Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08- 09-2017

Khủng hoảng Rohingya: Lò lửa Đông Nam Á

rohingya-bangladesh 6


Người tị nạn Rohingya mới đến tại trại Kutupalang, Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh 30/08/2017.
REUTERS/Mohammad Ponir Hossain

Thảm họa,Tai biến, Hủy diệt : những tựa lớn trên báo Pháp ngày 08/09/2017 mô tả thiệt hại khủng khiếp do cơn cuồng phong Irma để lại ở vùng biển Caribê.

Nhưng tại Đông Nam Á, một cơn bão khác, bão lửa, đang manh nha nổi dậy và có nguy cơ tàn phá khu vực nếu cộng đồng quốc tế không dứt khóat giải quyết: khủng hoảng sắc tộc tại Miến Điện mà nạn nhân là người Hồi Giáo Rohingya.

Với hàng tựa gây lo ngại : Nguy cơ Đông Nam Á bị đốt cháy, nhật báo kinh tế Les Echos tóm lược nhận định của báo Mỹ « Wall Street Journal »: Trong vòng hai tuần, hơn 164.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải bỏ Miến Điện chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Bị tước quốc tịch vào năm 1982, bị đàn áp, bị phân biệt đối xử, thảm trạng của cộng đồng 1,3 triệu người này « có thể gây bất ổn định toàn vùng Đông Nam Á và sẽ bị các phong trào thánh chiến Hồi Giáo kích động thêm ».

Bạo lực tạo thêm bạo lực, đồn bót cảnh sát bị tấn công, quân đội trả đũa với một chiến dịch thanh lọc sắc tộc, đốt làng mạc, giết chết ít nhất 400 dân làng Rohingya trong muà hè vừa qua.

Đông Nam Á dọn đường cho thánh chiến

Sau nhiều năm thảm sát người Hồi Giáo và để cho phong trào Phật tử cực đoan tấn công đàn áp vào năm 2012, những lập luận biện minh của chính quyền quân sự cũng như của chính phủ Aung San Suu Kyi ngày nay tố cáo một chiến dịch « tuyên truyền thất thiệt » bị Les Echos coi là « không đứng vững ».

Vấn đề gai góc cho khu vực là nếu sắc tộc Rohingya tiếp tục bị đàn áp và truy đuổi thì hậu quả sẽ ra sao ?

Lực lượng « Quân Đội Cứu Nguy Rohingya » tấn công hồi tháng 8 tuy chỉ có 150 tay súng.
Nhưng trong vùng Đông Nam Á, với hơn 240 triệu tín đồ và nhiều phong trào Hồi Giáo chính trị cực đoan được các nước Trung Đông tài trợ, nguy cơ một cuộc đấu tranh toàn diện càng lớn nếu trấn áp vẫn tiếp diễn.

Giải pháp cứu nguy là Đông Nam Á phải dấn thân hành động và những quốc gia tài trợ cho chính phủ Aung San Suu Kyi phải gây sức ép.

« Nổi đau » của Aung San Suu Kyi

Cũng cùng nhận định này, Le Monde chia sẻ « lựa chọn đớn đau » của bà Aung San Suu Kyi : có thể nào một khôi nguyên Nobel Hoà Bình, hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để tranh đấu cho dân chủ và lên đài danh vọng thần tượng của thế giới, lại có thể im lặng trước thảm nạn của một cộng đồng thiểu số trong nước của mình ?

Theo nhật báo độc lập, từ hai tuần nay, câu hỏi đớn đau trở nên cấp bách hơn với hàng trăm ngàn dân Rohingya sang Bangladesh tị nạn.
Bị quốc tế và các tổ chức nhân quyền thúc giục, cuối cùng bà Aung San Suu Kyi, phải lên tiếng nhưng gây thất vọng não nề cho những người từng ngưỡng mộ bà.

Lãnh đạo chính phủ Miến Điện công kích tảng « băng sơn thông tin thất thiệt » lên án quân đội chỉ làm tăng thêm khủng hoảng hơn là giảm bớt hành động thô bạo của quân đội.
Theo Le Monde, bà Aung San Suu Kyi không bao giờ nhận mình là « thần tượng » mà bà chỉ là một nhà chính trị.

Tình hình khủng hoảng nhân đạo ở bang Rakhine phản ảnh « giới hạn » trong mối thoả hiệp với phe quân đội.
Bà chỉ kiểm sóat « một phần quyền lực » phần còn lại nằm trong tay các tướng lãnh.
 Bà cũng không có ảnh hưởng gì đối với Phật Giáo cực đoan, đồng minh của quân đội.

Theo Le Monde, trong bối cảnh người Rohingya bị hầu hết các quốc gia láng giềng hất hủi, điểm đáng khen của bà Aung San Suu Kyi là đã trao cho cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan sứ mệnh điều tra và đề nghị một giải pháp khả thi.

Bản báo cáo, với nhận định không khoan nhượng và đề nghị tái lập quyền công dân cho người Rohingya, đã được trình cho chính phủ Miến Điện ngày 24/08, một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công các đồn biên phòng.

Theo Le Monde, đã đến lúc quân đội Miến Điện, cộng đồng quốc tế, nhất là các chính quyền Hồi Giáo phải tỏ ra lưu tâm đến số phận sắc tộc Rohingya, phải nỗ lực phối hợp hành động.

Bắc Triều Tiên, Syria cùng mẫu số ?

Trái đất không bình yên, hai lò lửa khác đang đe dọa Đông Á và Trung Đông trong bối cảnh cộng đồng quốc tế… chia rẽ.

Tổng thống Nga che dấu bất đồng với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trong phương án đối phó với Bắc Triều Tiên trong khi ở Trung Đông, Israel bày tỏ thái độ dứt khóat, để sinh tồn, sẵn sàng ra tay trước như vừa oanh kích nhà máy vũ khí của Syria đêm thứ tư 06/09/2017.

Trở lại cuộc hội kiến tại Vladivostok giữa tổng thống Nga với hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ tư, theo Les Echos, cho dù luôn tươi cười mời gọi đầu tư, chủ nhân điện Kremlin không che dấu được bất đồng sâu rộng với hai đối tác châu Á Shinzo Abe và Moon Jae In.

Một tuần sau khi Bình Nhưỡng thử quả bom H, « thượng đỉnh Davos Á châu » là biểu tượng « hướng đông » của Matxcơva, trong bối cảnh căng thẳng với Tây Phương trên nhiều hồ sơ quốc tế từ Ukraina cho đến Syria.
Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đang làm xáo trộn mọi toan tính chính trị-kinh tế của chính quyền Nga đối với hai đối tác châu Á.

Trước thái độ cứng rắn của thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc trong buổi họp với các doanh nhân , tổng thống Nga không thể lẫn tránh câu hỏi buộc phải nói rõ quan điểm: « Rất khó hù dọa Bình Nhưỡng. Họ khiêu khích nhưng không ngu. Tại sao ta phải rơi vào bẩy của họ » ?

Một doanh nhân Nga tỏ ra chấp nhận « số phận » : Chiến tranh hạt nhân xảy ra thì viễn đông nước Nga lãnh đủ. Thôi đành sống chung với mối đe dọa hạt nhân ».
Cũng nghiêm trọng không kém là tin một cơ sở chiến lược của Syria bị không quân Israel oanh kích hôm thứ tư.

Le Monde xem sự kiện này là thái độ dứt khóat của Tel-Aviv tiêu diệt vũ khí của phe Hồi Giáo Shi-a tận gốc. Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Hama thật ra là nhà máy chế tạo vũ khí hóa học của Syria.

Một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố đầu tháng 9 lần đầu tiên xác nhận quân đội Syria đã dùng bom hóa học thảm sát 28 trẻ em và 23 phụ nữ ở Khan Chaikhoun ngày 04/04 năm nay.
Hệ quả của vụ ném bom này là Donald Trump trả đũa bằng một loạt tên lửa vào một phi trường quân sự của Syria.

Khi quyết định tấn công nhà máy vũ khí này, theo Le Monde, Israel xác định là từ nay công khai tấn công lực lượng Hezbollah-Liban , đồng minh của Damas, mà nguồn vũ khí là do Iran và Syria cung cấp.

Còn theo Libération, chính quyền Benjamin Netanyahu hoàn toàn im lặng.
Nhưng theo phát ngôn viên quân đội Syria, bốn chiến đấu oanh tạc cơ manghiệu « ngôi sao 6 cánh » đã tấn công các cơ sở quân sự « nhạy cảm » của Syria để « nâng cao tinh thần của phe nổi dậy » .

 Nếu đúng là Israel, vì không quân nước nào có khả năng làm « mù mắt » ra-đa của Syria, thì cuộc oanh kích này là thông điệp nhắn gửi tổng thống Syria Bachar al Assad: Israel hành động độc lập với lãnh đạo Nga và Mỹ, hầu bảo vệ quyền sống còn.

Hezbollah-Liban trang bị tên lửa đầu đạn hóa học sẽ là cơn ác mộng của Israel. Sau những phi vụ oanh kích các đoàn xe chở tên lửa và vũ khí do Iran cung cấp, Israel đánh vào nhà máy chế tạo « vũ khí phi quy ước » của quân đội Syria và Hezbollah-Liban.

Colombia: từ linh mục « đỏ » đến nỗ lực hoà giải của Toà Thánh

Trong khi đó, để giúp Colombia củng cố hoà bình sau hơn nửa thế kỷ nội chiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tông du 5 ngày quốc gia Nam Mỹ này, hậu thuẫn cho Giáo Hội địa phương và chính phủ Bogota .
Le Monde và La Croix phân tích căn nguyên nguồn cội.

Theo Le Monde, Giáo Hội và người dân Colombia kỳ vọng vào chuyến tông du của giáo chủ toà thánh La mã, thúc đẩy tổ chức nổi dậy Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc, thân Cuba, và do một linh mục đỏ thành lập cách nay 42 năm, chấp nhận hòa bình với chính quyền trung ương Bogota như lực lượng Mác-xít FARC cách nay vài tháng.

Nhật báo Công Giáo La Croix cho biết thêm, Đức Giáo Hoàng còn có sứ mệnh « chỉ ra con đường hòa bình » cho Colombia mà còn giúp các phe tranh chấp chữa trị căn bệnh chia rẽ trầm kha để hoà giải, lật qua trang sử nội chiến triền miên.

Angela Merkel: nhận lỗi để đi tới

La Croix và Les Échos, trong trang thời sự châu Âu, tập trung vào nữ thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Angela Merkel phải đối đầu với phe cực hữu bài ngoại, khai thác làn sóng tị nạn, và một số vụ án hình sự mà thủ phạm là dân nhập cư để chiêu dụ cử tri trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 9 này.

Tuy nhiên, theo nhật báo Công Giáo, nhà chính trị có bản lĩnh này không hề nao núng, nhìn nhận khiếm khuyết và kêu gọi cử tri thấy rõ những thành tựu phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm của chính phủ do bà lãnh đạo từ 12 năm qua.

Chính thái độ này đã làm cho không ít cử tri ngưỡng mộ : Bà ấy rất tuyệt. Rất thực tế và biết nhận lỗi lầm.

Một số giai thoại về nữ thủ tướng Đức được nhật báo kinh tế Les Echos điểm qua như sau : Năm 1990, thủ tướng cuối cùng của Đông Đức, Lothar de Maizière nói với trợ lý : Sylvia, cô có thể nói với bà Merkel may y phục khác được không ? Ăn mặc kiểu bà ấy, điện Kremlin sẽ không cho chúng ta vào ».
Từ đó, Angela Merkel tìm được một nhà may ở Hambourg, đặt may hàng chục áo veste đủ màu, không có cổ, mặc tới mặc lui cho đến bây giờ.

Ngay cựu thủ tướng Đông Đức Lothar de Maizière cũng khen ngợi : Merkel là một người làm việc siêng năng, thông minh và có phương pháp.
Bà thừa hưởng đặc tính này từ thân phụ mục sư Tin Lành.

Alexei Navalny: trường kỳ tranh đấu với giới trẻ Nga

Tại Nga, thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny phủ bóng bầu cử địa phương.
Theo Les Echos, cho dù bị chính quyền Putin ngăn chận bằng mọi cách, viện hàng loạt lý do « phi lý » để cấm đối lập tranh cử, đối lập Nga, với thủ lĩnh luật sư Alexei Navalny tìm cách « can thiệp » trên hiện trường nhân bầu cử 10/09.

Hơn 70 trụ sở của đối lập được thành lập khắp miền đông nước Nga từ Vladivostok đến Kaliningrad mà tài trợ đến từ quyên góp trên mạng internet.
Thành viên của tổ chức ? Đó là thanh thiếu niên, sinh viên học sinh, muốn « sống trong một nước Nga tự do » như lời tâm sự của Katia, một cô gái 17 tuổi, bất chấp áp lực và đe dọa của nhà trường.

Malaysia : thiên đường bóc lột

Về thời sự châu Á, bài phóng sự của Libération « Thiên đường Malaysia, địa ngục của công nhân nước ngoài » thuật lại đời sống của người lao động trẻ từ các quốc gia châu Á khác, bị tỷ lệ tăng trưởng cao của Malaysia thu hút.

Thực tế, quốc gia Đông Nam Á này là « thiên đường » của tệ nạn bóc lột sức lao động, của điều kiện làm việc khắc nghiệt và chổ ở tồi tệ : mỗi người 5 mét vuông trong độ nóng cháy da của vùng nhiệt đới.
Các công nhân Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Philippines khốn khổ này chắc không biết ở Tây Phương có hai vấn đề đang được nêu lên : thương yêu thực vật và tương lai của nhân loại.

Trang « ý kiến » của Les Echos giới thiệu ba quyển sách tìm hiểu « lắng nghe tâm sự của cỏ cây » và ba quyển nghiên cứu « thăm dò » thế giới thông minh nhân tạo : Robot sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao ?

Switch mode views: