GREXIT : Thiệt hại nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone
- Thứ Tư, 24 tháng Sáu năm 2015 02:43
- Tác Giả: Thanh Hà
Không ai muốn Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro.
Reuters
Dù viễn cảnh Athens phải từ bỏ đồng euro tạm được đẩy lui, nhưng từ khi đảng Syriza lên cầm quyền tại Athens cuối tháng 1/2015, giả thuyết Hy Lạp phải chia tay với khu vực đồng euro thường xuyên được nhắc tới.
Trên thực tế, cả châu Âu lẫn Hy Lạp cùng không muốn kịch bản đó xảy ra. Bởi cả Hy Lạp lẫn các chủ nợ đều phải trả giá đắt.
Nếu như Athens không đạt được đồng thuận với các chủ nợ và phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 30/06/2015 thì đâu là những hậu quả tai hại đầu tiên đối với 12 triệu dân Hy Lạp ?
Tác động đầu tiên là đối với ngành tài chính, ngân hàng Hy Lạp. Athens chưa bị coi là mất khả năng thanh toán, thủ tướng Alexis Tsipras còn đang chạy nước rút để trình cho bộ ba các chủ nợ - Liên Hiệp Châu Âu,
Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lộ chương trình cải tổ, để được giải ngân 7,2 tỷ euro, nhưng từ nhiều tuần qua, dân Hy Lạp đã ò ạt rút tiền khỏi nhà băng.
Quan tâm hàng đầu của người dân xứ này là các ngân hàng có còn tiền để vận hành một cách bình thường hay không.
Càng đến gần hạn chót Athens phải thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF thì người dân Hy Lạp càng rút nhiều tiền tiết kiệm khỏi các ngân hàng.
Nội trong ngày 19/06/2015 khi kịch bản GREXIT- chữ ghép của GRECE và EXIT – đang cận kề, gần 2 tỷ euro được rút khỏi các nhà băng.
Thống kê chính thức của Ngân Hàng Trung Uơng Hy Lạp cho thấy 30 tỷ được rút từ các ngân hàng trên toàn quốc trong thời gian từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 4/2015.
Cùng thời kỳ, các khoản ký gởi vào ngân hàng đã giảm mạnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu như các ngân hàng của Hy Lạp sụp đổ ?
Hậu quả trực tiếp thứ nhì, theo thẩm định của viện thống kê châu Âu, Eurostat, về lâu dài 10 % tổng sảm phẩm nội địa của Hy Lạp sẽ không cánh mà bay.
Nhưng hậu quả tai hại nhất là trong năm đầu tiên, khi quay lại với đồng tiền cũ, mỗi đầu người phải trả giá hơn 10.000 euro do tác động trực tiếp nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro.
Đơn giản do Hy Lạp luôn trong tình thế nhập siêu so với các đối tác châu Âu. Đồng tiền thay thế cho đồng euro sẽ bị mất giá từ 50 đến 70 % so với đơn vị tiền tệ của châu Âu.
Điều đó sẽ khiến hàng nhập vào thị trường Hy Lạp thêm đắt đỏ. Lạm phát ước tính tối thiểu lên tới 30 %.
Mãi lực của 12 triệu dân Hy Lạp đã giảm đi mất ¼ kể từ năm 2008, có nguy cơ lại càng bị thu hẹp lại.
Giáo sư kinh tế Jacques Sapir, giám đốc trường cao đẳng EHESS Paris tuy nhiên không quá bi quan khi ông cho rằng, nếu Hy Lạp phải ra khỏi khối euro, lập tức lạm phát của Hy Lạp gia tăng khi quốc gia này phải quay lại với đồng tiền cũ là đồng drachme.
Kéo theo đó là những hậu quả tai hại về mặt xã hội. Nhưng đồng thời, Athens sẽ phải phá giá đồng tiền và đó có thể là một cơ hội để Hy Lạp đẩy mạnh xuất khẩu nông phẩm sang các thị trường khác như các nước vùng Balkans hay Trung Đông.
Với một đồng tiền bị mất giá Hy Lạp chắc chắn lài càng là một địa điểm du lịch hấp dẫn hơn nữa.
GREXIT và thiệt hại đối với dân Pháp ?
Đối với Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, nếu Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng drachme thì đâu người Pháp bị thiệt hại những gì ?
Cần biết là tới nay, 18 thành viên còn lại trong khối euro đã huy động 200 tỷ để hỗ trợ thành viên yếu kém nhất là Hy Lạp.
Nhìn chung nếu kịch bản GREXIT xảy ra, GDP của toàn khu vực đồng euro bị giảm đi mất 2 điểm.
Vấn đề đặt ra là nếu từ bỏ đồng euro, Hy Lạp sẽ không thể thanh toán nợ đã đi vay bằng đồng euro cho Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu hay IMF.
Pháp tới nay đã cho Hy Lạp vay 68 tỷ euro. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải hứng chịu khoản thiệt hại 68 tỷ đó.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế IESEG trường quản trị Lille, miền bắc nước Pháp, ông Eric Dor giải thích : năm 2010 chính phủ Pháp đã cho Hy Lạp vay 11,39 tỷ euro.
Hai năm sau Paris lại tham gia vào Quỹ Ổn định Tài chính Châu Âu FESF 31,02 tỷ.
Ngoài ra nước Pháp còn đóng góp cho Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu hơn 26 tỷ cũng để hỗ trợ Hy Lạp.
Về phần mình Thống đốc Ngân hàng trưng ương Pháp, Christian Noyer đưa ra một con số cụ thể hơn.
Theo đó nếu Athens mất khả năng thanh toán, mỗi người dân Pháp coi như bị mất trắng từ 1.000 đến 1.200 euro.
Câu hỏi kế tiếp là vậy liệu chính phủ Pháp sẽ có tăng thuế của dân để bù đắp lại khoảng thiệt hại 68 tỷ euro hay không ?
Giới phân tích cho rằng, dù muốn hay không Paris cũng phải chia sẻ gánh nặng của Athens.
Mất 68 tỷ euro sẽ đè nặng thêm lên núi nợ 2.000 tỷ của nước Pháp
Không chỉ có Pháp, mà các thành viên khác trong khu vực đồng euro từ Đức đến Ý hay những nền kinh tế yếu kém hơn như Tây Ban Nha cũng sẽ bị thiệt hại không kém.
Tác động thứ ba, là nếu nợ công của Pháp gia tăng, Paris sẽ phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn so với hiện tại.
Một câu hỏi khác được đặt ra là nếu Hy Lạp ra khỏi khối euro, thì đồng tiền chung châu Âu liệu sẽ có mất giá so với đô la hay không ?
Trước mắt tất cả đều nhìn nhận là giả thuyết GREXIT, đồng euro sẻ rơi vào một chu kỳ đầy bất trắc. Đó là điều tối kỵ đối với các nhà đầu tư.
Điểm son duy nhất trong kịch bản đen tối này, là các ngân hàng Pháp hiện nắm giữ rất ít nợ công Hy Lạp.
Tính tới cuối năm 2014, các ngân hàng Pháp chỉ kiểm soát có hơn 1,3 tỷ nợ công của Athens.
Con số này đã được giảm đi đáng kể so với 50 tỷ cách nay 5 năm.
Tin mới
- Chính sách ngoại giao « đu dây » của Cam Bốt - 03/07/2015 14:57
- Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc : Chiêu mới để thôn tính Biển Đông ? - 02/07/2015 15:09
- VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG : HÒA HAY CHIẾN ? - 30/06/2015 23:25
- Qua bài học Achentina, Hy Lạp không hoàn toàn tuyệt vọng - 30/06/2015 19:02
- Merkel sẽ bị lịch sử phê phán nếu Châu Âu bỏ rơi Hy Lạp - 29/06/2015 16:23
- Ai mua nhà ở Hoa Kỳ? - 27/06/2015 00:16
- NATO và Nga bên bờ một cuộc Chiến tranh lạnh mới ? - 25/06/2015 19:45
- Con đường tháo chạy của đại gia đỏ - 25/06/2015 06:21
- Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hoa Kỳ nói lên điều gì? - 25/06/2015 05:38
- Bà Hillary Lột Xác - 24/06/2015 20:08
Các tin khác
- Đàng sau các cuộc chiến bí hiểm của Mỹ - 23/06/2015 19:07
- Biển Đông : Vì sao Trung Quốc dịu giọng ? - 23/06/2015 15:03
- Đối mặt với làn sóng di dân, Liên Hiệp Châu Âu ngăn đường chận biển - 22/06/2015 18:46
- Hồng Kông : Trung Quốc dùng « quần chúng » để chống phe Dân chủ - 20/06/2015 15:45
- Châu Âu đau đầu vì thanh niên tham gia thánh chiến - 18/06/2015 14:57
- Đọc Báo Mỹ - 17/06/2015 16:06
- Biển Đông sẽ lại khuấy động hợp tác Việt-Trung - 16/06/2015 22:15
- Giải trừ hạt nhân nhưng canh tân vũ khí - 15/06/2015 18:16
- Du lịch Trường Sa : Sáng kiến thận trọng nhưng hàm chứa rủi ro - 15/06/2015 16:12
- Bỏ tù Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình thêm thù bớt bạn - 12/06/2015 16:08