Điểm Báo Pháp Quốc ngày 05-03-2014
- Thứ Tư, 05 tháng Ba năm 2014 22:20
- Tác Giả: Trọng Thành
100 ngày trước World Cup : Ngày hội mang dư vị cay đắng
Lễ hội hoá trang Rio de Janeiro năm nay mang đầy màu sắc của World Cup - REUTERS/Ricardo Moraes
Còn một trăm ngày nữa là tới giải bóng đá Thế giới tại Brazil.
Về chủ đề này, Le Figaro có bài « Cuộc chạy nước rút điên cuồng trước giờ khai mạc cúp bóng đá Thế giới tại Brazil », còn Le Monde chạy tít : « Một trăm ngày trước giải Vô địch, một ngày hội hoá trang đầy chỉ trích ».
Năm 2007, khi Brazil giành được quyền đăng cai tổ chức cúp, cả xã hội Brazil tràn ngập vui mừng, thế nhưng, trước thềm giải vô địch, không khí đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Quốc gia năm lần vô địch thế giới hy vọng một lần nữa sẽ giật được ngôi vị quán quân tại chính Rio de Janeiro, để xóa đi tấn "thảm kịch" tại chính sân vận động này vào năm 1950, khi Brazil bị Uruguay hạ gục trong trận chung kết.
World Cup là ngày hội lớn với người Brazil, vốn coi bóng đá như là một « tôn giáo ».
Ngày 04/03 hôm nay, Liên đoàn bóng đá quốc tế từng mơ sẽ tổ chức các hoạt động sôi nổi để quảng bá cho World Cup vào cái mốc thời gian mang tính biểu trưng, 100 ngày trước lễ khai mạc, nay phải chấp nhận chào mừng ngày này một cách rất đơn giản : Thắp sáng 12 sân vận động nơi sẽ diễn ra các trận đấu.
Tình hình trên thực địa còn đầy bê bối, sau bảy năm chuẩn bị, 5 trên 12 sân vận động hiện tại vẫn chưa được bàn giao cho FIFA. Sân vận động Arena de Baixada, lạc quan nhất, cũng chỉ có thể được chuyển giao vào ngày 15/05, tức chưa đầy một tháng trước giải. Sự chậm trễ của Brazil gây nhiều lo ngại.
Theo một giới chức FIFA, Brazil là nước được dành nhiều thời gian nhất để chuẩn bị (7 năm), trong khi lại là nước chậm trễ nhất trong việc thực hiện. Ngân sách dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giải tại Brazil giảm xuống 1/3, đây là điều khiến hơn 3/4 người Brazil chỉ trích.
Le Figaro đưa ra con số 58% dân số Brazil ủng hộ việc tổ chức giải, theo một điều tra dư luận, trong khi đó, tỷ lệ này cao hơn 20 điểm cách đây 5 năm. Trong khi đó, Le Monde nhấn mạnh sự thay đổi đột ngột trong thái độ với World Cup của người Brazil, vẫn còn ủng hộ giải đến 79% hồi tháng 11/2013.
Theo kết quả điều tra dư luận của viện Datafolha, xu hướng này ảnh hưởng ngay cả đến các nhóm cư dân Brazil nồng nhiệt nhất với bóng đá.
Theo Le Monde, một loạt vấn đề như giao thông vận tải, chậm trễ trong xây dựng hay tỷ lệ tội phạm tăng lên khiến « Brazil đón mừng ngày hội bóng đá trong bầu không khí căng thẳng ».
100 ngày trước cúp bóng đá, cũng là dịp diễn ra hội giả trang carnaval khổng lồ, ngày hội lớn nhất tại Brazil. Bên lề carnaval này, công chúng có thể đọc được các biểu ngữ : « Ủng hộ carnaval, phản đối giải bóng đá ».
Bài « Một ngày hội cay đắng » trên Le Figaro đặc biệt nhấn mạnh cảnh ngộ của 250.000 gia đình phải rời khỏi nơi ở để nhường đất cho các công trình phục vụ giải. Đại diện của tổ chức Amnesty International tại Rio de Jainero lên án quyền của các cư dân Brazil bị xâm phạm một cách hệ thống, nhân danh Cúp bóng đá, việc buộc cư dân di dời trong đa số trường hợp là không cần thiết.
Chính quyền nhiều tiểu bang Brazil từ chối đóng góp cho Fan Fest, một sự kiện mang tính hội hè chủ yếu quảng cáo cho giải cúp bóng đá Brazil do FIFA tổ chức, vì không muốn gắn tên tuổi mình với tình trạng quản lý lộn xộn này.
Ngày hội thể thao thuộc hàng được hâm mộ nhất hành tinh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế khá ảm đạm, một bộ phận lớn dân cư còn ở trong những điều kiện bấp bênh (43% gia đình Brazil không có điều kiện sử dụng cống…). Tuy nhiên, theo một nhà chính trị học, thì dù việc tổ chức tồi giải bóng đá sẽ bị dân chúng chỉ trích, nhưng nếu đội tuyển Brazil thất bại trước Achentina, thì đó sẽ là một thảm họa nặng nề hơn nhiều.
Ukraina : Putin ở thế thượng phong
Cuộc khủng hoảng Ukraina, đang trở nên trầm trọng hơn, tiếp tục là tâm điểm của hầu hết các nhật báo Pháp.
Le Monde tóm lại với hàng tít chính trên trang nhất : « Phương Tây bất lực sau cú biểu dương lực lượng của Putin tại Crimée ».
Tờ báo nhận định : « hãy gọi sự việc bằng đúng tên của nó : Nga vừa xâm chiếm Crimée, lãnh thổ của Ukraina. Nga làm điều này bằng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và tất cả các thỏa ước mà chính Matxcơva đã ký. Đây là một hành động của thời chiến tranh lạnh. Tác giả của nó là Vladimir Putin ».
Đối diện với can thiệp của Nga, các nước Phương Tây tỏ ra tránh né. Le Figaro nói đến « phản ứng rụt dè : (…) sau một tuần tương đối im lặng, Châu Âu và Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn với Vladimir Putin, ít nhất trên phương diện lời lẽ ». Nhưng dường như không có gì khiến Tổng thống Nga lo ngại.
Báo Libération nhận định : « Ông Putin muốn một Ukraina lệ thuộc, một quốc gia chư hầu suy yếu sau khi bị chiếm đóng, và bị cắt đi một phần lãnh thổ. Ông ta biết rắng, không thể làm lại được lịch sử, như tại Tiệp Khắc hay Hungary trước đây, nhưng tin rằng Châu Âu chỉ là những kẻ nhút nhát, ông ta sẽ tiếp tục hành động, như tại Gruzia hay Armenia, với tất cả các khả năng xâm hại và đe dọa của ông ta, giật dây các nhóm thiểu số và các nhóm cực đoan.
Theo đúng kiểu của cơ quan mật vụ KGB, lò luyện chính trị thực sự làm nên con người ông ta. Libération tin tưởng : « Người Ukraina, giới lãnh đạo cũng như dân chúng, đã không lùi bước trước các hành động khiêu khích ».
Về phía Châu Âu, Libération kêu gọi « hãy dũng cảm và kiên định đối mặt với một con người chỉ biết đến ngôn ngữ của sức mạnh và luôn hành động dựa vào trên niềm tin rằng các đối thủ là những kẻ hèn kém, và đúng là ông ta thường có lý khi tin tưởng như vậy ».
Đối mặt với một nước Nga ưu tiên sức mạnh, báo l’Humanité vẫn tin tưởng vào hiệu quả của nền ngoại giao Châu Âu, đặc biệt qua vai trò môi giới của nước Đức, cụ thể qua việc thành lập một nhóm tiếp xúc để làm việc với Nga. L’Humanité hy vọng « Châu Âu, trong đó có Pháp, có vai trò đáng kể trong việc thương lượng với nước Nga đối tác, để thúc đẩy tại Ukraina một tiến trình dân chủ thực sự, có thái độ tôn trọng đối với tất cả mọi người.Các lời lẽ hòa bình, cũng như lợi ích của mỗi bên được hiểu rõ, phải là những điều được ưu tiên so với vũ khí ».
« Cuộc chiến tin đồn » tại Crimée
L’Humanité có một phóng sự đáng chú ý về tình hình tại điểm nóng Crimée mang tiêu đề « Crimée sống trong cuộc chiến tin đồn ».
Theo đặc phái viên tại Simferopol, các rào chắn tại trung tâm thủ phủ Crimée đã được dỡ bỏ hôm qua, chỉ có các lời đồn đại và khiêu khích từ đủ mọi phía là gây bất an cho dân chúng.
Vào trưa qua, theo hãng tin Nga Interfax, có tin hạm đôi Nga ra tối hậu thư buộc quân đội Ukraina tại Crimée phải hạ vũ khí trước 3 giờ sáng nay. Trong khi đó, cũng hãng này dẫn lời một sĩ quan hạm đội Hắc Hải, theo đó, tối hậu thư này chỉ là tin bịa đặt.
Một cư dân thành phố Simferopol đặt câu hỏi : Rõ ràng là chúng ta được sử dụng như những con tốt trong ván cờ giữa các đại cường quốc. Nhưng ai đã gây ra tình trạng này ? »…
Về thái độ của nước Nga, Les Echos nhận định « việc sáp nhập trên thực tế vùng Crimée và để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraina, ông Putin để lại ấn tượng đang tuyên chiến với Phương Tây bị coi là kẻ thù của Nga, khi ủng hộ cuộc cách mạng tại quảng trường Độc lập ở Kiev (…).
Tờ báo dành nhiều bài viết về phương diện kinh tế trong cuộc khủng hoảng Ukraina như : « Kinh tế Nga, nạn nhân đầu tiên của các đe dọa quân sự của Kremlin ». « Đầu tư, biện pháp thực sự duy nhất đối với Nga », « Ukraina-Nga : căng thẳng leo thang làm các nhả đầu tư hoảng sợ »…
Trung Quốc : Chu kỳ bạo lực mới chống người Duy Ngô Nhĩ sẽ khốc liệt hơn
Về thời sự Châu Á, Le Figaro chú ý đến thái độ của chính quyền Bắc Kinh đối với vụ khủng bố mới đây tại Vân Nam, qua bài viết “Sau ngày 11/09, Trung Quốc chuẩn bị trả đũa”.
Le Figaro nhận định, chính quyền Trung Quốc cáo buộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng sau vụ thảm sát đẫm máu tại Côn Minh. Truyền thông Trung Quốc gọi lấy ngày khủng bố 1.3 làm tên gọi vụ thảm sát (3.01), để so sánh với ngày 11/09 của Mỹ.
Hôm qua, người phát ngôn của tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, tổ chức của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, bày tỏ lo ngại vì Bắc Kinh có thể lấy cớ này để đàn áp khốc liệt.
Các chuyên gia cảnh báo một chu kỳ bạo lực mới chống lại người Duy Ngô Nhĩ trên khắp Trung Quốc, lần này có thể sẽ được ủng hộ cao của dân chúng, sau các bạo lực như vậy.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải thừa nhận là sự chậm phát triển về kinh tế tại Tân Cương và Tây Tạng là nguồn gốc của một số bất ổn tại các khu vực này.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng hứa hẹn một sự phát triển nhanh chóng hơn để củng cố đoàn kết, nhưng vấn đề là các đầu tư cho Tân Cương và Tây Tạng cho đến nay chủ yếu để phục vụ lợi ích của người Hán, sắc tộc đa số tại Trung Quốc, nhưng là cư dân thiểu số tại hai vùng trên.
Pháp : Đòi hỏi minh bạch của lãnh đạo đảng đối lập bị nghi ngờ
Thời sự nước Pháp, cuộc phản công của thủ lĩnh đảng đối lập UMP, François Copée chống lại cáo buộc của tuần báo Le Point số ra mới đây là chủ đề chính trên trang nhất một số báo Pháp.
Báo Le Point cáo buộc đương kim chủ tịch UMP trước đây từng ưu đãi thân nhân trong việc bán các căn hộ của công, khi còn là bộ trưởng… Le Figaro dành trang nhất đăng tải phản ứng của lãnh đạo đối lập, lên án nghiêm khắc cáo buộc nói trên, tố cáo một chiến dịch tấn công mang tính thù hận và đồng thời kêu gọi ra một quy định pháp lý mới về sự minh bạch lĩnh vực công.
Một sáng kiến được cánh tả đón nhận với sự mỉa mai và cánh hữu với sự dè dặt. Phản ứng cứng rắn của lãnh đạo đối lập khiến chính tờ báo thiên hữu Le Figaro phải ngạc nhiên.
Theo Le Figaro, hiện tại không có bằng chứng cho cáo buộc, và việc tự vệ không nhất thiết lúc nào cũng phải bằng cách phản công. Tờ báo cũng chỉ ra một mâu thuẫn giữa đòi hỏi minh bạch hoàn toàn mà ông François Copée vừa được đưa ra, với thái độ phản đối việc minh bạch hóa tài sản của các dân biểu của chính ông cách đây một năm.
« Je t’aime, je t’aime » của Alain Resnais : Bộ phim ưa thích của đạo diễn « Gravity »
Như chúng tôi đã đưa tin hôm qua về sự ra đi của nhà đạo diễn Pháp Alain Resnais, 91 tuổi, ngày 1/3. Le Monde hôm nay dành nhiều trang để giới thiệu về người đạo diễn tài ba qua bài « Alain Resnais, nhà điện ảnh trở về từ cõi chết » để tưởng nhớ nhà sáng tạo thiên tài, nhân chứng tỉnh táo trước những thảm họa kinh hoàng của thế kỷ XX, tác giả của « Hiroshima, tình yêu của tôi ». « ‘‘Nuit et brouillard’’ (Đêm tối và sương mù), bộ phim của mọi tranh luận » là một bài viết khác trong loạt bài về đạo diễn Alain Resnais.
Tuy nhiên, cảm nhận về điện ảnh của Resnais là rất khác biệt bên kia bờ đại dương. Ở Hoa Kỳ, người ta đặc biệt ưa thích bộ phim « Je t’aime, je t’aime/I love you, I love you » (1968). Đây là bộ phim rất được Alfonso Cuaron, tác giả phim « Gravity », vừa đoạt 7 giải Oscars, ngưỡng mộ.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 08-03-2014 - 08/03/2014 18:46
- Thêm một tai nạn chết người trên một chiến hạm đang đóng tại Mumbai - 08/03/2014 18:18
- Máy bay Malaysia Airlines 'mất liên lạc' - 08/03/2014 04:39
- SAT được cải tổ để thích hợp với chương trình học phổ thông - 07/03/2014 20:20
- Olympic người khuyết tật khai mạc trong lúc Crimée căng thẳng - 07/03/2014 20:02
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 07-03-2014 - 07/03/2014 19:53
- Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi Mỹ bảo vệ dân chủ thế giới, Bắc Kinh phản đối - 07/03/2014 17:18
- Mỹ tăng yểm trợ quân sự cho Ba Lan và các nước vùng Baltic - 07/03/2014 03:22
- Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy và vợ kiện cố vấn Buisson xâm phạm đời t - 07/03/2014 03:07
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 06-03-2014 - 07/03/2014 02:32
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 04-03-2014 - 04/03/2014 23:15
- Bệnh nhân ghép tim nhân tạo đầu tiên qua đời - 04/03/2014 22:53
- Trung Quốc, chủ nợ của thế giới ? - 04/03/2014 22:40
- Sau tên lửa, Bình Nhưỡng thị uy bằng pháo rocket - 04/03/2014 22:17
- Bão tuyết làm tê liệt Washington D.C. - 03/03/2014 21:05
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 03-03-2014 - 03/03/2014 20:36
- Khủng bố tại Islamabad: Hơn một chục người thiệt mạng - 03/03/2014 20:25
- Ukraina : Phương Tây đình chỉ tư cách thành viên G8 của Nga - 03/03/2014 19:16
- Các Bà mẹ Thiên An Môn đòi Bắc Kinh mở thảo luận về lỗi lầm trong quá khứ - 02/03/2014 23:46
- Biểu tình ở Hồng Kông phản đối vụ tấn công cựu tổng biên tập Minh Báo - 02/03/2014 23:39