Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phụ nữ giải sầu : Thỏa thuận « lịch sử » làm mất thể diện Hàn Quốc

phunu-giaisau

Bà Lee Ok-sun (thứ hai trái sang), nguyên là một nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật, nói chuyện với báo giới, Gwangju, Hàn Quốc, 28/12/2015.
REUTERS/News1

Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 28/12/2015 đã ký bản thỏa thuận « lịch sử » về hồ sơ gai góc « phụ nữ giải sầu ».
Thế nhưng, công luận Hàn Quốc và nhiều nạn nhân đánh giá văn bản này « làm mất thể diện » đất nước.

Hôm qua, 28/12, trong cuộc họp tại Seoul, Nhật Bản đã « thành thật xin lỗi » và hỗ trợ 1 tỉ yen (7,5 triệu euro) cho 46 nạn nhân hiện còn sống.
Tuy nhiên, AFP cho biết các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và các « phụ nữ giải sầu » lại không thỏa mãn về bản thỏa hiệp vì Nhật Bản từ chối chịu trách nhiệm pháp lý.

Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida giải thích khoản tiền 1 tỉ yen được giành để « khôi phục danh dự cho các nạn nhân », nhưng không phải là sự bồi thường chính thức.

Phản ứng về lời phát biểu trên, bà Lee Yong Soo, một trong những « phụ nữ giải sầu » còn sống, nhận xét : « Rõ ràng là có sự khác biệt giữa một bên là trả tiền đơn thuần và một bên là trả tiền bồi thường chính thức để sửa chữa một tội ác ».

Trong một bản thông cáo chung, sáu hiệp hội đánh giá bản thỏa thuận trên « làm mất thể diện » Hàn Quốc, vì Seoul đã cam kết không chỉ trích Tokyo về vấn đề « phụ nữ giải sầu » tại các cuộc hội thảo quốc tế.

Ngoài ra, họ cũng cho rằng « bản thỏa thuận đã phản bội mong muốn của các nạn nhân ».
Với Seoul, bước khó khăn nhất là giải thích ý nghĩa văn bản này cho 46 « phụ nữ giải sầu » còn sống.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, cho tới giờ luôn giữ lập trường cứng rắn về chủ đề này, đã kêu gọi sự thông cảm của người dân và các nạn nhân.
Ngày 29/12, bà đã cử hai Bộ trưởng tới giải thích cho các nạn nhân tại các nhà dưỡng lão đang chăm sóc họ, vì họ đều cao tuổi nên cần nhanh chóng ký được bản thỏa thuận.
Nếu nhận được sự tán đồng của họ, chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ nhận được ủng hộ từ công luận.

Ngay sau khi Nhật bản xin lỗi « phụ nữ giải sầu » Hàn Quốc, ngày 29/12, đến lượt Đài Bắc yêu cầu Tokyo phải xin lỗi và bồi thường các nạn nhân nô lệ tình dục Đài Loan khi quân đội Thiên Hoàng chiếm đóng hòn đảo từ năm 1895 đến năm 1945.

Theo Hiệp hội hỗ trợ phụ nữ Đài Bắc, hiện chỉ còn 4 « phụ nữ giải sầu » còn sống trên hòn đảo và đều ngoài 90 tuổi.

Switch mode views: