Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bunker 42 » : Căn cứ quân sự bí mật dưới lòng thủ đô Nga

bunker-42-couloir



Bunker 42, hành lang dẫn đến trạm tầu điện ngầm số 528.RFI/Muriel Pomponne

 Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Bang Xô Viết đã chuẩn bị một cách chu đáo cho Thế Chiến Thứ 3.

Gần một ngàn nơi ẩn náu tránh bức xạ nguyên tử đã được xây dựng trên khắp lãnh thổ của Liên Xô cũ.

Công trình xây dựng bunker cuối cùng đã được tiến hành tại Crimée năm 1989, nhưng công trình này đã bị bỏ rơi giữa chừng.

Ngày nay, duy chỉ có một bunker nằm ở ngay giữa lòng thủ đô Matxcơva, « Bunker-42 », là được giải mật.
Năm 2006, chính phủ Nga tổ chức bán đấu giá « Bunker – 42 » và « địa điểm đặc biệt » này đã được tu sửa để biến thành « Bảo tàng Chiến tranh Lạnh », mở cửa cho công chúng.

Gọi là « điểm tham quan đặc biệt » là vì bunker này được xây dựng dưới thời nhà lãnh đạo độc tài Staline, trong vòng sáu năm 1951-1956, theo như giải thích của anh Hữu Nghị, giám đốc công ty du lịch ROLIM TRAVEL tại Matxcơva :
« Căn hầm được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ XX để phòng một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Đến nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều bí mật của lịch sử Xô Viết. Bunker-42 hay “Bảo tàng Chiến tranh Lạnh” là căn hầm có độ sâu 65 m so với mặt đất Moscow, tương đương với độ cao của một tòa nhà 18 tầng.

Hành lang căn hầm được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn bức xạ điện tử dẫn đến một trong những nơi từng là cơ sở quân sự bí mật nhất dưới thời Liên Xô.
Căn hầm có tổng diện tích 7.000 m2. Những công nhân tàu điện ngầm đã xây dựng công trình này trong 6 năm, tuy nhiên họ không hề biết đây là một căn cứ quân sự.
Nguyên lý xây dựng căn cứ này giống như các nhà ga tàu điện ngầm, toàn bộ vật liệu được sử dụng bằng gang và bê tông.

Năm 1956 hầm được chuyển giao cho bộ Quốc Phòng. Trong suốt 30 năm (1956-1986), Bộ Chỉ huy Không quân tầm xa Liên Xô đã đóng quân ở đây và thực hiện nhiều cuộc họp quan trọng.

 Trong hầm 24 giờ luôn có 1 ca trực gồm binh lính và các chuyên gia dân sự, để đảm bảo các máy móc, thiết bị và cung ứng luôn trong trạng thái sẵn sàng. Khi có báo động hay diễn tập thì sẽ có 4 đội trực. »

bunker 42 501

 

Bunker 42, trạm gác 501.
RFI/Muriel Pomponne

 

Vì sao có tên gọi là Bunker 42 ? Theo giải thích của ông Andrei Kacheiev, giám đốc bảo tàng với Murielle Pomponne, thông tín viên đài RFI tại Matxcơva, « Số 4 có nghĩa là 4 khối.

Về số 2, theo như nhiều người nói, bunker nằm dưới điện Kremlin là số 1, và căn hầm này thì được đánh số 2 ».

Cũng theo ông Kacheiev, « lối vào bunker được đóng kín bằng hai cánh cửa kéo, mỗi bên nặng hai tấn.
Do đó, trong trường hợp xảy ra một vụ nổ hạt nhân, những người trú ẩn trong hầm vẫn được bảo đảm an toàn trước mọi vụ nổ có sức mạnh tương đương bằng hai quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki ».

Vị giám đốc kể lại khu vực này đã chuyển sang chế độ hoạt động quân sự ra sao trong cuộc khủng hoảng Cuba.
 « Vào tháng 10/1962, trong vòng 10 ngày, thế giới tưởng chừng như sắp bước vào thế chiến thứ ba giữa Hoa Kỳ và Nga. Chỉ còn thiếu một lệnh đưa ra là tên lửa có thể được phóng đi.

Tất cả các cánh cửa đi vào bunker đều bị đóng chặt. Không có việc luân chuyển nhân sự. 600 người đã được huy động có mặt tại chỗ theo lệnh đưa ra chuẩn bị cho thế chiến thứ ba.
Bunker này có tự cung cấp năng lượng, tự vận hành như một chiếc tầu ngầm hạt nhân đang hoạt động ».

Nguồn lương thực và năng lượng dự trữ có thể đủ cho một tháng. Sau đó nguồn cung ứng sẽ được chuyển đến bằng đường tầu điện ngầm nhờ vào hai lối thông trực tiếp.

bunker 42

Bunker 42, điểm phát nước miễn phí 498
RFI/Muriel Pomponne

Dưới hầm, ngoài Bộ Chỉ Huy Không quân Tầm xa Liên Xô, còn có cả trung tâm điện tín, đài phát thanh và trung tâm nghiên cứu trắc địa v.v…

Khu vực này tuy được mở cửa cho công chúng, nhưng người xem bị cấm chụp ảnh.

 Ông Kacheiev giải thích tiếp :
« Đây là bàn làm việc của sĩ quan điện tín. Vào thời kỳ đó có đến hàng trăm vị trí như vậy, hệ thống hoạt động nhờ vào các đèn điện tử chân không, do đó ở đây rất là nóng.
Từ vị trí này người ta có thể liên lạc với bất kỳ nơi nào trên toàn lãnh thổ và trên thế giới. Và từ đó có thể ra lệnh cho các đội bay bất kể ở đâu.

Hiện một phần thiết bị vẫn còn đang hoạt động, do đó gian phòng này bị cấm chụp ảnh ».

Trong suốt 30 năm hoạt động và mãi cho đến khi được giải mật, không ai ngờ rằng nằm ẩn sâu trong một ngôi nhà tầm thường cao hai tầng, trên một con đường nhỏ chẳng mấy tiếng tăm gì, lại là một căn cứ quân sự.
Cho mãi đến tận năm 1986, đèn trong tòa nhà lúc sáng, lúc tắt, những bình hoa được dời tới dời lui, tạo cảm giác như có người sinh sống tại đây.

Thế nhưng căn cứ này hoạt động 24/24 giờ. Nhân viên làm việc tại đây ra vào theo một quy trình nghiêm ngặt.
Từng nhóm gồm 3 người mặc đồng phục đi vào tòa nhà theo một khoảng cách đều đặn.

Sơ đồ này cũng áp dụng tương tự khi đi ra. Về phần các quân nhân, họ nhận được chỉ thị trả lời những người hiếu kỳ là tòa nhà này có chứa một thư viện cho quân đội.
Còn đối với một số chuyên gia cộng tác tạm thời với căn cứ này được bịt mắt dẫn đến nơi làm việc. Họ đi vào khu bunker bằng nhiều đường hầm bí mật.

Thế nhưng, theo anh Hữu Nghị, « Giữa những năm 80 hầm được tháo dỡ toàn bộ thiết bị để trang bị lại và hiện đại hóa, nhưng tình hình chính trị thay đổi, sự đối đầu giữa URSS và phương Tây dịu đi, nên vào năm 2000 công trình được giải mật.

Căn hầm trở thành bảo tàng vào năm 2006 sau khi Cục Tài sản Quốc gia Nga mua lại với giá 65 triệu rub và nó được khôi phục lại.
Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại bí mật, căn hầm với mã số 42 mới được những người dân Nga biết đến lần đầu tiên vào năm 2007, trong khi có truyền thuyết về một đường hầm số 41 nằm đâu đó dưới chân điện Kremlin.

Đến nay, nhiều người vẫn nói rằng trong lòng đất Moscow vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật của quá khứ. »
directeur andre kacheiev



Giám đốc bảo tàng André Kacheiev, trước cửa đường hầm số 539.
RFI/Muriel Pomponne

Ngoài việc được xem lại những thước phim tài liệu thuật lại những năm tháng đối đầu giữa hai cường quốc quân sự lúc bấy giờ Nga – Mỹ, cuộc chạy đua vũ trang và căng thẳng quốc tế, việc tham gia vào một tình huống giả định phóng tên lửa hạt nhân đáp trả một vụ tấn công từ Hoa Kỳ, là một trong những yếu tố không thể thiếu trong cuộc viếng thăm có hướng dẫn.

Một hồi còi báo động hụ lên. Khách tham quan, nhận được lệnh « nội bất xuất, ngoại bất nhập ».
Trong lúc chờ, người xem được quyền đến dùng bữa ăn tại khối nhà số 3. Ở đây họ có thể thưởng thức các món ăn ưa thích của các nhà lãnh đạo Liên Xô cũ.

Switch mode views: