Điểm Báo Pháp Quốc ngày 10-01-2014
- Thứ Sáu, 10 tháng Giêng năm 2014 20:39
- Tác Giả: Terri Dinh
Pháp : Ranh giới giữa tự do ngôn luận và kích động hận thù
Dieudonné M'bala M'bala tới tòa hình sự Paris, ngày 13/12/2013, nơi diễn viên này bị xét xử vì tội danh nhục mạ và báng bổ các thành viên của một sắc tộc hay một tôn giáo.
(DR)
Sự kiện cuộc biểu diễn của diễn viên tấu hài Dieudonné tại thành phố Nantes bị Tham chính viện cấm vào phút chót, khi cả ngàn người đang xếp hàng chờ vào xem tối qua, đã gây nhiều phản ứng mạnh và trái ngược trong báo chí Pháp hôm nay 10/01/2014.
Libération chạy trên trang nhất hàng tựa « Hạ màn (cuộc biểu diễn) thù hận », « Valls (Bộ trưởng Nội vụ) đạt được việc cấm Dieudonné » là hàng tựa chính của Le Figaro.
Tờ l’Humanité cảnh báo « Những nguy cơ của một lệnh cấm », trong khi đó La Croix cân nhắc : « Những bất trắc của hành động khiêu khích ».
Vụ diễn viên tấu hài Dieudonné liên quan đến các trình diễn nghệ thuật có các biểu hiện bài Do Thái hay kỳ thị chủng tộc nói chung, một lần nữa lại đặt ra nhiều câu hỏi ám ảnh công luận Pháp: Nên cấm đoán và « kiểm duyệt » trước hay nên trừng phạt sau khi những hành động truyền bá thái độ kỳ thị chủng tộc đã xẩy ra ? Những hành động được coi là kích động thù hận được lặp đi lặp lại cần được pháp luật trừng phạt thế nào ?...
Bài « Vào 18 giờ 40, tư pháp ra quyết định cấm buổi biểu diễn của Dieudonné » của Le Figaro cho biết, Tham chính viện (Conseil d’Etat) – cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong địa hạt tư pháp hành chính – đã ra một quyết định ngược lại với truyền thống lâu nay tại Pháp là « ưu tiên tự do ngôn luận so với nguy cơ gây rối trật tự công cộng ».
Trước vụ này, các tòa án hành chính cấp địa phương đã từng bác bỏ hơn một chục đề nghị cấm các buổi biểu diễn của Dieudonné. Một lý do khác khiến Tòa án hành chính tối cao ra quyết định này, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, là việc này « xúc phạm đến phẩm giá con người ».
Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro có bài « Hôm nay, người ta cấm Dieudonné. Ngày mai sẽ cấm ai ? ». Bài viết mô tả thái độ tức giận của những khán giả đang đợi vào xem cuộc biểu diễn.
Le Figaro thuật lại « cuộc đọ sức từ ba tuần nay » giữa Bộ trưởng Nội vụ và diễn viên tấu hài nói trên (vừa mới đây diễn viên Dieudonné khởi sự một loạt các khiếu kiện nhắm vào các phát biểu Bộ trưởng Nội vụ và một số nhật báo : Le Monde, Le Figaro, hay đài truyền hình France 2, BFMTV...) .
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Tòa án hành chính Nantes bật đèn xanh cho buổi biểu diễn của Dieudonné, nhưng chỉ ít giờ sau đó, Tòa án hành chính tối cao ra quyết định ngược lại, theo đề nghị của chính phủ.
Báo Libération nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Tham chính viện Pháp ra quyết định cấm đối với một cuộc biểu diễn bị cáo buộc « bài Do Thái » ; Dieudonné là một diễn viên « phân biệt chủng tộc » và « bài Do Thái ».
Theo Libération, nền Cộng hòa « trước hết cần phải tự vệ chống lại các độc dược chính từ nơi mà chúng được truyền tới », vì vậy Tổng thống và Bộ trưởng Nội vụ « có lý khi chống lại Dieudonné ».
Tuy nhiên, tờ báo cũng ghi nhận những người hâm mộ diễn viên tấu hài này có thể coi quyết định của tư pháp « là một hành động kiểm duyệt ».
Chính vì vậy, quyết định nói trên có thể « biến diễn viên tấu hài độc miệng này trở thành một người hy sinh cho quyền tự do ngôn luận ».
Đây cũng là nhận định của tờ báo cộng sản l’Humanité (bài "[Những] chiếc bẫy" trong mục "Le bloc-notes" của Jean-Emmanuel Ducoin – Tổng biên tập), « Bộ trưởng Nội vụ tin rằng sử dụng các giá trị của nền Cộng hòa để củng cố cánh tả bằng cách gia tăng hình ảnh của mình, nhưng ông đã đặc biệt củng cố hình ảnh của diễn viên hài này. (…)
Trong nhà nước pháp quyền của chúng ta, về phương diện tự do công cộng, bộ máy Nhà nước chỉ có quyền trấn áp sau khi sự việc (phạm pháp) đã xẩy ra, chứ không thể làm trước ».
Vụ Dieudonné : "Thắng lợi mong manh" của Bộ trưởng Nội vụ và sự thiếu hiểu biết của công chúng
Le Figaro cho rằng quyết định của Tòa án hành chính tối cao mang lại « một thắng lợi mong manh » cho Bộ trưởng Nội vụ. Tờ l’Humanité thì ngờ rằng Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã sử dụng thái quá các can thiệp hành chính trong lĩnh vực ngôn luận và nhận định đây là « một cuộc chơi nguy hiểm », tạo cớ cho phe cực hữu lên tiếng. Về phần mình, bài xã luận báo Công giáo La Croix bình luận « quyết định hành chính không phải là giải pháp. Nếu lời lẽ của Dieudonné phạm luật (…), ông ta cần phải bị xét xử. » La Croix khuyến cáo : « Những diễn viên tấu hài chuyên nghiệp cần phải có trách nhiệm với các lời nói của mình ».
Le Figaro dẫn lại kết quả điều tra dư luận của CSA, theo đó số người ủng hộ quyết định cấm buổi biểu diễn của Tham chính viện chỉ nhỉnh hơn một chút so với số người phản đối : 52% so với 48%. Việc buộc tội Dieudonné không dễ được đông đảo công chúng chấp nhận, vì còn rất nhiều người – đặc biệt là giới trẻ - không coi các hành vi mang tính biểu tượng của ông ta trên sàn diễn là kích động thù hận hay bài Do Thái. Bài phóng sự của Libération mang tên « Tôi chưa bao giờ hiểu được động tác của Dieudonné (la quenelle) có phải là bài Do Thái hay không » cho thấy điều này. Nhiều thanh niên đồng nhất các cử chỉ của Dieudonné với thái độ phản kháng chống lại « hệ thống quyền lực » hiện hành, thậm chí còn bắt chước khi không hề hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của các cử chỉ này.
Thay đổi chiến lược an ninh quốc phòng : « Nhật Bản đang bước trên những trái trứng »
Nhìn về Châu Á, Le Figaro chú ý đến những thay đổi mới đây trong chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản đối mặt với Trung Quốc đang lên, qua bài « Nhật Bản tăng cường vị thế chiến lược ». Le Figaro ghi nhận những thay đổi lớn : việc thành lập Hội đồng an ninh quốc gia đầu tháng 12, ngân sách quân sự lần đầu tiên tăng trở lại sau một thập kỷ… Tuy nhiên, vấn đề trung tâm mà tờ báo nhấn mạnh là việc Nhật Bản xem xét lại Hiến pháp, được xác định là « mang tính chủ hòa ».
« Nhật Bản đang bước đi trên những trái trứng cả trong nước lẫn với bên ngoài » là nhận xét của Le Figaro. Bên trong, dư luận Nhật Bản rất ngờ vực đối với tất cả những gì đụng đến Hiến pháp, khiến Thủ tướng Nhật phải giảm tốc trong lịch trình hành động. Bên ngoài, các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các nước Đông Bắc Á, lo ngại các động thái của giới cầm quyền liên quan đến các cuộc viếng thăm ngôi đền Yasukuni, nơi có thờ vong linh các tội phạm Thế chiến Hai.
Le Figaro có cuộc phỏng vấn với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, nhân cuộc đối thoại chiến lược Nhật-Pháp. Phỏng vấn mang tựa đề : « Fumio Kishida : Chúng tôi không từ bỏ học thuyết hòa bình ».
Cuộc chiến chống Al-Qaeda tại Irak khiến Mỹ và Iran gần nhau hơn
Về thời sự quốc tế, những thay đổi trong quan hệ Hoa Kỳ với Iran là chủ đề phân tích của Le Monde qua bài « Cuộc tấn công chống lực lượng Sunni tại Irak khiến Washington và Teheran trở nên gần hơn ».
Cuộc tấn công của lực lượng Sunni thân Al-Qaeda vào Fallouja (Irak) có một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Sự biến này nhắc lại các nỗ lực vô cùng lớn của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Irak cách đây 10 năm. Tháng 11/2004, quân viễn chinh Mỹ đã chiếm được thành phố Fallouja, lúc đó cũng do quân nổi dậy Sunni nắm giữ. Đây được coi thắng lợi lớn nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến kéo dài tại Irak. Tổn thất nhân mạng là vô cùng lớn : 4.000 binh sĩ tử trận trong trận chiến, được coi là khốc liệt nhất của Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Việc Al-Qaeda chiếm được Fallouja là dịp dư luận Mỹ đặt lại câu hỏi về ý nghĩa của những hy sinh vô cùng lớn của người Mỹ cho cuộc chiến này, đúng vào thời điểm nhạy cảm khi chính quyền Obama đang rút dần binh lực và tài lực ra khỏi khu vực Trung-Cận Đông, để thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương.
Đe dọa của Al-Qaeda buộc Washington phải cải thiện quan hệ với Nga và đặc biệt là Iran. Teheran đã đưa ra đề nghị cung cấp binh sĩ cho Bagdad chống phe Hồi giáo Sunni thân Al-Qaeda. Một cựu lãnh đạo Hội đồng an ninh tối cao Iran nói Iran và Hoa Kỳ "ngày càng có nhiều lợi ích chung". Xu thế gần gũi hơn giữa Iran và Hoa Kỳ khiến Ả Rập Xê Út, cường quốc bảo trợ hệ phái Hồi giáo Sunni phải cảnh giác. Ả Rập Xê Út – đồng minh của Hoa Kỳ tại khu vực - lo ngại quan hệ với Washington sẽ suy giảm, nhất là khi Hoa Kỳ tự túc được về năng lượng.
Hoa Kỳ lo ngại tình báo Trung Quốc xâm nhập Hàn Quốc qua tập đoàn Hoa Vi
Về kinh tế thế giới, Le Monde chú ý đến cuộc chiến dịch vừa khởi sự của ngành ngoại giao Mỹ nhằm ngăn chặn đà lấn tới của tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) tại Hàn Quốc (trong bài viết « Washington muốn ngăn cản Hoa Vi tại Seoul »).
Vào tháng 10/2013, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc đã trúng thầu của một công ty Hàn Quốc lớn, trong việc xây dựng một mạng dịch vụ điện thoại-internet 4G LTE tại Seoul. Đầu tháng 12/2013, Chủ tịch Ủy ban an ninh Thượng viện Mỹ báo động về nguy cơ tình báo Trung Quốc xâm nhập Hàn Quốc qua dịch vụ do Hoa Vi thiết kế. Ngày 03/01/2014, nghị sĩ Cộng hòa John McCain lo ngại hợp đồng này « có thể là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ ».
Le Monde bình luận, căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và tập đoàn Hoa Vi không phải là mới. Hoa Vi đã có các hợp đồng tại các quốc gia đồng minh của Mỹ, như Úc, Anh và Nhật Bản. Nhưng đây là Hoa Vi mới hiện diện tại Hàn Quốc từ hai năm nay và đây là hợp đồng đầu tiên tại nước này.
Bắc Mỹ : Tai nạn vận tải dầu mỏ bằng đường sắt xẩy ra liên tiếp
Liên quan đến kinh tế Bắc Mỹ, phụ trương kinh tế của Le Monde có bài viết đáng chú ý « Các tai nạn trong vận tải dầu mỏ đường sắt xẩy ra liên tiếp ». Bài viết bình luận : những tai họa này là hậu quả của chính sách khai thác các năng lượng phi quy ước, bao gồm chủ yếu là khí đá phiến và dầu cát. Ngày 07/01 mới đây, một chuyến tàu hỏa chở dầu tại Canada gặp hỏa hoạn. May mắn là không có ai thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn thứ năm trong lĩnh vực vận tải dầu mỏ phi quy ước tại Bắc Mỹ trong vòng nửa năm qua. Vụ đầu tiên xẩy ra tại Lac Magantic, Québec, tháng 7/2013, khiến 47 người chết. Ba vụ còn lại xẩy ra tại Hoa Kỳ.
Việc khai thác khí đá phiến và dầu cát tăng vọt tại Hoa Kỳ và Canada, để đáp ứng đòi hỏi tự túc năng lượng, khiến việc vận tải bằng đường sắt tăng lên hơn gấp rưỡi trong thời gian một năm, từ 11/2012 đến 11/2013. Tuy nhiên, hệ thống vận tại đường sắt của hai nước lại không kịp thích ứng với nhu cầu này, trên phương diện bảo đảm an toàn. Ngày 13/12/2013, Bộ vận tải Canada đưa ra chủ trương xếp dầu mỏ vào loại hàng hóa nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington dường như ít chú ý đến lo ngại của phía Canada.
Cuộc gặp riêng của Tổng thống Pháp với Giáo hoàng Phanxicô
Hơn một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống François Hollande sẽ có một chuyến viếng thăm người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Cuộc gặp này thu hút khá nhiều chú ý tại Pháp. Le Figaro đặt câu hỏi trên trang nhất : « Tại sao ông Hollande muốn gặp riêng Giáo hoàng Phanxicô ? ». Tờ báo mô tả cuộc gặp được đánh giá là « muộn màng » này với vẻ hài hước. Tổng thống Pháp, vốn là người có một giáo dục sâu về Công giáo, đã từ bỏ « đức tin » vào năm 18 tuổi. Nhưng một điều chắc chắn trong cuộc gặp vào ngày 24/01 tới (ngày mang tên thánh « Phanxicô » [François de Sales]), hai người sẽ nói đùa về tên của vị « quan thầy » chung của hai người : Thánh Phanxicô…. Bởi Phanxicô hay François là tên riêng của Tổng thống Pháp và cũng là tên hiệu của Giáo hoàng đương nhiệm.
Một điều chắc chắn nữa, theo dự đoán của Le Figaro, là cuộc gặp sẽ diễn ra một cách thân mật, nghi thức được giảm tối đa, để nhường chỗ cho đối thoại mang tính riêng tư nhiều hơn giữa Tổng thống Pháp đảng Xã hội (un président socialiste) và vị Giáo hoàng (un pape social), có thiên hướng về các vấn đề của xã hội, « có thái độ rất phê phán nhắm vào chủ nghĩa tư bản và giới tài phiệt ». Hành trình cuộc đời của Tổng thống Pháp, xuất thân từ gia đình theo Công giáo, rồi trở thành một người vô thần triệt để, khiến ông trở thành một người đối thoại rất được quan tâm đối với Giáo hoàng Phanxicô…
Còn theo Le Monde, trong bài « chuyến công du rất ngoại giao của François Hollande tại Vatican », hai nguyên thủ sẽ nhấn mạnh đến các vấn đề thời sự quốc tế (như các xung đột tại Trung-Cận Đông hay Châu Phi, nơi Vatican lo ngại cho số phận của các nhóm thiểu số Công giáo) trong cuộc nói chuyện tay đôi chừng một giờ này. Le Monde ghi nhận, thông tin từ giới thân cận với Tổng thống Pháp cho thấy việc ông – một người giữ khoảng cách rất xa với tôn giáo - lựa chọn thời điểm này để đến thăm Giáo hoàng là có chủ đích. Một mặt Tổng thống Pháp tránh được một cuộc gặp với người tiền nhiệm, mặt khác việc chậm trễ này cho phép ông hội kiến được với một giáo hoàng, với phong cách giản dị, đang ở đỉnh cao của uy tín. « Một giáo hoàng bình dị gặp một tổng thống bình dị : hình ảnh tỏ ra phù hợp với hoạt động truyền thông của Phủ Tổng thống ».
Trọng Thành
tags: Kỳ thị - Nghệ thuật - Ngôn luận - Pháp - pháp quyền - Tự do - Tư pháp - Xã hội - Điểm báo
Tin mới
- Nữ hoàng Anh sang thăm Pháp bằng xe lửa - 05/06/2014 19:28
- Chuyện người con trai hiếu thảo ở quận Cam - 31/05/2014 14:31
- Tháng Tư, Xuân Muộn - 28/04/2014 14:41
- Tin buồn Thiếu Tá Phan Ái Quấc từ trần - 10/04/2014 00:43
- Tổng thống Đài Loan chấp thuận đối thoại với sinh viên phản kháng - 25/03/2014 22:49
- Ba cựu nhân viên NSA bị cáo buộc trợ giúp Snowden - 17/02/2014 02:25
- Các cửa hàng CVS ngưng bán thuốc lá - 05/02/2014 23:33
- Sinh viên gốc Việt khắp nơi mừng Tết Giáp Ngọ - 02/02/2014 18:16
- Chợ nổi ngày cuối năm - 25/01/2014 18:27
- Gây sự quá sớm - 11/01/2014 13:34
Các tin khác
- New York bầu thị trưởng mới - 05/11/2013 23:27
- Hiến Pháp mới: lãng nhách, giáo điều, lạc hậu - 25/10/2013 05:22
- Điểm khác biệt giữa con gái Sài Gòn và con gái Hà Nội - 20/10/2013 19:27
- Bình Nhưỡng phát triển liên doanh Kaesong - 19/10/2013 01:36
- Venezuela trục xuất ba nhà ngoại giao Mỹ - 02/10/2013 00:19
- Xe hơi: Người mua kẻ bán (Kỳ 4) - 19/09/2013 01:21
- Thằng Hít Xăng - 08/09/2013 16:50
- Philippines và phe nổi dậy Hồi giáo đạt thỏa thuận chia sẻ tài nguyên - 14/07/2013 22:42
- Người mang thánh giá - 07/07/2013 20:40
- Lễ Độc Lập – thước đo sự thay đổi xã hội Mỹ - 05/07/2013 22:57