Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-08-2013

 Hồ Chí Minh, Thành phố năng động

saigon nay

Một góc Sài Gòn (DR)


Sau Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil, còn có nhiều quốc gia khác đang thấy tăng trưởng kinh tế cất cánh. Đó chính là những « con hổ » mới, theo như cách gọi của tuần san "M" của báo Le Monde.

Trong số ra tuần này, tạp chí đã ưu ái đề cập đến « con hổ » đầu tiên đó là Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Với hàng tựa « Hồ Chí Minh, thành phố năng động » và tấm ảnh chụp Sài Gòn về đêm lung linh dưới ánh đèn màu cùng với những tòa tháp chọc trời mọc lên như nấm, bài viết nhận định, Việt Nam giờ đây đang « thay da đổi thịt ».

Trên mọi dãy phố, nét truyền thống pha lẫn với hiện đại. Đây đó là những hàng quán vỉa hè, những gánh hàng rong hòa quyện cùng với các cửa hiệu sang trọng.

Bài phóng sự này do Laetitia Van Eeckhout, phóng viên thường trực của báo Le Monde tại Việt Nam từ hai năm nay và phóng viên ảnh người Mỹ Quinn Ryan Mattingly, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh từ bảy năm nay đồng thực hiện.

Với dân số trẻ, Việt Nam là một thị trường năng động

Hai tác giả cho rằng, Việt Nam hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất của châu Á, như dân số đông và trẻ (92 triệu dân, trong đó hơn phân nửa dưới 30 tuổi), và mức tăng trưởng kinh tế đều đặn hàng năm trung bình ở mức 7,2%.

Dù là hiện nay sự năng động đã bị yếu đi đôi chút và lạm phát vẫn còn ở mức khá cao, nhưng Tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người (GDP) đã tăng lên đến 60%. Thống kê năm 2012 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 1.500 đô-la.

Cùng với thời gian, quan niệm đến đầu tư tại Việt Nam của doanh nhân nước ngoài cũng đang dần thay đổi theo xu hướng phát triển của xã hội. Trước đây, họ chạy theo trào lưu di dời cơ xưởng do giá nhân công rẻ. Giờ đây, với mức tiêu thụ nội địa ước tính lên đến 24% (thống kê năm 2011), quan niệm kinh doanh đó cũng biến đổi nhanh chóng theo. Các doanh nhân nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, nhất là Pháp và nhiều Việt kiều hồi hương.

Ông Nicolas du Pasquier, chủ tịch phòng thương mại Pháp tại Việt Nam đánh giá rất cao các khả năng tiềm tàng của đất nước : nhiều tài nguyên, dân số đông và trẻ, và số ngoại kiều có khiếu kinh doanh về nước đông đảo và nhất là máu kinh doanh bẩm sinh của người Việt.

Theo doanh nhân Jean-Luc Voisin, chủ doanh nghiệp Les Vergers du Mékong, chuyên về kinh doanh chế biến trái cây, nhờ điều kiện khí hậu tốt, trái cây Việt Nam có quanh năm suốt tháng. Chỉ trong vòng có 7-8 năm mà Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 3 các quốc gia xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu và hạt điều.

Xã hội Việt Nam thay đổi sâu sắc

Cũng theo doanh nhân trên, sự thay đổi trong lòng xã hội Việt Nam cứ như là một “vòng xoáy liên tục”. Ông nói “cái gì của hôm nay không còn là của ngày mai”. Cách thức tiêu thụ ở giới trẻ tiến nhanh với tốc độ chóng mặt. Một khi có điều kiện, đòi hỏi về sản phẩm của họ ngày càng hoàn hảo hơn.

Họ cũng bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm thực phẩm cao cấp như omega-3, thực phẩm an toàn (bio), hay như chú ý đến các tác hại thuốc trừ sâu trong thức ăn…

Không những họ đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, nhu cầu của xã hội cũng đang biến đổi ngay trong lòng cấu trúc gia đình. Khác với lúc trước, hai thậm chí là ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà, ngày nay, ngay khi có thể, giới trẻ tự xây cho mình một mái ấm riêng.

Thay đổi không chỉ diễn ra ở thành thị mà cũng đang lan dần sang cả nông thôn. Eric Merlin, có vợ là người Việt, chủ nhân cửa hàng Annam Gourmet, chuyên phân phối các sản phẩm nhập khẩu, nhận thấy dù 2/3 dân số là ở nông thôn, khoảng cách về sức mua giữa nông thôn và đô thị vẫn còn lớn nhưng điều đó cũng không ngăn cản các sản phẩm tiêu thụ, bảo trì hay các sản phẩm chăm sóc cơ thể đến với các vùng nông thôn.

Giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu một nền kinh tế hiện đại

Bên cạnh những điểm mạnh của Việt Nam, các doanh nhân Pháp cũng chỉ ra các điểm hạn chế cần khắc phục. Theo họ, hệ thống giáo dục của đất nước vẫn còn quá yếu kém để thỏa mãn các nhu cầu của một nền kinh tế hiện đại.

Dù rằng trình độ giáo dục đã được cải thiện, nhưng trường học vẫn chưa đào tạo ra được các nhà chuyên nghiệp thật thụ. Eric Planchon, có cơ sở tại Việt Nam chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe thú vật cho rằng chưa biết cách làm việc theo nhóm và thiếu ý tưởng là một những thách thức lớn nhất. Thế nhưng anh cho rằng các điểm này vẫn có thể khắc phục được.

“Nhập gia tùy tục”

“Nhập gia” phải “tùy tục” là nhận định chung của các doanh nhân Pháp khi đến Việt Nam lập nghiệp. Khởi đầu có thể sẽ rất phức tạp, nhưng một khi đã tìm thấy cho mình một dấu ấn riêng, hiểu được các thủ tục, thích ứng được với môi trường văn hóa, vốn dĩ rất khác biệt với phương Tây và nhất là phải biết tự trang bị cho mình sự kiên nhẫn thì mọi việc sẽ “thuận buồm xuôi gió”.

“Chính quyền Việt Nam luôn đưa ra các rào cản, nhưng một khi anh được xem như là một doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, thì chính quyền sẽ lắng nghe anh”, theo như lời khuyên của Jean-Luc Voisin.

Nhìn chung, với các điểm mạnh về dân số, tố chất con người, các doanh nhân Pháp thích đến Việt Nam làm ăn là còn nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, đó là ngay trong lòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ Việt Nam, họ thể lấn sang các thị trường khác như Cam Bốt, Thái Lan, rồi Ấn Độ, và gần đây nhất là Lào, Bangladesh, Mông Cổ, Indonesia và Miến Điện.

Cuối cùng, các doanh nhân Pháp nhận thấy rằng “Đất nước này là một trường đời tuyệt vời nhất. Kinh doanh ở đây cũng là cách để tự đào tạo. Tuy khó mà dễ do có rất nhiều cơ hội”. Tóm lại, đây là nơi lý tưởng để “sáng tạo hay tái sáng tạo”, “một biểu tượng của sự toàn cầu hóa”.

Sao Hỏa: biên giới chinh phục vũ trụ mới

Sao Hỏa, Hỏa Tinh hay “Hành tinh Đỏ”, hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ đang là đối tượng chinh phục mới của ngành không gian-vũ trụ. Tính từ năm 1965 đến nay đã có 40 công trình nghiên cứu được đưa ra. Và ngày 06/08 vừa qua, đánh dấu một năm ngày con rô-bốt Curiosity đầu tiên đổ bộ thành công lên sao Hỏa. Về chủ đề này, tuần san l’Express mở hẳn một hồ sơ dài 12 trang để trình bày các tham vọng của việc chinh phục sao Hỏa cho mục đích khoa học và phục vụ nhân loại sau này.

Tìm hiểu sao Hỏa để dự đoán quá trình tiến hóa của Trái Đất

Đối với các nhà khoa học, Sao Hỏa vẫn còn nhiều bí ẩn cần được sáng tỏ như việc tìm hiểu vì sao bầu khí quyền dày đặc và có nước lỏng phủ trên diện rộng bề mặt trên Sao Hỏa lại đột ngột biến mất? Một câu hỏi mà các nhà khoa học muốn được hiểu rõ để từ đó có thể dự đoán trước những biến đổi cho hành tinh xanh chúng ta.

Từ sự ham muốn hiểu rõ nguồn cội sự việc, nhiều chương trình không gian chinh phục sao Hỏa đã, đang và sắp được đưa ra. Theo l’Express, việc con robot Curiosity đổ bộ thành công năm rồi đang tạo sự hưng phấn cho các nhà nghiên cứu. “Hơn bao giờ hết, Hành tinh đỏ đang hình thành nên biên giới mới cho sự chinh phục vũ trụ”, ông Francis Rocard giải thích.

L’Express cho biết là từ đây cho đến 2020 nhiều dự án khám phá Sao Hỏa đã được ấn định theo các bước: đầu tiên hết là đưa máy móc – các thiết bị dò sóng và robots và sau đó là con người. Do đó, để hỗ trợ cho Curiosity, Hoa Kỳ vào khoảng trung tuần tháng 11 năm nay sẽ đưa tiếp một thiết bị dò sóng Maven để dò xét tại chỗ sự tiến hóa của bầu khí quyển. Cuối cùng trong năm 2016, Mỹ sẽ cho hạ cánh chiếc Insight để khám phá lòng đất sao Hỏa (vỏ và tâm sao Hỏa).

Sao Hỏa: sân chơi chung cho cả Âu-Mỹ

Thế nhưng, sao Hỏa không phải sân chơi riêng cho một mình Mỹ. Năm 2016 và năm 2018 sẽ còn có sự tham gia của châu Âu với hai phi vụ có tên gọi là ExoMars.

L’Express nhấn mạnh công cuộc chinh phục Hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ này đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh giữa các cường quốc. Bởi vì, đến năm 2020, đến lượt Hoa Kỳ tiếp tục hành trình chinh phục, khi cho gởi tiếp chiếc Robot mới giống y như chiếc Curiosity nhưng với một tham vọng lớn hơn: thực hiện chuyến trở về Trái Đất đầu tiên cùng những mẫu đất sao Hỏa … y như là trong một kịch bản phim khoa học viễn tưởng.

Và dĩ nhiên, tham vọng cuối cùng là đưa người lên sao Hỏa. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia trong ngành, nhiệm vụ này bất khả thi chí ít cho đến trước năm 2030-2040. Bởi vì, việc chi phí cho một cuộc đổ bộ nhân loại ước tính tốn kém gấp đến 200 lần. Theo một cựu phi hành gia Pháp, “đây là vấn đề thiện chí chính trị”.

Trong bối cảnh kinh tế èo uột như hiện nay, khó có thể nào ông Obama dám đặt 300 tỷ đô-la lên bàn để thực hiện một “giấc mơ nhân loại” thứ hai như cố tổng thống Kennedy từng làm.

Châu Phi: xây đập chắn sa mạc Sahara

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật con người là chủ đề thời sự được tuần san Le Nouvel Observateur quan tâm đến. Tờ báo đặc biệt chú ý đến hiện tượng hạn hán triền miên tại các quốc gia trong khu vực Sahel, khu vực ranh giới ở châu Phi nằm giữa sa mạc Sahara ở phía Bắc và khu vực phía Nam màu mỡ, khiến cho hàng chục triệu con người bị nạn đói đe dọa.

Thường người ta chỉ nghe xây đê để chắn lũ, chứ chưa ai nghe xây để chắn cát. Vậy mà đó là những gì người dân quanh khu vực Sahel, ở nước Burkina Faso đang làm để chống sa mạc hóa, tái tạo lại đất khô cằn.

Còn ở phía bắc Senegal, trong những ngôi làng vắng bóng đàn ông (do họ đổ lên các thành phố ổ chuột hay ra nước ngoài để mưu sinh), chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ con sống vất vả lay lắt với cái bụng trống rỗng từ tháng tư năm nay để chờ đến mùa gặt sang năm. Có điều sức chịu đựng của trẻ con thì quá ngắn ngủi. Theo thống kê, mỗi năm tại vùng Sahel có 200 ngàn người chết do suy dinh dưỡng.

Vùng đất khô cằn này trải qua hơn 12 quốc gia châu Phi, từ Senegal cho đến Sudan. Nạn đói do hạn hán gây ra cũng thê thảm không kém như trong cuộc chiến tại Mali. Các tổ chức nhân đạo thuộc Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ vận động quyên góp lương thực và tiền bạc để hỗ trợ nhưng vẫn thể nào bao trùm hết số 10 triệu người còn lại, đang bị nạn đói đe dọa. Tờ báo tự hỏi phải chăng đó là định mệnh?

Nguyên nhân chính của nạn đói: biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng cao, hạn hán thường xuyên hơn, sa mạc hóa, nhưng mưa đến cũng bất chợt hơn và dày đặc hơn, gây ra lập lụt và xói lở đất. Theo ông, Olivier de Schutter, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về lương thực “Vùng ranh giới Sahel là trường hợp điển hình chịu hậu quả nặng nề về đói của hiện tượng biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Ngày nay, dưới sự trợ giúp của chính phủ và Liên Hiệp Quốc, người dân trong khu vực đang tìm cách chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt như trồng các loại cây chịu các cú sốc nhiệt (cà chua, đậu, dưa tây…) để vượt qua mùa đói. Một phần sản phẩm thu được đem bán để gây quỹ chung. Hay như thành lập các ngân hàng ngũ cốc. Tức là có một bộ phận thu mua một phần thu hoạch, họ cất trữ trong kho hạt chung và sau đó bán lại cho nông dân với giá thấp.

Song song đó, nhiều tổ chức ONG còn giúp họ khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu như xây đê để bảo vệ các cánh đồng khỏi bị xói mòn, hay như là gây rừng lại trên sa mạc.

Tuy vậy, le Nouvel Obs cũng nhận thấy là bất chấp các nỗ lực của người dân trong khu vực, hiệu quả của các biện pháp trên cũng còn rất thấp. Do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất bấp bênh, giá cả lên chóng mặt. Vì vậy, lượng sản xuất ra không đủ cung ứng do mức độ tăng trưởng dân số quá nhanh.

“Smartcity”: thành phố thông minh tương lai tại châu Âu

Trong khi người dân trong khu vực Sahel vẫn còn đang vật vã chống chọi để bảo vệ cái quyền cơ bản nhất của con người là được ăn no, thì trái lại tại châu Âu, có lẽ đã quá no đủ, chính quyền một số nơi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm thế nào để cho người dân của mình được tiện nghi hơn nữa.

Báo Le Nouvel Observateur trên mục Kinh tế có bài đề tựa “Vòng quanh các phố thông minh tại châu Âu”.

Tờ báo nói dí dỏm “trí thông minh” không còn chỉ dành cho con người hay động vật. Giờ đây đến cả đồ vật cũng có dây thần kinh. Chúng ta sắp bước vào một kỷ nguyên mà trước đây chỉ thấy trong các phim khoa học giả tưởng. Đó là các thành phố “thông minh”, hay gọi theo tiếng Anh “smartcity”.

Hiện nay tại một số thành phố lớn tại châu Âu, mà tờ báo lấy ví dụ điển hình như Nice, Montpellier ở miền Nam Pháp, Cachan – thành phố ngoại ô Paris hay Stockholm, các thị trưởng bắt đầu cho xây dựng các thành phố “thông minh” theo hai tiêu chí chính: Thứ nhất, bảo vệ môi trường và khí thải carbon. Thứ hai, Internet tốc độ nhanh cho phép các vật dụng có gắn thiết bị bắt sóng giao tiếp và nhận lệnh.

Như vậy, người dân tại các thành phố này sẽ có được những tiện ích rất hiện đại như được hướng dẫn tìm chỗ đỗ xe gần nhất, đèn đường đo chất lượng không khí, tiếng động và điều chỉnh cường độ ánh sáng theo ánh sáng môi trường chứ không theo giờ, nhà ở có gắn đường ống lấy rác (thay vì các dịch vụ vệ sinh phải đến lấy rác bằng xe) nối thẳng với trung tâm xử lý rác và sử dụng năng lượng mặt trời có gắn công-tơ thông minh ghi rõ mức tiêu thụ cụ thể của từng dụng cụ gia đình…

Theo tính toán của các vị thị trưởng nếu thành công, trong tương lai không xa, người dân cũng như thành phố sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng, tiết kiệm thời gian và giảm thải được rất nhiều khí carbon. Con người sống trong môi trường đó sẽ được tiện nghi hơn và thân thiện hơn.

 

Switch mode views: