Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc: Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt

wang qishan

Ông Vương Kỳ Sơn (P), người được coi là sẽ trở thành phó chủ tịch Trung Quốc, phiên khai mạc Quốc Hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 05/03/2018.
REUTERS/Jason Lee

Như thông lệ, đầu tháng 3/2018 này, tại Trung Quốc diễn ra hai hội nghị chính trị lớn, của Quốc Hội và Chính Hiệp (tức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân), định chế mà một số nhà quan sát ví như một dạng « Thượng Viện » của Trung Quốc.

Những gì đáng chú ý trong hai kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp đầu tiên tiếp theo Đại Hội thứ 19, đưa ông Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực ?

Theo báo chí châu Á và quốc tế, bên cạnh khả năng Hiến pháp Trung Quốc sẽ được sửa đổi để mở đường cho ông Tập thâu tóm toàn bộ quyền bính, một vấn đề chính yếu là nhiều nhân vật thân cận với chủ tịch Trung Quốc sẽ được đưa vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Những vị trí chủ chốt nào ?

Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trợ tá đắc lực của Tập Cận Bình trong cuộc chiến « chống tham nhũng », còn được gọi là « đả hổ, diệt ruồi », rất nhiều khả năng sẽ được bầu làm phó chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Trong Đại Hội thứ 19, hồi tháng 10/2017, Vương Kỳ Sơn không được tái bổ nhiệm làm ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, do đã quá tuổi quy định, cho dù vào thời điểm đó đã có nhiều đồn đoán về việc nhân vật này tiếp tục tại vị.

    Đọc thêm : Tập Cận Bình có đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?

Vương Kỳ Sơn là người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ quan nắm quyền sinh, quyền sát trong cuộc « chiến chống tham nhũng », mà nhiều người cho cũng là phương tiện để ông Tập Cận Bình loại trừ các thế lực đối lập trong đảng.

 Dưới thời Vương Kỳ Sơn, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền uy, bí thư Trùng Khánh, từng được coi là người có khả năng trở thành lãnh đạo tối cao, đã bị hạ bệ, và tiếp theo đó là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cũng là người đứng đầu Trùng Khánh, và cũng từng được coi là ứng viên kế nhiệm lãnh đạo họ Tập.

Ngoài vị trí phó chủ tịch nước, Nikkei còn chú ý đến bốn chức phó thủ tướng và dự đoán chắc chắn sẽ có một số nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, vừa được bầu làm ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị trong kỳ Đại Hội 19.
Ngoài ra, còn năm ủy viên Quốc Vụ, cấp lãnh đạo trong chính phủ quan trọng hơn bộ trưởng.

Ứng viên số một vào hai chức vụ rất quan trọng khác, lãnh đạo ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính, là những nhân vật rất thân cận với Tập Cận Bình : ông Lưu Hà (Liu He) hiện là kinh tế gia trưởng của chính phủ, và ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), hiện là chủ tịch cơ quan kiểm soát lĩnh vực ngân hàng của chính phủ Trung Quốc.

Thêm nhiều tỉ phú công nghệ tin học

Báo chí đặc biệt chú ý đến hai thay đổi lớn khác trong hàng ngũ các đại biểu tham dự hai kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp của Trung Quốc (người Trung Quốc thường gọi là « lưỡng hội »).

Trước hết, đó là số lượng các đại biểu tỉ phú tuy giảm mạnh so với khóa trước, nhưng ngược lại nhìn chung tổng tài sản của nhóm tỉ phú lại gia tăng, và đặc biệt rất nhiều tỉ phú trong ngành công nghệ cao, trước hết là công nghệ tin học, trí tuệ nhân tạo, người máy.

Theo AP, theo một báo cáo điều tra của Hurun, chuyên xếp hạng các doanh nhân châu Á, công bố ngày 02/03, trong số hơn 5.000 đại biểu Trung Quốc, có 152 người « siêu giàu », so với 209 người của khóa trước.
Tuy nhiên tổng tài sản của nhóm này là 4.100 tỉ nhân dân tệ (tức 650 tỉ đô la), tăng một phần năm so với năm trước. 28 đại gia trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc có mặt trong danh sách các đại biểu.

Sự hiện diện của nhiều tỉ phú trong hàng ngũ các đại biểu cho thấy tầng lớp doanh nhân giàu có vẫn là đối tượng « hoan nghênh » của chế độ cộng sản, cho dù trong những năm qua, Bắc Kinh liên tục có nhiều chính sách được coi là « quyết liệt » nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt trong vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.

Cho dù lo ngại vì những thay đổi chính sách, nhưng nhìn chung, đối với các doanh nhân tư nhân Trung Quốc, thì việc tham gia vào nhóm « tinh hoa chính trị » này vẫn là một phương tiện thăng tiến, bởi đa số họ đều hiểu rằng « đảng kiểm soát tất cả ».

Đứng đầu nhóm các tỉ phú là ông Pony Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), chủ tịch tập đoàn Tencent/Đằng Tấn - điều hành ứng dụng trực tuyến nổi tiếng WeChat hay Vi Tín (Weixin) (với gần một tỉ người sử dụng), với tổng tài sản 47 tỉ đô la.

Người đứng thứ hai trong nhóm này là Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tịch Geely - một trong các tập đoàn xe hơi lớn nhất Trung Quốc, cũng là ông chủ hãng xe hơi Volvo Thụy Điển, và vừa mua lại 10% cổ phần của tập đoàn xe hơi Đức Daimler.
Tổng tài sản của doanh nhân họ Lý ước tính 17 tỉ đô la.

    Đọc thêm : Alibaba, bộ mặt mới của tư bản Trung Quốc

Theo giáo sư Sun Xin chuyên về doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Á ở trường King’s College, Luân Đôn, hầu hết các gương mặt mới được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn ban kinh tế của cơ quan Chính Hiệp đầu xuất thân từ các công ti công nghệ.

 Quyết định này của chính quyền Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chủ trương chuyển hướng kinh tế dựa vào hiện đại hóa công nghiệp và cách tân công nghệ, hơn là các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng truyền thống.

Một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ công nghệ mới nổi lên là ông Richard Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc JD.com, hay Đinh Lỗi (Ding Lei), ông chủ của NetEase, công ti trò chơi điện tử và quảng cáo trên mạng đứng thứ hai Trung Quốc.

Hàng loạt đại gia bất động sản giã từ « lưỡng hội »

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, một điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai trong lĩnh vực này là sự ra đi của hàng loạt đại biểu – đại gia bất động sản, tổng cộng hơn 20 người, trong đó có đại gia Hồ Bảo Sâm (Hu Baosen), ông chủ tập đoàn Jianye, hay Hồ Á Quân (Wu Yajun), lãnh đạo Longfor Properties…

Theo nhà nghiên cứu độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), ở Bắc Kinh, được SCMP dẫn lại, việc hàng loạt đại gia bất động sản vắng mặt là một chỉ dấu cho thấy đường lối chống « đầu cơ » bất động sản của ông Tập Cận Bình bắt đầu có hiệu lực.

Theo chuyên gia Hồ Tinh Đẩu, « càng nhiều đại gia bất động sản trỗi dậy, điều đó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không sung sức », « ít người muốn đầu tư vào các hoạt động kinh tế thực sự, vào các ngành công nghiệp quốc gia » và bất động sản cũng là « ổ tham nhũng », bởi lĩnh vực này liên quan đến hàng trăm kế hoạch xây dựng của chính phủ.

Trong số các đại gia bất động sản trụ lại được, có tỉ phú Hứa Gia Ấn (Hui Kayan), chủ tập đoàn Evergrande Group, được biết đến như là người đã bỏ ra 1,7 tỉ đô la trong hai năm qua, để giảm nghèo đói tại một thành phố tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ giúp một triệu dân Trung Quốc thoát nghèo. Tỉ phú Hứa Gia Ấn có tài sản ước tính 41 tỉ đô la.

Sửa đổi Hiến pháp : Nhiều dấu hỏi đặt ra về Hội nghị trung ương 3 bất thường

Theo phân tích của nhà báo Charlotte Gao, trong một bài viết đăng tải hôm 01/03 trên trang mạng The Diplomat, cho đến nay chưa rõ là Quốc Hội Trung Quốc có thông qua yêu cầu của ban lãnh đạo đảng hủy bỏ quy định làm chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ hay không trong lần họp này.

Ngay trước kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp, Bắc Kinh tổ chức bất thường hội nghị trung ương lần thứ ba (Đại Hội 19), bình thường sẽ chỉ diễn ra vào cuối năm.
Trên thực tế việc tổ chức thêm một kỳ hội nghị lần thứ ba, chỉ sau hội nghị lần thứ hai có một tháng, là điều « không bình thường ».

Điều không bình thường nữa là cả hai hội nghị thứ ba và thứ hai đều đã không hề có thông báo chính thức về việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề nhiệm kỳ chủ tịch, như thông tin được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc, vốn được coi như quan điểm chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương (Tân Hoa Xã, ngày 25/02/2018).

    Đọc thêm : Chủ tịch suốt đời : Tập Cận Bình đại nhảy vọt hay đại thụt lùi ?

Theo Charlotte Gao, nhìn chung đây là chuyện « rất đáng ngạc nhiên ». Hiện tại rất ít thông tin lọt ra từ hội nghị này.
Nhà báo Charlotte Gao dẫn lời nhà bình luận chính trị độc lập Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), ở Bắc Kinh, trong vấn đề này, có hai khả năng hoàn toàn trái ngược.

Thứ nhất là Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể đã « hoàn toàn nhất trí » trong đảng về đề nghị sửa đổi Hiến pháp ngay trong hội nghị lần thứ hai trước đó, vì vậy không cần nhắc lại vấn đề này.

Giả thuyết thứ hai, cũng rất có thể, là đã xảy ra « nhiều tranh luận quyết liệt » về việc sửa đổi Hiến pháp trong nội bộ Ủy Ban Trung Ương.
Điều này cũng có nghĩa là ông Tập Cận Bình cho đến khi Quốc Hội khai mạc vẫn chưa thuyết phục được toàn bộ ban lãnh đạo đảng.

Quá trình ra quyết định của chế độ cộng sản Trung Quốc vốn luôn nằm trong vòng bí mật.
Kết quả của kỳ họp Quốc Hội sẽ cho biết khả năng nào là đúng.

Điều rõ ràng nhất, đó là cũng như thông lệ, thông báo của hội nghị lần thứ ba hứa hẹn sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng « trong mọi lĩnh vực » và mục tiêu của cuộc cải cách hiện nay là để làm sao tất cả mọi cơ quan, từ chính phủ cho đến « các tổ chức nhân dân », « tổ chức xã hội », « doanh nghiệp » đều làm việc dưới « sự lãnh đạo thống nhất » của Đảng Cộng Sản.


Switch mode views: