Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Á: Ván cờ lớn Nga-Trung, Âu-Mỹ ngoài cuộc

Kazakhstan-almaty

Almaty thủ phủ kinh tế của Kazakhstan.
Ảnh : wikipedia

Trung Quốc tung chiến dịch quyến rũ các nước Trung Á. Việc này khiến Nga quan ngại, vì Matxcơva xem vùng này như là "sân sau".

Đối với hai chuyên gia Philippe Le Corre và Kemal Kirisci, thuộc Brookings Institution (Washington), khu vực Trung Á là một "Ván cờ lớn giữa Nga và Trung Quốc".
Hai chuyên gia cũng nhấn mạnh đến một trật tự thế giới mới đang nổi lên tại Trung Á, nhưng không có mặt hai kỳ thủ, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Khu vực Trung Á bao gồm năm nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tadjikistan et Turkmenistan.
Phía bắc là nước Nga, phía nam là các quốc gia Nam Á, Afghanistan, Pakistan và Iran.

 Trung Á được coi là cầu nối giữa miền tây bắc Trung Quốc với biển Caspi của nước Nga, và qua đó là nhiều con đường hướng về Châu Âu, hoặc qua ngả Ukraina, hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ.

 "Ván cờ lớn giữa Nga và Trung Quốc" là tựa bài viết đăng trên báo mạng Pháp La Tribune, ngày 08/01/2016. Nói về Trung Á, nhưng bài viết tập trung vào trường hợp Kazakhstan, quốc gia lớn nhất khu vực.

Sau đây là phần lược dịch.

Hai nhà nghiên cứu nhắc lại, vào năm 2013, trong một bài diễn văn trước đại học Nazarbaïev, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo khởi động một "con đường tơ lụa mới" nhằm kích thích trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và vùng Trung Á.

Dự án « Một vành đai, Một con đường » (One Belt, One Road - OBOR) đã từ từ có được một tầm cỡ quốc tế nhất định. Một vành đai là để chỉ tuyến đường trên bộ xuyên Trung Á, một con đường là tuyến đường biển men theo Đông Nam Á và Nam Á đến tận vùng vịnh Persic, cửa ngõ Địa Trung Hải.

Dọc theo tuyến đường biển, Bắc Kinh đã và đang xúc tiến thiết lập một loạt các căn cứ hải quân, còn gọi là « chuỗi ngọc trai » (string of pearls), gây nhiều lo ngại cho Ấn Độ và nhiều nước phương Tây.

Còn liên quan đến khu vực đường bộ qua Trung Á, thủ đô Kazakhstan cách đây vài tuần có tổ chức một hội thảo nhóm họp nhiều quan chức chính trị, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu thế giới thảo luận xung quanh một chủ đề chính: Tương lai của Trung Á.

Chẳng có gì ngạc nhiên, Trung Quốc là quốc gia đưa ra sáng kiến và đã chủ trì các cuộc thảo luận. Sự việc cũng cho thấy rõ động lực mới của các cường quốc.
Một bên là Trung Quốc trầm tĩnh, tự tin; bên kia là một nước Nga hung hăng nhưng lo âu.

Bắc Kinh tìm cách thể hiện vai trò mới trong việc hình thành một trật tự thế giới mới (khi tập trung các nguồn lực quan trọng vào trong dự án).

 Matxcơva dường như hơi có phần lúng túng. Cả hai quốc gia này đều nằm trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tập trung chủ yếu các quốc gia Trung Á, nhưng một sự mất cân đối đang hiện ra rất rõ.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các nước Trung Á "đất rộng, người thưa" đang làm cho Nga lo ngại, bởi Matxcơva vốn từ trước đến giờ vẫn tự cho mình cái quyền bảo hộ tại khu vực này. Kazakhstan, với tư cách là quốc gia lớn nhất và giàu nhất (nhờ vào khí đốt), đặc biệt mở rộng vòng tay cho các sáng kiến của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo nước này thừa nhận là kết cục của ván cờ này vẫn chưa ngã ngũ. Trên thực tế, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều thách thức địa chính trị.

Chiến dịch "quyến rũ" của Trung Quốc

Trung Quốc, hiện đang trong giai đoạn quyến rũ, nhấn mạnh đến việc, sáng kiến của học "Một vành đai, Một con đường" chỉ đòi hỏi có một chút nỗ lực để thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển và thịnh vượng kinh tế cho Trung Á.

Khi ký kết hàng chục thỏa thuận với nhiều quốc gia khác nhau, dọc theo con đường tơ lụa, Trung Quốc đang sử dụng đến các nguồn "Quỹ con đường tơ lụa" (tổng số vốn là 40 tỷ đô-la) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á AIIB, có tổng số vốn lên đến 100 tỷ đô-la, để tài trợ ít nhất một phần hệ thống « mạng kết nối » giữa Trung Quốc và Châu Âu.

Mục tiêu của Trung Quốc cũng là để hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu.

Riêng với ngân hàng thứ ba Trung Quốc cũng vừa được gia nhập làm thành viên cách đây vài tuần.
Với những hợp tác đó, Trung Quốc có thể huy động thêm được nhiều nguồn dự trữ.

Chính quyền Kazakhstan ủng hộ sáng kiến này với điều kiện nước này bắt buộc sẽ phải là một trong những điểm đi qua bắt buộc của OBOR, dự án « Một vành đai, Một con đường ».

Đồng thời quốc gia này cũng hy vọng thu hút được một làn sóng đầu tư, do giá dầu thô sụt giảm và các hệ quả của lệnh cấm vận phương Tây nhắm vào Nga.

Trong hội nghị tại Astana, Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov và một số lãnh đạo khác nhấn mạnh là vị thế địa chiến lược của Kazakhstan mang tính « lý tưởng » đối với mong đợi của Trung Quốc : Kazakhstan có thể coi như là một « Singapore của Trung Á », cho dù có nhiều khác biệt (về diện tích, không có đường ra biển, các nước láng giềng gặp khó khăn kinh tế).

Kazakhstan ngày càng hy vọng trở thành một hành lang đưa hàng Trung Quốc sang Châu Âu.

Chính quyền Astana muốn thu hút các nhà đầu tư cho một trung tâm tài chính khu vực (với hệ thống pháp luật kiểu Anh), và có ý định thành lập ở vùng này nhiều khu vực trao đổi mậu dịch tự do.

Tranh giành ảnh hưởng

Tuy nhiên, nhiều vấn đề - liên quan đến khía cạnh địa chính trị của dự án « Một vành đai, Một con đường » - sẽ mau chóng nổi lên.

Cho dù Bắc Kinh trình bày sáng kiến của mình như là một dự án mà kiểu gì các bên cũng « cùng có lợi », và khẳng định chỉ có các ý đồ thuần túy kinh tế, dự án OBOR này bao gồm nhiều khía cạnh chính trị không thể tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này.

Matxcơva không che dấu nỗi lo ngại về dự án OBOR, và thừa nhận dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến các lợi ích địa chính trị và kinh tế, cụ thể là nếu như các trục đường xuyên qua Kazakhstan trong tương lai sẽ cạnh tranh với các tuyến đường qua lãnh thổ Nga hiện tại.

Nga cũng không lưỡng lự khi nhấn mạnh đến những lo ngại về an ninh, đặc biệt là những liên hệ có thể có giữa các lực lượng thánh chiến Hồi giáo Nga và khu vực Trung Á, với các nhóm cực đoan tại Viễn Đông.

Cho dù khẳng định rất quan tâm đến dự án OBOR, giới cầm quyền Kazakhstan cũng tỏ ra có phần lo ngại.

Dự án của Trung Quốc chắc chắn có thể đưa Kazakhstan và các nước láng giềng thoát khỏi những trói buộc từ phía Nga, nhưng ngược lại nguy cơ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc là nhãn tiền.

Whashington và Châu Âu ngoài cuộc

Trong bối cảnh này, có thể nhận rõ sự vắng mặt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới công du Trung Á hồi tháng 11/2015, chuyến đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ trong vòng 5 năm nay.

 Về phần Liên Âu, Trung Á không phải là trung tâm của Bruxelles, bị ngập trong những ưu tiên trước mắt, vực dậy kinh tế, chống khủng bố, hay khủng hoảng nhập cư.

Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là nhìn chung Châu Âu có quan tâm đến việc kết nối mạnh hơn với Trung Quốc và Trung Á không.
Hiện tại, chỉ có một vài nước có quan điểm về vấn đề này, nhưng không phải Liên Âu, với tư cách một định chế.

Kazakhstan là ở tuyến đầu của các nỗ lực phác họa lên một trật tự thế giới mới. Hiện tại, bị kẹt giữa các lợi ích của Trung Quốc và Nga, thật khó biết được Trung Á sẽ có các khả năng xoay xở nào về chính trị và kinh tế nào.

Không rõ liệu Hoa Kỳ hoặc Châu Âu cuối cùng có quyết định vào cuộc hay không.
 Cũng như ở thế kỷ 19, một « cuộc chơi lớn » mới (hay nói cách khác, cuộc chiến giành ảnh hưởng - người dịch) có thể diễn ra giữa Nga và Trung Quốc, ít nhất là trong tương lai gần.

Các tác giả kết luận : Điều này, nếu xảy ra, sẽ có phần tốt đối với Phương Tây và Kazakhstan.

Khánh thành ống dẫn khí Trung Á - Ấn Độ

Trung Quốc và Nga không phải là hai đối tác duy nhất của Trung Á. Đầu tháng 12/2015, theo AFP, một đường ống dẫn khí đốt dài 1.800 km – trị giá 10 tỷ đô la – đã được khánh thành, nối liền quốc gia Trung Á Turkmenistan với Ấn Độ, xuyên qua Pakistan và Afghanistan (Dự án Tapi), có khả năng cung cấp khoảng 33 tỷ mét khối khí đốt/năm.
 Tổng thống Turkmenistan ghi nhận đây là một sự kiện lịch sử.

Dự án Tapi được khởi sự từ những năm 1990, nhưng bị cản trở do nội chiến tại Afghanistan.
 Trước đó, khí đốt của Turkmenistan chỉ có một khách hàng chính là Trung Quốc. Dự án cho phép nước này đa dạng hóa khách hàng.

Về phía Ấn Độ, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, khí đốt từ Trung Á cho phép nước này bỏ qua nhanh chóng hơn việc sử dụng than đá, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhất.

Switch mode views: