Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người Rohingya hồi hương: Bangladesh bác bỏ thông tin của Miến Điện

rohingya-bangladesh tinan

Người Rohingya tại trại tị nạn Balukhali, Bangladesh, ngày 12/01/2018.
REUTERS/Tyrone Siu

Chính quyền Bangladesh vào hôm nay, 16/04/2018 đã bác bỏ thông tin của Miến Điện là đã có một nhóm đầu tiên gồm 5 người trong số 700.000 người tị nạn ở Bangladesh, hồi hương.

Thứ Bảy 14/04 vừa qua, chính quyền Miến Điện thông báo là có một gia đình gồm 5 người đã trở về bang Rakhine và tạm thời ở Maungdaw, gần vùng biên giới, với thân nhân.

Tin trên được loan trong một thông cáo trên Facebook, với ảnh chụp gia đình Rohingya nói trên làm thủ tục với viên chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Nội Vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan vào hôm nay đã cho rằng thông báo của Miến Điện về gia đình hồi hương là một thông tin « thất thiệt », và gia đình Rohingya đó chưa bao giờ đến Bangladesh.
Đối với ông Khan, hành động của Miến Điện là một « trò hề » và ông hy vọng Miến Điện cho toàn bộ người tị nạn Rohingya hồi hương càng sớm càng tốt.

Trả lời hãng tin Mỹ AP bằng điện thoại, ông Abul Kalam, ủy viên đặc trách vấn đề trợ giúp và hồi hương người Rohingya của Bangladesh cũng khẳng định là gia đình mà chính quyền Miến Điện gọi là người tị nạn đó chưa bao giờ băng qua biên giới Bangladesh.

Trong thông cáo loan tải hôm qua, Miến Điện còn cho biết sẽ kiểm tra xem có đúng là gia đình Rohingya nói trên đã sống ở Miến Điện hay không và nếu đúng thì sẽ cấp giấy tờ cho họ.
Theo bộ trưởng bộ Xã Hội Miến Điện Win Myat Aye, hôm nay gia đình hồi hương đã được cấp những giấy tờ cần thiết.

Theo ghi nhận của AP, khi loan tin về nhóm hồi hương đầu tiên, chính quyền Miến Điện đã không cho biết cụ thể là sẽ có các nhóm hồi hương tiếp theo hay không, trong khi Bangladesh đã trao một danh sách hơn 8.000 người có thể bắt đầu hồi hương, nhưng tiến trình bị đình trệ do thủ tục kiểm tra rất phức tạp của phía Miến Điện.
Trả lời hãng tin Mỹ, một chuyên gia độc lập về vấn đề người Rohingya tại Bangladesh tố cáo một thủ đoạn tuyên truyền thường thấy của chính quyền Miến Điện.

Switch mode views: