Philippines “đảo trục” hướng về Mỹ ?
- Thứ Ba, 10 tháng Mười năm 2017 18:06
- Tác Giả: Mai Vân
Philippines - Ảnh minh họa : Đại sứ Mỹ Sung Kim (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana họp báo tại căn cứ Aguinaldo, Quezon City, ngày 26/09/2017.
REUTERS/Dondi Tawatao
Trong bối cảnh Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác, trong đó có Mỹ – gọi tắt là ADMM+ - sắp tiến hành cuộc họp thường kỳ vào ngày 24/10/2017 tại Philippines, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines vừa loan báo quyết định « nâng cấp » trở lại các cuộc tập trận chung với Mỹ cho năm 2018, vốn đã bị Manila cắt giảm sau khi tổng thống Duterte lên cầm quyền vào năm ngoái.
Câu hỏi nhiều nhà quan sát đặt ra là phải chăng sau khi tuyên bố « bỏ » Mỹ để xoay trục qua Trung Quốc, tổng thống Philippines đã lại đổi ý và quyết định đảo trục trở lại, nhất là khi vào tháng 11 sắp tới, ông sẽ gặp đồng nhiệm Mỹ Donald Trump khi tổng thống Hoa Kỳ đến Manila dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á.
Một cách cụ thể, các cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Philippines trong năm 2018 sẽ có quy mô như thế nào ?
Trong bài viết trên trang mạng chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 07/10 vừa qua, Prashanth Parameswaran, nhà báo am tường tình hình khu vực, đã chú ý phân tích yếu tố này để tìm hiểu thêm về triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines cho năm tới đây.
Chủ trương « chia tay với Mỹ » chỉ có tiếng mà không có miếng
Nhận xét đầu tiên của tác giả bài viết là các tuyên bố hung hăng của tổng thống Philippines về chủ trương « chia tay với Mỹ » chỉ có tiếng mà không có miếng, và điều đó cũng áp dụng trên bình diện quốc phòng.
Ban đầu quan hệ hai bên có giảm thiểu nhưng không hề bị cắt đứt. Các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp là một ví dụ điển hình.
Vào tháng 11 năm ngoái, tư lệnh quân đội Philippines lúc đó là tướng Ricardo Visaya đã cho biết là sau những cuộc thảo luận giữa giới chức quân sự và chính quyền của tổng thống Duterte về những ưu tiên của Philippines, Manila đã đề nghị giảm số lượng các cuộc giao lưu và tập trận chung với Mỹ từ 263 xuống còn 258.
Và sau cuộc họp của cơ chế hỗn hợp Mỹ-Philippines đặc trách hợp tác quốc phòng song phương Mutual Defense Board-Security Engagement Board (MDB-SEB) vào tháng 11, do tướng Visaya và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương đồng chủ tọa, thì đã có một số hoạt động bị hủy bỏ hay giảm quy mô, rõ nét nhất là cuộc tập trận đổ bộ PHILBEX, và cuộc tập trận hải quân CARAT, cả hai đều được tổ chức hàng năm.
Tuy nhiên, ngay vào lúc đó, giới chức quốc phòng Mỹ và Philippines đều cho biết mặc dù có giảm thiểu về quy mô và số lượng, nhưng những cuộc tập trận này vẫn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế chính trị đã thay đổi.
Vào lúc đó, ông Duterte vừa mới lên cầm quyền, trong lúc một chính quyền mới cũng đang được chuẩn bị ở Mỹ, thành ra các kế hoạch đều có thể thay đổi với thời gian.
Tiến trình đang đảo ngược ?
Thế rồi trong năm 2017, một số dấu hiệu cho thấy là tiến trình được cho là giảm thiểu quan hệ quốc phòng, không chỉ chậm lại mà lại còn đảo ngược khi sắp qua năm 2018.
Theo tác giả bài phân tích, một số lý do nằm trong quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Philippines, gắn liền với một chính quyền mới ở Washington và một tân đại sứ Mỹ tại Manila, ông Sung Kim, đã giúp tháo gỡ được những vướng mắc mà chính quyền Duterte quy kết cho chính quyền Obama.
Một số khác liên quan đến quan hệ quốc phòng và đặc biệt là trong tình hình quân đội Philippines phải đương đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở thành phố Marawi phía nam, và giới lãnh đạo Philippines, kể cả ông Duterte, đã chính thức công nhận sự giúp đỡ cần thiết của Mỹ nhất là khi quân đội Philippines chỉ có khả năng giới hạn.
Nhìn lại thì số phận các vụ tập trận không còn lu mờ như người ta tưởng trong năm qua.
Một số cuộc thao diễn bị ngưng đã không ngăn được hợp tác đi sâu hơn. Ví dụ như cuộc tập trận CARAT đã bị hủy bỏ, nhưng lại được tiếp nối với hoạt động luyện tập trên biển gọi là ‘Sama – Sama’bao gồm cuộc tuần tra phối hợp ở biển Sulu, điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác đang thực hiện.
Người ta thường nêu lên khía cạnh ‘mất mát’ liên quan đến các cuộc thao diễn, nhưng bên cạnh đó phải thấy khía cạnh ‘gia tăng’, chẳng hạn như trường hợp cuộc tập trận chống khủng bố Tempest Wind, được thông qua vào năm ngoái và mang tính chất rất phức tạp, không chỉ thao diễn đơn thuần với nhiều cơ quan khác nhau, mà còn huy động thêm các phương tiện quân sự, được thực hiện ở mức độ quốc gia, có thêm nội dung…
Cuộc tập trận đầu tiên theo mô hình đó vừa được tổ chức vào tháng 9 vừa qua.
Trong bối cảnh nói trên thì năm 2018 có gì mới ?
Riêng về số lượng thì theo tướng Philippines Eduardo Ano, xu hướng chung là tăng trở lại : từ 263 vào năm 2016, số lượng các hoạt động đã giảm xuống thành 258 vào năm 2017, và sẽ tăng lên trở lại thành 261 trong năm tới, phản ánh đà đảo ngược so với tình trạng đi xuống đã được thấy.
Tuy nhiên tác giả bài phân tích cũng thận trọng, cho rằng cần phải cảnh giác trước những khẳng định là liên minh Mỹ-Philippines đang vươn lên trở lại từ đống tro tàn, tương tự như những kết luận trước đây là liên minh đó đã rơi xuống vực thẳm.
Phải mất ít ra một năm mới có thể thấy rõ được những hệ quả về số lượng cũng như chất lượng của các hoạt động hợp tác.
Hơn nữa hai tổng thống Donald Trump và Rodrigo Duterte vẫn đang trong tiến trình xây dựng quan hệ, và với tính khí nổi tiếng là bất thường, khó lường của cả hai, thì rất khó mà đoán định được là liên minh Mỹ-Philippines sẽ ra sao.
Dấu hiệu quan trọng nhất sẽ là cuộc gặp gỡ được chờ đợi nhân chuyến ghé Manila của ông Donald Trump vào tháng tới đây.
Tổng thống Philippines ‘xoay trục’, thân thiện với Mỹ ?
Cũng về xu hướng thân thiện trở lại của Philippines đối với Mỹ, một bài viết cũng vào thượng tuần tháng 10 trên trang mạng The Maritime Executive đã tự hỏi là « Phải chăng Philippines đang xoay trục ngược về phía Mỹ ? »
Tác giả bài viết đã nêu bật sự kiện tổng thống Philippines Duterte mới đây đã hàm ý cho rằng ông có thể hòa giải với Mỹ, trong bối cảnh có thêm nhiều thông tin về việc tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều gần đảo Thị Tứ mà Philippines kiểm soát tại Trường Sa.
Ông Duterte đã làm mọi người ngạc nhiên khi cho rằng ông muốn thân thiện với Mỹ, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ trước đây.
Ông đã nhiều lần kêu gọi lực lượng đặc biệt Mỹ ở Philipppines cuốn gói về nước, khẳng định ông không muốn tập trận chung trên biển cũng như trên đất liền và còn mô tả Mỹ như một nước ‘tồi tệ’.
Nhưng ông Duterte đang đổi giọng, hai tháng sau khi trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ xác định đã có 11 tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển của đảo Thị Tứ, nơi có cả trăm người Philippines cư ngụ.
Tin này đã làm cho nhiều nước ASEAN lo ngại rằng Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines đã không công khai lên tiếng phản đối việc tiếp nối các cuộc tập trận quân sự, cho phép 900 lính Mỹ diễn tập chung với quân đội Philippines ở miền Bắc Philippines.
Mặc dù không nêu rõ là cuộc tập trận chung nhằm vào Trung Quốc, nhưng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết là sự kiện đó tăng cường năng lực sẵn sàng đối phó của Mỹ và Philippines, tăng cường khả năng phản ứng song phương trước các cuộc khủng hoảng trong khu vực để củng cố liên minh đã kéo dài hàng thập kỷ.
Cuộc tập trận quân sự hỗn hợp Mỹ-Philipines mở ra vào lúc có thông tin về việc tàu Trung Quốc đang sách nhiễu tàu Philippine ở gần đảo Thị Tứ.
Lời báo động do dân biểu Philippines Gary Alejano tung ra, tố cáo việc tàu Trung Quốc có mặt tại đấy đã hú còi cảnh cáo mỗi khi tàu Philippines tiến vào vùng biển của Philippines ở Biển Đông.
Trong một động thái cũng mang ý nghĩa hòa giải, ở Washington, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano xác nhận với thượng nghị sĩ Mỹ Cory Scott Gardner rằng Manila muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ...
Trước đó, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đô la vào Philippines.
Các chuyên gia coi đây là cách Bắc Kinh dùng để ông Duterte dịu giọng trên vấn đề tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales ở Úc, Philippines và các nước ASEAN không thể dựa nhiều vào viện trợ của Trung Quốc, vì phần lớn các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và quốc phòng.
Đối với giáo sư Thayer, tình hình như thể là « việc dựa vào Trung Quốc đã bộc lộ những giới hạn ».
Tin mới
- Chính quyền Trump bãi bỏ kế hoạch khí hậu của Obama - 11/10/2017 16:46
- Syria : Quân đội Nga cáo buộc Mỹ « giả vờ » tấn công Daech - 11/10/2017 16:39
- Tướng Mỹ Mark Milley: ‘Không có giải pháp an toàn với Bắc Hàn’ - 11/10/2017 02:52
- Đến Nam Hàn giải phẫu thẩm mỹ, không được lên máy bay về nước - 11/10/2017 02:44
- Brexit: Bruxelles và Luân Đôn mở vòng đàm phán mới - 11/10/2017 02:10
- Lãnh đạo Pháp-Đức khai mạc Hội chợ Sách Frankfurt - 11/10/2017 02:03
- Vietnam Airlines và Air France ký kết liên doanh - 10/10/2017 20:09
- Bắc Triều Tiên : LHQ cấm 4 tàu cập bến cảng trên thế giới - 10/10/2017 19:12
- Hà Nội kêu gọi chính quyền Cam Bốt bảo vệ Việt kiều - 10/10/2017 18:20
- Nhật Bản : Lãnh đạo đảng Hy Vọng thách thức thủ tướng Abe - 10/10/2017 18:15
Các tin khác
- Nhật Bản : Abe cho bầu Quốc Hội sớm nhằm sửa đổi Hiến pháp "chủ hòa" - 10/10/2017 15:47
- Rohyngya : Liên Hiệp Quốc tiêm ngừa dịch tả trong các trại tị nạn - 10/10/2017 14:41
- Nhiều quan chức Mỹ bị điều tra về phí di chuyển tốn kém - 10/10/2017 14:35
- Rượu rosé chinh phục giới sành điệu - 10/10/2017 14:29
- Tây Ban Nha: Catalunya căng thẳng chờ giờ quyết định - 10/10/2017 14:06
- Cháy rừng Anaheim Hills, bầu trời Little Saigon ‘như ngày tận thế!’ - 10/10/2017 05:13
- Los Angeles xây 30 căn nhà giá từ $80,000 cho gia đình nghèo - 09/10/2017 21:36
- Con đường xóa bỏ vũ khí nguyên tử còn rất dài - 09/10/2017 21:15
- Việt Nam : Nhà máy diêm đầu tiên ở Hà Nội - 09/10/2017 20:51
- Miến Điện : 12 người Rohingya chết trong một vụ chìm tàu - 09/10/2017 19:01