Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-03-2018
- Thứ Tư, 07 tháng Ba năm 2018 19:09
- Tác Giả: Thu Hằng
Bắc Kinh thụ động trước cuộc khủng hoảng Triều Tiên
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo về chương trình vũ khí nguyên tử. Ảnh do KCNA đăng tải ngày 03/09/2017.
KCNA via REUTERS/File Photo
Kể từ khi Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang kết thúc, Bắc Kinh đã kín đáo xoay sở để kéo dài thời gian lắng dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên : Bắc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng các cuộc tập trận thường niên (theo nguyên tắc sẽ được mở lại vào tháng Tư).
Đây lại chính là giải pháp giảm căng thẳng được Bắc Kinh đề xuất từ mùa hè 2017, theo nhận định của tác giả Brice Pedroletti trong bài viết :
« Bắc Kinh thụ động trước cuộc khủng hoảng Triều Tiên » trên Le Monde.
Nhưng liệu lần thử nghiệm này có thể chuyển được thành một thỏa thuận « hai điểm ngừng » hay không ?
Đề xuất « hai điểm ngừng » của Trung Quốc cho đến hiện giờ vẫn rất trừu tượng, « chỉ là ý tưởng chung chung », theo đánh giá của nhà nghiên cứu Trung Quốc Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân ở Trung Tâm Carnegie-Tshinghua.
Ông cho rằng nên “bắt đầu bằng từng bước mà hai bên cùng chấp nhận được : Bình Nhưỡng kiềm chế bắn tên lửa bay trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản, được cho là những hành động mang tính khiêu khích nhất trong các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Hoa Kỳ nên tránh điều oanh tạc cơ B-52 đến quá gần không phận Bắc Triều Tiên ».
« Các cuộc mặc cả lớn » với Bắc Triều Tiên vào năm 1984 và 2005 đã trở nên vô hiệu vì bản chất bất cân xứng.
Và điều này có nguy cơ xảy ra vì, một khi từ bỏ khả năng răn đe của mình, Bắc Triều Tiên tự thấy dễ bị tấn công.
Trong khi cam kết từ phía Mỹ không tấn công Bắc Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ chỉ là cam kết ngoại giao, một sớm một chiều có thể rút lại được.
Ông Triệu Thông nhận định « nếu như sự bất tín từng ngăn các cuộc thương lượng lớn có hiệu quả, thì điều này còn sâu sắc hơn trong thời điểm hiện nay ».
Đối với Trung Quốc cũng như Bắc Triều Tiên, mọi việc phải xuất phát từ thượng tầng, theo giải thích của ông Triệu Thông.
Có nghĩa là « đầu tiên, chấp nhận nước kia như là một đối tác ngang hàng trên bình diện chính trị, trước khi chuyển sang các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt kinh tế không phải là cách đã khiến cho Bắc Kinh mở cửa, mà phải là chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon (năm 1972) ».
Trên thực tế, sự thụ động của Bắc Kinh cũng dễ hiểu. Ngoài lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột ngay sát biên giới, Trung Quốc, cũng như Bắc Triều Tiên, đều ngờ vực lẫn nhau.
Trung Quốc muốn tránh vai trò thi hành trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vì như vậy sẽ biến Bắc Kinh thành kẻ thù trực tiếp của Bình Nhưỡng.
Tiếp theo, sự thận trọng của Trung Quốc còn bắt nguồn từ những điểm khác biệt cơ bản với Hoa Kỳ trong cách nhận thức về nguy cơ.
Đối với nhiều chuyên gia Trung Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên nhìn nhận vũ khí hạt nhân là cách đảm bảo cho sự sống còn, không giống quan điểm « vũ khí để sử dụng » của Washington.
Ngoài ra, giữa Bắc Kinh và Washington cũng không có quan điểm chung về tương lai của bán đảo Triều Tiên trong trường hợp hai miền thống nhất, kể cả về lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và liên minh quân sự giữa Washington và Seoul.
Hiện nay, điểm này mới chỉ được trao đổi không chính thức giữa các cựu quân nhân và giới nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ.
Trên thực tế, Bắc Kinh không hoàn toàn tin rằng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ mang lợi cho Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Triệu Thông kết luận : “Trong mọi môi trường ở Trung Quốc, chính phủ, quân nhân và giới nghiên cứu đều bận tâm đến việc Hoa Kỳ có thể bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên và Whasington sẽ biến điều này thành lợi thế chiến lược trước một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh”.
Căng thẳng liên Triều tạm lắng trong bữa tối tại Bình Nhưỡng
Sự kiện phái đoàn gồm 10 quan chức Hàn Quốc được chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un long trọng đón tiếp và mời ăn tối đều được các nhật báo Pháp đề cập.
Với nhật báo Le Monde, đây là « bữa tối xoa dịu giữa hai miền Triều Tiên », vì khác với lệ thường, có cả phu nhân và em gái của lãnh đạo Kim Jong Un tham dự.
Seoul muốn duy trì khoảng thời gian lắng dịu giữa hai miền sau khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 2017. Giờ Hàn Quốc phải thuyết phục được chính quyền Mỹ.
Vì vậy, sau chuyến công du Bình Nhưỡng trong hai ngày 05 và 06/03, phái đoàn Hàn Quốc sẽ bay sang Washington báo cáo tình hình với chính quyền Mỹ.
« Hai miền Triều Tiên sẽ họp thượng đỉnh vào cuối tháng Tư » - sự kỳ diệu hậu Thế Vận Hội - là thông tin được La Croix đề cập.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu an ninh của Bắc Triều Tiên được đảm bảo, đồng thời sẽ đàm phán với Washington.
Với Les Echos, đó là « sự biến chuyển ngoạn mục của Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân ».
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh trên Twitter ngày 06/03 « những nỗ lực trong cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên… Cả thế giới đang hướng đến và chờ đợi ! »
Cựu điệp viên Nga bị tấn công ở Anh
Ông Sergei Skripal, cựu điệp viên nhị trùng của cơ quan tình báo Anh, được phát hiện bất tỉnh hôm Chủ Nhật 04/03 cùng với con gái, trên ghế băng gần một trung tâm thương mại ở Salisbury, một thành phố tây nam Luân Đôn.
Không chỉ trở thành chủ đề chính của các nhật báo Anh, « vụ đầu độc bí hiểm một cựu điệp viên Nga » cũng được các báo Pháp đề cập, như Le Figaro.
Libération đặt câu hỏi : « Vụ gián điệp Nga bị tấn công ở Anh : câu chuyện về chất độc đỏ ? ».
Theo nhật báo thiên tả, vụ việc lại làm dấy lên nghi ngờ về một âm mưu ám sát của Matxcơva.
Le Figaro cho biết điện Kremlin bác bỏ có mọi thông tin lên về « thảm kịch này » và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính quyền Anh để làm sáng tỏ vụ việc.
Bộ Ngoại Giao Anh cho biết cân nhắc những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga và xem xét lại việc đội tuyển bóng đá Anh tham dự Cúp Vô địch Thế giới tại Nga vào mùa hè 2018.
Cuối cùng, Le Figaro cho biết nhiều cái chết bí hiểm của các nhà đối lập với chế độ Putin tại Anh vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo CIA, 14 người Nga đã thiệt mạng trong những năm qua, do các cơ quan nhà nước hoặc mafia Nga ra tay.
Chia 5 loại bệnh tiểu đường (diabète) để điều trị tốt hơn
Trên lĩnh vực y tế, nhật báo Le Figaro cho biết « sẽ có 5 loại bệnh tiểu đường, chứ không phải 2 » như hiện nay. Sự phân loại này sẽ giúp điều trị tốt hơn người bệnh.
Hiện bệnh tiểu đường Type 1 chiếm khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường.
Ngay từ nhỏ, bệnh nhân không sản sinh hoặc sản sinh ít insulin, loại hooc-môn điều tiết tỉ lệ đường trong máu.
Trong bệnh tiểu đường Type 2, các tế bào trong cơ thể trở nên kháng chất insulin hơn do nhiều yếu tố, trong đó có cả chế độ ăn uống không khoa học và thiếu hoạt động thể chất.
Sau một một nghiên cứu trên 14.000 bệnh nhân Thụy Điển, các bác sĩ ở nước này đã chia bệnh tiểu đường Type 2 thành bốn loại : bệnh nhân thiếu insulin (có đặc điểm giống bệnh nhân mắc bệnh Type 1) ; bệnh nhân kháng chất insulin và bị béo phì ; hai loại còn lại là bệnh nhân cũng bị béo phì nhưng không kháng insulin.
Các bác sĩ Thụy Điển cho rằng việc phân loại mới này sẽ giúp áp dụng các biện pháp điều trị tùy theo từng bệnh nhân và đây là « bước khởi đầu dẫn đến một ngành y chi tiết và chính xác ».
Trang nhất báo chí Pháp
Cuộc tranh luận trên truyền hình tối nay để tranh chức thư ký thứ nhất Đảng Xã Hội Pháp là chủ đề được hai nhật báo Le Figaro và Libération đề cập trên trang nhất.
Với nhật báo thiên hữu Le Figaro, « Đảng Xã Hội trên đường xuống địa ngục ».
Bốn ứng viên tranh vị trí điều hành một đảng đang hấp hối, trong đó có cựu bộ trưởng Nông Nghiệp và phát ngôn viên điện Elysée, ông Le Foll, người được cho là có triển vọng nhất.
Bài xã luận còn cay độc hơn với câu hỏi : « Cuộc tranh luận cuối cùng trước khi giải thể ? »
Trong mục « Sự kiện », Libération đăng chân dung chụp lúc nhá nhem tối của bốn ứng viên đảng Xã Hội, tăm tối như tương lai của « Đảng Xã Hội, đang đi tìm tiếng nói của mình », như hàng tựa trên trang nhất.
Hai chủ đề xã hội khác được đề cập là « Tổng thống Macron muốn hạn chế án tù đối với các tội danh nhẹ », được Les Echos đưa tin.
Trang nhất của La Croix là hàng tựa « Chấm dứt bỏ tù tất cả » nhằm giảm tải cho các nhà giam.
Để chống tình trạng lạm dụng, bạo lực tình dục trẻ vị thành niên, một dự thảo luật sẽ được trình bày trước hội đồng bộ trưởng vào cuối tháng Ba, theo đó, độ tuổi đồng ý quan hệ tình dục được ấn định là 15 tuổi.
Tin mới
- Tây Ban Nha: Một ngày tê liệt vì phụ nữ “tổng nổi dậy” ngày 08/03 - 10/03/2018 16:39
- Tàu sân bay Mỹ rời Việt Nam, Bắc Kinh tỏ ý bực tức về chuyến thăm - 10/03/2018 16:06
- Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh đánh thuế nhập khẩu thép, nhôm - 09/03/2018 18:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-03-2018 - 09/03/2018 17:58
- Donald Trump nhận lời mời gặp của Kim Jong Un - 09/03/2018 17:05
- Phụ nữ đòi bình quyền trong Giáo Hội Công Giáo - 09/03/2018 00:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-03-2018 - 08/03/2018 22:35
- Nga : Kho vũ khí mới “bất khả chiến bại” của Putin có gì? - 08/03/2018 15:48
- Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Bùi Văn Đọc qua đời tại Vatican - 07/03/2018 20:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-03-2018 - 07/03/2018 20:07
Các tin khác
- Giới trẻ Mỹ nhập trận chống lưu hành súng tự do - 07/03/2018 17:38
- Cố vấn kinh tế chủ chốt của Nhà Trắng từ chức - 07/03/2018 17:24
- Tổng thống Hàn Quốc thận trọng với thiện chí của Bắc Triều Tiên - 07/03/2018 17:13
- TT Trump: Sẽ còn nhiều thay đổi tại Tòa Bạch Ốc để được ‘toàn hảo’ - 06/03/2018 22:06
- Phi cơ vận tải quân sự Nga rớt ở Syria, 39 người chết - 06/03/2018 21:59
- Quan hệ Mỹ-Việt: Biểu tượng Carl Vinson và ý muốn chống Trung Quốc - 06/03/2018 15:01
- Phái đoàn Hàn Quốc và Kim Jong-Un bàn tổ chức thượng đỉnh liên Triều - 06/03/2018 13:58
- USS Carl Vinson, biểu tượng quân sự lớn nhất của Mỹ, cập cảng Đà Nẵng - 06/03/2018 03:14
- Liên Triều : Phái đoàn cao cấp Hàn Quốc hội kiến Kim Jong Un - 05/03/2018 20:04
- Trung Quốc: Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt - 05/03/2018 19:43