Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người mang thánh giá

nguoi mang thanh gia


TÂY NINH 1972

Viên Thiếu tá Tiểu đoàn phó nài nỉ:

- Thưa Trung tá, một lần nữa xin Trung tá xem xét lại tư cách Trưởng ban 2 của Trung úy Nguyễn Xuân Nam.

Viên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/9 thuộc Sư đoàn 5 nhỏ nhẹ:

- Từ ngày tôi về Tiểu đoàn này đến giờ, tôi thấy đây là một sĩ quan rất có khả năng. Lẽ ra, viên sĩ quan ban 2 này phải được bổ nhậm ở những đơn vị có trách nhiệm lãnh thổ như địa phương quân hay nghĩa quân thì hay biết mấy, vì phải nhìn nhận rằng, tuy chúng ta là đơn vị hành quân cơ động nhưng ông ta sắp xếp các lưới tình báo rất chuyên nghiệp và hữu hiệu.

Viên Thiếu tá Tiểu đoàn phó: Điều chính tôi muốn trình Trung tá, không phải những điều ấy, mà tôi xin phép nói thẳng, đây là một sĩ quan vô kỷ luật, vô nhân đạo, đầy ắp máu lạnh…

Viên Tiểu đoàn trưởng nhíu mày: Có thiên kiến lắm không? Tôi đang đọc một bản phúc trình và một lá thư của Nam…

Bỗng viên Tiểu đoàn trưởng đặt tay lên vai người cộng sự ăn chay trường có khuôn mặt đen như củ tam thất, cặp mắt lúc nào cũng như buồn ngủ dưới cặp lông mày đen, rậm rạp trông giống ông Ác trong chùa, nhưng lại có cái tâm nhân hậu như ông Bụt trong những chuyện cổ tích…

- Cậu cứ đọc đi, chúng mình sẽ bàn lại vấn đề này…



Bản Phúc trình:

Kính thưa Trung Tá.

Thi hành khẩu lệnh của Trung tá, tôi làm bản phúc trình này để tường trình về hành động đối xử của tôi với tù binh Bắc Việt, do gợi ý của Thiếu tá Tiểu đoàn phó và để Trung tá hiểu rõ hơn cách làm việc của tôi, tôi xin lần lượt phúc trình các vụ việc cụ thể trong thời gian trước đây một năm (Trong đó có thời gian Trung tá chưa về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn này).

- Ngày 23 tháng 1 năm 1971 Tiểu đoàn hành quân trong khu vực XT, bên kia sông Vàm Cỏ thuộc quận Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa. Đơn vị đụng địch tại ấp Bà Ràng, tôi đã đánh trọng thương một tù binh thuộc Tiểu đoàn cơ động tỉnh Long An. Khi giải giao tù binh này cho chi khu Đức Huệ, chi khu này không nhận, lấy lý do tù binh này bị đánh quá nhiều, tôi đã bị Trung tá Nguyễn Văn Nhung, Tiểu đoàn trưởng tiền nhiệm khiển trách nặng nề.

- Ngày 2 tháng 6 năm 1971 Tiểu đoàn đụng địch tại vùng Lưỡi Câu, biên giới Việt Miên, đơn vị ta bắt được hai cán bộ kinh tài thuộc hậu cần cục R, trong đó có một là nữ. Trong lúc khai thác chiến trường, tôi có ra lệnh lột quần áo của người nữ này để y thị sợ mà phải khai. Tôi đã bị Trung tá Nhung đề nghị phạt 10 ngày trọng cấm xin gia tăng tối đa.

- Ngày 1 tháng 2 năm 1972. Trong thời gian Tiểu đoàn bị vây hãm tại An Lộc. Toán thám báo giao nộp một phụ nữ cảm tình viên Cộng Sản. Tôi đã sắp thành công trong việc tra cung người phụ nữ này, thì tôi bị Thiếu tá Dương Kim Mãng - Tiểu đoàn phó khiển trách và buộc ngưng cuộc điều tra, Thiếu tá cho rằng đây là một người đàn bà điên. Riêng tôi đoan chắc với cấp trên y thị không có triệu chúng gì về bệnh tâm thần cả. Y thị là tiền sát viên Cộng sản? Y thị là mật báo viên? Với sắc đẹp và sự khôn khéo ấy, y thị là cả trăm câu hỏi đối với một sĩ quan ban 2 chuyên nghiệp như tôi.

Kính trình Trung tá thẩm tường.

Trung úy Nguyễn Xuân Nam.

Sau đây là một thư riêng tôi xin gửi đến Trung tá như một lời tâm sự riêng với mục đích duy nhất để Trung tá hiểu rõ hơn một thuộc cấp của Trung tá.



NINH BÌNH 1951

Quê tôi ở miền trung du Bắc Việt, nơi thể nghiệm đầu tiên của cuộc cải cách ruộng đất…

Thật khủng khiếp, ngỡ ngàng và bi thảm, nó làm đảo lộn bao tập quán và trật tự xã hội mang tính truyền thống đã có từ bao lâu đời. Những dồn nén, mặc cảm tự ti, xu thế muốn thay đổi và lối sống quá quắt của giai cấp địa chủ phong kiến đã bùng dậy. Lúc đầu lôi kéo được tuyệt đại dân chúng nghèo đói nhưng rồi như bao nhiêu cuộc cách mạng khác trên thế giới, nó lao vào cái quá đà, và sau đó rơi vào tay một thiểu số, mà cái rực rỡ của buổi bình minh cách mạng tạo cho họ cái ảo tưởng là họ đang độc quyền chân lý, biến cách mạng đang trên đà thành công thành một trào lưu tự cô lập mình và xa rời các sự kiện thực tế, đưa cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân mang đầy tính tình tự dân tộc thành xu thế vọng ngoại, đầy ắp tính giáo điều. Thay vì đáp ứng đúng vào khát vọng và lòng yêu nước cùng những hy sinh vô bờ bến thì nó lại quay lưng, hòa nhập vào cái bóng đen khổng lồ của một thứ chủ nghĩa xã hội kiểu Mao với tất cả bản chất sắt máu, quá khích và tả khuynh triệt để…

Nó xa lạ hoàn toàn với bản chất khoan hòa nhân ái của người Việt nam, và cứ cái đà ấy nó biến và đưa chủ nghĩa Mác không còn là một khoa học tích cực, một học thuyết về thực tại, và thật đáng tiếc, nó không còn được nhìn như một loại triết học về thế giới quan khoa học của giai cấp vô sản nữa.

Trong bối cảnh ấy, gia đình tôi tan nát, ông bà nội tôi bị đấu tố chết, cha mẹ tôi không kịp chôn cất người thân của mình, vội vã ôm chúng tôi xuống tị nạn tại một tỉnh ven biển, một khu Công giáo tự trị, giáo phận Bùi Chu - Phát Diệm…

Hai giáo khu này có lực lượng vũ trang riêng do quân đội Pháp huấn luyện và trang bị võ khí.

Ở đây thế lực của các tăng lữ vượt ra khỏi phạm vi của nhà thờ, các cha xứ đã biến cả một vùng trù phú ấy thành những giáo khu kiểu trại lính với kỷ luật sắt, nửa quân đội, nửa thần quyền. Mỗi giáo dân là một chiến sĩ, mỗi giáo phận là một pháo đài chống lại Cộng sản. Đây là gíao khu toàn tòng.

Lúc đầu mới đặt chân lên vùng đất thánh này, tôi lơ mơ không hiểu lý do gì đã dẫn đến thái độ quá khích của cả hai bên ( Công giáo và Cộng Sản) đối với nhau. Họ quên mất cả chính sách, quên mất cả bản chất tôn giáo và chủ nghĩa để tàn sát và giết hại lẫn nhau không một chút nương tay.

Máu loang đỏ nghị quyết, Chúa ngỡ ngàng trên các Thánh chương.

Tôi quen dần với không khí chống Cộng ngùn ngụt ấy.Tôi quen dần với hình ảnh ông cố đạo người Bỉ, cứ sáng sáng đi chậm chạp dưới dốc cầu Trì Chính, ông như một nhà sư khất thực, đôi mắt dịu dàng, có hàm râu trông như râu của Chúa Jesus, trông ông thoát tục và thân thiết.

Tôi cũng say mê dáng cao cao, lối nói quảng bác, cái chóp đỏ và những bài giảng khúc triết, mang tính thời sự nhiều hơn giáo huấn của Đức Giám mục Lê Hữu Từ…

Tôi quen dần với những tiếng hô “ sát sát” trong những buổi tập diễn của các chiến sĩ tự vệ áo đen. Tôi cũng tò mò và ngạc nhiên khi chứng kiến những buổi lễ làm “Chết phép lành” của cha Hoàng Quỳnh dành cho đội Vệ sĩ cảm tử tại Tiểu chủng viện Phúc Nhạc.

Cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi từ hôm cha Hoàng Quỳnh đến thăm bố tôi…

Cha ngạc nhiên nhìn thấy quyển Thánh kinh đang mở trên bàn. Cha hỏi:

- Nhà cháu ai đọc sách này thế?

- Thưa, cháu.

- Cháu đọc kỹ chưa?

- Thưa, cháu đọc mới được có vài lần.

- Cháu bên Phật, cháu cũng tin có Đức Chúa Trời?

- Thân trình cha, xin cho cháu nói với tất cả tâm ý của cháu.

- Con cứ nói ta nghe.

- Cháu đọc Thánh kinh để tìm nội dung, tìm bước chân tương lai của con người, chứ không tìm niềm tin cha ạ.

Cha Quỳnh có vẻ bối rối;

- Thế con có tin cuốn sách này được viết ra bằng sự dẫn dắt kỳ diệu của Thượng đế hay không?

Tôi không trả lời câu hỏi của cha, tôi nói:

- Con không nghĩ là cuốn sách này là truyện tích kéo dài lâu đời về loài người trong quá trình vươn lên tìm kiếm Đức Chúa Trời không, con không dám tin như vậy. Có điều con cứ thắc mắc mãi, về việc sách ghi chép những bước từng trải của loài người vươn lên tìm Đức Chúa Trời và lần lần cải tiến ý niệm về Đức Chúa theo kinh nghiệm của những thế hệ trước. Trong rất nhiều đoạn của Thánh kinh có chép rằng Đức Chúa Trời phán. Con nghĩ Đức Chúa Trời thực ra không nói như thế đâu, người ta phát biểu tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ tự nhận là của Đức Chúa Trời, chớ thật ra chỉ là những điều người ta tưởng về Đức Chúa Trời mà thôi.

Cha Hoàng Quỳnh quả vừa bản lĩnh vừa nhân hậu, cha thoáng tím mặt rồi vừa xua tay vừa nói:

- Đừng, đừng con, lậy Chúa Jesus, Đức Maria xin cứu chuộc một trí khôn lầm lạc. Đấy đọc Kinh thánh mà không có niềm tin nó tác hại như thế đấy, càng nguy hiểm hơn nếu con không đọc tới nơi tới chốn. Không, không phải như con trẻ và bọn duy lý nói vậy đâu. Đấy là những hoang tưởng, những ngụy tín, kéo Kinh thánh xuống ngang hàng với những sách khác… Con hãy nghe ta nói đây: Kinh thánh là sách chép Đức Chúa trời tự khải thị cho loài người để dậy dỗ và dẫn dắt họ trên Đường Sự Sống. Đấy, chỉ có một chân lý nhất quán như thế thôi.

Cha để tay lên vai tôi, tự nhiên tôi rùng mình:

- Thế con đã tìm được gì trong Thánh kinh nào?

- Thân trình cha, con đã đọc khá nhiều sách trong thư viện giáo xứ, thì quả Kinh thánh là tài sản quý giá hơn hết của loài người. Nó đạt được đủ hai yếu tố mà chưa có một quyển sách nào có được là phổ quát và vĩnh cửu. Nó không còn là của nhà thờ, của Công giáo nữa. Nó là vốn sống của thế gian, túi khôn của loài người. Nó có xuất có xử. Có tồn có dụng. Nó không dừng lại ở việc chỉ khuyên người ta tránh dữ làm lành mà bao quát cả những điều thánh thiện và dung tục. Chỉ tiếc có một điều: Thân trình cha, con nghĩ cuốn sách được viết ra không phải cho người cùng khổ đang khao khát hướng về Chúa vì nó khó đọc quá cha ạ! Nhiều ẩn ngữ quá, nhiều câu người đọc như đứng trước ngã ba đường. Nó gần giống như những câu chân chân giả giả trong bí kíp võ đạo vậy, mà người đọc, hiểu hoặc được mặc khải thì rất hiếm. Còn như coi đó là công việc duy nhất ở trên tòa giảng để giải bầy và truyền dạy thì con xin cha tha tội, con thấy như vẽ rắn thêm chân, đẩy Thượng đế đi xa hơn vào vùng sương mù huyền bí… Từ Kinh thánh tới niềm tin, đến được mặc khải rồi hành động, một quá trình tuy đơn giản bằng phẳng nhưng có một cái gì lấp ló bàn tay con người…

Cha lắng nghe, đôi mắt loáng vẻ kỳ dị. Cũng may vừa lúc ấy bố tôi về đến.

Cha kéo bố tôi ra ngoài vườn sau. Hai người ngồi ngoài đó nói chuyện rất lâu. Lúc tôi mang nồi nước sôi ra châm thêm vào bình trà. Tiếng nói chuyện ngừng bặt, thấy tôi chần chờ muốn nghe lóm, cha chỉ tôi:

- Năm nay nó bao nhiêu tuổi?

Bố tôi nói:

- Mười chín rồi đấy.

Tôi ngạc nhiên, sao bố tôi lại tăng tuổi tôi lên nhiều như vậy.

Cha nói:

- Thanh niên bây giờ khôn trước tuổi, biết đọc và suy nghĩ Phúc âm, tuy non nớt, không căn bản nhưng xem ra còn hơn chúng ta ngày xưa rất nhiều, ngày xưa ông nhớ không, bọn mình ngu ngơ tồng ngồng…
Tôi liếc bố tôi, chiều nay lại uống ở đâu rồi…

Như không có tôi, bố tôi cười khà khà:

- Có lần tôi dẫn ông chui qua bờ ao nhà bà Đông, ông còn nhớ không? Gai tre cào xước cả lưng, ông hỏi: “Đi đâu vậy?” Tôi đưa tay lên miệng: “Suỵt! Đi xem chim!” Ông ngây thơ: “Chim gì mà ở dưới đất vậy?”. Tôi kéo tay ông rồi cứ thế mà bò, qua lùm nhót, tôi chỉ xuống cầu ao, ông nhìn trân trân đỏ mặt rồi lùi dần, tôi còn tham, nấn ná… “Đồ đạo đức giả, trên đời không có thú gì bằng nhìn trộm đàn bà con gái tắm truồng”. Mà tôi cũng không ngờ sao ông lại ác thế, tôi đang say xưa, bỗng nghe thấy ông la bên lùm tre: “Coi chừng thằng Mạnh nó đang nhìn trộm đấy!” Hai hòn giái tôi nó chạy tót lên đầu. Mặt tôi lãnh đủ những nắm bùn của cái Thắm, cái Tỵ. Tôi xấu hổ chui ra “Ông thụi bỏ mẹ mày! Đồ…” Bỗng tôi sáng con mắt lên: “ Mả bố mày đây rồi”. Cái thánh giá to tướng, ông vẫn đeo ở cổ, lúc nãy khi ông chui ra, còn toòng teeng trên đốt tre. Tôi run lên với cảm giác thú vật rồi hiên ngang trở lại cái cầu ao, lần này thì đếch phải bò nữa.

Cái Thắm, cái Tỵ đã mặc xong quần áo. Tôi huơ huơ cây Thánh giá rồi ném về phía chúng nó. Tôi quát to để cho ông ở bên kia hàng rào tre nghe thấy:

- Cả cái thằng này cũng nhòm hĩm của chúng mày đây này!

Kể đến đây bố tôi cười sằng sặc. Cha Quỳnh cũng cười hồn nhiên. Tiếng cười của cha trong veo.

Cha về rồi mà bố tôi vẫn ngồi một mình như một pho tượng. Từ ngày mẹ tôi mất, bố con tôi dồn tình thương cho nhau

- Bố nghĩ gì vậy bố?

- Con ngồi xuống đây, bố có một việc nói với con.

- Việc gì vậy bố?

- Cha Tổng Chỉ huy Tổng bộ tự vệ vừa xin bố để cho con đi theo cha Tổng.

- Sao lạ vậy bố, nhà mình đạo Phật lại không có đức tin, vả lại để lại bố sống quạnh quẽ một mình, làm sao con đi cho đành.

- Bố chỉ lo sự xa cách của cha con mình, còn những điều con nêu trên không cần, tình thế đến mức này, đâu còn phân biệt lương giáo nữa, mà cùng một mặt trận con ạ! Mặt trận bên này và bên kia. bên ta và bên địch. Nhà tràng Phúc Nhạc không cung cấp đủ cán bộ. Việt Minh đang thắng thế, Giáo hội đang ở chân tường. Lớp cán bộ mới không cần trang bị bằng thần học nữa mà chỉ cần lòng căm thù, ý chí chiến đấu một mất một còn.

- Đành rằng Việt minh thì vô thần, quả là họ không có tín ngưỡng thật đấy, nhưng con thấy họ không làm hại đến người lành.

Bố tôi quắc mắt:

- Thế ông bà nội con là những người ác hay sao?

- Con xin lỗi bố. nhưng con chỉ thắc mắc mình và họ không thỏa hiệp được hay sao?… Đạo với Đời, việc ai nấy làm!

- Không chung sống với nhau được đâu con ạ, cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng. Chống lại thì hoặc thua hoặc có cơ may thắng, còn thỏa hiệp thì không bị diệt ngay những tan vỡ từ từ ( bố tôi bắt đầu tái mặt) Con nên nhớ, sách lược muôn thuở của Cộng sản là: Liên kết với kẻ thù phụ để đánh kẻ thù chính, cứ thế như tầm ăn lá, từ từ diệt tất…

Bố tôi ôm đầu:

- Cháy nhà mới ra mặt chuột, bọn Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ là thứ thùng rỗng kêu to.

- Con thấy thày Thích Tâm Châu vẫn đi lại với giáo xứ ?

- Thì cũng chỉ được có mỗi ông sư này, còn tất cả chỉ toàn là bọn già giái non hột ( bố tôi dằn từng tiếng) Bố thấy chỉ có người Công giáo mới có khả năng chống Cộng, còn thì vất đi tất.

- Thế tại sao mình phải nhẩy vào cái vòng tranh chấp của họ?

- Không đứng ngoài được đâu con ạ, Giáo hội đã đùm bọc mình trong những khi thất cơ lỡ vận, gia tộc ta mang nặng một mối thù, ông bà nội con bị đấu tố chết. lẽ nào bây giờ mình không đóng góp. Phải sòng phẳng con ạ…

Bố tôi khóc, đây là lần thứ hai tôi thấy bố tôi khóc, lần đầu là lúc hạ huyệt mẹ tôi…

- Thôi con hiểu rồi, con xin nghe bố, cái sợ của con là bố phải sống một mình, từ nay không có con bên cạnh, bố đừng uống rượu nữa nghe bố.

Rồi tôi cũng khóc, bố tôi lau nước mắt rồi cười vang lên như một người điên. Âm thanh vùa ma quái, vừa thỏa thuê, những uất nghẹn như bật ra từ lâu lắm rồi. Đôi mắt của bố tôi lóe lên những tia hừng hực như đốm lửa âm ỉ lâu ngày, gặp gió cháy bùng.

Tôi đi theo cha Hoàng Quỳnh và làm thư ký riêng cho cha từ ngày ấy…

Hôm đến văn phòng Tổng Bộ tự vệ nhận việc, cha dặn tôi:

- Cha chỉ yêu cầu một điều, nếu các cha bề trên có hỏi thì con trả lời: con có đạo nhé!

Tôi tự ái :
- Sao cha không lấy người trong đạo giúp việc cho cha, con ngoại đạo ngộ lỡ có chuyện gì mang tiếng cho cha

Cha Quỳnh xua tay:

- Đừng khí khái hảo! Cha chúa ghét cái bọn con chiên nịnh hót, làm hư các cha không ai khác là con chiên của mình

“Cha Quỳnh không phải là loại cha răng đen, thuốc lào, thịt chó”. Càng ở gần cha, tôi càng nghĩ như vậy, cha không hiểu rộng nhưng biết nhiều , biết đủ thứ chuyện, cả việc đạo lẫn chuyện đời, tính tình cha có đôi lúc bất thường. Cha không hợp với các cha già bảo thủ, cha căm ghét việc các cha đánh con chiên, cha gay gắt phê phán việc đem chuyện gia đình ra bêu rếu tại nhà thờ. Cha thích bỡn cợt với các cha trẻ cấp tiến “họ ăn nói báng bổ thật nhưng niềm tin của họ thì có cơ sở rất cao, tương lai của giáo hội ở trong tay của các vị ấy đấy!”

Có lần cha nghe ai phàn nàn về việc cha già Thiên dùng roi xua con chiên đi lễ ,cha tím mặt:

- Tại các ông, các bà đấy, cứ nịnh cha lắm vào, cái gì cha cũng nhất, cứ bơm riết rồi cha nào cũng thành Đức Chúa Trời cả thôi.

Đấy là đối với việc đạo, tôi cũng được kề cận bên cha những lần ra Hà Nội, ra Huế gặp Cao ủy Pháp, gặp Thủ hiến Bắc Việt, gặp cả Quốc truởng Bảo Đại, những lần gặp gỡ như vậy cha dung dị, tự tin, tôn trọng đối tượng. Duy có lần gặp Bảo Đại – cha bước ra, mặt buồn buồn, cha bảo:

- Người Nhật thật may mắn có Minh Trị Thiên Hoàng! còn mình ...Ôi! bất hạnh quá! Một quái thai chính trị !

Cha nhổ toẹt trên thềm dinh rồi nắm tay tôi chạy như ma đuổi.

Mấy ngày sau, tôi gặp cha ỏ nhà chung Phát Diệm, cha vẫn còn buồn, cha kéo tôi vào phòng, cha ngồi trầm ngâm, dư âm cái lần gặp Đức vua vẫn còn cấu xé cha...

- Cậu nhìn xem cái phòng này có gì đặc biệt ?

Tôi nhìn quanh quất, chẳng thấy gì, lắc đầu.

Cha đẩy một cái ghế dài… Một khung cửa vừa đủ cho một người, bên kia là cái phòng tối om.

- Đấy! năm 1946 có hai anh em nhà họ Ngô Đình chạy từ Hà Nội vào, Giáo hội hào hiệp đưa tay ra đón, chính tôi đã sai Lê Quang Luật đưa Nhu qua Lào, tương lai đất nước phải có những tay như thế...

Cha lại trầm ngâm: Tiếc rằng bây giờ sự đấu tranh giữa các chủ thuyết còn quá gay gắt, chủ nghĩa Mác tuy làm chủ bản thân nó còn quá kém, chưa đến mức là một khoa học. Tuy vấn đề con người luôn luôn được Mác rao giảng, nhưng trong Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản, Mác đã định nghĩa con người là sự tổng hòa các quan hệ xã hội. Nói một đàng làm một nẻo, khi viết những nguyên lý về duy vật lịch sử thì Mác lại cố tình lờ luôn yếu tố con người mà chỉ xoáy vào vấn đề giai cấp, lấy cớ rằng con người đã tham gia vào đủ mọi việc, đã có mặt trong các nguyên lý cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa rồi.

Thế nhưng, học thuyết của Mác, không phải là không có sức hấp dẫn, không phải là không có tính thực dụng, nó biết gom góp các kẽ hở của duy tâm để bổ túc cho duy vật. Tuy vậy nó quá độc tài, nó quá thiên về con người tập thể để quên mất con người cá nhân, đòi hỏi quá đáng về sự hy sinh bản thân. Nó được tô vuốt ở phương Tây nhưng lại bị hiếp dâm ở phương Đông.

Những vụ thanh trừng đẫm máu ở Diên An, Tứ Xuyên, Thượng Hải đang biến những cái nhìn ban đầu về Mác thành cái nhìn xót xa hoảng sợ.

Còn chủ nghĩa tư bản ư? Tuy cái tiên đoán về chủ nghĩa này đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Mác đã sai lầm nhưng nó vẫn bị tai tiếng về bản chất bóc lột của nó. Khác hẳn với Mác, nó lại duy cá nhân và đánh mất cái tập thể. Khi trở thành đế quốc thì nó lại quá độc ác.

Qua nhiều đêm nói chuyện với Nhu… Cha thấy cái học thuyết của ông ta đang thai nghén quả có thể dung hòa được cái tích cực và tiêu cực của hai lưỡng cực đối kháng này. Chỉ tiếc một điều. Tớ là thày tu, tớ phải cay đắng nhận thấy rằng: Cái đầu của anh chàng này có pha tôn giáo. Tránh kỵ triết học chính trị có pha tôn giáo, nó giống như vá áo không cùng màu vải. Nó biến học thuyết thành hoang tưởng hỗn tạp.
Cha lẫm bẩm: Cần nhất là phải biết làm chủ được những lý thuyết cơ bản.

Tôi nhìn cha: Đôi lông mày đậm dầy này… Vầng trán có những vết nhăn trăn trở này… Cặp mắt và vành môi khát vọng kia, đâu chỉ dừng lại ở bộ áo thày tu: Đen hay đỏ? Cái đầu thông bác kia chỉ ép xác trong cái cổng kín bưng của tu viện, sao không ở chỗ khác kìa?

Tôi sống với cha Quỳnh như vậy đã gần được hai năm.

Quan hệ giữa tôi và cha có cái nhập nhằng dễ thương làm sao! Có lúc thì như cha con. Có lúc như thày trò. Có lúc như đồng đội. Có lúc như bạn bè. Có ai hứng chí lấn lướt một chút, thì người kia cũng chẳng phật lòng, chẳng sợ mất mặt, chẳng sợ phạm thượng.

Cho đến một hôm tôi đang đọc sách trong thư viện giáo xứ thì có cậu bé giúp việc cho cha tìm tôi:
- Thày về gấp, cha Tổng đang chờ.
( Như tôi nói ở trên, tôi đạo Phật, cha dặn dấu không cho ai biết, nên ai cũng tưởng tôi là thày Bốn, thày Năm bên Tiểu chủng viện biệt phái qua giúp việc cho cha)

Về đến văn phòng, không thấy cha tôi đi thẳng xuống nhà riêng. Cha vẫy tay:
- Vào đây, vào đây thụ lộc!

“Lộc” là quà ngon vật lạ, con chiên quý cha thường đem biếu, một dĩa thịt luộc đầy ắp, một dĩa lòng, một tô nhựa mận và một chai rượu nếp cẩm.

Tôi xuýt xoa;

- Chà, mưa dầm gió bấc thế này mà chén thịt chó thì chỉ có sướng mà chết thôi!.

Cha cười:

- Vào đi, vào đi kẻo lạnh

An tọa tôi lại xuýt xoa:

- Bố con nói đùa, cái thú nhất là nhìn trộm đàn bà con gái tắm truồng, nhưng theo con thì chẳng có gì thú bằng chén thịt chó. Hay thịt chó và đàn bà có cái gì gắn bó đến ngũ dục của đàn ông, cha nhỉ?

Cha Quỳng cười thoải mái:

- Bố cậu hôm trước không kể hết cái chuyện ngày xưa ấy…

Cha vừa nhấm nháp vừa kể:
… Sau khi bố cậu chơi khăm tớ. Cái Tỵ, cái Thắm cầm cái thánh giá về ngay nhà tớ. Ôi! Ôi! Lậy Chúa tôi, tớ bị một trận đòn thừa sống thiếu chết và ngay ngày hôm sau tớ bị gửi vào nhà dòng.

Cha cười sảng khoái:

- Ấy nhờ thế mà thành cha đấy!

Khi chai nếp cẩm đã gần hết, Bỗng cha hỏi tôi:

- Tớ hỏi thật nhé, cậu có biết đàn bà là gì không?

- Thưa cha, cứ như Kinh thánh…

Cha xua tay:
- Đừng, đừng múa rìu qua mắt thợ, đừng lấy Kinh thánh ra để hù dọa tớ, tớ hỏi thật đấy, tớ muốn biết thêm về một chút đời thường…

- Thế thì thưa cha, cứ như những người đi trước, từng có “ Nợ máu” với cánh đàn bà thì con thấy, quả Thiên Chúa đã sáng suốt khi không sáng tạo người nữ từ cái đầu của người nam để nàng lấn lướt, cai trị chàng. Nhưng quả Chúa cũng chưa am tường nhân thế khi lấy người nữ từ cái xương sườn của người nam, chỗ ấy rất gần con tim khiến đàn ông cứ mê muội, cứ say đắm vào những cái phù phiếm mà đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Như bố con ấy, cái hôm mẹ con mất bố con khóc như con trâu rống…

Cha Quỳnh cười:

- Thế thì theo cậu phải tạo người nữ từ phần nào của người nam?

- Phải tạo từ đôi chân để họ mãi mãi làm nô lệ cho đàn ông!

Cha xua tay:

- Không được đâu, không được đâu, này tớ không đùa đâu đấy, cậu phải lấy vợ đi. Cây có cây đực cây cái. Người có âm có dương thì mới hanh thông được, còn như bọn thày tu chúng tớ, có sáng suốt, có uyên bác thật đấy nhưng vẫn có cái gì lệch lạc, nghiêng ngả, mất thăng bằng. Lúc nào cũng như bị dị ứng, tức như bò đá…

Tôi xum xoe:

- Con hỏi thực xin cha đừng giận:

- Hỏi đi, sao tự dưng lại khách sáo thế?

- Tại vì đây là những điều khó nói, con nghĩ đàn ông cả với nhau mới dám hỏi cha: Cha có bao giờ bị dục tình thôi thúc không ạ?

- Câu hỏi hay, quả là khó nói đấy, nhưng tớ với cậu, mình cùng cánh đàn ông với nhau tớ phải nói thật: Ghê Lắm. Khủng khiếp lắm.

… Từ cái ngày nhìn thấy cái Thắm , cái Tỵ, tớ cứ bị ám ảnh hoài, những bữa trưa hè, những đêm đông, nhất là về ban đêm, có một cái gì bứt rứt xôn xao. Có một cái gì nó cứ chạy rần rật trong từng thớ thịt, hai má thì cứ nóng ran. Phía trên đầu thì vang váng. Phía dưới thì căng cứng, các tế bào cứ như bị tê dại hẳn đi. Hơi thở của mình như không thể điều khiển được nữa, cứ như có ai gãi ở các đầu ngón chân ấy.

- Thế thì cha chịu trận à?

- Mình cởi quần áo ngoài ra, mặc mỗi cái quần đùi. Đêm miền biển lạnh giá là vậy mà mình cứ thế mà chạy, quay lại bể nước xối ào ào rồi lại chạy tiếp, lại xối nước… Về nằm, ngủ được thì không sao, không ngủ được thì đâu lại vào đấy… Có khi mình mặc áo lễ vào, lên nhà thờ quỳ xin Chúa toàn năng cho êm ả tâm hồn, cho thanh khiết đẩy đi mọi cám dỗ. Nhưng đến là quỷ! Khi nhìn thấy tượng thánh, thì tớ lại nhớ ra khuôn mặt cái Tỵ! Chúa ơi! Sao mặt con bé giống Đức Mẹ như hai giọt nước. Rồi tớ lại nghĩ bậy bạ, thân thể thì cứ rã rời, tâm hồn thì hoang mạc như một bãi chiến trường vừa mới qua cơn binh lửa. Cái mặc cảm ấy nó cứ ray rứt tớ như một bóng ma… Ghê sợ lắm!

- Các thày chùa bên chúng con, họ chay tịnh còn đỡ, các cha bên này, ăn uống không kiêng khem, chịu sao nổi.

Cha bối rối, chợt như nhớ ra một điều gì, cha nhìn tôi, nhíu mày:

- Này, tớ nghe đồn, cậu léng phéng với cái cô Hiên gì đó của Hội con Đức Mẹ , bên giáo xứ Kim Sơn phải không? Hình như cô ta có một người anh thoát ly từ năm 45, 46 gì đó. Cẩn thận, rất cẩn thận anh bạn trẻ nhé.

“ Cái cô Hiên gì đó” quả thực tôi có yêu, có say mê, có tâm sự, thề thốt…

Một tháng sau, Hiên và người em út của cô ta, không mộtlời từ biệt tôi, đã bỏ Giáo khu trốn ra vùng Việt Minh.

Cha Quỳnh che chắn cho tôi hết lòng, tôi mới không bị lôi ra ban An ninh của Tổng bộ.
Người ta đã không tìm ra ai là người làm nội tuyến cho Việt Minh đánh đồn Yên Thổ, nhưng người ta đã râm ran đồn đoán ai là người đã để lọt ra ngoài các tin tức mật từ Tổng bộ Tự vệ.

Tôi như người mất trí. tôi ngồi lắp ráp lại những câu hỏi không đầu không đuôi của Hiên và những câu trả lời hớ hênh của tôi, trong những lần chúng tôi ngồi tâm sự với nhau.
Trong đôi mắt nhân hậu của Cha Tổng có thấp thoáng sự thương hại và ngờ vực… Tôi không còn được làm thư ký trong những phiên họp của Tổng bộ nữa…

Tôi xin cha cho tôi được nghỉ việc… Cha nhận lời.

Tôi thất thểu về nhà…

… Bố tôi ngồi bất động trên cái chõng tre, giọng ông tắc nghẹn:

- Con không phải giải thích nữa, bố biết hết cả rồi.

Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc hoài không ngủ được, tôi nhớ đến cha Quỳnh. Tôi thương bố tôi. tôi ghê tởm Hiên. Tôi ghê tởm tôi. Tôi đem những kỷ vật Hiên đã có ý để lại cho tôi, như cái khăn màu tím nàng hay quấn cổ, cái kẹp ba lá, những lá thư hò hẹn, tôi đem những thứ đó ném xuống sông.

Tôi như người lần đầu tiên đi đánh bạc gặp ngay đứa cờ bạc bịp…

Bổng tôi nghe như có tiếng rên nho nhỏ của Bố trong giường trong:

- Xoan ơi! Nhục quá! Xoan ơi! ( Xoan là tên mẹ tôi)

Tôi cứ tưởng bố tôi nói mê.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy đun nước để bố tôi pha trà. Chờ hoài không thấy bố dậy. Tôi lên tiếng gọi, vẫn im lặng. Tôi nhẹ kéo chăn ra. Máu trong miệng, mũi bố tôi đã khô đen, hai con mắt trắng dã, trừng trừng…

Tôi cắn răng nhìn xác bố… “ Con khốn nạn, mày là người đã làm tan nát đời tao, gia đình tao” Tôi hét lên như một thằng điên:

- Trời ơi, Bố ơi! Thù này biết bao giờ mới trả được hở trời?

Đám ma của bố tôi sầu thảm như đất trời ngày hôm ấy…

Cha Quỳnh mặc thường phục. Đám ma đi dọc đường phố Phát Diệm mưa phùn, trơn lạnh… Những người đứng dọc hai bên đường nhìn quan tài bố tôi thương xót. nhìn tôi khinh bỉ.

Tôi xin cha để dời Giáo xứ:

- Con về đâu ? Cha hỏi như khóc.

- Con phải đi lính… Chỉ có quân đội…

- Con nên vào Huế học trường Đập Đá ta chứng nhận cho.

- Không con chỉ muốn làm lính, con muốn chính tay con, chứ không phải qua lệnh của con.

Trong một cữ chỉ mà chính tôi cũng không thể ngờ được. Tôi quỳ xuống chắp tay lậy cha:

- Thưa cha Linh hưởng. Con tuy ngoại đạo nhưng như đã phó hồn xác trong tay Chúa, sự nhân ái của Cha cả đời nằm nguyên vẹn trong trái tim con. Xin cha giúp con cầu nguyện Chúa phán xét công bằng.

Cha Quỳnh khóc. Tôi khóc…

CĂN CỨ SUỐI MƯƠNG, HÒA BÌNH NĂM 1952

Hai chị em Hiên bỏ Phát Diệm vào một buổi sáng tinh mơ.

Hiên ngoái lại rất lâu nhìn một lần cuối cái dốc cầu Trì Chính. Những dấu chân hẹn hò của cô và Nam như còn chập chờn, bồng bềnh trong sương mù của buổi sáng hôm ấy.
Khi chiếc thuyền nan xuôi dòng về hướng Thượng Kiệm, tim cô nhói lên khi nhìn thấy tháp chuông giáo đường vươn cao lên trên những ngọn cau già, nước mắt cô trào ra, trong hơi nước ngầy ngậy ngái ngủ, cô ngửi thấy cả đến mùi hoa hoàng lan quấn quýt lấy hương vị tình yêu đầu đời, từ những hàng cây dọc lối vào nhà xứ.

Cô đến Nho Quan, Tân Lạc rồi vào Hòa Bình. Hai chị em Hiên tìm đến căn cứ Suối Mương.
Anh vệ quốc cảnh vệ dẫn hai chị em đến giới thiệu với một chính trị viên.

Hậu nói như khoe:

- Hai chúng tôi là em ruột của Chính ủy Hải Ninh.

Viên cán bộ mặt lạnh tanh:

- Đồng chí Hải Ninh đả bị hạ tầng công tác và đang thời gian quản chế…

Hai chị em Hiên đứng không muốn vững, bám vào nhau:

- Anh tôi có tội gì chứ?

- Tôi không biết.

- Chúng tôi có được phép gập anh tôi không?

- Theo tôi hai cô không nên gập anh ấy lúc này, hãy để cho anh ta tập trung tư tưởng để tự đánh giá mình. Mọi quan hệ với anh ta chỉ làm vấn đề thêm phức tạp.

“Mình về đâu bây giờ?”. Câu hỏi ấy cứ oằn lên vai Hiên trên con đường từ căn cứ ra Thạch Thất.

Đến bến đò Tân Vệ, Hậu nói như rên:

- Chị ơi, em mỏi chân lắm rồi, hai bàn chân giộp hết rồi.

Hiên nhìn em thương hại. Cánh đồng Sằn vắng vẻ, còn bờ sông không bóng một con đò. Hiên như được linh tính mách bảo là ban an ninh căn cứ đang theo dõi bước chân hai chị em cô.

Sau đây là những mẫu đối thoại không đầu không đuôi của hai cô con gái, lần đầu tiên ra đời để đi làm cách mạng

Hậu nói:

- Cứ như anh thợ săn đầu mùa, gập ngay viên đạn thối!

Hiên nói: Chị đã bảo ở nhà mà không nghe. Anh Ninh nhắn có mình chị.

Hậu nói: Em không muốn xa chị, em chán cái không khí xóm đạo nhà mình lắm rồi. Em sợ, sợ kinh khủng… Trời mưa dầm, gió bấc, tiếng cầu kinh ê, a…

Hiên nheo mắt:
- Có sợ thày Bốn không đấy!

- Sợ luôn, em chúa là ghét thứ đã đi tu mà còn tình. Tu tiếc gì cái ông ấy. Chị biết không, ông ấy bảo em: Kỳ lễ Đức Mẹ Lên Trời này, ông ấy trình cha xứ cho em ngồi xe hoa làm Đức Mẹ. Em hỏi: “ Sao thày không chọn chị Hiên ?” Thày nói: “ Đâu phải ai muốn làm Đức Mẹ cũng được, phải ngoan này, phải còn trinh này…” Em hỏi: “ Thế cái đêm Giáng sinh, sau hang đá, thày cầm tay em, thày sờ ngực em, vậy em còn trinh không?” Thày nói: “ Nói nhỏ chứ, đừng có nói với chị Hiên em nghe. Mà chị Hiên em cũng ghê lắm. Mê thày Nam như điếu đổ, ngày nào cũng qua Tổng bộ, Còn ngủ lại đêm bên ấy nữa chứ”. Rồi thày nheo mắt: “Chị em đâu có làm Đức Mẹ được, mất trinh rồi”


Chị này, cái đêm chị qua Phát Diệm, chị ngủ với anh Nam hả chị? Mất trinh hôm ấy hả? như vậy chị em mình cùng mất trinh cả rồi còn gì ( Hiên cười khúc khích) em vẫn tưởng trinh tiết là cái gì phải kiên cố lắm, khó khăn lắm, dư luận lắm chứ đâu có nhẹ nhàng, mỏng tanh, mất còn không biết ( cả hai chị em cười khúc khích)

Hậu lại hỏi:

- Kháng chiến là gì? Cách mạng là gì hả chị?

Hiên trầm ngâm giây lát, cô nhớ ngay đến Hải Ninh:

- Thì cứ như chơi đồ hàng ấy thôi, nhưng nhân rộng ra, lớn ra, cái gì cũng thật, cái gì cũng giả: Đánh nhau thật, căm thù thật, đấu đá thật, hạ tầng công tác thật, chết thật. Nhưng khen thì giả…

Hiên lại nhớ đến Nam, đến cái bẽ bàng của Hải Ninh. cô nhớ đến lời chị Bổng:

- Còn Cách mạng ư? Trong lý thuyết thì lãng mạn. Ngoài thực tế thì trần truồng. Trông xa thì như một cô gái trinh trắng đài các. Chạm vào thì mới biết đó là một con đĩ toang hoác.

Hậu hỏi:
- Người trong giáo xứ đồn rằng, trong trận đánh đồn Yên Thổ, có tin tức chị lấy của Tổng bộ qua anh Nam phải không?

Hiên bừng lên:
- Không, em biết bên đạo mình có câu thề nào nặng nhất không? Nghe chị đây, chị mà làm thế, chị bị trọng tội đấy!

Có tiếng súng nổ chát tai, cả thân thể Hiên bật tung lên. Một tay chới với như muốn tìm chỗ dựa nào đó ở khoảng không. Một tay chống xuống đất, rồi ngã nghiêng…

Hậu trân trân nhìn Hiên quằn quại , cô lấy hai tay ôm lấy mặt rồi rú lên:

- Chúa ơi! Chị ơi! Ai bắn chị tôi thế này.

Tiếng khóc, tiếng gào, tiếng gió theo nước sông loang loáng về phía hạ du…

SÀI GÒN 1954

Sư đoàn khinh binh số 10 của tôi vào Nam. Đóng ở Long Khánh.

Đây là lúc ông Nhu thanh toán xong các lực lượng thân Pháp và các lực lượng giáo phái, ông quay sang “ Làm thịt” nốt Tổng bộ tự vệ. Lực lượng chống Cộng có đến hàng vạn người này dần dần tan tác.

Đức cha Lê Hữu Từ vẫn ngạo nghễ làm lễ ở nhà thờ di cư Phát Diệm. Đức cha đang suy nghĩ gì thì chỉ có Chúa mới biết, nhưng những người thân cận nhìn bóng cha nghiêng nghiêng mỗi chiều tắt nắng, không nén được tiếng thở dài cho tình đời đen bạc.
Còn cha Quỳnh, hình như ông Cố vấn quên hẳn cái việc cha đã tổ chức cho ông trốn qua Lào bằng cách ra lệnh cho Lê Quang Tung bắt giam cha. Sau đó đầy cha đến cái xứ đồng khô cỏ cháy Bình An này.

…Nhờ bộ đồ lính còn vương đất đỏ. Tôi lẻn được vào thăm cha.

Cha ôm đầu tôi, hôn tôi. Tay cha sờ sờ cái lon Thượng sĩ nhất của tôi:

- Bây giờ mà còn như thế này à! Đám sĩ quan Bùi-Phát, tướng tá hết cả rồi. Thằng Phạm Xuân Chiểu trở cờ biết chưa?

Tôi đau đớn nhìn cha. Cha già hẳn đi. Tôi móc trong cái “ Túi bắt gà” một gói bên ngoài là lá chuối.

- Con ghé Gò Vấp, biết cha mê món này.

Cha nhìn trân trân ( một thoáng suy nghĩ: không biết đôi mắt này có giống lúc bố và cha nhìn xuống dưới cầu áo nhà bà Đông không nhỉ? ) rồi cười lên ha hả, khiến bọn mật vụ bên ngoài ngơ ngác.

- Bố anh! Trước khi anh tới đây, tôi nghĩ có thể bắt tay ông Diệm chứ có bao giờ dám mơ tưởng đến món này đâu. Ôi! Tranh bá đồ vương. Ôi ! Công hầu khanh tướng! Làm sao bằng cái gói thịt chó này cơ chứ ! Ủa mà sao lại khóc? Yên tâm đi! Chúa sắp xếp hết, Chúa rất công bằng. Rồi cũng êm thôi.

“Rồi cũng êm thôi”. Cái đầu của cha một lần nữa xác định được cái nhanh nhạy ấy

Nhà Ngô càng ngày càng bị sức ép của Mỹ. Sau những lần dằn mặt từ những Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, rồi đến Nguyễn Văn Cừ, Phạm Phú Quốc. Đến sự chống đối ngấm ngầm của các sĩ quan thân Pháp. Đến ngay sự lạnh nhạt của tòa thánh Vatican. Đến lúc phải tìm một mô hình giáo khu Bùi Phát cho Quốc sách Ấp chiến lược, Ông Nhu dần dần thấy cái quá đà của ông trong việc đánh phá Tổng bộ tự vệ Phát Diệm với cả triệu giáo dân và những người gốc miền Bắc sau lưng nó. Nó đâu giống Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo đâu?

Giáng Sinh năm 1960 tôi trở lại Bình An. Lần này thì khôngcòn hoang vắng như lần trước nữa. Những chiếc xe hơi, xe Jeep nối đuôi nhau. Chủ nhân của chúng là những chính trị gia đối lập, cần sự hậu thuẫn của Công giáo. Cớ cả những sĩ quan, viên chức cần lên lon, thăng ngạch, cần đi làm tỉnh trưởng, tư lệnh…

Thấy tôi lấp ló. Cha đuổi khéo hai người khách đang ngồi trong phòng, ra tận cửa lôi tôi xềnh xệch.

- Lần trước nhờ món thịt cầy của cậu mà tớ thoát chết hai lần. Lại trò bắn lén kiểu bắn Trịnh Minh Thế. Hoàng Quỳnh đâu có ngờ nghệch như Trịnh Minh Thế đâu chớ. Về với tớ đi. Hai tay vừa rồi là chuyên viên trong văn phòng ông Cố Vấn đấy. Ông Nhu muốn tìm thêm kinh nghiệm của Giáo khu ngày trước . Ông ta quên là mỗi thời mỗi khác. Ngày ấy, lòng dân còn toàn tòng. Bây giờ thì ly tán hết rồi! Chưa qua sông đã đấm buồi vào sóng, ai còn tin được…

… Người ta vẫn bảo Lê Hữu Từ và Hoàng Quỳnh thân Pháp. Thì đã sao nào? Pháp già rồi nhưng có thủy có chung. Chơi với tụi Mỹ như chơi với dao vậy. Vừa thực dụng lại vừa tráo trở. Đụng tới quyền lợi của họ, thì bạn hay thù cũng a lê hấp !

… Sao về với tớ không? Ngày còn ở Ninh Bình, cậu thua đếch gì thằng Chiểu, thằng Đổng…

Thấy số người chờ càng lúc càng đông. Tôi hỏi:

- Cha còn nhớ chị em cô Hiên không?
- A ha ! cái rắc rối của đời cậu ấy mà, tớ làm sao quên được, nhưng “Giai nhân nan tái đắc” Bóng chim tăm cá phải không? Sao nhất định không lấy vợ à?

- Thưa cha, quả là mọi việc đều do Chúa an bài cả cha ạ. Con mới được tin hai con yêu cái này cũng di cư vào đây, đang ở vùng Bình Long Bến Cát gì đó. Con về đây chỉ để nhờ cha, xin cho con đổi về sư đoàn nào ở gần đó. Nếu bố con có linh thiêng , xin dẫn đường chỉ nẻo cho con. Đời con thua chúng, thua bạn chỉ vì còn đeo đuổi mối thâm thù này. Xin cha cầu nguyện cho con…

Cha Quỳnh bỗng ho xù xụ, tóc cha đã bạc quá nửa. Cha nhìn tôi:

- Mình còn nhiều dang dở, những sở nguyện chưa đạt được một phần ba. Cậu xem ra còn bết bát hơn mình, tụi mình không còn bắt đầu từ số không được đâu, thật là lực bất tòng tâm. Nghĩ cho cùng: Chỉ có tha thứ và sự bình yên ở nước Chúa mới là yên phần hồn rỗi phần xác !

Bỗng cha cười ha hả:

- Ngày xưa, nói chuyện đàn bà với cậu, tớ cũng thầm mong Cộng đồng Vatino cho phép linh mục lấy vợ, bây giờ mà có được phép, tớ cũng đếch thèm.

Cha đứng lên lấy phích nước, cái dáng gù của cha làm tăng vẻ chậm chạp

- Cậu ở với mình một thời gian. Cậu thấy mình thế nào? Mình có cuồng tín quá hay không? Có trọng đời khinh đạo quá hay không? Tớ biết tính cậu hay nói thẳng tớ mới hỏi, cần cứ việc khuyên. Bố cậu lúc sinh thời vẫn cho tớ những lời bộc trực thấm thía.
Cha chỉ tay ra ngoài phòng chờ, lố nhố những khách. Môi dưới của cha trề ra: Họ gồm hai loại: Con chiên chân chính và những người đến nhờ vả. Con chiên thì cha nào chả là ông thánh. Lúc nào họ cũng thấy thấp thoáng nơi vị chăn dắt của mình ánh hào quang của Đức Chúa Trời!

Còn những người đến cầu cạnh mình ư? Họ đời nào dám nói cái sở đoản của mình ra kia chứ . Có lần mình giả vờ nóng giận, mình hỏi me xừ Ngô Trọng Hiếu: “ Có phải với cương vị Bộ trưởng Công dân vụ ông tuyên bố trước các Tỉnh đoàn trưởng là phải xem xét tôn giáo như một hiện tượng văn hóa không? Đó là quan điểm của chính phủ hay của cá nhân ông?” Ông ta sợ hãi ra mặt…

Cha vừa pha trà vừa nói:

- Họ đến với mình bằng những câu: “Nhờ cha sinh phúc, nhờ cha gia ân cho”. Mình làm chó gì có quyền mà làm ngay cho họ được, mà phải làm trung gian. Ôi! đã là trung gian bên Đạo, lại còn phải làm trung gian bên Đời!

Cha cười thiểu não:

- Có đứa còn phong cho mình là thiên tài nữa kia đấy.

Cha đổi giọng cười ha hả:

- Thiên tài đếch gì tớ. Thiên tài đớp thịt chó thì có!

Ánh sáng của cửa sổ phía tây xuyên qua tầu dừa chênh chếch, chiếu vào chỗ cha ngồi. Tôi thấy rõ mái tóc điểm sương khô khốc, những nếp nhăn men mét, hai túi lệ chẩy xệ dưới đôi mắt trũng sâu khắc khoải.

Tôi nói:

- Thưa cha cứ theo định nghĩa “Cái không học ở đâu cả, cái không thể học nổi, cái không thể bắt chước được. Đó là thiên tài!” Thì người ta bảo cha là thiên tài đúng quá rồi còn gì! Hồi còn ở với cha, con may mắn được cha mặc khải khá nhiều. đoán biết và nắm bắt được chút ít tư tưởng của cha, nhìn cách cha giải quyết vấn đề, xem cách cha khu xử sao cho hợp đạo đẹp đời. Con vẫn tiếc giá như cha đừng đi tu, những điều sở tồn của cha mà làm sở dụng thì hay biết mấy, thì giúp ích cho nước nhà biết mấy.
Con xin nói thật, giới tăng lữ bây giờ. Đạo nào cũng vậy, có làm chính trị giỏi cách mấy thiên hạ cũng gán cho cái tội khuynh loát lợi dụng đấy cha ạ. Cha không nghe giới kẻ chợ bây giờ họ sắp xếp thang bậc trong xã hội bằng vỏn vẹn có tám chữ: Nhất cố, nhì sư, tam xi, tứ tướng.

Cha cười buồn:

- Cố là gì? Xi là gì?

Tôi nói:

- Cố là cố đạo, là các linh mục, Còn xi là taxi, là những tên ma cô chở đĩ điếm cho ngoại kiều.

Cha giật mình: “đến thế cơ à?” Rồi cha ho khung khúc.

Tôi nói:

- Ngày ở với cha, con có đọc trong một tờ báo cũ của thư viện giáo xứ, tờ Phụ Nữ Thời Đàm, một bài thơ của một nữ sĩ, vịnh Hai Bà Trưng, con sửa lại mấy chữ có ý để tặng cha, xin cho con đọc trình cha nghe, coi như nhận xét của con về cha kính yêu.
Bùi Phát quân thù kinh vó giặc.

Giáp vàng, áo chùng lạnh đầu voi

Chúa ơi, Tòa giảng bơ vơ quá.

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.

Cha bắt tôi đọc lại lần nữa, cha buông bút ngồi ôm đầu

- Ôi bơ vơ, lẻ loi thật!

MẶT TRẬN BÌNH LONG 1972

Tôi hỏi người phụ nữ “ Điên”

- Cô bị bắt trong trường hợp nào?
- Tôi đang giặt giũ ở bờ sông, các ông bắt tôi
- Tình hình này, ai dám ra sông để giặt? Quê cô ở đâu?
- Hải Hậu, Ninh Bình
- Trước năm 1953 cô ở đâu?
- Tôi ở Kim Sơn, Phát Diệm
- Rồi sau đó
- Tôi lên Nho Quan!

( Bố mẹ ơi, quả nhiên lưới trời lồng lộng, rất thưa nhưng không sao lọt được! Kẻ thù hình như đang ngồi ngay trước mặt con đây, cũng khuôn mặt trái xoan, cái mũi dọc dừa, cũng đôi mắt bồ câu trong sáng và phản trắc ấy. Bố ơi, còn văng vẳng đâu đây tiếng bố gọi mẹ lúc lâm chung: “ Xoan ơi, nhục quá!” Rồi bố chết, bố đem những uất nghẹn cùng những điều không làm được về thế giới bên kia, bố để lại thế giới này cái hận thù dai dẳng cho con đeo mãi vào người trong niềm ân hận bất lực.)

Tôi rung lên như lên cơn sốt:

- Cô còn có một người chị?

Ôi! một câu hỏi hớ hênh, rất không nghiệp vụ và đầy tính định mệnh đã cứu người phụ nữ. Tôi đã tự lột bỏ lốt áo người thẩm vấn để lộ rõ cái nóng vội của một kẻ tử thù, đang muốn ăn tươi nuốt sống đối phương.

( Còn người phụ nữ, tuy cô không có cái bản lĩnh của Hiên, nhưng tính nhậy cảm và nhanh nhạy của một người đàn bà đã thấy rất rõ trong đôi mắt của người trưởng ban tình báo kia loang loáng vẻ kỳ bí của một thế giới đầy u uẩn. Vầng trán tái tím kia như đang toát ra những làn tử khí hừng hực, có bóng tử thần lấp ló.)

Cô lạnh toát người, Có một lực siêu nhiên gì mách bảo cô phải nói to như một lời khẳng định:

- Không, tôi không có một người chị nào cả!

Thiếu tá Mãng bước vào, chẳng biết ất giáp gì, quát tôi:

- Lại đánh tù binh hả? Việt Cộng gì con dở dở ương ương này, làm lệnh tha, tôi ký.

Ông vừa bước ra khỏi hầm vừa lầu bầu:

- Việc ngập đầu, đéo lo, lo ba cái con mẹ điên điên khùng khùng.

Tôi tức uất người, tức vì cái nông cạn võ biền của đồng đội mình, chống Cộng kiểu ông ta chỉ là đánh võ vườn, Ông ta đánh giặc bằng tâm tính của một nhà tu, với tính khí của một cao bồi miền viễn tây nước Mỹ, và lối hành sử mệnh lệnh của một công chức/

HOUSTON 1978

Tiếng súng ở bến đò Vệ, Hòa Bình ngày ấy không giết chết Hiên, nhưng giết chết tâm hồn của Hiên và Hậu. Đặc biệt với Hậu, do sợ quá mà sau này có lúc cô không làm chủ chính cô.

Xin tóm tắt, từ năm 1972…

Sau khi thả Hiên ra, sau khi An Lộc được giải tỏa. Trung úy Nguyễn Văn Nam tiếp tục theo dõi Hiên.

… Quả đúng Hiên là em Hậu, giấy thế vì khai sinh cho những người tản cư làm tại Tòa hòa giải rộng quyền Hà Nội của Hiên với tên mới là Thoa, Nguyễn Thị Kim Thoa…

… Thoa và Hậu di cư vào Nam cùng với lòng căm thù Cộng Sản ngun ngút. Cô đi học tiếp rồi ra trường thành giáo sư trường trung học Hưng Đạo. Người chồng thứ nhất của Thoa, một sĩ quan Đà Lạt chết trận Mậu Thân năm 1968, để lại cho cô một bé trai kháu khỉnh. Lúc hạ huyệt Thuận, cô ôm con khóc lặng trong mưa phùn hiếm hoi của mùa xuân miền Nam. nét sầu bi cô phụ ấy, đánh thức tâm hồn của người đồng nghiệp kém cô 5 tuổi, vốn tu xuất. Cô và Thuấn lấy nhau, tình yêu chưa làm ấm chăn gối vợ chồng thì Thuấn tử trận tại chiến trường An lộc.

Tôi ( Người viết lại chuyện này), nghe tiếng Nam bên kia đầu giây, giọng vui vẻ:
- Anh sẽ qua thăm chú?
- Sao anh bảo đến mùa hè sang năm anh chị mới qua, gấp vậy?
- Không, anh cần qua. Anh đem cho chú thêm một vài chi tiết và đoạn kết của câu chuyện chú đang viết.

Tôi háo hức chờ Nam

Hôm gập Nam tại phi trường Houston sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi ôm Nam còn vợ tôi và vợ Nam vồn vã hỏi thăm về nhau. Nam giới thiệu vợ:

- Đây là bà xã anh, chú có đoán được là ai không nhỉ?

Người đàn bà có đôi mắt buồn rười rượi, có giông bão còn đọng ở ánh mắt, đưa tay ra:

- Nghe anh Nam nói nhiều về anh, tôi là Hiên, là Thoa, là cừu thù một thời của nhà tôi đấy.

Mùa đông Houston lạnh kinh người nhưng người tôi cứ nóng bừng.

Đêm hôm ấy, Nam kể cho tôi nghe quãng đường anh chị tìm nhau, anh tìm chị để trả thù, còn Chúa lại dẫn chị tìm anh để nối lại mối tình đầu.

- Còn Hậu bây giờ ra sao?

- “Cô tù binh” của anh năm xưa bây giờ gia thất đề huề. Cũng tính sang thăm chú một chuyến này, nhưng cuối cùng cô chú ấy lại đổi ý.

Nam kết luận:

- Quả nhiên có Chúa thật chú ạ. Không tin không được. Cha Quỳnh dậy chí phải.
- Chú có nghe gì về cha?

Giọng Nam u uất:

- Ngay sau khi chiếm miền Nam, Việt Cộng tìm ngay đến giáo xứ Bình An. Họ bắt cha giam vào khám Chí Hòa. Tại phòng số 8, khu ED, nơi chặng chót của bước đường thánh giá. Cha đã uống xong chén đắng cuối cùng…

Switch mode views: