoàn đều chống thì bà cũng phải chống thôi, cho dù TT Obama đang cố vận động.
Dù sao thì TT Obama cũng chỉ là “lame duck” (vịt què) với... một phiếu thôi.

Việc bà Hillary quẹo qua phiá tả được thúc đẩy bởi hai yếu tố.

Thứ nhất, như cột báo này đã viết nhiều lần, những thành phần đi bầu sơ bộ, đa số là những thành phần cực đoan vì phải cực đoan mới chịu khó đi bầu sơ bộ, vì trong đó có những hình thức không phải là bầu bán giản dị mau lẹ mà còn gồm cả tranh luận, biểu quyết cả chục lần nữa.

Vì yếu tố phức tạp này mà các cuộc bầu sơ bộ thường hay đưa những chính khách cực đoan đến thành công, cực đoan thiên tả bên Dân Chủ, và cực đoan thiên hữu bên Cộng Hòa.
Bà Hillary muốn thắng trong các cuộc bầu nội bộ phải có lập trường thiên tả rõ rệt.

Thứ nhì, bà đang bị tấn công mạnh từ cánh tả của đảng Dân Chủ, đặc biệt là của ông Bernie Sanders.
Cụ thượng nghị sĩ này quả là đặc biệt: ứng viên tổng thống già nhất từ xưa đến nay.

Nếu đắc cử, cụ sẽ 76 tuổi khi tuyên thệ nhậm chức. Đặc biệt hơn nữa, cụ thuộc thành phần cực tả, theo xã hội chủ nghiã của các xứ bắc Âu. Chỉ bước thêm một bước thì cụ sẽ thành... cộng sản.

Khi tuyên bố ra tranh cử, tỷ lệ hậu thuẫn của cụ là dưới 5%. Trong khi bà Hillary được hậu thuẫn của xấp xỉ 70% cử tri Dân Chủ.

Cụ Sanders chủ trương tùng xẻo các đại ngân hàng Wall Street thành những ngân hàng nhỏ, cấm tỷ phú không được hoạt động chính trị, không cho đại học thu học phí, sỉ vả chế độ tư bản nô lệ đồng tiền, cổ võ cho chế độ hợp tác xã, bênh vực nghiệp đoàn, chủ trương tăng mức thuế lợi tức tối đa lên tới hơn 90%,…

Rõ ràng thành phần cử tri của ông già Sanders là những tay xách động cực tả “Occupy Wall Street” trước đây, bây giờ đã tìm ra người có thể nhẩy ra khua chiêng gõ trống cho họ, sau một thời gian bị thất thế.

Quan điểm của ông Sanders là quan điểm cấp tiến cực đoan nhất mà thiên hạ nghe được từ gần nửa thế kỷ qua.

Quan điểm cấp tiến đã bị TT Reagan đánh bại hoàn toàn đến độ tất cả các chính trị gia, kể cả TT Clinton phải tránh né cho xa khi ông ra những luật cắt giảm trợ cấp và tuyên bố thời buổi của Nhà Nước vú em đã cáo chung.
Nhưng trong vài năm qua, tư tưởng cấp tiến đã được TT Obama phục hồi lại mạnh mẽ, đưa đến sự tái sinh của ông Sanders. Và sự thành công bất ngờ của ông.

Trong hai cuộc đầu phiếu bán chính thức tổ chức trong nội bộ đảng Dân Chủ tại Iowa và Wisconsin, ông Sanders đã khiến cả thế giới kinh ngạc và bà Hillary xém... tắc thở.
Tại Iowa, bà Hillary thu được 41% phiếu, ông Sanders 31%; và tại Wisconsin, bà Hillary được 49%, ông Sanders 41%, cách nhau có một chục điểm so với cách biệt 65 điểm mới cách đây hai tháng.

Rõ ràng là bà Hillary mất sơ sơ có từ 15 đến 25 điểm, trong khi ông Sanders thu thêm từ 25 đến 35 điểm.
Mà ta còn tới 8 tháng nữa mới đến cuộc bầu sơ bộ đầu tiên. Theo cái đà này thì cái ngai hoàng hậu của bà Hillary sẽ chỉ còn có hai chân.

Ở đây, ta thấy rõ những xì-căng-đan mới đây của bà Hillary liên quan đến các vụ emails và gây quỹ cho Clinton Foundation cũng như cách kiếm tiền của hai vợ chồng Clinton đã có ảnh hưởng khá tai hại cho bà Hillary.

Báo chí mới khui một chuyện đáng suy nghĩ. Bà Hillary đi đọc diễn văn gây quỹ cho Hội Hướng Đạo Mỹ, tính tiền đọc diễn văn một tiếng là 200.000 đô.
Hội Hướng Đạo toàn là đám trẻ con tiểu học và trung học, nhưng cũng chẳng làm bà Hillary động lòng trắc ẩn, nhẹ tay hơn.

Vẫn đúng giá, miễn trả giá! Bà đến nơi đọc bài diễn văn xong lên xe ra về. Hết chuyện.
Hội Hướng Đạo, sau khi trừ chi phí và tiền diễn văn, còn gây quỹ được chưa tới 100.000 đô, nửa số tiền trả cho bà Hillary.

Trước đó vài năm, bà Condolizza Rice, cựu Ngoại Trưởng của TT Bush, cũng được mời đọc diễn văn tại Hội Hướng Đạo này. Bà được trả thù lao 60.000 đô.
 Bà Rice đến đọc diễn văn, lãnh chi phiếu rồi tặng lại ngay cho Hội Hướng Đạo, rồi bỏ nguyên ngày sinh hoạt với các hướng đạo sinh.
Với bà Rice, Hội Hướng Đạo kết số kiếm được hơn 250.000 đô. Sự khác biệt giữa hai bà ý nghiã như thế nào, không cần bàn thêm.

Nhưng hiển nhiên là những xì-căng-đan này không phải là nguyên do đưa đến sự tuột dốc nguy hiểm của bà.

Nguyên do chính vẫn là những đòn của ông Sanders. Ông này ra tay không nhẹ nhàng gì. Đả kích bà Hillary là nô lệ của tiền bạc, tham lam quá mức, tráo trở, đã đánh mất niềm tin của dân chúng, không xứng đáng vai trò lãnh đạo quốc gia.

Sự thành công của ông Sanders đã lay tỉnh bà Hillary, nhất là nhìn vào kết quả hai cuộc biểu quyết tại Iowa và Wisconsin.
Con đường hoan lộ bất ngờ đầy đá lởm chởm. Bà chợt thấy bị đe dọa thật sự và bắt buộc phải chống đỡ bằng cách quẹo qua trái, với ý muốn dành lại khối cử tri cột trụ của đảng Dân Chủ.

Bà Hillary kỳ vọng rất nhiều vào khối cử tri đã mang Obama vào Nhà Trắng: gồm có dân da màu, phụ nữ và giới trí thức thiên tả.
Dĩ nhiên với sự phụ họa của truyền thông dòng chính.

Nhưng cho đến nay, người ta có cảm tưởng bà Hillary còn phải vất vả lắm mới huy động được khối cử tri này.

Trong ngày bà ra mắt lần thứ hai tại New York vừa qua, để ý chút xíu là thấy ngay sự khác biệt với những mít ting của ứng viên Obama trước đây.
Thành phần dân chúng đứng phất cờ hò hét hoan hô bà thấy giống như một mít ting của nhóm... Tea Party!
Hầu hết là các ông bà Mỹ trắng trung niên. Không có bao nhiêu dân da đen, dân Mễ, dân Á. Cũng vắng bóng sinh viên, thanh niên, và các cô.

Bà Hillary không phải là da đen nên không thu phiếu dân da đen một cách tự nhiên như TT Obama.

Dân da đen cũng không quên bà đã đánh Obama của họ như thế nào năm 2008.
Bà là bà lão ở tuổi cổ lai hy, khó có thể được hậu thuẫn của giới trẻ. Bà là triệu triệu phú, sở hữu ba cái nhà khổng lổ bạc triệu, và từ gần 40 năm nay, tức là từ ngày ông chồng đắc cử thống đốc Arkansas, thì luôn luôn đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, ăn trên ngồi trước, khó mà có thể vỗ ngực khoe là luôn tranh đấu cho dân thấp cổ bé họng.

Bà chủ trương phá thai dễ dàng cũng chỉ thu hút được phiếu của giới phụ nữ trẻ ham vui, chứ đại đa số các bà có gia đình không hồ hởi lắm với chuyện phá thai.
Bà bám víu vào khối cử tri gốc Nam Mỹ bằng cách hô hào ân xá thật sớm thật nhiều, nhưng họ nhìn lại thấy 8 năm Clinton làm tổng thống đã chẳng giúp gì họ, đến độ ông đệ tử ruột, thống đốc Bill Richardson gốc Mễ của New Mexico, đã xé rào nhẩy qua ủng hộ Obama năm 2008.

Đây là một nan đề rất đáng lo ngại cho bà Hillary. Không có khối cử tri của Obama, bà Hillary không có cách gì chiến thắng được.

Đã vậy, truyền thông dòng chính thời gian qua đã đánh bà Hillary khá nặng, mà những trận đòn hội đồng này lại được hai tờ báo cấp tiến lớn nhất nước dẫn đầu, là Washington Post và New York Times.

 Dĩ nhiên hai tờ báo này cũng đánh mấy ông bà Cộng Hòa ra trò. Nhưng dù sao thì thái độ của truyền thông cấp tiến đối với bà Hillary khác hẳn đối với Obama trước đây.
Không có một chủ bút nào của Newsweek gọi bà là “God”. Không có một anh bình luận gia nào của MSNBC mừng rỡ cho là mình đã có phúc lớn sinh đúng lúc để được bà cứu rỗi.
Nhìn vào sự “thành công tài chánh” của hai ông bà Clinton, việc bà ra tranh cử như một người bênh vực dân nghèo và dân lao động, nghe có phần chéo cẳng ngỗng và thật khó tin.
Nhất là khi danh sách những “mạnh thường quân” yểm trợ tiền cho Quỹ Clinton Foundation có hầu như đầy đủ hết các đại ngân hàng, từ Bank of America tới Deustch Bank của Đức, hay UBS của Thụy Sỹ.

Đó cũng là một khó khăn cho bà Hillary. Làm sao lấy được niềm tin của cử tri khi mà hiện nay, hơn một nửa dân Mỹ cho là bà Hillary không lương thiện và không đáng tin.

Cuộc vận động tranh cử dưới chiêu bài tranh đấu cho dân nghèo chỉ làm tính giả dối có vẻ lộ liễu hơn, do đó tăng thêm sự nghi ngờ của cử tri thôi.

Ở đây, ta cũng thấy chuyện đáng nói là bà cựu ngoại trưởng ra tranh cử tổng thống mà lại tuyệt đối im lặng về các vấn đề đối ngoại, về những vấn đề lớn như đối phó với Nga tại Ukraine, đối phó với Tàu tại Biển Đông, và quan trọng hơn cả, đối phó với khủng bố và đám ISIS đang lộng hành.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì chính sách đối ngoại của TT Obama mà bà Hillary đã chủ trì hơn 4 năm chỉ là một chuỗi dài thất bại, cho dù bà đã ngồi tàu bay cả triệu dặm.

Cụ thể mà nói, bà ngoại trưởng Hillary đã không có được bất kể một thành quả đối ngoại nhỏ nhoi nào để mang ra bày hàng tranh cử.
Cái vấn đề đối ngoại quan trọng nhất trong cuộc tranh cử vì sẽ được đối thủ Cộng Hòa khai thác tới chết lại là vụ Benghazi, mà cho đến nay, bà vẫn chưa giải thích một cách rõ ràng và thỏa đáng được.

Đây cũng là một khiá cạnh khác của sự lột xác: từ ngoại trưởng biến thành một nhà tranh đấu cho dân lao động.

Nói cho cùng, ông Sanders chẳng thể nào là một đe dọa thật sự cho bà Hillary. Ông này có thể có được ít nhiều hậu thuẫn cục bộ tại các vùng bắc và đông bắc, nhưng trên tầm vóc cả nước, ông không có một mảy may hy vọng nào có được vài ba phiếu của các vùng bảo thủ miền nam và miền trung.

 Cho dù ông này trúng số độc đắc, hạ được bà Hillary để ra tranh cử cùng với ứng viên Cộng Hoà thì ông cũng sẽ bị hạ đo ván dễ dàng, giống như năm 1972, khi đảng Dân Chủ đưa ông thiên tả cực đoan George McGovern ra tranh cử, bị Nixon đè bẹp dúm.

Nhìn chung, cái ghế của bà Hillary vẫn vững như bàn thạch trong đảng Dân Chủ.
 Dù vậy cái tai hại của ông Sanders là đã ép bà vào một thế thiên tả hơi nặng, sẽ khiến cho bà khó kiếm được phiếu của đại đa số khối cử tri độc lập ôn hòa.

Khi đó, bà Hillary sẽ chỉ còn một cách duy nhất để hy vọng về lại Tòa Bạch Ốc: là lại lột xác thêm một lần nữa, chuyển hướng về phiá bảo thủ, bớt thiên tả cực đoan hơn.

Khi đó ta sẽ nghe bà đổi bài hát, vỗ ngực tự xưng là tranh đấu cho khối trung lưu –middle class-, không còn tranh đấu cho giới lao động nghèo mạt nữa.
Con tắc kè sẽ lại phải đổi màu lần nữa, từ đỏ đậm đổi qua hồng nhạt lại, sau khi đã hạ đo ván ông Sanders và tất cả các đối thủ trong nội bộ đảng Dân Chủ. (21-06-15)

Switch mode views: